Langven.com Forum

Giúp đỡ - Lục lọi - Dân l ng - Lịch
Full Version: Trịnh Công Sơn
Quán nước đầu làng Ven > Thư viện làng Ven > Người Việt Nam
Pages: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7
1dc7
Tớ có viết về cảm xúc với Mưa hồng trong bài về hợp âm. Câu mà buồn quá đến như thấy được mầu mưa ;) là của bạn DX hay là của bác Phạm Duy? Đọc cái này có vẻ như là của DX hay sao đấy chứ Rên?
Người Thăng Long
Không thấy Rên viết tiếp nữa nhỉ?
FR
BUỒN BÃ VỚI NHỮNG MÔI HÔN

Cao Huy Thuần


Tất cả bài nhạc của Trịnh Công Sơn đều ngắn hoặc rất ngắn. Riêng một bài duy nhất mang dáng dấp một trường ca : bài Đoá Hoa Vô Thường. Với nhạc dạo đệm trước mỗi đoản khúc, bài hát kể một tình sử triết lý qua cách hiểu của Trịnh Công Sơn về chữ " ái " và chữ " tâm ".
Đây không phải là lần đầu vô thường đi vào lời ca của Trịnh Công Sơn. Vô thường bàng bạc trong nhạc Trịnh Công Sơn từ thuở đầu, nhưng không mấy ai để ý. Lời ca của anh hay quá, thơ quá, hát lên nghe đã bâng khuâng rồi, đâu cần hiểu ý nghĩa, chỉ mang máng thấy lời thơ có một chiều sâu triết lý thiếu vắng hẳn trong nhạc Việt Nam. Có lẽ chính tác giả cũng chưa ý thức được rõ ràng điều mình cảm nhận, và chính nhờ thế mà tính cách mông lung của lời ca làm rung động lòng người, khác với lời văn sáng sủa. Với Đóa Hoa Vô Thường, Trịnh Công Sơn nhạc hoá lý thuyết và lý thuyết hoá nhạc. Anh còn chua thêm giải thích ở mỗi chuyển mạch để ý của nhạc được hiểu rõ hơn. Đoạn thứ nhất là đi tìm tình, nhịp thong dong. Đoạn thứ hai là gặp tình, đưa tình về, nhịp hớn hở, mùa xuân trên những mái nhà, có con chim hót tên là ái ân. Đoạn thứ ba là bốn mùa yêu nhau trong lẽ vô thường của trời đất. Sau đó, nhạc bắt đầu hiu hắt, một thời yêu dấu đã qua, ôi áo xưa em là một chút mây phù du. Rồi nhạc mạnh và êm dịu lại để đi vào đoạn kết : từ đó ta là đêm nở đoá hoa vô thường. Tại sao nhạc êm dịu lại ? Anh giải thích : tình do tâm ta mà sinh, có khi tình mất mà tâm còn động vọng, đến lúc tâm bình an thì tình kia cũng đoạn nỗi.

Chữ " ái ", đó là chỗ mà ai cũng thấy nơi Trịnh Công Sơn, chiếc nôi trong đó chúng ta nằm nghe anh ru từ mấy chục năm nay. Chữ " tâm " là cánh cửa mới mở ra trước Trịnh Công Sơn, nơi anh có cảm tưởng đang đến, kết thúc một đời rong chơi. Từ " ái " đến " tâm ", Đóa Hoa Vô Thường trình bày một quá trình chuyển hoá trong đó chuyện đời cũng như chuyện tình diễn biến dưới hình thức đối nghịch của từng đôi, từng cặp như tôi với em : tìm/gặp, gặp/mất, mất/còn, có/không. Vô thường, trong Trịnh Công Sơn, không có gì khác hơn là cái có đi vào cái không. Có thể ý tưởng về quá trình đối nghịch đó đã nằm trong vô thức của Trịnh Công Sơn từ trẻ. Hát lại Trịnh Công Sơn từ khi anh mất, trực nhận của tôi chợt bắt gặp vô thức của anh. Tôi sẽ nói ở đây những đối nghịch đó mà tôi nghĩ luôn luôn là nét chính trong nhạc Trịnh Công Sơn. Tôi sẽ trích khá nhiều ví dụ, nhưng tôi phải tự kiềm chế tôi, nếu không thì hát hoài không dứt.

Tôi muốn bắt đầu bằng một đối nghịch trong cách vẽ tranh của Trịnh Công Sơn. Chẳng tại sao cả. Chỉ vì nói đến nhạc Trịnh Công Sơn mà bắt đầu bằng triết lý chắc là không ổn, vì anh là thi sĩ. Phải bắt đầu bằng người đẹp, người đẹp nhất trong tất cả những người đẹp nhất từ hai trăm năm nay : Thúy Kiều.

Gió sẽ mừng vì tóc em bay
Cho mây hờn ngủ quên trên vai


Tại sao gió sẽ mừng ? Vì tóc em là gió. Gió đùa với gió, làm sao gió không vui ? Tại sao mây lại hờn ? Vì tóc em là mây. Mây thua nước tóc, làm sao mây không dỗi ? Em là giai nhân toàn bích. Thế nhưng một nhan sắc toàn bích không làm Trịnh Công Sơn rung động. Giữa toàn bích, anh chấm một nét hỏng, và chính nét hỏng đó là cái duyên làm say lòng người.

Cho mây hờn ngủ quên trên vai
Vai em gầy guộc nhỏ
Như cánh vạc về chốn xa xôi


Tất cả những người đẹp của Trịnh Công Sơn đều có vai gầy. Vai gầy, có thể đẹp. Nhưng gầy guộc thì nhất quyết là hỏng. Thì thiếu da thơm quả ngọt mùa xuân. Vậy mà khi thả giọng trầm xuống chữ guộc, tôi tưởng như nghe có cánh con vạc bất chợt vỗ nước bay vào đêm thâu. Đêm vắng sâu hơn và Thúy Kiều đẹp hơn.

Đối nghịch là nét nhạc riêng của Trịnh Công Sơn. Anh nói một điều rồi anh nói điều trái lại. Như nét hỏng nằm giữa toàn bích. Bài hát này của anh đối nghịch với bài hát kia, lời một đối nghịch với lời hai, câu sau nghịch với câu trước, thậm chí hai hình ảnh nghịch nhau trong cùng một câu, trong vòng đôi ba chữ.

Tôi lấy ví dụ Trịnh Công Sơn hát cô đơn. Anh là người cô đơn cùng cực :

Trời cao đất rộng một mình tôi đi
Một mình tôi đi
Đời như vô tận một mình tôi về
Với tôi.

Anh cô đơn với. Chữ với làm tôi rờn rợn. Như câu sau này :

Một ngày thấy bóng em qua nơi này / một lần với bóng tôi
Một ngày đã có em xa nơi này / một ngày với vắng tôi

Với vắng tôi. Em chỉ với khi nào không có tôi. Em cộng với con dấu trừ. Cho nên chúng ta chỉ có cái bóng của nhau.

