Langven.com Forum

Giúp đỡ - Lục lọi - Dân l ng - Lịch
Full Version: Những đoản Văn Xa Xứ
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > Văn Học & Ngôn Ngữ
Pages: 1, 2
anhhungxalo
Cà phê Việt trên đất người

Có thể hôm đấy, người cầm tay tôi không là Th. nữa. Có gì đâu, ly cà phê vẫn đậm và đắng ở góc con đường Tứ Duy cắt với Nhân Nghĩa. Cà phê ở Cao Hùng có một mùi gì đó thật khác thường, gắt gao và bất an. Cho dù những mảnh vỡ li ti đen và đậm này đến từ Việt Nam, thậm chí từ cùng một hạt cà phê mà bạn bè uống hộ tôi ở cái quán Trung Nguyên lễnh loãng lại tẻ ngắt gần toà soạn báo.

Hay người nhìn tôi cười trong nắng chiều chủ nhật sẽ là một người sau, một người sau nữa, sau nữa trong cuộc đời dài dằng dặc này. Cho đến khi tôi không ngồi ngẫm nghĩ về cô đơn nữa mà hoảng sợ vì cô đơn.

Nếu đã hai năm rồi lẻ loi trên con đường đi về ngày hai buổi, trông những ngày một mình một xe phân khối lớn rong ruổi các chặng đường huyện thị xa ngắt của Đài Loan, gặp những khuôn mặt mà tôi cười tôi vẫn xa lạ tôi. Trong ồn ào tự dưng nhớ đến cái khoảnh khắc chậm rãi chạm vành ly lạnh ngắt vào đôi môi nứt nẻ giữa con đường mùa đông dài ào ạt gió.

Nếu đã hai năm ngồi xuống trước tách cà phê cô đơn mỗi cuối tuần, rơi xuống một hạt nước mắt mỏi mệt trong nỗi đau nhung nhớ, chắc gì ai là ai trong nỗi nhớ. Hay là đã thay đổi ngay cả cách nhìn, cách đắng cay và cách quên. Hay là quanh quẩn về với những cảm xúc hồi còn ngây dại, nhìn thấy cà phê như một điều gì lãng mạn và khát khao.

Cũng có thể tất cả cảm xúc đó về lại quán cuối tuần cuối con đường Tứ Duy, ngồi mà nhìn ông chủ béo phệ Đài Loan chính cống 100% chỉ thích treo cờ Việt Nam giữa quán như một thương hiệu. Có những người nhìn như xuyên được qua họ, chả thấy đọng gì, chỉ thấy trống rỗng.

Cho nên đổi về quán khác, cũng Cà phê Sài Gòn, quán gốc ở đường Minh Triết. Hai năm trước tôi cũng từng mong ngóng cuối tuần để nhảy ra khỏi thư viện trường ngập sách đi bộ ra đường Minh Triết. Ở đây có một kho tàng sách còn phong phú hơn, sách văn học, triết học, sách nhảm nhí, cả “Ba đại diện”, “Xin lỗi bố mẹ con là Gay” cũng ngốn tất, cà phê Việt chỉ còn là cái cớ. Thế là rời sách trường ra sách đời, quanh quẩn không thoát được chữ và nghĩa, giữa những hàng người ngồi phệt đờ đẫn đọc đi đọc lại các trang chữ Hán lộn xộn phẩy mác chấm sổ mà đầy ma lực.

Hai ông bà giáo lục đục cả đêm sau khi được thử thách bằng thứ đắng đen tra thêm sữa bò trong ống bơ đặc quánh, kết quả cuộc trình diễn ẩm thực Việt của lũ học sinh Việt vòng vàng choé cổ và tóc thẳng quần thẳng áo tối màu, luôn diễu qua sân trường như một hàng duyệt binh âm thầm đều đặn. Thằng bạn Đài Loan mất tích sau cuộc khám phá thứ nước đen lạnh toang bơi lều bều mấy hạt bã cà phê. Biết nói sao về niềm tự hào Trung Nguyên duy nhất nổi tiếng xứ người song chỉ đáng mệnh danh là cà phê dành cho những người chưa từng biết thế nào cà phê thực sự.

Sách không bao giờ là đủ, tôi luôn thiếu một cuốn mới. Cà phê thay cho điếu thuốc trên tay mỗi lúc lật trang. Song sau hàng trăm ngày hàng trăm đêm gắng gượng tôi nhận ra cái lạnh dần của tách cà phê giữa đôi tay nhỏ bé giống hệt một sự rời bỏ. Tôi bị rời bỏ và tôi mất dần hơi ấm. Dù cố giữ và ủ mãi giữa đôi tay vụng về.

Vì hơi ấm ấy không ở lại, tôi cũng dần dần rời bỏ cà phê và không còn hy vọng gì nữa, về một hơi ấm, giữa những tháng nối năm đất khách.
Phó Thường Nhân
Tản mạn cà phê

Cảm nhận còn nhớ được về cà phê đầu tiên là ở Paris. Buổi sáng mùa đông ảm đạm. Trời xám xịt một mầu. Sân ga đông kín ngưòi lầm lũi, vội vã, hối hả. Anh đặt chân xuống một mảnh đất lạ. Nơi nó sẽ là cuộc sống của bao nhiêu phần cuộc đời. Câu hỏi không có trả lời. Nhớ lại Anh vẫn còn thấy như ngày hôm qua cái cảm giác ban đầu lo âu, dè dặt và thất vọng. Mặc dù Anh đã tự nói ngàn lần với mình để an ủi. « Không bao giờ có Paris hoa lệ cho một người bình thường, cho chú bé Rê mi không gia đình».
Sân ga đầy những mẩu thuốc lá được vứt vội vàng. Paris là một thành phố rất bẩn. Thiên hạ đủ những mặt người, đủ các mầu da. Như một cái tháp Babilon. Hỗn độn. Anh xà vào cái Bistro ngay trong sân ga gọi một li cà phê. Người bồi mắt còn ngáy ngủ đẩy về phía Anh cái đĩa đựng bánh Croissant, với cái hũ đựng những viên đường. Hơi cà phê ấm nóng làm tan đi cái lạnh giá cô đơn của thành phố. Anh bẻ những mẩu bánh Croissant chấm nó vào Cà phê, như người ta chấm đậu phụ vào mắm tôm, rồi uống cạn phần cà phê còn lại vẫn còn lẫn lộn những mẩu vụn bánh. Sau đó hối hả theo dòng người đi về phía cửa Metro.

