Langven.com Forum

Giúp đỡ - Lục lọi - Dân l ng - Lịch
Full Version: Hàn Mặc Tử Và Trường Thơ Loạn
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > Văn Học & Ngôn Ngữ
Pages: 1, 2
Hoang Yen
Kiều nữ trong bài thơ 'Đây thôn Vĩ Dạ'


Bóng hình kiều nữ trong bài thơ tình được coi là thành công của nhà thơ Hàn Mặc Tử là hình ảnh của cô thôn nữ Hoàng Cúc. Nàng tên thật là Hoàng Thị Kim Cúc, sinh ngày 5/12/1913, kém Hàn Mặc Tử 1 tuổi.

Cũng như Hàn Mặc Tử, Kim Cúc phải theo gia đình vào Quy Nhơn sinh sống vì cha nàng là công chức làm việc tại đây. Năm 1933, Hàn Mặc Tử vào làm cho Sở Đạc điền Quy Nhơn và quen Hoàng Tùng Ngâm - em thúc bá của Hoàng Cúc. Hoàng Tùng Ngâm sống trong ngôi nhà nhỏ cạnh nhà Hoàng Cúc, anh em bè bạn thường tụ tập chơi đùa, bình phẩm văn thơ. Hoàng Cúc khi đó đang tập tành viết báo với bút hiệu Hoàng Hoa nữ sĩ, nên cũng thường qua lại với Hàn Mặc Tử.

Với bản tính đa tình, Hàn Mặc Tử đem lòng si mê Hoàng Cúc. Những bài thơ Mặc Tử viết tặng Hoàng Cúc đã đến tay nàng qua Hoàng Tùng Ngâm. Hoàng Cúc biết rất rõ tình cảm của Mặc Tử.

Hàn Mặc Tử vào Sài Gòn làm báo. Sau một thời gian, chàng về lại Quy Nhơn. Lúc này gia đình chàng đã dời đến cách nhà Hoàng Cúc chỉ vài căn. Tình xưa dậy sóng trở lại. Giờ đây, thi sĩ họ Hàn ít nhiều đã bạo dạn hơn trước. Bài thơ Hồn cúc đã chứng minh tình cảm của chàng: "Bấy lâu sát ngõ, chẳng ngăn tường/ Không dám sờ tay sợ lấm hương/ Xiêm áo đêm nay tề chỉnh quá/ Muốn ôm hồn cúc ở trong sương".

Năm 1936, Hoàng Cúc theo gia đình về Huế sinh sống. Sau đó, nàng bắt đầu ăn chay trường, trở thành cư sĩ, sống cuộc đời lặng lẽ bí ẩn. Cũng trong năm đó, Hàn Mặc Tử in tập Gái quê, là tập thơ mới đầu tiên kể từ khi chàng bỏ làm thơ Đường luật. Mặc Tử mang theo một số tập ra Huế, và gặp lại Hoàng Cúc trong dịp hội chợ nhưng không dám tặng. Mặc Tử cũng tìm đến Vỹ Dạ - nơi ở của Hoàng Cúc - nhưng chỉ đứng ngoài cổng một lúc rồi bỏ đi.

Nhiều năm sau đó, hai người không còn liên lạc gì với nhau. Một hôm, Hoàng Cúc nghe tin Mặc Tử bị bệnh phong, liền gửi thư thăm hỏi. Quá cảm động, Mặc Tử đã sáng tác bài Đây thôn Vỹ Dạ gửi tặng nàng.

Chuyện tình Hoàng Cúc - Hàn Mặc Tử cũng có những điều gây tranh cãi như trường hợp Mộng Cầm. Hoàng Cúc đã có lần công khai phủ nhận chuyện nàng có tình cảm với Hàn Mặc Tử. Năm 1969, nhà thơ Quách Tấn, người bạn thân thiết của Hàn Mặc Tử, viết một hồi ký lấy tên Đôi nét về Hàn Mặc Tử đăng trên tạp chí Văn, trong đó có phần nói đến mối quan hệ giữa Hoàng Cúc và nhà thơ tài hoa bạc mệnh. Quách Tấn cho rằng hai người không thành duyên nợ là do thân sinh của Hoàng Cúc chê Hàn Mặc Tử không xứng. Hoàng Cúc đọc được hồi ký này, và ngày 15/3/1971, nàng gửi thư cho Quách Tấn để "nói lại cho rõ". Hoàng Cúc phản bác một số chi tiết nhỏ mà Quách Tấn nêu ra: "Hồi ấy tuy Tử ở gần nhà tôi, song Tử và tôi cách xa nhau như hai ngọn núi. Tử thì kín đáo và bẽn lẽn như con gái, còn tôi thì bí mật và xa lạ như cung trăng! Tuy thế Tử cũng đã tìm cách để gặp, nhưng vẫn chưa toại nguyện...".

Thế nhưng Quách Tấn kiên quyết bảo vệ lập trường của mình trong các chi tiết thể hiện việc Hàn Mặc Tử và Hoàng Cúc có yêu nhau: "Những chi tiết trong cuộc tình duyên của Tử - Cúc, thì nhất định ký ức tôi không phản tôi, vì không có gì phức tạp khó nhớ. Việc Tử nhờ người đến dạm là có thật. Người ấy là nhà thầu khoán Bùi Xuân Lang ở Quy Nhơn, vừa thân với Tử, vừa quen với cụ Hoàng Phùng".

Hoàng Cúc ngày ấy là một thiếu nữ trẻ trung yêu đời, lại ít nhiều có tâm hồn văn chương, việc đáp lại những tình cảm của một người như Hàn Mặc Tử là có thể xảy ra. Nhưng sau này cũng như Mộng Cầm, nàng đã cố gắng chôn chặt những điều thầm kín riêng tư vào cõi lòng. Là một người xa lánh cuộc đời để tìm đến cõi thiền, những chuyện tình cảm dù có cũng không thể phơi bày ra công chúng. Vì thế việc Hoàng Cúc phủ nhận chuyện tình cảm với Hàn Mặc Tử có thể hiểu được.

(Theo Thanh Niên)
Hoang Yen
Hàn Mặc Tử - Mai Đình: Tình thơ hay tình yêu?



Mai Đình thực ra không phải là một nàng thơ, cũng không phải là người tình của Hàn Mặc Tử... Đúng nghĩa, nàng là một người bạn văn chương của chàng. Nàng gặp Hàn Mặc Tử khi chàng đã lâm trọng bệnh, xa lánh tất cả mọi người để về ẩn mình trong một cái chòi tranh ở Gò Bồi, cách thành Quy Nhơn 15 cây số.

Mai Đình xuất thân trong một gia đình khá giả, nhưng mang trong mình dòng máu lãng mạn, nàng theo tiếng gọi bốn phương cất bước ra đi. Nhờ có nghề dạy nữ công gia chánh cho những gia đình giàu có nên Mai Đình kiếm kế sinh nhai khá dễ dàng. Nàng đã đặt chân đến nhiều vùng đất xa xôi, có khi qua tận Nam Vang. Năm 1937, Mai Đình đến Quy Nhơn. Trước đó nàng đã nghe danh Hàn Mặc Tử từ lâu. Là một người có cá tính mạnh mẽ, nàng không câu nệ, tìm cách giáp mặt chàng. Lần đầu tiên, Hàn Mặc Tử vì tự ti bệnh tật nên không chịu tiếp. Nàng bèn vào Nha Trang, thông qua Quách Tấn để "tiếp cận" chàng. Trong hồi ký của mình, Quách Tấn nhớ lại: "Gặp tôi, nàng không chút e lệ, ngồi nói chuyện như người quen biết đã lâu. Phê bình bài thơ Gái quê xong, nàng tỏ thật nỗi lòng đối với Tử: “Biết Tử mang bệnh ngặt nghèo, lòng tôi hết sức thương cảm. Tôi mong sao chia sớt được nỗi đau khổ của Tử một đôi phần”. Rồi nàng trách Mộng Cầm sao đành lòng bỏ Tử.