Trịnh Công Sơn hát cô đơn thảm sầu như vậy, nhưng hát đôi lứa cũng nồng nhiệt vời vợi. Anh cổ vũ :

Hãy ru nhau trên những lời gió mới
Hãy yêu nhau cho gạch đá có tin vui...
Hãy kêu tên nhau trên ghềnh dưới bãi
Dù mai nơi này người có xa người


Trịnh Công Sơn hát tuyệt vọng. Anh nằm chết lịm trong tuyệt vọng, tuyệt vọng rơi rất gần rơi xuống trong tôi như hoa tiễn đưa rơi trên mộ. Nhưng anh lại đánh trống thúc quân đừng tuyệt vọng tôi ơi đừng tuyệt vọng. Anh đang nằm xuống hay anh đã đứng dậy ?

Trịnh Công Sơn nhìn đời buồn tênh. Buồn tênh !

Sống có bao năm vui vui buồn buồn người người ngợm ngợm
Sống chết mong manh như thân cỏ hèn mọc đầy núi non


Nhưng Trịnh Công Sơn yêu đời thắm thiết. Anh quỳ xuống, tạ ơn đời đã cho anh hạnh phúc lẫn thương đau :

Dù đến rồi đi tôi cũng xin / tạ ơn người tạ ơn đời
Tạ ơn ai đã cho tôi còn những ngày / quên kiếp sống lẻ loi
Dù đến rồi đi tôi cũng xin / tạ ơn người tạ ơn đời
Tạ ơn ai đã cho tôi tình sáng ngời / như sao xuống từ trời


Tôi biết có người sẽ nói : thì Trịnh Công Sơn cũng như mọi nghệ sĩ khác, có vui có buồn, có yêu thương, có tuyệt vọng. Không phải thế ! Trong nhạc Trịnh Công Sơn, vui đi cặp đôi với buồn, hạnh phúc sóng bước với thương đau trong cùng một bài, trong cùng một câu. Đây là hai vế trong cùng một bài, vế thứ nhất là thương đau :

Tình yêu như nỗi chết cơn đau thật dài
Tình khâu môi cười / hình hài xưa đã thay / mặn nồng xưa cũng phai
Tình chia nhau gian dối / tình đày tình đôi nơi


Vế thứ hai là hạnh phúc :

Một mai thức dậy / chợt hồn như ngất ngây / chợt buồn trong mắt nai
Rồi tình vui trong mắt / rồi tình mềm trong tay
Hạnh phúc tưởng như thiên thu :
Tình cho nhau môi ấm / một lần là trăm năm


Cũng hai vế đối nhau như thế trong hai đoạn, tôi hát thêm bài nữa. Đoạn trước là phụ bạc, nợ nần :

Hai mươi năm xin trả nợ dài
Trả nợ một đời em đã phụ tôi
Em phụ tôi một thời bé dại
Thơ dại ra đi không nhớ gì tôi
Thơ dại ra đi quên hết tình tôi


Đoạn sau là tha thứ lau xoá oán trách, yêu thương vẫy gọi yêu thương :

Bao nhiêu năm vẫn lại nhiệm mầu
Trả nợ một lần quên hết tình đau
Hai mươi năm vẫn là thuở nào
Nợ lại lần này trong cõi đời sau


Đó là hai vế nghịch nhau trong một bài. Bây giờ là hai vế nghịch nhau trong cùng một đoạn. Như thế này là có hay không :

Tiếng thì thầm từng đêm nhớ lại
Ngỡ chỉ là cơn say
đóa hoa vàng mỏng manh cuối trời
Như một lời chia tay


Như thế này là xa hay gần :

Tình như nắng vội tắt chiều hôm
Tình không xa nhưng không thật gần
Như thế này là rộng hay hẹp :
Tình yêu như biển biển rộng hai vai
Tình yêu như biển biển hẹp tay người
Biển hẹp tay người
Lạc lối.

Như thế này là có hay không, mưa hay nắng, đông hay xuân, khứ hay hồi :

Ngoài hiên vắng giọt thầm cuối đông
Trời chợt nắng vườn đầy lá non
Người lên tiếng hỏi người có không
Người đi vắng về nơi bế bồng


Như thế này là sống hay chết, tàn hay nở :

Chìm dưới cơn mưa một người chết đêm qua
Chìm dưới đất kia một người sống thiên thu
Chìm khuất trong ta một lời nói vu vơ
Chìm dưới sương thu là một đóa thơm tho

Như thế này là ngày hay đêm, lên hay xuống :

Gió cuốn đi cho mây qua dòng sông
Ngày vừa lên hay đêm xuống mênh mông


Đó là hai vế nghịch nhau trong cùng một đoạn, hoặc giữa câu trước với câu sau. Nhưng lại rất lắm khi nghịch với thuận, không với có, trộn lẫn với nhau, buồn xen trong vui, mông lung không biết đâu là vui đâu là buồn. Mưa là buồn chăng ? Không hẳn, mưa trong Trịnh Công Sơn rất hồng, vì mưa trong nắng, mưa khi trời ươm nắng cho mây hồng. Nắng là vui chăng ? Không hẳn, lung linh nắng thủy tinh vàng, nhưng nắng lên mà chợt hồn buồn dâng mênh mang. Mưa Huế rất nặng hột, vậy mà mưa cứ như thì thầm dưới chân ngà. Nắng được trời gọi lên, nhưng trời cũng chẳng biết đó là nắng của mưa hay mưa của nắng :

Gọi nắng cho cơn mưa chiều nhiều hoa trắng bay
Nắng qua mắt buồn lòng hoa bướm say


Bao nhiêu nụ hồng trong Trịnh Công Sơn, lạ quá, đều là nụ hồng tàn : em gọi nụ hồng vừa tàn cuối sân ; đóa hoa hồng tàn hôn lên môi em ngày tháng dài. Có một chút của cái này và một chút của cái kia. Có một chút của cái này trong một chút của cái kia. Có một chút xuôi trong ngược. Trăm năm trong xuân thì. Chân như trong hạt lệ :

Bước tới hư vô khoác áo chân như
Long lanh giọt lệ / long lanh giọt lệ / giọt lệ thiên thu


Phôi pha cũng vậy. Trong nhớ đã có quên, trong quên vẫn cứ nhớ, tưởng vơi mà đầy, trong con nước rút đi có hồng thuỷ dâng lên :

Tình ngỡ đã phôi pha nhưng tình vẫn còn đầy
Người ngỡ đã xa xăm bỗng về quá thênh thang
Ôi áo xưa lồng lộng đã xô dạt trời chiều
Như từng cơn nước rộng xoá một ngày đìu hiu


Đến đây, e không còn nói đối nghịch được nữa. E phải nói đối hợp. Vẫn nghịch như trời với đất, nhưng sương phủ mênh mông nối đất với trời. Chỉ còn mông lung sương. Rõ ràng nhất là cặp vợ chồng đi-về. Không bao giờ Trịnh Công Sơn nói đi mà không nói về. Hễ có đi là có về, hễ về là lại đi, không bao giờ câu trên đi mà không có câu dưới về, thậm chí đi về nằm ôm nhau trong một câu, trong hai chữ, trong một cõi, một cõi đi về.

Trong khi ta về lại nhớ ta đi
đi lên non cao đi về biển rộng


Vừa đi vừa về như thế, đôi chân loanh quanh không biết xoay sở thế nào, tự hỏi, thắc mắc : đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt. Bốn mùa cũng loanh quanh như thế : mùa xuân chưa qua mùa hạ đã đến, mùa thu chưa đi, mới đầu thu thôi chân ngựa đã về. Mà chỗ về của Trịnh Công Sơn cũng lạ : không phải về nơi đây mà về chốn xa. Con người ra đi, tưởng đi đến đâu, ô hay chỉ làm một vòng xinh rồi trở về nơi cũ, như nằm mộng thấy mình đi :

Đường chạy vòng quanh một vòng tiều tuỵ
Một bờ cỏ non một bờ mộng mị
Ngày xưa.