Tự do. Một thời gian sau, Anh dẫn một người quen tới từ Liên Xô thăm thành phố. Tình cờ hai Anh Em lại uống cà phê trong cái Bistro đối diện cửa ga. Người bạn hào hứng nói « Thích thật, bây giờ Anh mới biết cảm tưởng thế nào là tự do ». Anh cười, chẳng nói gì. Với một người nổi tiếng, tự do đồng nghĩa với vô danh. Vô danh, người ta không cần phải giữ ý, vì chẳng có ai theo dõi. Người ta có thể tự do nói. Như Anh bạn, anh ta có thể đứng giữa đừng và gào lên bằng tiếng Việt, thậm chí cả tiếng Pháp. Mọi người có thể sẽ đứng lại nhìn, có người sẽ vứt mấy đồng tiền lẻ xuống chân bố thí. Có người sẽ nhún vai bỏ đi, có người sẽ cười thầm. Nhưng có ai để ý, cảm giác tự do đi liền với cảm giác cô đơn. Còn Anh vốn dĩ đã vô danh, thì tự do đi liền với khả năng kiếm sống.

Sự nổi tiếng. Đường Monparnasse. Phía cuối đường có tiệm cà phê La Coupole. Ban đêm, anh đèn Nê ông hồng hồng của nó khiến Anh nghĩ tới ngôi nhà của những cô gái lầu xanh. Tiệm cà phê này nổi tiếng vào thời gian giữa hai cuộc thế chiến, nhưng năm 20,30. Thời Đức chiếm đóng, đây là bàn làm việc của Jean-Paul Sartres, nhà triết gia nổi tiếng một thời của Pháp. Anh không hiểu làm sao ông ấy có thể viết văn ở một nơi ồn ào như vậy. Có lẽ là do sự nổi tiếng. Sự nổi tiếng khiến người ta nhìn ông trầm trồ, nhưng ông lại không nhìn thấy ai cả. Sự nổi tiếng như một cái vỏ ốc tách con người với môi trường. Khiến thế giới ồn ào cũng như câm lặng. Có phải vì thế người ta phải uống cà phê, mang cái hơi ấm của nó để làm tan băng giá trong lòng.

Cà phê Trung nguyên. Mấy ai biết cà phê VN là giống Robusta. Một giống cà phê bình dân, có sức dẻo dai chịu đựng. Còn cà phê ngon, nổi tiếng là giống Arabica. Nhưng giống này rất khó trồng vì nó kén đất, kén khí hậu và rất õng ẹo, khó tính. Cây cà phê đầu tiên được phát hiện ra là dòng Arabica. Nhưng từ lúc đó đến nay, nó hầu như không rời chân được khỏi bán đảo Ả rập và vùng sừng châu Phi. Ở phương Tây, cà phê ngon hay không được người ta đánh giá hàm lượng Arabica trong sản phẩm. Có lẽ độ ngon đồng tính với độ quý tộc, nhưng Anh thích cà phê Trung nguyên. Nó có một vị thơm đặc biệt, sanh sánh. Với Anh , đó mới là cà phê. Còn không hiểu sao ngay cà phê có Arabica, nó vẫn có vị chua và khô khan. Đỏng đảnh như đàn bà khó tính.
Ông chú, người quen của Anh, một người đã sống ở Pháp rất lâu, luôn giữ một thái độ dè dặt với tất cả những gì xuất xứ ở VN. Ông bảo « thơm thế này là có thuốc phiện ở trong, chú bé cứ cẩn thận đấy, uống vào thành nghiện là chết ». Ông nói, và nhấp nháy mắt nghi ngờ. Quả thật mặt cà phê Trung nguyên rất đen, rất mỡ, sóng sánh. Nó khác hẳn cà phê phương Tây, dù Arabica hẳn hoi. Nếu mặt cà phê phương Tây mịn khô ráo hoảnh như cát sa mạc, trôi tuột qua kẽ tay như những kẻ vô tình, thì cà phê Trung nguyên mầu mỡ như phù sa sông Hồng. Nó mỡ màng, dính vào tay người ta bịn rịn như đất mầu. Nghiện thì đã sao. Ai chẳng nghiện một cái gì đó trong cuộc đời. Sẽ rất buồn nếu chẳng nghiệm một cái gì cả. Sách vở, game, tôn giáo, lý tưởng, cà phê, tình yêu....Ai chẳng muốn nghiện một cái gì.