Nàng gửi cho Quách Tấn bài thơ Biết anh để tặng Hàn Mặc Tử với những câu thơ thật mạnh dạn: "Còn anh em đã gặp anh đâu!/Chỉ cảm vần thơ có những câu/Âu yếm say sưa đầy cả mộng/Xui lòng tư tưởng lúc đêm thâu". Đây là bài thơ đầu tiên mở ra một tình bạn văn chương thú vị giữa hai người. Hàn Mặc Tử nhận được thơ, liền hồi âm nhưng Mai Đình đã đi khỏi Nha Trang. Chàng buồn rầu sáng tác bài Lưu luyến: "Chửa gặp nhau mà đã biệt ly/Hồn anh theo dõi bóng em đi/Hồn anh sẽ nhập trong luồng gió/Lưu luyến bên em chẳng nói gì".

Điều đặc biệt nhất trong mối quan hệ Mai Đình - Hàn Mặc Tử là nàng đã hành xử rất đúng với tinh thần văn chương: Tứ hải giai huynh đệ. Theo tài liệu của Trần Thanh Mại thì mùa hè năm 1938, Mai Đình từ biệt Quy Nhơn để vào Sài Gòn thu xếp công việc. Khi trở ra, Mai Đình đưa Hàn Mặc Tử một món tiền để lo thuốc thang và nói ý định của mình: sẽ ở lại trong cái chòi tranh cùng với chàng. Hàn Mặc Tử từ chối nhưng nàng mặc kệ, cứ ở đấy đi chợ nấu ăn, sắc thuốc cho chàng. Mai Đình không hề ngần ngại bệnh tật cũng như dư luận người đời.

Hàn Mặc Tử từ chỗ không muốn gặp mặt đến xúc động trước việc làm của Mai Đình nên đã có nhiều câu thơ tặng nàng: "Đây Mai Đình tiên nữ ở Vu Sơn/Đêm muộn xuống gieo vào muôn sóng mắt/Nàng, ôm nàng hai tay ta ghì chặt/Cả bài thơ êm mát lạ lùng thay!". Ngoài lo việc cơm nước thuốc thang cho chàng, thời gian còn lại, nàng cùng chàng ngâm thơ vịnh cảnh. Hai tâm hồn thi sĩ sống bềnh bồng với những vần thơ như thế suốt một thời gian dài. Nhưng số tiền Mai Đình mang theo cũng đã hết. Nàng khuyên chàng vào Bệnh viện phong Quy Hòa để điều trị, nàng sẽ đi theo và ở luôn trong ấy để chăm sóc cho chàng. Nhưng Hàn Mặc Tử từ chối. Cuối cùng hai người phải từ giã nhau. Nàng lại cất bước giang hồ bốn phương. Lâu lâu, chàng lại nhận được cánh thư của nàng từ phương trời xa nào đó. Trong một lần ngồi buồn, chàng đem những từ ngữ trong bức thư nàng gửi xếp lại thành bài thơ. Đó là bài Thao thức với những câu thơ da diết: "Lạnh quá ánh trăng không sáng mấy/Cho nên muôn dặm ở ngoài kia/Em đang mong mỏi, em đang nhớ/Bứt rứt lòng em muốn trở về".

Mối tình thơ kỳ lạ giữa Mai Đình và Hàn Mặc Tử cùng với việc Mai Đình chăm sóc cho Hàn Mặc Tử được Trần Thanh Mại công bố vào năm 1942, một năm sau ngày Hàn Mặc Tử mãi mãi ra đi. Nhưng câu chuyện trên đây không được gia đình Hàn Mặc Tử thừa nhận và Quách Tấn thì cho rằng Trần Thanh Mại đã hoàn toàn bịa đặt. Tuy nhiên, những tài liệu của Trần Thanh Mại công bố đã thuyết phục được không ít người. Có người cho rằng, trước đây giữa nhà thơ Quách Tấn và nhà phê bình Trần Thanh Mại xảy ra vụ kiện bản quyền thơ Hàn Mặc Tử, liên quan trực tiếp đến cuốn sách Hàn Mặc Tử mà Trần Thanh Mại xuất bản năm 1942, xuất phát từ mâu thuẫn này mà nhà thơ Quách Tấn đã nói như vậy chăng?

(Theo Thanh Niên)
Hoang Yen
Hàn Mặc Tử và những nàng thơ huyền bí


Ngọc Sương ngày trẻ.
Cô gái mang tên Thương Thương là một nàng thơ huyền diệu bởi Hàn Mặc Tử không chỉ đơn thuần làm thơ về cô như những hình bóng giai nhân khác. Trong tâm tưởng ông, Thương Thương không phải là người của cõi trần.

Trong bài Tiêu sầu, chàng đưa mình bay lên tận cung trăng để gặp "Hằng Nga Thương Thương", còn trong vở kịch thơ Duyên kỳ ngộ và Cẩm châu duyên, Thương Thương trở thành tiên nữ. Chính vì vậy, một số tài liệu cho rằng Thương Thương không phải là người có thật mà chỉ là cái tên mượn. Trần Thị Huyền Trang, cháu nhà thơ Quách Tấn viết trong Hàn Mặc Tử - hương thơm và mật đắng: "Thương Thương không phải là một nhân vật có thật. Tất cả mọi chuyện đều do Trần Thanh Địch sắp đặt ra".

Trần Thanh Địch là một trong hai người bạn thân nhất của Hàn Mặc Tử. Thương Thương là Trần Thị Thương Thương, con của ông Trần Thanh Đạt, anh trai hai nhà văn Trần Thanh Mại và Trần Thanh Địch. Hàn Mặc Tử cũng là bạn của Trần Tái Phùng, anh ruột Thương Thương.

Ông Địch cho biết, vào năm 1936, khi Hàn Mặc Tử ra Huế lần cuối cùng để tặng tập Gái quê cho bạn bè, Thương Thương chỉ mới 12 tuổi, nên Hàn Mặc Tử chẳng hề chú ý. Đến năm 1939, trải qua nhiều biến cố đau buồn trong cuộc đời, người anh cả dạy chàng làm thơ năm nào qua đời, Hoàng Cúc theo gia đình về quê, Mộng Cầm bỏ đi lấy chồng, bệnh tình ngày một nặng hơn, Hàn Mặc Tử đã sống ẩn mình, chỉ biết làm thơ. Làm được bài nào, chàng chép lại để gửi ra Huế cho Trần Thanh Địch và Trần Tái Phùng đọc.

Lúc này, tiếng tăm của Mặc Tử nổi như cồn. Thơ chàng làm ra được học sinh trung học chép tay chuyền nhau đọc thuộc lòng, đặc biệt là những nữ sinh. Trần Thị Thương Thương bấy giờ đang học trường Trung học Đồng Khánh, cũng bắt đầu say mê thơ Hàn Mặc Tử.