Tôi nghe có người nói một câu hay khi đến thăm một người rất danh tiếng vừa chết : chỉ có ông ta không biết ông ta chết. Tôi nghĩ Trịnh Công Sơn không nói như vậy. Chắc anh vẫn đang thấy anh, vẫn đang thấy mọi người tiếp tục chạy vòng quanh. Tiếp tục đi, tiếp tục về. Tôi nghe như anh đang hát thế này với các người đẹp đến khóc anh : Này em,

Không có đâu em này không có cái chết đầu tiên
Và có đâu bao giờ đâu có cái chết sau cùng

Không có đầu tiên, không có sau cùng, không đầu không đuôi, làm sao chết được, bởi vì làm sao bước ? Phải có cái bước đầu tiên mới có cái bước thứ hai, mới có cái bước sau cùng, mới chết, mới có người khóc, mới có văn tế. Vì bước không được, cho nên Trịnh Công Sơn chỉ lăn, và anh đã nghêu ngao như thế rồi. Anh ngồi giữa con phố, nhìn những gót chân thon đi ngược, nhìn những gót chân hồng đi xuôi, và anh í a tôi xin làm đá cuội và lăn theo gót hài. Anh lăn như thế nhiều lần với ám ảnh tử sinh. Sống chết là bánh xe lăn tròn, vô thuỷ vô chung. Trịnh Công Sơn không nói bánh xe, nhưng anh lăn theo những hòn sỏi, hòn đá, vốn là những hình ảnh quen thân của anh từ những bái hát đầu :

Hòn đá lăn bên đồi / hòn đá rớt xuống cành mai
Rụng cánh hoa mai gầy / chim chóc hát tiếng qua đời


Trước đây, khi hát những bài đó, tôi không để ý đến ý niệm bánh xe, nhưng gần đây, Trịnh Công Sơn làm tôi ngạc nhiên khi anh đưa đối hợp có-không, một-hai, vào lời nhạc của anh một cách rõ rệt, thú vị, tinh quái. Anh khóc như thế này :

Còn hai con mắt khóc người một con
Còn hai con mắt một con khóc người


Lối khóc rất ngộ này tóm tắt cách nhìn đời của Trịnh Công Sơn trong suốt nhạc phẩm của anh. Với một con mắt anh nhìn người. Với một con mắt anh nhìn anh. Một con mắt, anh nhìn tình phai. Một con mắt, anh nhìn anh thở dài. Nhưng cùng một con mắt kia, anh vừa nhìn thấy em yêu thương, vừa thấy em thú dữ. Cùng một con mắt này, anh vừa thấy đêm tối tăm, vừa thấy đêm nồng nàn. Chẳng biết mắt nào là mắt còn lại, chỉ biết rằng con mắt còn lại nhìn một thành hai. Chỉ biết rằng :

Con mắt còn lại nhìn đời là không
Nhìn em hư vô nhìn em bóng nắng
Con mắt còn lại là con mắt ai


Trịnh Công Sơn làm tôi giật mình. Bóng nắng là một chữ trong kinh, và, như anh nói, từ khi trời là trời trăng là trăng câu kinh đã bước vào đời. Con mắt còn lại là con mắt ai ? Tôi không muốn nghĩ như thế, nhưng tôi cảm thấy câu trả lời nằm trong đoạn kết của Đoá Hoa Vô Thường mà anh đã soạn rất khúc chiết với nhập đề, thân bài, kết luận, với quá trình tìm em - gặp em - mất em - an nhiên.
Trịnh Công Sơn làm tôi giật mình. Anh bắt tôi phải hát lại những bài hát trước trong cảm nhận mới đó của tôi về chập chờn bóng nắng trong tâm thức của anh. Con mắt còn lại hiện ra, và đây là một mà hai :

Từ lúc đưa em về
Là biết xa nghìn trùng

Nghìn trùng nằm ngay nơi giây phút tao ngộ. Và đây là hai mà một :

Từ trăng thôi là nguyệt một hôm bỗng nghe ra
Buồn vui kia là một như quên trong nỗi nhớ
Từ trăng thôi là nguyệt tôi như giọt nắng ngoài kia
Từ em thôi là nguyệt coi như phút đó tình cờ

Buồn vui là một, quên nhớ là một, phút tình cờ chụp bắt được điều đó hiện ra đây đó khá nhiều, có điều là Trịnh Công Sơn hát lên nhẹ nhàng như thơ, người hát nghe giọng thơ nhiều hơn là nghe ý tưởng. Nếu để ý, câu hát sâu thẳm. Lại ví dụ :

Lòng thật bình yên mà sao buồn thế
Giật mình nhìn tôi ngồi khóc bao giờ


Thật bình yên. Mà buồn ! Buồn nằm sẵn trong bình yên ? Nếu không, tại sao anh khóc từ bao giờ ? Anh khóc từ trước, rồi anh mới giật mình, trong một phút tình cờ, thấy mình đang khóc. Ai không tin ở cái giật mình đó, hãy nghe Trịnh Công Sơn giật mình một lần thứ hai :

Dù thật lệ rơi lòng không buồn mấy
Giật mình tỉnh ra ô nắng lên rồi


Thật lệ rơi. Mà không buồn ! Giật mình : nắng lên. Thế thì nắng đã nằm sẵn trong giọt lệ ? Là một với giọt lệ ?
Tôi bắt gặp chớp nhoáng thần bí đó trong cả cách dùng tĩnh từ của Trịnh Công Sơn : môi em hồng như lá hư không. Lá hư không là thế nào ? Là môi em vừa có dáng như ngọn lá vừa có dáng không như ngọn lá ? Là có màu vừa hồng vừa không phải hồng ? Có một cái gì vừa thật vừa không thật ? Nghĩ cho thật kỹ, đúng là môi em tôi như thế. Đúng như tôi nghĩ là như thế. Nói như ngọn lá, như màu hồng là sai.

Lại một tĩnh từ khác trong rất nhiều ví dụ như vậy :

Nhìn cỏ cây ráng pha màu hồng
Nhìn lại em áo lụa thinh không


Ráng chiều có thật nhưng sắp đi vào hư ảo rồi, chớp nhoáng thôi. Nhìn hư trong thực như thế, giật mình nhìn lại em tôi... ôi thần kỳ hai chữ thinh không ! Lụa nhẹ như khói đang tan, em cũng vậy, như thực như huyễn, chỉ còn là nét đẹp diễm ảo, mong manh đó thôi.