Tuổi thơ. Lần đầu tiên Anh biết mùi cà phê là trong chiến tranh. Lúc đó Anh còn là một chú bé con. Anh còn nhớ đó là lần ngừng bắn vào dịp tết nguyên đán. Mọi người trở về thành phố để phai bớt hương vị nông thôn thời sơ tán. Chẳng biết làm sao, các cậu trong nhà lại mua được một gói cà phê nhỏ. Thế là mọi người hì hụi mang phin cà phê ra. Mất điện. Mọi người đổ rượu ra những cái đĩa. Anh vẫn còn nhớ những ngọn lửa xanh leo lét, mùi cồn thơm trộn lẫn với mùi cà phê. Tiếng giọt ngắn giọt dài rơi tí tách. Chờ đợi là một nghệ thuật. Quấn chặt mình trong cái áo bông, đấy là li cà phê đầu tiên Anh được uống trong cuộc đời. Nó rất ngọt ngào. Anh nhớ vị ngọt và mùi thơm của nó. Chỉ có khi lớn lên, Anh mới biết cà phê có cả vị đắng. Đắng nhiều hơn ngọt, giống như tình yêu.
Mr. Smith
Cafe Trung Nguyên có cả Arabica đấy bác Phó ạ.
Mà uống cafe Trung Nguyên thì em thấy uống fin mới giũ được vị chứ pha bằng máy thấy nhạt nhẽo lắm, mất hết mùi thơm.
(Nhưng mình lười nên vẫn cứ pha bằng máy).
Người ta thích cafe có lẽ bởi vì có cả vị đắng và vị ngọt trong đó, đắng nhiều hơn ngọt, nhưng trong đắng có ngọt và phải biết hưởng vị đắng rồi thì cảm giác ngọt ngào mới đến sau đó. Giống như cuộc đời. Giống như tình yêu.
ThụyVũ
Về Madeley

Tôi khóc, bằng một nỗi câm lặng dài âm ỉ tràn đầy thất vọng. Ngày trước của hôm qua, mưa đổ suốt từ 2 giờ sáng đến 2 giờ chiều hôm sau. Những ô cửa sổ dãy chung cư bên thoắt sáng, thoắt tối, hệt như một cơn mơ ngắn ngủi. Trăng đã biến mất.
Natalie hát Counting down the days. Tôi không biết hôm nay là thứ mấy. Một ngày nào đó trong một tuần nào đó. Tôi gần như mất hết ý niệm về thời gian. Thực ra tôi đã cố gắng để nhớ nhưng lại quên bẵng ngay lập tức. Tôi không thể nghĩ được gì cả.
Tiếng mưa bắt đầu nhỏ lắc rắc, rồi lớn, rồi những tia chớp xuất hiện, rồi lớn nữa, rồi tiếng nước chảy, như đổ về từ những ngọn đồi phía xa. Tôi thấy hai con mắt mình ướt.
Counting down the days kết thúc. Mùi hương muỗi thi thoảng chạm vào môi tôi, một vị đắng ngăn ngắt. Khoanh hương màu tím biếc, giờ đánh dấu sự tồn tại của mình trong đêm bằng một đốm đỏ, nhỏ nhoi, như tôi...
Tầng thứ 11, phòng số 3, có chiếc chìa khoá giờ nằm yên trên chiếc bàn nhỏ trong phòng bếp. Chiếc chìa khoá của tôi, trong một thời gian...

11 giờ đêm hôm sau, tôi ngồi trước cột đèn xanh đỏ. Hai chiếc túi xách chật cứng. Mỏi mệt. Những đồng xu khẽ kêu trong túi quần khi tôi cựa mình trên chiếc ghế băng chờ đợi nhắc tôi về một cú phôn cho mẹ. Tôi quay 001, những số 2 quen thuộc, một tiếng reng: "Mẹ à?" Mẹ đã nói một điều gì đó, thốt nhiên tôi lơ đãng, không nhớ nổi. Rồi tôi nghe tiếng khóc. Tôi buông máy.
Sương bắt đầu xuống, vẫn chưa thấy chiếc xe mang biển 6483 tôi chờ đợi. Sân ga hoàn toàn vắng lặng, trăng đổ bóng trên những hàng cây eun-heng na-mu lang láng. Thi thoảng, tiếng đoàn tàu KTX chạy qua nhanh như một ảo ảnh.
8h30. Tôi ngồi ở ghế số 7C. Tôi đã không quay lại để nhìn H. Tôi biết, H cũng mệt mỏi. Tất cả những ai dính dáng đến tôi đều cảm thấy phiền toái. Đôi khi, tôi nghĩ, sao tôi không biến quách đi, thế là xong...
Trước mặt là một bộ bàn ghế đôi, có một gia đình nhỏ ở đó. 4 đứa trẻ, 2 trai, 2 gái mở to những đôi mắt hạnh nhân nhìn tôi. Tôi nghĩ mình đã vờ nhắm mắt. Tôi thấy cả gia đình quây quần bên bàn ăn trong một bữa trưa chủ nhật. Tôi nhớ món bún, mùi chả nướng, tôi thực sự thèm...
Chiếc tàu lướt êm như ru. Giá vé đắt nhưng là một thử nghiệm nên có. Nhiều người đã ao ước được đi trên con tàu đó. Con tàu thường vẫn chạy qua khi Min-Yeong đưa tôi về quãng gần 11 giờ đêm.
6483 vẫn chưa tới. Tôi thèm vùi mặt vào vai của người ấy, ngủ như một đứa trẻ không sợ ngày mai phải tới trường...