Trần Thanh Địch kể, một hôm ông đang ngồi viết thư cho Hàn Mặc Tử thì Thương Thương đến gần, nói cho mình gửi lời thăm. Trần Thanh Địch khuyên Thương Thương viết một bức thư ngắn gửi kèm cho lịch sự. Thương Thương nghe lời chú, viết bức thư xã giao, nói đại ý đã đọc thơ của chàng nhiều và rất thích, nay gửi lời chúc chàng mau bình phục để sáng tác.

Nhận được thư Thương Thương, Mặc Tử hồi âm ngay. Nhà thơ nói rất vui và sẽ gửi thơ tặng Thương Thương. Sau đó chỉ vài hôm, Thương Thương nhận được thơ chàng gửi tặng. Mặc Tử cũng đặt cho Thương Thương biệt danh Người lụa bến sông Hương.

Trong hai vở kịch Duyên kỳ ngộ và Quần tiên hội, tên tuổi của Thương Thương và Hàn Mặc Tử được nêu đích danh. "Em là Trần Thương Thương/ Anh là Hàn Mặc Tử/ Không phải cách âm dương/Còn có khi hội ngộ".

Thương Thương lập tức nổi tiếng theo. Giới học sinh ở Huế xôn xao. Trong một thời gian ngắn, chuyện đến tai ông Trần Thanh Đạt, thân sinh của Thương Thương. Gia đình Thương Thương là gia đình quan lại, ông nội Thương Thương làm Thừa biện Bộ Binh, ông ngoại làm Thượng thư Bộ Lễ. Ông Trần Thanh Đạt khi đó đang làm Tham tri Bộ Quốc gia giáo dục, ba năm sau được thăng Thượng thư Bộ Quốc gia giáo dục. Trong một gia đình như vậy, việc Thương Thương trở thành một người nổi tiếng kiểu đó khó được chấp nhận. Ông Trần Thanh Đạt gọi anh Thương Thương là Trần Tái Phùng đến, yêu cầu tìm cách làm nguội dư luận. Trần Tái Phùng bèn viết thư gửi Hàn Mặc Tử, đề nghị chàng thôi sử dụng hình ảnh của Thương Thương trong sáng tác. Tử nhận được thư và lập tức làm theo đề nghị của bạn. Từ đó, Quần tiên hội mãi mãi bị bỏ dở dang.

Thương Thương là một nàng thơ đúng nghĩa của Hàn Mặc Tử. Không gặp mặt, không nghe tiếng. Chỉ là những tưởng tượng. Thế nhưng những sáng tác của chàng về nàng thật diệu kỳ.

Hàn Mặc Tử là một người đa sầu đa cảm. Gặp ai cũng đem lòng thương nhớ. Vì thế có rất nhiều hình bóng giai nhân đã đi vào thơ chàng. Ngoài Mộng Cầm, Hoàng Cúc, Mai Đình, Thương Thương là người phụ nữ thứ tư ảnh hưởng sâu sắc tới thơ Hàn Mặc Tử. Trong từng giai đoạn còn có những người phụ nữ khác để lại dấu ấn trong thơ chàng. Đầu tiên là Ngọc Sương, chị ruột của Bích Khê, bạn Hàn Mặc Tử, dì ruột của Mộng Cầm. Khi Mộng Cầm đi lấy chồng, Bích Khê thấy bạn buồn quá bèn tặng tấm hình của hai chị em cho Hàn Mặc Tử và giới thiệu đôi chút về Ngọc Sương. Do đó mà Ngọc Sương cũng đã đi vào thơ Hàn Mặc Tử. Tuy nhiên Ngọc Sương không hề có mối giao lưu nào với Hàn Mặc Tử dù qua thư từ. Mãi đến khi Bích Khê mất vào năm 1946, Ngọc Sương soạn lại di cảo của em mới biết rõ một số bài thơ Hàn Mặc Tử viết về mình.

Một người nữa là Thanh Huy, tên thật là Võ Thị Thu Huy, chị vợ nhà văn Trần Thanh Địch, khi đó đang sinh sống ở Phan Thiết. Cũng như Ngọc Sương, Thanh Huy chỉ làm quen qua thư chứ chưa gặp mặt Hàn Mặc Tử. Đó là lúc Tử đã phát bệnh nặng. Thanh Huy cũng đang tập tành làm thơ, được Bích Khê khuyên nên viết thư động viên Hàn Mặc Tử. Khi Tử đang chán nản buồn phiền, có bức thư bỏ trong phong bì màu xanh của Thanh Huy gửi đến. Lập tức nhà thơ sáng tác bài Bức thư xanh: "Thanh Huy hỡi nàng chưa là châu báu/ Cớ làm sao phước lộc chảy ra thơ/ Duyên làm sao cho Trí đến dại khờ/ Mắt mờ lệ ở sau hàng chữ gấm/ Ta đã nuốt và hình như đã cắn/ Cả lời thơ cho vãi máu nàng ra". Bài thơ viết một cách dữ dội, Thanh Huy đọc và thôi không liên lạc với Tử nữa vì khiếp đảm.

Mỹ Thiện cũng là một nàng thơ để lại dấu ấn mạnh trong thơ Hàn Mặc Tử. Nàng người gốc Huế, ở cạnh nhà Hàn Mặc Tử tại thành phố Quy Nhơn. Nàng sống với cha và bà mẹ kế xấp xỉ tuổi nàng. Mỹ Thiện rất giỏi âm nhạc dân tộc, nổi tiếng là một cây đàn tỳ bà tài hoa, đặc biệt có thể chơi đủ năm cây đàn tranh, nhị, nguyệt, bầu, tỳ bà. Những đêm khuya, nàng thường dạo đàn tranh réo rắt. Hàn Mặc Tử chưa một lần gặp mặt Mỹ Thiện nhưng chàng bị ám ảnh bởi tiếng đàn. Ở thành phố Quy Nhơn dạo ấy, không chỉ riêng Hàn Mặc Tử mà nhiều chàng trai khác cũng mơ tưởng đến người ngọc. Khi bệnh tình càng nặng, tiếng đàn Mỹ Thiện càng làm cho chàng khó ngủ.

Mỹ Thiện không thoát khỏi hồng nhan bạc phận. Sống với người mẹ kế, nàng thường xuyên chịu đựng những ganh ghét. Và nàng đã kết thúc đời mình bằng những viên thuốc ngủ. Cái chết của Mỹ Thiện đánh tan mọi ngờ vực của những người ác ý và bà mẹ kế là nàng đã hoang thai. Các bác sĩ đã công bố nàng vẫn là cô gái trinh tiết. Cái chết ấy đã khiến Hàn Mặc Tử đau buồn, tiếc thương, và bài thơ Cô gái đồng trinh ra đời tức khắc: "Đêm qua trăng vướng trên cành trúc/ Cô láng giềng bên chết thiệt rồi/ Trinh tiết vẫn còn nguyên vẹn mới/ Chưa hề âu yếm ở đầu môi/ Xác cô thơm quá thơm hơn ngọc/ Cả một mùa xuân đã hiện hình". Hình bóng Mỹ Thiện từ đó còn trở lại nhiều lần trong thơ chàng. Nguyễn Bá Tín em chàng kể lại: "Cô gái đồng trinh từ đó trở thành một hiện tượng kỳ lạ, một nàng thơ dẫn dắt anh vào những nhớ thương bàng bạc bâng quơ, hoặc hòa nhập vào những lời thơ quằn quại xót xa mà cuộc đời nàng đã đi qua ngắn ngủi".