Tôi không muốn đóng khung Trịnh Công Sơn trong một triết thuyết nào cả. Anh tuyên bố chỉ muốn làm kẻ rong chơi và chấp tay van vái chỉ xin được như thế mà thôi. Nhưng khi anh mất, tôi không khỏi nghĩ đến những mong manh đã ám ảnh anh những năm gần đây và tôi giật mình chợt thấy anh đã là thi sĩ của mong manh như vậy từ lúc đầu, từ bao giờ ? Đây là đoá quỳnh của thuở xuân xanh :

Đêm này đêm buồn bã với những môi hôn
Trong vườn trăng vừa khép những đoá mong manh

Tại sao môi hôn mà buồn bã thế ? Buồn nằm trong hạnh phúc ? Là một với nhau ? Nhưng quả thật đoá quỳnh đã hôn đêm trăng như thế. Hãy xem hoa nở :

Ta mang cho em một đoá quỳnh
Quỳnh thơm hay môi em thơm
Em mang cho ta một chút tình
Miệng cười khúc khích trên lưng

Hoa đang nở trên lưng một cuống lá dài như môi ai cười trên lưng một người tình. Nhưng cũng môi đó, mới cười với trăng đã hôn từ giã đêm trăng với những cánh đang khép, đang úa, buồn bã. Tôi giật mình : đoá quỳnh của thuở xuân xanh chính là đoá hoa vô thường nở trong tâm của anh ở khoảng cuối đời. Anh đi với đoá quỳnh, anh đến với đoá quỳnh, khép lại một chu kỳ vòng quanh. Anh là đêm trăng của ngày xưa đã hôn nhau buồn bã với đoá quỳnh mong manh và từ đó dòng nhạc của anh róc rách những mong manh như thế cho đến khi anh chơt nhận ra ta là đêm nở đoá hoa vô thường.
***
Còn lại chuyện cuối cùng phải nói : vậy thì tôi với em là một hay hai ? Là một chăng ? Thì đấy, Trịnh Công Sơn đã có lần hăng hái :

Em là tôi và tôi cũng là em

Chẳng ai tin. Người không tin nhất chính là anh. Đừng tin !

Đừng nghe tôi nói lời tăm tối
Đừng tin tôi nhé vì tiếng cười
Tôi như là người ngồi trong đêm dài
Nhìn tôi đang quá ngậm ngùi


Tôi với em không thể là một được bởi vì em là muộn phiền và muộn phiền thì đối nghịch với hồn nhiên mà tôi mơ ước. Hồn nhiên lấp lánh như mặt trời trong lắm bài. Trịnh Công Sơn mơ ước trở về với hồn nhiên như trở về với bản chất của anh, như trở về với con chim thuở nhỏ, với hoa trên đồng xanh một sớm mai rất hồng. Anh muốn trở về với thật thà, với khờ dại, với ngây ngô, anh ngẩn ngơ nhìn người kia, dường như chờ đợi thật ra đang ngồi thảnh thơi, anh nhìn đứa bé. Đứa bé ! đó mới thật là một của Trịnh Công Sơn, bởi vì đó là hồn nhiên, đó là cội nguồn, đó là quê nhà nằm sâu trong tiềm thức của anh. Hồn nhiên có khi trở về lồng lộng trong cả bài hát như cánh diều lồng lộng trong không, có khi âm thầm, văng vẳng, thiết tha, sâu lắng trong một câu, trong một chữ. Những lúc đó, Trịnh Công Sơn hân hoan :

Hôm nay tôi nghe có con chim về gọi
Về giữa trời về hót giữa đời tôi
Hôm nay tôi nghe tôi cười như đứa bé
Mới lớn lên giữa đời sống kia


Trịnh Công Sơn là người thi sĩ duy nhất của tình yêu không cho chữ em đi sóng đôi một cặp ngọt ngào với chữ anh. Chữ em mồ côi chữ anh trên lưỡi. Chữ em mù loà đi tìm chữ anh. Gặp vớ vẩn một hai lần trong một hai bài hát đầu, nhưng nhạt nhẽo, vô duyên lắm. Còn thì Trịnh Công Sơn chỉ tôi với em, em với ta, như thử hai người yêu là hai người ở trọ gần nhau.

Có lẽ vì thế mà tôi hát Trịnh Công Sơn với hạnh phúc tràn trề. Bởi vì tôi hát sự thực trong lòng tôi, trong lòng người, trong lòng đời. Có bao giờ ai một với ai trong cuộc tình ? Cứ xa xa mà tôi khiêm tốn như thế, hoạ may tưởng mình có lúc đến gần làm một. Như thế là hạnh phúc. Đến gần, giọt nắng thủy tinh có khi là giọt lệ.
FR
Ai có mp3 Ru tình do Hồng Nhung và Khánh Ly hát thì để lên đây cho tớ nhé. Thanks :-X

Sao tớ thích nghe HN hát bài này hơn KL.
Người Thăng Long
user posted image


Nhạc sĩ Cao Huy Thuần phân tích về nhạc TCS thật là sâu sắc.
Ở nước ngoài người ta gọi TCS là Bob Dylan của VN đấy :-X
Diễm Xưa
Đúng là nghe nhạc TSC không cần phải hiểu lời bài hát mà cảm xúc tự nhiên trào đến, lạ lùng!
Mình không thử tìm hiểu nhạc Trịnh như nhạc sĩ CHT mà chỉ cảm nhận trong mỗi câu hát những kỷ niệm như của chính mình mà thôi...

:-X
Illustrator
ở Việt nam có người lại cho rằng Jim Morisson la` một Trịnh công Sơn khác
Diễm Xưa
Thú vị đấy! Khi so sánh Jim với TCS ???
Nhưng cũng cần phải biết rằng tuy Jim luôn tự cho mình là một nhà thơ thì anh ta lại là một trong những ca sĩ nhạc Rock có tiếng đấy nhé! :laugh.gif
Trịnh thì không có sức để hát nhạc Rock rồi nhỉ?! ;D


user posted image

Nghe "The Doors" để hiểu thêm người nhạc sĩ tài hoa này nhé:


The End

This is the end, Beautiful friend

This is the end, My only friend, the end

Of our elaborate plans, the end

Of everything that stands, the end

No safety or surprise, the end

I'll never look into your eyes...again

Can you picture what will be, So limitless and free

Desperately in need...of some...stranger's hand

In a...desperate land

Lost in a Roman...wilderness of pain

And all the children are insane, All the children are insane

Waiting for the summer rain, yeah

There's danger on the edge of town

Ride the King's highway, baby

Weird scenes inside the gold mine

Ride the highway west, baby

Ride the snake, ride the snake

To the lake, the ancient lake, baby

The snake is long, seven miles

Ride the snake...he's old, and his skin is cold

The west is the best, The west is the best

Get here, and we'll do the rest

The blue bus is callin' us, The blue bus is callin' us

Driver, where you taken' us

The killer awoke before dawn, he put his boots on

He took a face from the ancient gallery

And he walked on down the hall

He went into the room where his sister lived, and...then he

Paid a visit to his brother, and then he

He walked on down the hall, and

And he came to a door...and he looked inside

Father, yes son, I want to kill you

Mother...I want to...fuck you

C'mon baby, take a chance with us X3

And meet me at the back of the blue bus

Doin' a blue rock, On a blue bus

Doin' a blue rock, C'mon, yeah

Kill, kill, kill, kill, kill, kill

This is the end, Beautiful friend

This is the end, My only friend, the end

It hurts to set you free

But you'll never follow me

The end of laughter and soft lies

The end of nights we tried to die

This is the end

user posted image

Trong câu chữ của Jim cũng nghe đầy triết lý:

BREAK ON THROUGH


You know day destroys the night, night divides the day ;
tried to run, tried to hide.
Break on trough to the other side,
break on trough to the other side,
break on trough to the other side.