Con đường tới trường dài đúng 900m. Nếu tôi đi nhanh, sẽ mất chừng 20 phút, nếu chậm, sẽ là 30 phút. Tôi thường đút tai nghe để dành quãng thời gian đó cho Buddha Bar.
Mùa này, hoa Mun-kyung nở trắng khắp hai bên đường. Chúng nhắc tôi về quê nội, khoảnh vườn đầy nắng và hương thơm. Tôi nhớ cạnh ngay chái bếp, có một bụi hoa giống hệt loại hoa này, ra hoa màu hồng, trắng và tím nhạt. Ngày đó, mọi người thường nói đó là hoa hồng tàu.
Tôi yêu chiếc bếp ở căn nhà cũ đó. Cạnh bụi hoa hồng tàu là dàn nhót, thường trĩu trịt quả mỗi dịp hè. Dưới bóng mát của những chiếc lá dát bạc lấp lánh ấy, mẹ đã nặn những cái bánh trứng ngỗng vỏ trắng như ngọc mỗi lúc vớt ra đĩa. Cả những bữa bún chấm nước mắm quất mà mẹ đã pha cực khéo. Rồi nồi chè gừng mỗi tối giao thừa của bố làm. Căn nhà đã lâu tôi không còn trở lại.
Con đường vắt qua hai ngọn đồi. Chủ yếu là xe tải qua lại. Chỗ của tôi nằm trên một vỉa hè nhỏ, đủ để hai người có thể cùng bước song song. Đôi khi tôi cảm thấy mình cô độc đi ngược lại những dòng xe tải cỡ lớn chạy ào ào phát ra thứ âm thanh ồn ĩ; đôi lúc lại thấy mình tự do như một người lữ hành. Chỉ có điều, tôi sợ dừng lại. Bước chân vừa ngập ngừng đã lại vội vã...
Người ta sẽ biết làm gì khi một mình giữa một nơi không thuộc về mình?


Đêm thứ hai thức dậy trong một khu học xá hoàn toàn tách biệt với bên ngoài. Sẽ nghe rõ tiếng quả bóng tennis đập vào hàng lưới bên sân tập tay trái. Có tiếng người, rõ ràng, nhưng chỉ một lát đã tan loãng vào không gian.
Tôi ngắm mình trong gương. Nhận ra đôi mắt mình rất đẹp. Đã lâu rồi tôi không biết điều đó, cho tới ngày hôm qua. Chiếc thiệp của Chan-hee 4 năm trước nằm đâu đó trong bộ sưu tập. Hình như, cũng nhắc đến đôi mắt của tôi...
Từ cửa sổ căn phòng nhìn ra phía sau, hoa cúc quỳ nở vàng ruộm như những dải nắng sót. Một thứ ký ức ngân vọng không lối thoát...

Đã có một mùa hoa để đi qua
Những con đường hoang dại
Lũ bồ câu ngái ngủ
Cỏ luẩn quẩn, bồ công anh rơi vãi

Cô gái mắt hạnh nhân
Xin đừng quên lãng mình đang ngồi đây
Trong mớ ký ức hỗn độn này
Và nhớ tiếc những gì chưa bao giờ thuộc về cô

Đã đi qua một mùa hoa
Sao còn tìm lại
Những gì vượt quá thời gian?



Hồ nước nằm lặng lẽ trên đường đi. Tôi, Thảo, anh Sang-ho, Chan-hee vẫn thường qua đó mỗi buổi tối rời khỏi câu lạc bộ guitar cổ điển. Chỉ có điều mặt nước ấy, dòng nước ấy chắc chắn đã thay rồi. Những bông súng nở một màu tím e thẹn nép vào những hõm nhỏ phía giáp đồi.
Tôi đã không đi qua khu ký túc ngày trước. Tự dưng có một cảm giác sợ hãi. Những ô cửa sổ vẫn nhìn tôi, dù tôi ở bất cứ nơi nào. Tôi chỉ nhớ lắm, một thứ, là hình bù nhìn tuyết vào ngày tuyết rơi đầu tiên một ai đó đã đắp từ sáng sớm, hệt như một món quà trước cổng vào. Chỉ có điều, nó đã tan vào đất, lâu lắm rồi...
Mọi người nói rằng một chàng trai trẻ đã chết đuối trong hồ. Buổi tối khi mấy anh em về, chúng tôi thường chạy qua đó, thật nhanh. Chiếc đàn trên vai Chan-hee xộc xệch như muốn đổ và một lần nó đã ngã vào một hố cống. Chúng tôi bước về nhà ăn trước cửa ký túc với những bước chân khập khiễng giống hệt nhau. Đó là lần cuối cùng chúng tôi được nghe anh Sang-ho đàn.


Lần này sẽ là một biển khác, Hyung-gi nói. Tôi ngủ gà gật ở băng ghế sau, tai vẫn không rời bản Câu chuyện tình yêu. Một bài hát hay nhưng buồn; hoặc là một bản tình ca buồn nhưng hay. Kiểu thế.
Những cặp hải âu bay xao xác từ phía xa. Tôi nghe hơi biển tràn vào xe mát rượi. Những chiếc dù nhiều màu chạy thành một đường vòng cung phía tay trái. Tóc Gang-mi bắt đầu bay, rồi đến Bulga và Morgi. Tóc tôi nằm phía sau gáy, một túm nhỏ, chúng vẫn đang ngủ.
Băng ghế đợi xe bus phía bên kia đường có ba cô gái trẻ. Họ mặc những chiếc váy nhẹ và mỏng. Chúng bay lất phất dưới những cặp chân trần trắng loá màu nắng. Còn trên đầu họ, những bông lan tiêu nở một màu vàng rực rỡ.
Có một con ốc tôi đã mang về từ biển Đông. Chúng nằm trong bộ sưu tập ốc biển của tôi. Tôi nghĩ mình không thích biển. Nhưng núi bên biển lại là chuyện khác. Và Madeley, lại nằm ở đó...