(Theo Thanh Niên)
Hoang Yen
Hàn Mặc Tử - những câu thơ lạ về căn bệnh tâm thần



Ngoài căn bệnh phong đã ảnh hưởng đến thơ của thi sĩ họ Hàn, bật ra thành những lời gào thét uất hận, thì trong thơ Tử còn có những hình ảnh thật kỳ dị khó hiểu có thể liên quan đến một nguyên nhân khác. Chính người em ruột của ông đã đặt vấn đề về căn bệnh tâm thần mà ông mắc phải.

Trong thơ Tử có những hình ảnh thật kỳ dị, đôi lúc ma quái rùng rợn. Đến nỗi Hoài Thanh đã phải công nhận là: "Chính như lời Hàn Mặc Tử nói trong bài Thơ điên, vườn thơ của người rộng thinh không bờ bến, càng đi xa càng ớn lạnh".

Quả đúng như thế. Đọc thơ của chàng đôi lúc thấy sởn da gà: "Tôi ngồi dưới bến đợi nường Mơ/ Tiếng rú ban đêm rạng bóng mờ!/ Tiếng rú lòng tôi xô vỡ sóng/ Rung tầng không khí, bạt vi lô/ Ai đi lẳng lặng trên làn nước/ Với lại ai ngồi khít cạnh tôi?/ Mà sao ngậm cứng Thơ đầy miệng/ Không nói không rằng nín cả hơi", "Lụa trời ai dệt với ai căng?/ Ai thả chim bay đến Quảng Hằng?/ Và ai gánh máu đi trên tuyết/Mảnh áo da cừu ngắm nở nang", "Tôi dìm hồn xuống một vũng trăng êm/ Cho trăng ngập, trăng dồn lên tới ngực/ Cho hai chúng tôi lặng yên trong thổn thức/ Rồi bay lên cho tới một hành tinh/ Cùng ngả nghiêng lăn lộn với muôn hình/ Để gào thét một hơi cho rởn ốc".

Quách Tấn đã nghe Hàn Mặc Tử kể lại những câu chuyện liên quan đến hình ảnh người gánh máu đi trên tuyết như sau: "Đêm ấy, vì tiết sắp sang đông nên bãi biển không một bóng người qua lại, mặc dù trời không lạnh và trăng sáng như ban ngày. Đêm tạnh hết sức, tạnh đến nỗi nghe cả tiếng chiêm bao! Cảnh trời thật mênh mông bát ngát. Lòng tôi lại mênh mông bát ngát bằng hai... Thân tôi chìm trong không gian vô tận và hồn tôi chìm trong cõi lòng rộng vô biên. Tôi có một cảm giác ngờm ngợp... Chợt nhìn lên trời thấy bóng trăng đã đứng đầu, và nhìn bên cạnh thấy một bóng người ngồi sát. Liền đó từ trong bóng người ngồi cạnh tôi, bước ra một bóng người thứ hai, đi từ từ ra biển và bước lững thững trên mặt nước... Rồi hai bóng đều biến mất và mặt biển đông lại thành tuyết sáng ngời dưới bóng trăng khuya. Thoạt hiện ra một người, thân vóc nở nang, mình khoác chiếc áo lông, vai khoác hai thùng thiếc đựng đầy nước óng ánh. Người ấy bước đi thì nước trong thùng tung ra và hóa thành huyết đổ lã chã trên tuyết. Người gánh máu đi lần vào bờ... Tôi khiếp quá hét lên thành tiếng, vụt đứng dậy, chạy một mạch về nhà. Vừa đến nhà, mệt quá, té nằm trước thềm, ngút hơi... Từ ấy cảnh tượng kia ám ảnh tôi mãi...".

Đó là những trạng thái "xuất thần" mà hàng mấy chục năm, tất cả những người nghiên cứu về thơ Hàn Mặc Tử không ai lý giải được nguyên nhân, kể cả Quách Tấn. Người ta chỉ cho rằng nó bật ra từ sự đau khổ nung nấu mà Tử phải gánh chịu mà thôi.

Người em kế của Tử, sau nhiều năm lặng lẽ chiêm nghiệm, đã công bố một kết luận vào năm 1991: "Trong quá trình chung sống bên anh, tôi ghi nhận anh có hiện tượng suy nhược tâm thần, bệnh đó đã được nhiều người bạn tôi, chuyên khoa tâm lý sau này xác nhận là hiện tượng "névrose", một chứng rối loạn thần kinh nào đó, mà con người vẫn còn sáng suốt và rung cảm bén nhạy, vẫn làm chủ được trí óc mình".

Nguyễn Bá Tín cho biết, có một tai nạn đã xảy ra đối với Tử vào lúc nhỏ, có thể ảnh hưởng đến tâm thần chàng về sau. Đó là lúc chàng khoảng 17-18 tuổi, suýt bị chết đuối ở biển Quy Nhơn. Sau khi thoát chết, Tử trở nên hoảng loạn khác thường. Từ đó chàng bỏ luôn thói quen tắm biển, sợ nước, ít hoạt động, hình thể gày nhỏ đi. Nhiều biểu hiện làm cho gia đình sợ rằng Tử bị tâm thần, nhưng sau đó thấy chàng bình thường, thậm chí còn tập làm thơ nên cũng quên đi nỗi lo lắng.

Tuy nhiên với Tử thì khác. Chàng quả quyết rằng trong cơn nguy biến đó, chàng đã được tận mắt thấy Đức Mẹ hiện ra. Đó là giây phút mà chàng run sợ đến ớn lạnh toàn thân. Sau này Tử đã sáng tác bài Ave Maria: "Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy/ Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế/ Tôi cảm động rưng rưng hai hàng lệ/ Giòng thao thao bất tuyệt của nguồn thơ". Chi tiết này càng củng cố cho nhận định của Nguyễn Bá Tín là đúng.

(Theo Thanh Niên)
Hoang Yen
Hàn Mặc Tử với trường thơ loạn



Những vần thơ Chế Lan Viên làm ra đã khiến Hàn Mặc Tử kinh ngạc. Đọc thơ của Chế, thi sĩ họ Hàn tìm ra được một hướng sáng tác: những bài thơ điên loạn. Trước đó, ông đã nghiên cứu rất kỹ trường thơ tượng trưng của Pháp.

Quy Nhơn - Bình Định là vùng đất thiêng. 500 năm trước, vùng đất này là chiến trường đẫm máu. Một vương triều sụp đổ, bao nhiêu chiến binh tử trận. Thành Đồ Bàn ngày nào còn lại một dãy gò sỏi mênh mông với những tháp Chàm đổ nát. Từ xưa, nhiều thi sĩ khi qua đây đã cảm xúc bật ra những vần thơ thống thiết.