We chased our pleasures here, dug our treasures there,
can you still recall trie time we cried ?
Break on trough to the other side,
break on trough to the other side,
break on trough to the other side.

Everybody loves my baby, everybody loves my baby.
She gets, she gets, she gels, she gets...

I found an island in your arms, a country in your eyes,
arms that chain, eyes that lie.
Break on trough to the other side,
break on trough to the other side,
break on trough to the other side.

Made the scene from week to week,
day to day, hour to hour,
the gate is straight, deep and wide.
Break on trough to the other side,
break on trough to the other side,
break on through, break on through,
break on through, break on through,
break, break, break.

user posted image

Rider on the storm

Rider on the storm, riders on the storm,
into this house we're born, into this world we're thrown
like a dog without a bone, an actor rat on loan
riders on the storm.



There's a killer on the road, his brain is squirming like a toad.
Take a long holiday, let your children play.
If you give this man a ride, sweet family Will die.
Killer on the road...

Girl, you gotta love yor man,
girl, you gotta love yor man.
Take him by the hand, make bim understand,
the world on you depends, our life will never end.
You gotta love yor man.

Rider on the storm, riders on the storm,
rider on the storm, riders on the storm.

user posted image

PASSAGERS DE LA TOURMENTE

Passagers de la tourmente, passagers de la tourmente,
dans cette maison nous sommes nés, dans ce monde nous sommes jetés
comme un chien sans son os, comme un acteur de remplacement.
Passagers de la tourmente.

Il y a un tueur sur la route, son cerveau se convulse comme un crapaud.
Prenez de longues vacances, laissez jouer vos enfants.
Si vous emmenez cet homme, la gentille famille mourra.
Un tueur sur la route...

Petite fille, tu dois aimer ton homme,
petite fille, tu dois aimer ton homme.
Prends le par la main, fais-lui comprendre,
le monde dépend de toi, jamais notre vie ne finira.
Tu dois aimer ton homme...

Passagers de la tourmente, passagers de la tourmente,
passagers de la tourmente, passagers de la tourmente.

user posted image
Anh là một ca sĩ người Mỹ nổi tiếng về tài năng âm nhạc và sự phong phú trong tâm hồn. Anh được xếp vào "American Legends" :-X

Còn đây là hình ảnh cuối cùng của Jim tại Paris, nghĩa trang Père Lachaise:
[img]http://fbecuwe.free.fr/morisson.jpg[/img]
Hưng
bác Jim này bố là tướng quân đội Mỹ, thời trẻ cũng học ĐH nhưng mà mê lập băng nên hình như phá ngang. Bob Dylan và Jim Morisson cũng được coi là những nhà thơ trong âm nhạc đại chúng thế kỷ 20 đấy. Beatles thì được xếp hạng chiếu dưới, ngồi thấp hơn tẹo nhưng popular hơn.
Phó Thường Nhân
Trích :
"Dù đến rồi đi tôi cũng xin / tạ ơn người tạ ơn đời
Tạ ơn ai đã cho tôi còn những ngày / quên kiếp sống lẻ loi
Dù đến rồi đi tôi cũng xin / tạ ơn người tạ ơn đời
Tạ ơn ai đã cho tôi tình sáng ngời / như sao xuống từ trời "

Người ta vẫn nói Trịnh Công Sơn chịu ảnh hưởng của Phật giáo, nhưng lời bài này có mầu Thiên chúa hơn. Khi nghe Khánh Ly hát bài này, tôi cứ tưởng như một bài thánh ca. Các Bác cứ thử thay chữ "Người " bằng chữ "Chúa" mà xem.
Mà Khánh Ly có theo đạo Thiên Chúa không nhỉ.
Người Thăng Long
Người ta hay nói TCS bị ảnh hường của Phật giáo có lẽ bởi anh hay lui lại đàm đạo với các nhà sư? Trong khá nhiều bài hát của TCS có tư tưởng của đạo Phật những cũng có rất nhiều bài viết theo ảnh hưởng của đạo thiên Chúa nữa.

Sơn hay nói về Giáo đường, Chúa Nhật...

:-X
yuyu
Ô hay ! " hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi , để một mai tôi quay về làm cát bụi ? " thì rõ là ảnh hưởng Kinh Thánh rồi còn gì ? Nhưng bác đừng có bận tâm TCS nhuốm mầu Phật hay Chúa ? Mấy ông " maître " lớn này thì Phật hay Chúa cũng chỉ là cái cớ cho âm nhạc thôi ;D
Diễm Xưa
Nghe nhạc TCS không hiểu sao Diễm cứ nghĩ tới những toà giáo đường thôi ???

:-[
Phó Thường Nhân
Tôi cũng nghĩ như vậy, TCS bị ảnh hưởng của cả triết lý đạo thiên chúa và triết lý Phật giáo. Đây là tôi nói về từ ngữ bài hát, chứ không phải về nhạc.Vì về lý thuyết nhạc nhẽo, tôi chẳng biết gì cả.
Tiếc là không thể lọc trong lời các bài hát của ông để xem cái gì trả về Phật, cái gì trả về Chúa. Muốn làm điều đó thì phải ngồi lọc lời các bài hát, mà tôi lại không có nhiều thời gian lắm, toàn viết theo hứng. Nhưng nếu lọc được nó, thì có thể biết được sự tư duy tổng hợp (syncretise) của người Việt nói chung với các tôn giáo lớn. Thú vị ra phết đấy. Sơ khảo theo ý chủ quan của tôi thì từ Phật giáo và Thiên Chúa TCS tìm thấy điểm chung ở trong kiếp người, trong đời buồn, trong dang dở. Cái này Phật cũng có trong "Duyên Kiếp". Còn trong những điều khác nhau thì Thiên Chúa làm cho TCS có thể nói tới "tình yêu cao cả" kiểu triết học. Vì sao ? vì chúa trời trong Thiên chúa là một sức mạnh siêu nhiên đã được nhân cách hoá, nên mới có thể yêu được. Trong Phật giáo, ông laij lấy được cái tương đối, từ đó suy ra lối nói đối lập như trong bài của FR sưu tầm, cũng như tính "vô thường" luôn thay đổi của vạn vật. Không biết có đúng không ? :-X :-X
Người Thăng Long
Thử tìm hiểu trong một số bài hát tiêu biểu của nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh này đâu là Phật giáo, đâu là Thiên Chúa giáo nhé.
Theo ý kiến của tôi thì Thiên Chúa giáo thiên về cứu rỗi linh hồn còn Phật giáo lai thiên về định mênh, xoa dịu nỗi đau trần thế và mơ về một kiếp luân hồi ?

Có một bài chắc chắn là viết về Thiên Chúa rồi vì tên là « Phúc Âm buồn » :

« Người nắm co như loài thú khi mùa đông về
Người nằm yên không kêu than buốt xương da mình
Từng tiếng người nhiều tiếng người gọi hoài giữa đêm »

Nghe giai điệu đã thấy là Kinh Thánh rồi và khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh Chúa Jésus
trên cây thập ác.