ThụyVũ
Nền đường bỏng rẫy, nhưng xuống dưới kia sẽ khác, tôi đề nghị. Mọi người bắt đầu tản mác. Chiếc máy ảnh trong tay tôi cọ cựa, tôi biết, mình sẽ chụp hai nửa quả núi trước mặt. Tôi nghĩ chúng là một, rồi ở một thời gian nào đó lâu lắm trong quá khứ, chúng bị tách đôi ra, có lẽ bởi sóng biển, hoặc một lý do nào đó; như thể một cuộc chia tay thường khó giải thích.
Đôi tình nhân ngồi quay lưng về phía tôi. Tóc cô gái dài, bay, luẩn quẩn quanh cổ chàng trai. Họ không thấy chiếc bóng của tôi đang đổ trước mặt họ. Có lẽ họ đang nhìn ra biển, phía rất xa kia và mơ những điều sẽ rất khó thành hiện thực. Tôi đã chụp lén họ, rất nhiều, bức nào cũng đẹp.
Đôi giầy đỏ của tôi bị vứt lại trên bờ sau một hồi thương lượng. Bulga, Morgi và Nagi cùng ông thầy Pandeed đều đến từ những đất nước không có biển. Họ muốn chạm tay vào thứ nước muối này và đầm mình trong đó. Không ai được quyền ở lại trên cát.

Hai chân tôi lún dần sau mỗi cơn sóng rút đi. Những mảnh sò vỡ đâm vào lòng chân nhoi nhói. Gang-mi đã kịp vẽ một hình trái tim lớn cho Dae-kuang. Tôi chắc sóng biển sẽ làm công việc của nó, rất nhanh thôi.
Tôi bước ra xa thêm, nước bắt đầu ngập tới bắp chân. Rất lâu rồi, tôi chưa ra xa bờ đến thế. Tôi nhớ buổi tối năm nọ ngồi cùng chị trên bãi, tôi đã gọi điện về cho mẹ. Lúc nào đi xa tôi cũng nhớ mẹ nhưng mẹ luôn làm tôi phát chán vì cái tật quá tình cảm của mình. Tôi biết mình giống mẹ, sốc nổi...
Một cơn sóng ào đến, tôi đã không kịp nhận ra, cho tới lúc cả áo quần gần như sũng ướt. Sẽ dễ dàng để đi xa thêm khi rõ ràng mình không thể tránh nổi sóng. Và tôi bước...
Tôi chưa bao giờ biết bơi nhưng không hiểu sao tôi đã nghĩ mình có thể bơi rất giỏi nếu bị rơi xuống nước. Trong rất nhiều giấc mơ tôi đã thấy mình bơi, nhẹ nhõm...Mẹ dẫn tôi tới một bể bơi hồi đầu mùa hè năm tôi lên lớp 6. Một người bạn của tôi đã chết ở đó, ngay trong ngày đầu tiên ấy.


Tôi đã có đôi lúc nghĩ đến cái chết trong 24 giờ chôn mình trong căn phòng ấy. Không phải nghĩ về chuyện mình sẽ chết, mà nghĩ về chuyện người khác nói về cái chết. Tôi nghĩ là mình đã xem đến 5 bộ phim kinh dị trên kênh MGM trong ngày hôm đó, và chẳng cái nào doạ nổi tôi. Thậm chí tôi còn biết chắc chắn thứ máu họ dùng cho diễn viên là một loại dung dịch gì đó có pha cà chua.
Tôi nghĩ đến những cuộc chat chit ba lăng nhăng với teacher dở hơi. Teacher nói tôi không biết phục thiện vì không chịu nghe những khuyên bảo của người khác. Còn tôi thì nghĩ đến chuyện những người trẻ sẵn sàng dùng các loại tính từ thiêng liêng làm trò cười. Gì nhỉ? Hoành tráng, Thiêng liêng, Hướng thiện,...Không ai bặt cười được khi nó được áp dụng cho những trường hợp hết sức ngớ ngẩn.
Cũng phải thôi. Vào lúc này, chẳng có gì khiến chúng tôi tin tưởng được. Mọi thứ đều trở thành trò cười. Ngay cả tình yêu cũng bị đem ra nhạo báng.
Trong 24 giờ ấy, tôi không còn biết tin vào cái gì, ngoại trừ việc mình đã rất đói vì quên ăn...

Những hàng anh đào đã rất dầy lá, đảm bảo chắc chắn tháng 4 vừa qua hoa đã nở rất nhiều. 4 năm trước, chúng chỉ là thứ hàng cây nhỏ bé, lủn nhủn như những cành củi khô. Sân trường cỏ chưa bao giờ mướt xanh đến thế.
Chỗ này, tôi đã đứng chụp một tấm ảnh trong một buổi sáng đầy tuyết. Tôi mặc chiếc áo dài tím, mỏng và nhẹ đến mức những tà áo cứ vấn vít mãi không chịu yên. Tôi đã cười, nụ cười cũng nhẹ bẫng...
Thầy hỏi tôi có muốn đi cùng nhưng tôi lắc đầu. Tôi chỉ muốn một mình, lẩn thẩn đi ngắm lại những hàng cây, ô cửa, con đường,...và thầm so sánh với 4 năm về trước. Cây phong non nằm bên tay phải toà nhà Humanities Building đang bắt đầu đỏ lá. Hoa tường vi nở rộn ràng khắp chốn, hồng, trắng và tím biếc. Chỉ thiếu chin-da-le.
Thực sự là chin-da-le đã nở một mùa xuân rất đẹp. Ngày 11 tháng 4, cửa hai khu ký túc nam và nữ được mở. Đêm hôm đó, rượu so-chu đã tràn ngập khoảnh sân trước toà nhà điều hành. Sáng hôm sau, mùi rượu đã bay hết, chỉ còn lại những vỏ chai xanh điệp màu với cỏ.
Tôi cũng muốn say nhưng so-chu không có cái tài đó.