Vào những năm 1930-1945, Quy Nhơn - Bình Định bỗng trở thành vùng đất cực thịnh của văn chương nghệ thuật. Nơi đây tập trung toàn những thi sĩ tầm cỡ. Thuở ấy, có cậu học trò nhút nhát thích làm thơ tên là Phan Ngọc Hoan. Đắm mình trong không gian huyền hoặc của cõi Đồ Bàn, Hoan đặt cho mình cái tên Chế Lan Viên rồi khóc than người đã khuất bằng tập thơ Điêu tàn với những câu thơ thật lạ lùng: "Đây, chiến địa nơi đôi bên giao trận/Muôn cô hồn tử sĩ hét gầm vang/Máu Chàm cuộn tháng ngày niềm oán hận/Xương Chàm luôn rào rạt nỗi căm hờn".

Năm 1936, từ Sài Gòn trở lại Quy Nhơn, Hàn Mặc Tử đã gặp Chế Lan Viên. Chế tìm đến Tử như tìm đến một ông thày dạy làm thơ. Thế nhưng những vần thơ của Chế đã khiến Tử kinh ngạc: "Chiều hôm nay bỗng nhiên ta lạc bước/Vào nơi đây thế giới vạn cô hồn/Hơi người chết tỏa đầy trong gió lướt/Tiếng máu kêu rung chuyển cỏ xanh non/Trên một nấm mồ tàn ta nhặt được/Khớp xương ma trắng tựa não cân người/Tủy đã cạn nhưng vẫn đầm hơi ướt/Máu tuy khô còn đượm khí tanh hôi". Trước đó, Hàn Mặc Tử đã nghiên cứu rất kỹ về trường phái thơ tượng trưng của Pháp. Chàng mong muốn tạo ra một trường phái thơ cho riêng mình. Giờ đây Chế đã làm lóe lên trong đầu Tử cái mà lâu nay chàng đi tìm nhưng chưa thấy. Trước đó, khi Yến Lan hoàn thành bản thảo tập Giếng loạn, Tử đã mơ hồ nghĩ đến một thứ thơ "không giống ai". Bây giờ đọc thơ của Chế, Hàn Mặc Tử đã tìm ra được một hướng sáng tác: những bài thơ điên loạn. Vì vậy, ngay trong ngày Chế Lan Viên và Yến Lan đem bản in đặc biệt của tập Điêu tàn đến cho chàng xem, chàng hồ hởi công bố ngay việc thành lập Trường thơ loạn.

Từ đó, dưới ngọn cờ của chủ soái Hàn Mặc Tử, các thành viên trong Trường thơ loạn say sưa sáng tác. Có những đêm cả bọn đem chăn màn ra bờ biển ở lại suốt đêm để thả hồn theo những vần thơ kỳ dị. Thơ của các thi sĩ Trường thơ loạn tràn ngập trăng, hồn, máu, bóng ma, sọ người, xương cốt, tinh tủy... Tất cả say sưa bước chân vào thế giới rùng rợn đó. Nếu Hàn Mặc Tử thích thú với hồn để viết: "Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút/Mỗi hồn thơ đều dính não cân ta/Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt/Như mê man chết điếng cả làn da" thì Chế Lan Viên lại khoái... sọ người hơn: "Hỡi chiếc sọ, ta vô cùng rồ dại/Muốn riết mi trong sức mạnh tay ta/ Để những giọt máu đào còn đọng lại/Theo hồn ta tuôn chảy những lời thơ/Ta muốn cắn mi ra từng mảnh nhỏ/Muốn điên cuồng nuốt cả khối xương khô".

Việc nhóm thơ Bình Định cho ra đời Trường thơ loạn khiến văn thi hữu khắp nơi bàn tán xôn xao. Nhiều người hoan nghênh nhưng cũng không ít người chê bai. Hoài Thanh kể: "Tôi đã nghe người ta mạt sát Hàn Mặc Tử nhiều lắm. Có người bảo: Hàn Mặc Tử thơ với thẩn gì, toàn nói nhảm! Có người còn nghiêm khắc hơn nữa: Thơ gì mà rắc rối thế. Mình tưởng có ý nghĩa khuất khúc gì, cứ đọc đi đọc lại hoài, thì ra nó lừa mình!". Đặc biệt Xuân Diệu là người ghét cay ghét đắng những vần thơ điên của Tử. Hoài Thanh kể tiếp: "Xuân Diệu có lẽ cũng nghĩ đến Hàn Mặc Tử khi viết đoạn này: Hãy so sánh thái độ can đảm kia (thái độ những nhà chân thi sĩ) với những cách đột nhiên mà khóc, đột nhiên mà cười, chân vừa nhảy, miệng vừa kêu: Tôi điên đây! Tôi điên đây! Điên cũng không dễ làm như người ta tưởng đâu. Nếu không biết điên, tốt hơn là cứ tỉnh táo như thường mà yên lặng sống”.

Đúng là những vần thơ điên của các thi sĩ đã gây shock cho nhiều người. Nhưng thật ra đó chỉ là một cách giải quyết sự bế tắc trong tư tưởng mà thôi. Hàn Mặc Tử đã dẫn dắt các thi sĩ sáng tác khá nhiều vần thơ kỳ dị cho đến lúc chàng rời bỏ cuộc đời vào năm 1941. Sang năm 1942, đến lượt Bích Khê cũng vĩnh viễn ra đi. Trường thơ loạn từ đó tan rã.

(Theo Thanh Niên)
Hoang Yen
Hàn Mặc Tử và những câu thơ đầy ma lực


Hàn Mặc Tử lúc ở Quy Nhơn.
Những năm 1938 - 1939, thi sĩ đau đớn dữ dội bởi bệnh tật, nhưng trước mặt bạn bè, chàng cố kìm nén. Chàng chỉ gào thét trong thơ: "Trời hỡi! bao giờ tôi chết đi /Bao giờ tôi hết được yêu vì/ Bao giờ mặt nhật tan thành máu/ Và khối lòng tôi cứng tựa si".

Lúc này, sau một thời gian chữa chạy bằng đông y, chẳng những căn bệnh phong cùi không thuyên giảm chút nào mà ngược lại còn làm thân thể chàng ngày một tiều tụy đi vì những tác dụng phụ của thuốc. Mặt khác, thông tin về việc chàng bị mắc bệnh phong đã đến tai chính quyền địa phương. Do đó, chàng phải liên tục thay đổi chỗ ở để tránh sự truy đuổi gắt gao của Sở Vệ sinh công cộng thành phố Quy Nhơn. Cuối cùng, gia đình tìm thuê cho chàng được một nơi ở khá kín đáo trong khu lao động nghèo nằm bên cồn cát trắng ven biển. Đó là một túp lều tranh mà theo Hoài Thanh kể là rách nát đến độ phải lấy giấy báo và bao thư che những chỗ dột trên mái nhà.

Trong thời kỳ bệnh tật, Tử sáng tác được ba tập thơ là Thơ điên, Xuân như ý và Thượng thanh khí. Nhưng có điều đặc biệt là, những câu thơ của chàng cứ tiến dần đến chỗ rối rắm khó hiểu theo tiến triển bệnh tật. Nhiều câu thơ đọc lên nghe rất hay nhưng độc giả hầu như không ai hiểu tác giả muốn nói gì. Tuy nhiên, theo lời Quách Tấn thì, điều lạ lùng là dù rối rắm khó hiểu như thế nhưng thơ Tử được người đời chuyền tay nhau đọc thuộc lòng, đọc như đọc kinh, không hiểu gì cũng đọc thuộc làu làu. Như thể thơ của chàng lúc đó có ma lực. Hoài Thanh cũng xác nhận điều lạ lùng này: "Trong ý họ, thi ca Việt Nam chỉ có Hàn Mặc Tử. Bao nhiêu thơ Hàn Mặc Tử làm ra họ đều chép lại và thuộc hết. Mà thuộc hết thơ Hàn Mặc Tử đâu phải chuyện dễ. Đã khúc mắc mà lại nhiều: tất cả đến sáu, bảy tập. Họ thuộc hết và chọn những lúc đêm khuya thanh vắng họ sẽ cao giọng, ngâm một mình. Bài thơ đã biến thành bài kinh và người thơ đã trở nên một vị giáo chủ".