Trong bài « Này em có nhớ » nhạc sĩ họ Trịnh lại nói đến cả Chúa và Phật như những đấng cứu sinh :

« Chúa đã bỏ loải người
Phật đã bỏ loài người
Này em xin cứ phụ người
Này em xin cứ phụ tôi …

…Chúa đã bỏ loải người
Phật đã bỏ loài người
Này em có nhớ cuộc đời
Này em có biết các loài người
Này em có nhớ gì tôi »

Trong « Tuổi đá buồn » thì Sơn hình như nhớ về một mối tình ngày xưa khi chờ đón một người con gái nhỏ sau buổi lễ ngày Chúa Nhật xa xăm…

« Trời còn làm mưa mưa rơi mênh mang
Từng ngón tay buồn em mang em mang
Đi về giáo đường
Ngày chủ nhật buồn còn ai còn ai
Đoá hoa hồng cài lên tóc mây
Ôi đường phố dài
Lời ru miệt mài ngàn năm ngàn năm
Ru em nồng nàn
Ru em nồng nàn…

Trời còn làm mưa mưa rơi thênh thang
Từng gót chân trần em quên em quên
Ôi miền giáo đường
Ngày chủ nhật buồn còn ai còn ai
Đoá hoa hồng tàn hôn lên môi… »

Không hiểu sao tôi lại thấy trong « Cỏ xót xa đưa » có nét gì đó rất giống trong Kinh thánh khi người ta miêu tả về những nỗi đau của nhân loại :

« Trên đời người trổ cánh hoang vu
Trên ngày đi mọc cánh lá mù

Những tim đời đập lời hoang phế
Dưới mặt trời ngồi hát hôn mê …

Có biết gì về ngày chưa tới
Những ngày ngồi rủ tóc âm u »

Hãy đọc trong « Như tiếng thở dài » để thấy thân phận con người qua cái nhìn mang đầy mầu sắc tôn giáo của Sơn :

« Người đi quanh thân thế của người
Một trăm năm như thiéng thở dài…

Người vinh quang mơ ước địa đàng
Người gian nan mơ ước bình thường »

Và lẽ dĩ nhiên « Lời buồn Thánh » là Sơn viết về Thiên Chúa rồi nhỉ , nghe đầy sám hối :

« Chiều chủ nhật buồn
Nằm trong căn gác đìu hiu
Ôi tiếng hát xanh xao của một buổi chiều…

Tôi xin em năm ngón tay thiên thần
Trên vùng ăn năn qua cơn hờn dỗi
Tôi xin năm ngón tay em đưa vào cô đơn »

Nỗi buồn trong thi ca của Sơn nghe rất…Thánh, « Dấu chân địa đàng » :

« …Cuộc đời đó, nửa đêm tiếng ca kêu lên như than phiền
Bàng hoàng lạc gió mây miền
Trùng trùng ngoài khơi nước lên sóng mềm…

Vùng u tối,
Loài sâu hát lên khúc ca cuối cùng…

Tóc xanh đen vầng trán thơ
Dòng sông đó loài rong yên ngủ sâu…

Và tiếng hát về ru mình trong giấc ngủ vùi
Rồi từ đó loài sâu nửa đêm quên đi ưu phiền
Để người về hát đêm hồng
Địa đàng còn in dấu chân bước quên »

Trong « Gần như niềm tuyệt vọng » thì ta lại thấy bảng lảng cả Thiên Chúa và Phật giáo :

« Cos điều gì gần như niềm tuyệt vọng
Rơi rất gần rơi xuống trong tôi…
Đời sống mỗi khi đưa tiễn người
Là tôi lắng nghe lòng tôi rã rời…
Trong xuân thì thấy bóng trăm năm
(Xin được lưu ý ở đây là ý tưởng về cái chết nằm trong sự sống đã được thấy trong « Mưa Hồng » rồi)

Có điều gì gần như niềm tuyệt vọng
Sông bao lần sông đã ra đi
Những ngàn xưa trôi đén bây giờ
Sông ra đi hay mới bước về »

Khổ thơ cuối này thì rõ ràng là luân hồi rồi nhỉ ? !

Cuộc sống có phải là « Ngẫu nhiên » ?

« Không có đâu em này
Không có cái chết đầu tiên
Và có đâu bao giờ
Đâu có cái chết sau cùng »

* * * * * * * * * * *

Tư tưởng Phật giáo dùng để xoa dịu nỗi đau thể xác và tinh thần cũng thấy rất rõ trong thơ của Sơn . Bài « Ru đời đi nhé » :

« Ru đời đi nhé
Cho ta nương nhờ lúc thở than
Chân đi nằng nặng hoang mang
Ta nghe tịnh lặng rơi nhanh
Dưới khe im lìm

Ru đời đi nhé Ôi môi ngon này giữua trần gian
Ru từng chiếc bóng
Lênh đênh vào giấc ngủ ngon
Cho tôi tay gối mong manh
Cho tôi ôm lấy vai thon »

Sơn yêu dời tha thiết dù những nỗi đau nhiều khi tưởng như không thể nào vượt qua nổi. Và như thế anh viết « Đời gọi em biết bao lần » :

« Đi về đâu hỡi em
Khi trong lòng không chút nắng
Giấc mơ đời xa vắng
Bước chân không chờ ai đón…

Em về đâu hỡi em ?
Có nghe tình yêu lên tiếng !
Hãy chôn vào quên lãng
Nỗi đau hay niềm cay đắng
Đời nhẹ nâng bước chân em
Về lại trong phố thênh thang
Bao buồn xưa sẽ quên
Hãy yêu khi đời mang đến
Một cành hoa giữa tâm hồn »

Và quan niệm về « Nợ nhân duyên, nợ tiền kiếp » cũng được Sơn đưa vào trong thi ca rất đẹp : Xin trả nợ người

Hai mươi năm xin trả nợ đời
Trả nợ một thời em đã bỏ ai
Hai mươi năm xin trả nợ dài
Trả nợ một đời em đã phụ tôi

…Bao nhiêu năm bỗng lại nhiệm mầu
Trả nợ một lần quên hết tình đau
Hai mươi năm vẫn là thủa nào
Nợ lại lần này trong cõi đời nhau »


Khái niệm của Phật giáo về cuộc sống tạm nơi trần thế được thấy trong những mảng tình của Sơn, « Tình xa » :

« Ngày tháng nào đã ra đi khi ta còn ngồi lại
Cuộc tình nào đã xa khơi ta còn mãi nơi đây…

Đôi khi ta lắng nghe ta
Nghe sóng âm u dội vào đời buốt giá
Hồn ta gió cát phù du bay về…

Ôi tiếng buồn rơi đều
Nhìn lại mình đời đã xanh rêu »

Hay như được thể hiện trong « Phôi pha » :

« Ôi phù du
Từng tuổi xuân đã già
Một ngày kia đến bờ
Đời người như gió qua…

Có những ai xa đời
Quay về lại
Về lại nơi cuối trời…

Thôi về đi
Đường trần đâu có gì
Tóc xanh mấy mùa… »

Có một bài thơ khác của Sơn nói thẳng ra ý này - « Ở trọ » :

« Tôi nay ở trọ trần gian
Trăm năm về chốn xa xôi cuối trời

hay là một vòng xinh
Tôi như người bỗng lênh đênh giữa đời »

Quan niệm về kiếp luân hồi của Sơn thế này :

« Không hẹn mà đến, không chờ mà đi
Bốn mùa thay lá thay hoa thay mãi đời ta »

Hạnh phúc vô thường và kiếp người là một trong những đề tài mang nặng quan điểm Phật giáo của Sơn : Một cõi đi về

« Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về…

…Trăm năm vô biên chưa từn hội ngộ
Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà

Từng lời tà dương là lời mộ địa
Từng lời bể sông nghe ra từ độ
Suối khe…

Trong khi ta về lại nhớ ta đi
Đi lên non cao đi về biển rộng
Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng
Ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì »

Vô thường còn thấy ngay trong cuộc sống thường nhật khi Sơn viết « Một ngày như mọi ngày » :
« Một ngày như mọi ngày
Đời nhẹ như mây khói…
Mang nặng hồn tả tơi…
Đau nặng từng lời nói…
Từng mạch đời trăn trối…
Đi về một mình tôi…

Sóng đong đưa linh hồn…

Một ngày như mọi ngày
Xếp vòng tay oan trái
Từng chiều lên hấp hối…
Bóng đổ một mình tôi »


Hiểu rõ về cuộc đời, về sự sống và cái chết, Sơn viết như để cho chính mình « Tôi ơi đừng tuyệt vọng ». Quan điểm này thì chung cho cả Thiên Chúa và Phật giáo.

« Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng
Lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông…

Con diều bay mà linh hồn lạnh lẽo
Con diểu rơi cho vực thẳm buồn theo…
Tôi là ai mà còn khi dấu lệ
Tôi là ai mà còn trần gian thế
Tôi là ai là ai…mà yêu quá đời này

Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng
Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh… »

Và như thế Sơn thanh thản, nhẹ nhàng chia tay với cuộc đời « Như một lời chia tay » :

« Những hẹn hò từ nay khép lại
Thân nhẹ nhàng như mây
Chút nắng vàng giờ đây cũng vội
Khép lại từng đêm vui…

Muốn một lần tạ ơn với đời
Chút mặn nồng cho tôi…

Đoá hoa vàng mỏng manh cuối trời
Như một lời chia tay »

Như thế tôi cũng xin tạm chia tay với một chút tìm tòi thử nghiệm về linh hồn trong thơ của Sơn. Lẽ dĩ nhiên là còn rất nhiều tác phẩm khác có thể đem ra đẻ phân tich, dẫn chứng nhưng thời gian và…màn hình có hạn.
Bài viết này hơi dài so với độ kiên nhẫn nhỉ ? nhưng mà Sơn lại có tận hơn 600 bài hát cơ, thế này mới chỉ là « Cát bụi » !
Phó Thường Nhân
Đúng là Bác NTL "khổ công" thật. Mà Bác cũng thuộc TCS nữa. sp_ike.gif
có lẽ cái đẹp của TCS là ở chỗ đã nhào trộn tất cả lại để biến thành của minh, để cho lời bài hát phiêu du hơn, lãng đãng hơn, cao thượng hơn. Thế mà không hiểu tại sao người ta chỉ nói tới ảnh hưởng Phật giáo tới TCS mà không nói tới Thiên chúa giáo nhỉ :P :P ;D :-X
Người Thăng Long
Bác Phó phải viết là "khổ sở" thì mới đúng đấy nhé ;D
Thư thật là tôi viết vội, nhớ đến đâu viết đến đó nên chưa mạch lạc lắm.
Hẹn khi nào có thời gian nhé ;D

:-X
FR
Giấc mơ Hạ trắng

Trịnh Công Sơn


Ở Huế mùa hạ, ve kêu râm ran trên những tàn cây như một giàn hợp xướng và nắng nóng oi bức như địa ngục. Thêm vào đó còn có gió Lào. Vừa tắm xong là người đã ướt đẫm mồ hôi. Bao nhiêu nhiên liệu tích lũy tích lũy trong cơ thể đều tan ra thành nước. Những đồ vật và áo quần cũng có cảm giác như vừa rút trong lò lửa ra. Những mặt đường gần như bốc khói với nhiệt độ 42- 43 độ.


Có một mùa hạ năm ấy tôi bị một cơn sốt nặng, nhiệt độ trong người và bên ngoài bằng nhau. Tôi nằm sốt mê man trên giường không còn biết gì. Và bỗng có một lúc nào đó tôi cảm thấy hương thơm phủ ngập cả căn phòng và tôi chìm đắm vào một giấc mơ như một cơn mê sảng. Tôi thấy mình lạc vào một rừng hoa trắng thơm ngào ngạt, bay bổng trong không gian đó. Ðến lúc tỉnh dậy người ướt đẫm mồ hôi và tôi nhìn thấy bên cạnh giường có một người con gái nào đó đã đến cắm một bó hoa dạ lý hương trắng rất lớn. Chính cái mùi thơm của dạ lý hương đã đưa tôi vào giấc mơ kia. Giấc mơ trong một mùa hạ nóng bức. Trong vùng tôi ở, quanh đó chỉ có một nhà duy nhất trồng dạ lý hương nên tôi biết ngay người mang hoa đến là ai.
Sau một tuần lễ tôi hết bệnh. Nghe tin bố người bạn đang hấp hối tôi vội vàng đến thăm. Ông chẳng có bệnh gì ngoài bệnh nhớ thương và buồn rầu. Câu chuyện rất đơn giản. Hai ông bà đã lớn tuổi thường nằm chung trên một sập gụ xưa. Cứ mỗi sáng bà cụ thức dậy sớm và xuống bếp nấu nước sôi để pha trà cho ông cụ uống. Một buổi sáng nọ, cũng theo thường lệ, bà cụ xuống bếp bị gió ngã xuống bất tỉnh và chết. Mấy người con ở gần đó tình cờ phát hiện ra và đưa bà cụ về nhà một người để tẩm liệm. Sau đó chôn cất và giấu ông cụ. Tất nhiên, khi ông cụ thức dậy hỏi con, mẹ các con đi đâu rồi, thì họ trả lời là mẹ sang nhà chúng con để chăm sóc mấy cháu vì chúng bị bệnh. Vài ngày sau vẫn chưa thấy bà về ông mới trầm ngâm hỏi các con có phải mẹ các con đã chết rồi phải không. Lúc ấy mọi người mới khóc òa lên. Từ đó ông nằm trên sập gụ một mình cơm không ăn, trà không uống cho đến lúc kiệt sức và đi theo bà cụ luôn.


Câu chuyện này ám ảnh tôi một thời gian. Và sau đó tôi kết hợp giấc mơ hoa trắng mùa hạ với mối tình già keo sơn này như áo xưa dù nhầu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau để viết nên bài "Hạ Trắng".


Gọi nắng!
Trên vai em gầy
Đường xa áo bay
Nắng qua mắt buồn
Lòng hoa bướm say
Lối em đi về
Trời không có mây
Đường đi suốt mùa
Nắng lên thắp đầy

Gọi nắng!
Cho cơn mê chiều
Nhiều hoa trắng bay
Cho tay em dài
Gầy thêm nắng mai
Bước chân em về
Nào anh có hay
Gọi tên cho nắng
Chết trên sông dài

Thôi xin ơn đời
Trong cơn mê này
Gọi mùa thu tới
Tôi đưa em về
Chân em bước nhẹ
Trời buồn gió cao
Đời xin có nhau
Dài cho mãi sau
Nắng không gọi sầu
Áo xưa dù nhàu
Cũng xin bạc đầu
Gọi mãi tên nhau

Gọi nắng!
Cho tóc em cài
Loài hoa nắng rơi
Nắng đưa em về
Miền cao gió bay
Áo em bây giờ
Mờ xa nẻo mây
Gọi tên em mãi
Suốt cơn mê này...