ThụyVũ
Chuyến xe dừng lại trước nhà ga Seoul sau khoảng 1h10 phút. Tôi đã ngủ trong cả chuyến đi, hoàn toàn vô thức. H tìm đường tới khó khăn nên việc còn lại của tôi là chờ đợi.
1 giờ, 2 giờ, và hơn thế...Lũ bồ câu sà xuống cạnh tôi rồi bay đi ngán ngẩm vì không kiếm được mẩu bánh nào. Chúng đập cánh và thi thoảng nối nhau đậu lên hai cột đèn cao bên ngoài dãy xe bus. Có một lần tôi ngước lên cột đèn xa hơn, và đoán thử liệu có phải 13 con bồ câu đang đậu ở đó không, không ngờ lại đúng.
Trước chiếc ghế của tôi có bức tượng đá người mẹ ôm con. Tôi không hiểu những dòng chữ viết dưới đó, chỉ biết là lại bắt đầu nghĩ về mẹ. Người mẹ nào cũng đẹp, cho dù họ có bất kỳ lỗi gì. Chỉ là chúng ta chưa có thời gian để hiểu nhau mà thôi; nhưng dù sao, họ sẽ đi trước chúng ta, nên nếu có thể, hãy dành thời gian lại cho mình.
Một người có lẽ là kẻ say đang đến gần tôi. Tôi gần như cứng người vì sợ hãi nhưng ngay lập tức lại cười nhạo mình. Ok, thì sao chứ? Chẳng phải tôi đã đang ở đây, một nơi hoàn toàn xa lạ, hoàn toàn một mình sao? Cớ gì lại sợ hãi một kẻ say xỉn đi không vững?
Bầy bồ câu chạy lao theo một người phụ nữ già đang rải những hạt gạo rơi lấm tấm theo hình một chiếc rãnh. Nhưng có một con ngốc nghếch không biết điều đó. Nó ở phía sau bức tượng, ngay trước mặt tôi và nhìn tôi với đôi mắt viền đỏ ngây thơ. Nó không bao giờ biết được, tôi sẽ chẳng thể nào có cho nó, dù chỉ một hạt thóc...

Lắc rắc có hạt mưa. Bầu trời dường như đang nín nhịn nhưng chưa đủ độ để oà vỡ. Mưa tấm tức.
Tôi đổi chỗ ngồi, dưới gốc lan tiêu hoa vàng. Một người phụ nữ mặc bộ váy đen, để tóc trễ nải tới bên. Cô ta không đánh phấn, nhưng môi tô rất đỏ và mắt chải mac-ca-ra thẫm màu ướt rượt. Những ngón tay sơn đỏ bóc bao thuốc rồi móc ra một điếu mảnh và dài. Khói bắt đầu bay về phía tôi.
Hình như đến bài La Rosa. Tôi không hiểu lời bài hát, chỉ có thể cảm nhận có một nỗi buồn nào đó. Hình như khi bông hoa hồng bắt đầu nở, nó đã mang sẵn trong mình nỗi buồn của sự tàn úa. Người phụ nữ có lẽ cũng mang gương mặt của bông hồng đang qua thời kỳ viên mãn. Chỉ không biết hương thơm ở đâu...
Đôi giầy đỏ của tôi cọ quậy liên tục. Và H đến, đẫm mồ hôi. Tôi đã tưởng H đến từ trước đó 3 giờ, trong dáng của người con gái mặc bộ váy xanh loại vải rủ với hoa văn cực ít và mái tóc dài. Chỉ có điều, cô ấy không bao giờ có đôi bàn tay đẹp của H.

Hai chúng tôi ngồi trong quán cà phê có tên gọi rất đỗi Ý. H muốn tôi thưởng thức món cafe-au-lait có trang trí hoa văn rất đẹp. Tôi không ưa thứ có sữa nhưng tôi thực sự muốn thử.
Cà phê được rót ra, khéo léo và sóng sánh hình trái tim. Nó là một thứ rất đẹp để ngắm nhìn nhưng quá dễ dàng để tan vỡ. Tôi thử một thìa kem của H, thấy nó thực sự ngon hơn rất nhiều.
Xung quanh chúng tôi, mọi người vẫn tấp nập đi lại. Nhưng tôi biết, ngay ở đây, chính giữa ly cà phê này, thời gian đã ngừng lại và thậm chí còn quay chậm về phía quá khứ.
1, 2, và rất nhiều những câu chuyện không đầu không cuối. Lâu lắm rồi chúng tôi không gặp nhau. Một bài thơ tôi viết riêng cho H đã có một kẻ nào đó lấy trộm và đề tên mình ở dưới. Ánh cầu vồng một ngày H tới Hà Nội nhưng không gặp tôi chỉ xuất hiện qua mẩu chuyện ngắn ngủi qua mobile. Một vài thông tin mờ nhạt.
Tôi có 2 chiếc CD để H chọn lựa, rất may là H đã lấy Này em có nhớ. Trong lòng tôi, đã hy vọng điều đó xảy ra...