Chúng ta biết rằng, lúc Hàn Mặc Tử còn sống, chàng chỉ mới xuất bản được mỗi một tập Gái quê vào năm 1936, khi chàng còn khỏe mạnh và có tiền. Còn phần lớn thơ chàng làm ra trong thời kỳ bệnh tật này thì đến với người yêu thơ qua cách người này cho người khác mượn sổ để chép tay. Thơ của Tử không chỉ làm thích thú những cô cậu học sinh trung học vốn mơ mộng mà còn lan tỏa ra nhiều giới khác. Và thật đáng ngạc nhiên, nó còn lay động đến cả giới tu hành. Có một nữ tu trẻ đẹp chừng mười bảy mười tám tuổi ở ngôi chùa Liên Tôn gần đó, vì ái mộ thơ Tử nên đã không ngần ngại căn bệnh phong cùi gớm ghiếc, ghé vào căn chòi để thăm chàng. Về sau chàng đã đưa ni cô vào trong thơ của mình với những tình cảm khá đặc biệt.

Một điều nữa, không những ma lực có ở trong lời thơ Tử mà còn nằm trong chính con người Tử khi chàng cất giọng đọc thơ. Yến Lan kể: "Nếu ai đã có lần nghe anh ngâm thơ thì mới cảm thấy hết cái cảm giác kỳ lạ lần đầu bắt gặp: nôn nao, nôn nao. Và cộng với lời thơ, gây nên một không khí mông lung. Chúng tôi như bị dồn vào thế giới nào có suối, có đồi, có bóng dáng những cuộc hành hương, và nhạc điệu cung văn, đồng bóng".

Yến Lan, Chế Lan Viên, Hoàng Tùng Ngâm, Trần Kiên Mỹ... là những người bạn thân thiết thường ghé thăm chàng để an ủi chàng, một tâm hồn quá khổ đau lúc này như chàng viết: "Lòng ta sầu thảm hơn mùa lạnh/ Hơn hết u buồn của nước mây/ Của những tình duyên thương lỡ dở/ Của lời rên xiết gió heo may". Bạn bè đã được nghe chàng đọc những vần thơ như chảy ra từ xương tủy. Yến Lan kể tiếp: "Anh đã biến thành những chuỗi dài đau khổ, cao thấp chen nhau như từng tia lửa bùng lên, như mảnh lụa tươi vàng bị xé vụn. Anh đã lấy xác thịt minh họa cho lời thơ. Có khi chúng tôi chảy nước mắt. Còn anh, anh đã thành một người say. Các lần ngâm thơ của anh đều diễn ra như thế vì những bài thơ ấy đều là những bài xót xa nhất. Đặc biệt là hôm anh ngâm bài Thánh nữ đồng trinh Maria. Xáo trộn trong đau thương, còn có nỗi trìu mến hân hoan kỳ lạ".

Hàn Mặc Tử đã đắm mình trong cái không gian vừa đau thương vừa bay bổng đó để làm ra những vần thơ khiến người đời say đắm cho đến lúc chàng phải bước chân vào trại phong Quy Hòa ngày 20/9/1940.

(Theo Thanh Niên)
Hoang Yen
Hàn Mặc Tử - cái chết được báo trước trong thơ


Tượng Hàn Mặc Tử trên đồi Mộng Mơ, Đà Lạt.
Phong không phải là căn bệnh có thể làm chết người một cách nhanh chóng. Đó là căn bệnh chủ yếu làm cho con người bị tàn phế. Một bệnh nhân cùng nhập viện với Tử tên là Nguyễn Văn Xê vẫn tiếp tục sống thêm 55 năm nữa sau khi Tử qua đời.

Có lẽ thi sĩ cũng biết điều đó vì anh rể của ông hồi đó là y tá trong Bệnh viện Quy Nhơn và thi sĩ cũng là người có trình độ hiểu biết cao. Nhưng Tử vẫn luôn luôn nghĩ về cái chết.

Tử đã đoán trước được ngày mình sẽ ra đi. Trong bài Trút linh hồn chàng viết: "Máu đã khô rồi, thơ cũng khô/ Tình ta chết yểu tự bao giờ/ Từ nay trong gió, trong mây gió/ Lời thảm thương rền khắp nẻo mơ". Đó là một lời tuyên bố chắc chắn. Từ khi viết bài thơ này cho đến lúc Tử ra đi là khoảng thời gian khá xa và Tử mất là vì bệnh kiết lỵ. Thế nhưng, chàng vẫn viết: "Ta trút linh hồn giữa lúc đây/ Gió sầu vô hạn nuối trong cây/ Còn em sao chẳng hay gì cả/ Xin để tang anh đến vạn ngày".

Em ở đây là ai? Có lẽ cả Hoàng Cúc, Mộng Cầm, Mai Đình lẫn Thương Thương và nhiều hình bóng giai nhân khác. Tất cả những nàng thơ ấy, lúc này đều đã rời xa chàng. Cách đó một thời gian, chàng đã tạm biệt Thương Thương theo lời đề nghị của người anh ruột nàng là Trần Tái Phùng: "Than ơi! Hỡi! Biệt ly chan chứa/ Tưởng cùng em vui thú hưởng tiêu dao/ Anh sắp đi và hai hàng lệ ứa/ Cả đau thương dồn dập xót tâm bào".

Lúc này, nhiều câu thơ Tử làm ra cứ như lời tiên tri về cái chết. Đây không phải là đặc điểm của những bài thơ thuộc Trường thơ loạn như đã nói trước đây. Bởi chẳng hạn trong Điêu tàn, Chế Lan Viên cũng có dùng những từ ngữ để chỉ sự chết chóc nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng dáng thần chết ở đâu mà chỉ là biểu hiện của triết lý thơ điên loạn mà thôi. Còn một số câu thơ Tử viết về cái chết thì lại khác. Ý thơ rất "gở". Chẳng hạn: "Ta còn trìu mến biết bao người/ Vẻ đẹp xa hoa của một thời/ Đầy lệ, đầy thương, đầy tuyệt vọng/ Ôi! Giờ hấp hối sắp chia phôi".

Khoảng giữa tháng 9/1940, Tử nhắn Quách Tấn từ Nha Trang ra Quy Nhơn gặp chàng. Lúc này chàng đã được làm xét nghiệm và người ta đã phát hiện ra vi trùng Hansen trong cơ thể chàng.

Tử di ngôn lại cho Quách Tấn lo giữ gìn tài sản văn chương của chàng, sau này chàng chết đi thì tùy theo đó mà xử lý. Rồi chàng nhập bệnh viện phong. Nhập viện để chữa trị căn bệnh phong nhưng chàng coi như mình sắp đi vào cõi chết. Vì sao vậy?