FR
Cuộc sống không thể thiếu tình yêu

Trịnh Công Sơn


Người ta nói trên trái đất không có gì ở ngoài qui luật cả. Nhưng tình yêu hình như cũng có lúc là một ngoại lệ. Tình yêu có thể nâng bổng con người nhưng cũng lắm lúc nhấn chìm kẻ háo hức. Tôi không tin những người quá lạc quan khi nói về tình yêu bằng thể khẳng định. Người ta có thể tin rằng mình được yêu và cũng có thể hiểu nhầm mình không được yêu.
Tôi không thể nói về một vấn đề mà chính bản thân mình cũng chưa hiểu hết. Chưa hiểu hết là nói theo kiểu đại ngôn chứ thật sự là hoàn toàn không thể hiểu. Nếu có người nào đó thách thức tôi một trò chơi nghịch ngợm thì tôi sẽ mang tình yêu ra mà đánh đố. Tôi e, không ai dám tự xưng mình am tường hết nội dung phong phú và quá phức tạp của tình yêu.


Có người yêu thì hạnh phúc; có người yêu thì đau khổ. Nhưng dù đau khổ hay hạnh phúc thì con người vẫn muốn yêu. Tình yêu vì thế mà tồn tại. Con người không thể sống mà không yêu. Hàng nghìn năm nay con người đã sống và đã yêu - yêu thật lòng chứ không phải giả. Thế mà đã có không biết bao nhiêu là tình yêu giả. Cái giả mà rất thật trong đời. Sự giả trá đó lúc biết được thì làm khổ lòng nhau biết bao nhiêu mà kể. Người giả, người thật nhìn nhau lúc bấy giờ ngỡ ngàng không biết thế nào nói được. Người thật thì nằm bệnh, người giả thì nói, cười huyên thuyên. Ðời sống vốn không bất công. Người giả trong tình yêu thế nào cũng thiệt. Người thật thế nào cũng được đền bù.


Tình yêu thời nào cũng có. Nhưng có tình yêu kết thúc bi thảm đến độ có khi con người không dám yêu. Yêu mà khổ quá thì yêu làm gì. Có người đã nói như vậy.
Tôi đã có dịp đứng trên hai mặt của tình yêu và dù sao chăng nữa, tôi vẫn muốn giữ lại trong lòng một ý nghĩa bền vững: "Cuộc sống không thể thiếu tình yêu".
FR
Ðêm giao thừa 1993

Trịnh Công Sơn

1.1.1993

Tôi có bao nhiêu tuổi thì tôi cũng có bấy nhiêu đêm giao thừa. Có Tết tây và Tết ta. Tờ lịch cuối cùng bóc ra và tự dưng thấy trơ trọi một nỗi buồn vu vơ. Nỗi buồn đó thuộc về lịch tây. Chờ thêm mấy mươi ngày nữa thì lại thêm một nỗi buồn ta. Nỗi buồn của một người thấy mùa xuân thuộc về kẻ khác. Nỗi buồn của kẻ không dám thốt lên hai tiếng tương lai..

Có những đêm nằm không ngủ được. Nghĩ đến tương lai thuộc về người khác mà lòng cứ rầu rầu. Vì sao phải vậy. Quy luật tự nhiên là cái quái gì vậy mà làm não nề những cõi lòng ham sống, thèm yêu cuộc đời. Yêu đời và cứ muốn tồn tại mãi đâu phải là một cái tội. Nếu là tội lỗi thì xưng tội, sám hối với ai.

Cuộc đời sắm ra cái sự yêu thương nhức nhối này làm tình làm tội biết bao nhiêu thân phận con người. Yêu cuộc đời và muốn ở lại mãi mãi. Vì sao không cho ở lại. Trái đất quá chật và vì vậy phải có kẻ ở người đi. Buồn lắm mà không thể than phiền với ai cả.

Ðêm giao thừa dù tây dù ta tôi vẫn luôn luôn một mình một cõi. Số phận vẫn thường hay hậu hĩ với kẻ này mà lại bạc đãi kẻ kia. Có rất nhiều bạn bè thân hữu chứng nhân cứ thấy mỗi lần vào dịp lễ là tôi lại một mình một cõi. Ðành vậy biết làm sao - Người ta có thể vui chơi, đàn đúm, quây quần một đời nhưng vẫn cứ lạc loài lẻ loi một chốc. Một chốc mà là tất cả. Cái sát na nhỏ bé của thời gian đôi khi cũng quy định cả đời người. Một người mẹ bỏ đi. Một người tình bỏ đi cũng nằm trong cái sát na đó.

Ðừng than thân trách phận. Ðời không có lỗi với ai, chỉ có ta có lỗi với đời. Ðêm giao thừa không có người yêu thì buồn lắm nhưng cũng không vì thế mà chết được. Những lễ lạc đi qua đời người mà thiếu vắng hồng nhan thì vẫn có thể vui nhưng là một niềm vui không trọn. Như một khúc hát dở dang. Symphonie inacheveé. Một mùa thu không có lá vàng. Một mùa hè không có nắng. Một đêm đông không giá rét.

Ðêm giao thừa ngồi một mình và hát :

“Ðừng tuyệt vọng tôi ơi đừng tuyệt vọng

Lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông...”

Ðừng tuyệt vọng vì cuộc đời hồn nhiên đôn hậu vẫn luôn luôn cho ta những ngày vui khác. Những ngày vui của đời thì thênh thang vô tận. Hết cuộc tuyệt vọng này đến một cuộc tuyệt vọng khác biết đâu cũng là một niềm vui. Một niềm vui dù không có thật thì cũng đủ an ủi trong phút chốc.

Cuộc sống là một niềm an ủi vô bờ. Cuộc sống chỉ cho ta mà không cần lấy bớt đi. Cuộc sống cho ta tất cả và mỉm cười khi thấy ta dại dột. Con người sinh ra vốn bất toàn và để làm những điều lầm lỗi. Nó đẹp vì bất toàn. Nó đáng yêu vì nó luôn luôn lầm lỗi. Vậy thì cứ yêu mà đừng tuyệt vọng. Hết cuộc tình này sẽ có một cuộc tình khác. Không có ai lang chạ. Không có ai phản bội ai. Có thứ tình này có thứ tình nọ. Có tội lỗi và có thiên thần. Ðừng khen chê, bôi bác, thẩm định. Ðược yêu hay bị từ chối cũng là số phận của đời. Mà đời thì rộng quá không yêu được chốn này thì yêu nơi khác. Còn yêu thì còn sống. Còn được yêu thì còn sống dài lâu.

Không bao giờ có điều gì tuyệt đối. Và như thế phải có một đêm giao thừa nào đó phải có người yêu. Có những đêm không phải giao thừa mà vẫn có người yêu. Những đêm như thế ta cứ xem như là đêm giao thừa vậy.
Pages: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7
Quán nước đầu làng Ven > Thư viện làng Ven > Người Việt Nam
Bạn đang xem phiên bản gọn nhẹ của diễn đ n dưới dạng text, để xem các b i viết với đầy đủ mầu sắc v hình ảnh hãy nhấn v o đây !
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.