NguoiVN

Hậu: Trước giờ mày có bao giờ cố làm điều gì đó để hoà đồng hơn với mọi người quanh mày?
Tôi: Chắc là chưa. Từ nhỏ đến giờ tao luôn thích tỏ vẻ khác người. Tao thích làm chuyện ngược đời hơn.
Hậu: Thế tại sao mày thích uống cafe
Tôi: Tại vì tao thích cafe.
Hậu: Vậy tại sao tao với mày hay đến đây
Tôi: tại cafe đây ngon hơn nơi khác
H: sai, tại vì mọi người hay đến đây. mày uống cafe vì mọi người uống cafe. lúc trước tao hut thuốc vì tao thấy bạn bè tao hút. Tao nhớ lúc nhỏ thấy anh già hay ngồi uống rượu rồi nói dóc với bạn. tao nghĩ lớn lên tao chắc cũng vậy.Tao thấy ảnh hút thuốc, thằng anh cũng hút.
T: thế sao lại bỏ thuốc
H: Sau này thấy được tao có thể chọn cho tao cách sống. Tao bỏ hút, lúc đi tù nhận ra mình sai lầm nhiều. Giờ nghĩ lại, đôi lúc kô hiểu tại sao mình làm những thứ đó
T: vậy nữa. Thế bỏ thuốc làm mày tốt hơn à
H: Bỏ thuốc là cách tao cố nhìn cuộc đời này theo huớng khác
T: Thế giờ mày nhìn đời theo hướng nào
H: tao nhìn đời theo nhiều cách
T: nhiều cách là sao ông nội
H: khi mày ra tù, cuộc đời mày tự khắc thay đổi. Trong tù, thời gian trôi chậm wá, tao ngồi suy nghĩ, suy nghĩ...
T: tao tưởng mày vào đó chơi domino với mấy thằng đen
H: đi tù rất có ích, tao nghĩ mỗi người nên đi tù ít nhất một lần trong đời
T: vậy nữa
H: cuộc sống của mày nhanh wá, mày nên vào tù một lúc
T: nhanh gì cha
H mày cứ làm và làm, đi rồi đi, cho mày chút thời gian, vào tù một lúc rồi ra. Trong đó có thư viện, vào đó đọc sách
T: sách gì cha
H: sách gì cũng có, mày cố chấp wá. mày nên đi tù một lúc
T: cố chấp sao
H: mày muốn mọi thứ theo ý mày, trước kia tao cũng vậy, sau này nghĩ lại, theo cách người ta cũng tốt. kô phải tự nhiên ngươgfi ta lại làm như vậy, cái gì cũng có lí do
T: sao biết tao cố chấp
H: thấy mày ăn tao biêt thôi. Mày ăn gì cũng bỏ nước mắm với xì dầu. Ăn đồ ăn Pháp cũng làm vậy. Kì vậy, raymond nói nhiều lần. Ai cũng nói, mà mày đâu chừa
T:thì wen rồi, lâu rồi đâu ăn đồ việtnam, ăn bánh mỳ hoài chán lắm.
H: đồ người ta sao, cứ giữ nguyên như vậy mà ăn, đừng cố thêm cái này cái kia.
T: thì có gì sai đâu
H: sai đúng gì ở đây, tao muốn nói là, nên thử đón nhận văn hoá người ta theo cách của người ta, rồi mày sẽ thấy được vấn đề theo cách thấy của người ta. Cứ vậy mà làm

NguoiVN
I felt the bitter of my coffee in my breath . It contaminated the air, it spreaded sadness, viruses, diseasees and troubles and nonsenseness . How cid the sunshine, the wind, the element of live leave me all behind? The green of tree, the blue of sky, the view in front of me, people, girls, voices, chuckles, laughing, all the sound of life, the movement of the universe. The world that I was separated from. It was right here, right now, surrounding everyone, it was real, but I couldn’t touch. Who had imprisoned me? Who had punished me? Who had hated me? Who had done this to me? When the caffeine started to run down through your throat, it gave your mind wandering fear, doubt and it gave your heart weight, and you said “ I didn’t know why”. Sadness was digging holes in my stomach, soon the blood would pour out. My skin would turn color, and the wild look in my eyes would be more clear. My veins, my nerves would started to experience intense pressure till they were blew all apart. And more, my skin would become green, then grey and start drying. My body would shrink smaller. My bones would disappear. And that time, I would be please to take a look at myself, the mirror would expressed the inside of me.
So I sat there, my eyes were far, looking at the unseen. And I saw hair, legs, teeth, people dancing in the blue sky. I smelt the smell of fresh grass, I smelt the smoke from chimney in my village. I saw my memory floating in the sky. I strengthened my arm far and tried to reach for it. My hands were reaching far and far, to the end of sky, into the blue, to the memory. And my fingers danced the dance of sorrow. I leaned toward the wall, pressed my head hard against it till I felt the paint. I drank more coffee. And soon I smoked, I hold all the smoke inside my lung till my eyes stung by it. And tear started to drip out. The vision was blur and the view of sweet memory was taken away by the blue sky. And I breathed till I was exhausted.
I buried my head my hands and closed my eyes. I wanted to cry out. I wanted to drink my tears and fed the man inside me my weakness. I hold my coffee cup tight and bitted the cap. I didn’t permit myself to drank more this water of evil. The blood of Satan was black, the color of my coffee.
They served me with the best coffee, world's coffee, whatever coffee they named it. I brought myself a cup of coffee, two cups, three cups. I made myself a coffee. But where was my country coffee? Coffee that I knew was made from the water in my land, boiled in the hand of my people. Coffee that I drank the first time in my life and still remembered, the fin, the color and so many things, I remembered the feeling of patience while sitting there and watching each drop dripped out from the coffee fin, one came after another. It was why coffee was made? It was intended to be made to help easing my sorrow, my sadness and lonesomeness. But coffee didn’t promise me anything, it didn’t promise to free me from my troubles. It was here, right now just to be drunk, by me. I got one answer after drinking the first cup, another one after drinking two. I was never bored drinking coffee, because simply every experience was different. That was the promise of coffee.
phatastic
Đoạn trên là của NguoiVN viết à? Bất ngờ đấy.