Trong Duyên kỳ ngộ, nhân vật Nàng có nói: "Sao thơ anh nhuộm toàn màu ly biệt/ Rên không thôi và nức nở cả ban đêm". Quả đúng như vậy. Ly biệt và chết chóc luôn có mặt trong thơ Tử vào thời gian sau này: "Lòng thi sĩ chứa đầy trang vĩnh biệt/ Mộng có thành là mộng ở đầu hôm", "Không ai trang điểm má đào/ Cho ta say chết đêm nào đêm nay"... Quách Tấn cho biết, viết thư cho bạn, Tử hay nói về cái chết: "Đó là ngưỡng cửa phải bước qua để đi đến cõi vĩnh hằng". Cũng trong vở kịch thơ độc đáo này, có một đoạn thơ làm cho nhiều người ngạc nhiên vì nó rất giống những gì xảy ra sau này. Đó là khi nhân vật Chàng sắp sửa chia tay nhân vật Nàng, đã thốt ra lời than khóc: "Một mai kia ở bên khe nước ngọc/ Với sương sao anh nằm chết như trăng/ Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc/ Đến hôn anh và rửa vết thương tâm". Theo hồi ức của người bạn đồng bệnh Nguyễn Văn Xê thì Tử mất vào ngày 11/11/1940 trong cô đơn lặng lẽ, không có bất kỳ một người thân nào bên cạnh. Ngay buổi chiều ngày hôm đó, tang lễ được tiến hành một cách đơn giản. Nơi Hàn Mặc Tử yên nghỉ nằm bên cạnh con suối, về mùa mưa nước thường dâng đầy bờ. Điều này y như câu thơ trên mà chàng đã viết trước đó rất lâu.

Chàng đã nằm lại bên "khe nước ngọc" đó cho đến gần 20 năm sau mới được gia đình đưa đi nơi khác. Năm 1959, gia đình Tử cùng với người bạn thân là Quách Tấn tìm một mảnh đất khác cho chàng. Sinh thời, chàng rất thích cảnh Đèo Son nhưng vì ở đó đang là khu quân sự thuộc chính quyền Sài Gòn nên đành phải tìm đến Gành Ráng. Ngày 13/1/1959, Tử được cải táng về Gành Ráng.

Như vậy là, một đời thơ dữ dội của nhà thơ có số phận lạ kỳ Hàn Mặc Tử đã kết thúc. Chàng đã được thỏa mãn cái ước ao mà ngày nào vị phó soái của Trường thơ loạn Chế Lan Viên từng viết: "Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh/ Một vì sao trơ trọi cuối trời xa/ Để nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh/ Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo".

(Theo Thanh Niên)
Hoang Yen
PHẦN TH



Ghen

Hàn Mặc Tử

Ta ném mình đi theo gió trăng
Lòng ta tản khắp bốn phương trời
Cửu trùng là chốn xa xôi lạ
Chim én làm sao bay đến nơi?

Chiếc tàu chở cả một đêm trăng
Muôn ánh sao ngời chói thẳng băng
Muôn sợi hương trầm say bối rối
Muôn vàn thần thánh sống cao sang.

Giây phút ôi chao! Nguồn cực lạc
Tình tôi nghe hết thú vô biên
Ai cho châu báu cho thinh sắc
Miệng lưỡi khô khan, hết cả thèm.
Hoang Yen
Trường Tương Tư

Hàn Mặc Tử

Hiểu gì không, ý nghĩa của trời thơ
Của hương hoa trong trăng lờn lợt bảy
Của lời câm muôn vì sao áy náy
Hiểu gì không em hỡi! hiểu gì không?
Anh ngâm nga để mở rộng cửa lòng
Cho trăng xuân tràn trề say chới với
Cho nắng hường vấn vương muôn ngàn sợi;
-- Cho em buồn trời đất ứa sương khuya,
Để em buồn, để em nghiệm cho ra
Cái gì kết lại mới thành tinh tú;
Và uyên ương bởi đâu không đoàn tụ,
Và tình yêu sao lại dở dang chi,
Và vì đâu, gió gọi giật lời đi.
-- Lời đi qua một chiều trong kẽ lá,
Một làn hương mới nửa lừng sa ngã
Anh mến rồi ý vị của làn mơ.


Lệ Kiều ơi! em còn giữ ý thơ
Trong đôi mắt mùa thu trong leo lẻo,
Ở xa xôi lặng nhìn anh khô héo
Bên kia trời hãy chụp cả hồn anh.
Hãy van lơn ở dưới chân Bàn Thành,
Cho yêu ma muôn năm vùng trở dậy,
Náo không gian cho lửa lòng bùng cháy,
Và để cho kinh động đến người tiên,
Đang say sưa trong thế giới Hão Huyền
Đang trửng giỡn ở bên sông Ngân biếc...


Anh rõ trước sẽ có ngày cách biệt,
Ngó như gần nhưng vẫn thiệt xa khơi!
Lau mắt đi đừng cho lệ đầy vơi.
Hãy mường tượng một người thơ đang sống
Trong im lìm lẻ loi trong dãy động.
-- Cũng hình như, em hỡi! động Huyền Không!
Mà đêm nghe tiếng khóc ở đáy lòng,
Ở trong phổi, trong tim, trong hồn nữa.
Em có nghĩ ra một chiều vàng úa,
Lá trên cành héo hắt, gió ngừng ru:
"Một mối tình nức nở giữa âm u,
"Một hồn đau rã lần theo hương khói,
"Một bài thơ cháy tan trong nắng dọi,
"Một lời run hoi hóp giữa không trung,
"Cả niềm yêu, ý nhớ, cả một vùng,
"Hóa thành vũng máu đào trong ác lặn".


Đấy là tất cả người anh tiêu tán,
Cùng trăng sao bàng bạc xứ Say Mơ,
Cùng tình em tha thiết như văn thơ,
Ràng rịt mãi cho đến ngày tận thế.
Hoang Yen
Mơ Hoa

Hàn Mặc Tử

Khói trầm lan nhẹ ngấm không gian,
Giây phút buồn lây đến mộng vàng.
Xiêm áo hôm nay tề chỉnh quá,
Dám ôm hồn cúc ở trong sương.

Hãy tưới lên hoa giọt lệ nồng,
Đếm từng cánh một mấy lần thương.
Hãy chôn những mảnh xuân tàn tạ.
Và hãy chôn sâu tận đáy lòng.

Bóng người thục nữ ẩn trong mơ.
Trong lá, trong hoa, khói bụi mờ.
Xin chớ làm thinh mà biểu lộ
Những tình ý lạ, những lời thơ.

Hãy quỳ nán lại: tiếng sao rơi
Khua ánh trăng xanh động khí trời.
Gió thở hay là hoa thở nhỉ?
Ô hay người ngọc biến ra hơi.
Hoang Yen
Huyền Ảo

Hàn Mặc Tử

Mới lớn lên trăng đã thẹn thò
Thơm như tình ái của ni cô
Gió say lướt mướt trong màu sáng
Hoa với tôi đều cảm động sợ

Đang khi màu nhiệm phủ ban đêm
Có thứ gì rơi giữa khoảng im.
- Rơi từ thượng tầng không khí xuống -
Tiếng vang nhè nhẹ dội vào tim.

Tôi với hồn hoa vẫn nín thinh
Ngấm ngầm trao đổi những ân tình
Để thêm ấm áp nguồn tơ tưởng
Để bóng trời khuya bớt giật mình.

Từ đầu canh một đến canh tư,
Tôi thấy trăng mơ biến hóa như
Hương khói ở đâu ngoài xứ mộng
Cứ là mỗi phút mỗi nên thơ.

Ánh trăng mỏng quá không che nổi
Những vẻ xanh xao của mặt hồ
Những nét buồn buồn tơ liễu rủ;
Những lời năn nỉ của hư vô.

Không gian dầy đặc toàn trăng cả:
Tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng.
Mỗi ảnh mỗi hình thêm phiếu diễu.
Hoang Yen
Gái quê


Xuân trẻ, xuân non, xuân lịch sự

Tôi đều nhận thấy trên môi em

Làn môi mong mỏng tươi như máu

Đã khiến môi tôi mấp máy thèm



Từ lúc tóc em bỏ trái đào

Tới chừng cặp má đỏ au au

Tôi đều nhận thấy trong con mắt

Một vẻ ngây thơ và ước ao



Lớn lên em đã biết làm duyên

Mỗi lúc gặp tôi che nón nghiêng

Nghe nói ba em chưa chịu nhận

Cau trầu của khách láng giềng bên.

Hàn Mặc Tử
Hoang Yen
Đây thôn Vĩ Dạ


Sao anh không về chơi thôn Vĩ

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt qua xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền



Gió theo lối gió, mây đường mây

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?



Mơ khách đường xa, khách đường xa...

Áo em trắng quá nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà?

Hàn Mặc Tử
Hoang Yen
Âm Nhạc

Hàn Mặc Tử

Tinh hơn đồng trinh
Hừng qua hừng đông
Em mình nghe không
Im chưa nên đông
Say chưa ra lòng
Đều ngâm giấm cả .

Màu nào sắp rã
Vồng nào sắp cao
Ánh nào tương giao
Muôn thương đều lắng
Nhấn nào khăn khắn
Nhịp nào âu lo
Em hãy cầu cho .

Tinh hơn đồng trinh
Hừng quá hừng đông
Em mình nghe không?

Nhạc vàng tỏ rõ
Như sao trên trời
Đem nguyền ra phơi
Đem phần ra phơi
Ân tình tri ngộ
Trước đời trăng lên.

Em hãy làm duyên
Em cứ y nguyên
Đàn rơ tơ riết
Cả lòng đam mê .
In hình tưởng nhớ
Như tuồng ai ra
Như tuồng lân la
Đâu đây quyến luyến
Đố Nàng gần xa .

Màu không thấy ửng
Mùi qua linh thiêng
Những cốt cách tiên
Thảy đều cảm biết
Khi lòng xin thương
Lên gần đài Trăng
Hương ráng sức hương
Bừng bừng cao trăng.

Dâng lên quá trí
Quá giải Hàn Giang
Đố Nàng nói sao .

Trong nụ cười nao
Trong búp hoa nào
Có gì phôi thai .
Sao vấn vương hoài
Sao đầm hơi thở
Hương đầm hơi nhớ
Hương đầm hơi quen
Đố Nàng hay em.
Hoang Yen
Âm Thầm


Hàn Mặc Tử

từ gió xuân đi, gió hạ về
anh thường gửi gắm mối tình quê
bên em mỗi lúc trên đường cái
hóng mát cho lòng được thỏa thuê!

em có ngờ đâu trong những đêm
trăng ngà giãi bóng mặt hồ êm
anh đi thơ thẩn như ngây dại
hứng lấy hương nồng trong áo em

bên khóm thùy dương em thướt tha
bên này bờ liễu anh trông qua
say mơ vướng phải mùa hương ướp
yêu cái môi hường chẳng nói ra

độ ấy xuân về em lớn lên
thấy anh em đã biết làm duyên
yêu dấu lòng anh ôm hận riêng.
Hoang Yen
Bắt Chước


Hàn Mặc Tử

Để cho hoa gió thì thào
Để cho mây nước nơn nao
Quên câu thương nhớ rồi sao
Em ơi thế nghĩa là sao
Khi hương thơm kề lỗ miệng
Khi tình mới chạm vào nhau?
Em ơi thế nghĩa là sao?
Trăng đang nằm trên sóng cỏ
Cỏ đùa trăng đến bên ao
Trăng lại đẫm mình xuống nước
Trăng nước đều lặng nhìn nhau...
Đôi ta bắt chước thì sao?
Hoang Yen
Bẽn Lẽn



Hàn Mặc Tử

Trăng nằm sóng soải trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi
Hoa lá ngây tình không muốn động
Lòng em hồi hộp, chị Hằng ơi.

Trong khóm vi vu rào rạt mãi
Tiếng lòng ai nói? Sao im đi?
Ô kìa, bóng nguyệt trần truồng tắm
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe.

Vô tình để gió hôn lên má
Bẽn lẻn làm sao lúc nửa đêm
Em sợ lang quân em biết được
Nghi ngờ tới cái tiết trinh em.
Hoang Yen
Biển Hồn Ta



Hàn Mặc Tử

Máu tim ta tuôn ra làm bể cả
Mà sóng lòng rồn rập như mây trôi
Sóng lòng ta tràn lan ngoài xứ lạ
Dâng cao lên, cao tột tới trên trời.

Ôi ta đã mửa ra từng búng huyết
Khi say sưa với lượn sóng triền miên
Khi nhận lấy trong thâm tâm cay nghiệt
Giọng hờn đau trăm vạn nỗi niềm riêng.

Ta muốn níu hồn ai đương hiển hiện
Trong lòng và đang tắm máu sông ta
Ta muốn vớt ai ra ngoài sóng điện
Để nhìn xem sắc mặt với làn da.

Ôi ngông cuồng! Ôi rồ dại, rồ dại!
Ta đi thuyền trên mặt nước lòng ta
Ôi ngông cuồng, ôi rồ dại, rồ dại
Ta cắm thuyền chính giữa vũng hồn ta.
Hoang Yen
Buồn Ở Đây



Hàn Mặc Tử

Rao rao gió thổi phương xa lại
Buồn đâu say ngấm áo xuân ai
Lay bay lời hát, ơ buồn lạ
E buồn trong mộng có đêm nay .

Nắng sao như nắng đời xưa ấy
Nắng vàng con mắt thấy duyên đâu
Muốn gởi thương về người cổ độ
Mà sao tình chẳng nói cho đau .

Chiều xưa khúc nhạc nóng ran lên
Không có ai đi để lỗi thuyền
Nguồn thơ ứa mãi hai hàng lệ
Tờ giấy hoa tiên cũng ướt mèm.
Hoang Yen
Buồn Thu



Hàn Mặc Tử


Ấp úng không ra được nửa lời,
Tình thu bi thiết lắm thu ơi!
Vội vàng cánh nhạn bay đi trớt.
Hiu hắt hơi may thoảng lại rồi...
Nằm gắng đã không thành mộng được,
Ngâm tràn cho đỡ lúc buồn thôi.
Ngàn trùng bóng liễu trông xanh ngắt,
Cảnh sắp về đông mắt đã vơi.
Pages: 1, 2
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > Văn Học & Ngôn Ngữ
Bạn đang xem phiên bản gọn nhẹ của diễn đ n dưới dạng text, để xem các b i viết với đầy đủ mầu sắc v hình ảnh hãy nhấn v o đây !
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.