Hic, phải đi pha cho mình một ly cafe ngay.
Kòm
Xoá

Phó Thường Nhân
NguoiVN
chú Kòm chửi gì tớ nên bị xoá bài à devil2.gif . Pót TA tại vì bài đó viết lúc trước ,thấy hợp chủ đề, kô biết dịch ra làm sao. Chú thông cảm leuleu.gif
Phó Thường Nhân
Xa Xứ

Chiếc máy bay Tu154 rú lên rung bần bật, rồi nặng nề lăn bánh trên đường băng. Chỉ còn vài giây nữa thôi là Anh xa xứ đến một đất nước xa lạ. Lần đầu tiên, Anh nhìn thấy sông Hồng từ trên cao , cảm nhận được sự mênh mang hùng vĩ của nó. Cầu Long biên như vòng tay mẹ già, gầy guộc nối hai bờ sông. Nước sông đỏ, cảm giác đặc quánh phù sa, có thể sắn miếng như bánh đúc. Cả máy bay im lặng. Thế là đã qua những ngày ăn chờ nằm trực trong nội trú. Đi ăn cơm chỉ với một cái thìa giắt thắt lưng. Đã qua những thấp thỏm chờ đợi. Chờ máy bay, chờ xăng, và rồi không biết phải chờ cái gì nữa trong cái nắng thiêu đốt cuối hè.

Hội nhập. Anh không cảm thấy chờ đợi là điều buồn bã, Anh còn muốn nó kéo dài hơn, vì Anh có thể nhìn thấy một người con gái tóc dài, Anh muốn kéo dài những giây phút ấy. Anh đã quen nhìn thấy cô từ trường phổ thông. Đến giờ, cái kỷ niệm phổ thông ấy cũng kết thúc. Những gì sau lưng không còn được nữa. Nhưng những gì trước mắt vẫn là điều bí hiểm. Chỉ có hiện tại. Hiện tại luôn ở đó. Người ta không thể dứt được hiện tại. Anh không còn dây nối với quá khứ, nó đứt dần dần theo độ cao . Còn tương lai thì bí hiểm như đường gân lòng bàn tay. Có tiếng nức nở của một bạn gái cùng đoàn.
Trong máy bay chỉ có chúng tôi, những lưu học sinh và chuyên gia Liên Xô. Họ đi đâu, về nghỉ hè hay hết hạn làm việc ở VN. Chưa bao giờ tôi đứng gần họ đến như vậy. Họ mỉm cười. Tôi cũng mỉm cười. Không thể nói gì vì bất đồng ngôn ngữ. Họ còn mải bận rộn sắp xếp đống hành lý nặng nề . Không hiểu sao họ mua rất nhiều đôn sứ, voi sứ. Những đồ cồng kềnh dễ vỡ ấy để đầy phía cuối máy bay. Những chiếc đôn được sản xuất vụng về. Đó là hàng chợ. Nhà ông bà Anh có những chiếc đôn trăm năm, đẹp hơn nhiều. Nhưng chẳng mấy ai để ý. Còn họ thì vác đi những thứ mà Anh coi là thổ tả.
Nhưng cô tiếp viên người Nga đánh môi đỏ chót như hoa lựu, mắt tô quầng xanh đi lại. Họ nói gì Anh cũng không hiểu « Tray ? Ca va ? » (Trà ? Cà phê ?), trước sự lúng túng họ mỉm cười với một nụ cười chán ngán như thể họ đang ban ân huệ cho một anh nhà quê. Còn Anh thì ngượng ngập đến chín cả người. Vì không hiểu tiếng cũng như mặc cảm. Anh lúng búng « Tray ? », dường như Anh không phát âm ra được nên phải dùng tay chỉ. Cô tiếp viên rót cho Anh một thứ nước lõng bõng, mầu vàng nhạt rồi quay đi không đợi một lời cám ơn.
Anh đã được học về tinh thần quốc tế vô sản. Anh đã được học về những ước mơ thế giới đại đồng. Nhưng hiện tại Anh cảm thấy nó xa vời. Cô tiêp viên người Nga chắc cũng được học về tình thần quốc tế vô sản. Họ cũng muốn thế giới đại đồng. Nhưng cô ta thấy chán ngán. Anh và cô ta không thể vượt được một thứ biên giới vô hình. Đó là ngôn ngữ và văn hoá.

Thích nghi. Bữa ăn trưa được mang ra. Tất cả đều lúng túng với các gói ni lông, gói giấy đủ loại. Cũng không có đũa thay vào đó là thìa và dĩa. Anh còn nhớ rõ những cặp mắt nhìn nhau lo ngại. Có đứa chăm chú tìm cách đánh vần những dòng chữ xa lạ. Có đứa xem xét như đang nhìn những vật thể xa lạ. Chỉ có Long là có vẻ thành thạo hơn cả. Gia đình nó vốn là dân trí thức từ thời Pháp. Ông nó vẫn thỉnh thoảng mặc quần sóc, chống ba toong đi dạo phố. Dân phố vẫn gọi một cách kính trọng là ông giáo. Anh cũng không hiểu Long đã dùng dao dĩa lúc nào. Anh cũng không hiểu nó có thực biết hay là không muốn phụ lòng tin của bạn bè.
Dù sao Anh cũng không thể chạy lên chỗ Long ngồi để hỏi. Phải tự mình xoay xoả. Anh lật đi lật lại những gói giấy. Cũng không biết gì hơn. Đột nhiên có ai đó kéo tay Anh. Anh ngoảnh lại, đó là Thịnh Nó tít mắt cười nhìn Anh khoái chí rồi thì thào « làm theo tao đây này ». Trong cả bọn, chỉ có Thịnh là ngồi cạnh một ông Liên Xô. Anh chợt hiểu ra. Nó đang bắt chiếc y hệt. Thậm chí lúc ăn xong, ông ấy uống cà phê nó cũng uống cà phê. Rồi sau đó ông ta nhặt gói bánh ngọt nhét vào cái ngăn trước mặt nó cũng làm vậy. Nhưng cũng nhờ có nó, mà tất cả những người xung quanh mới hiểu ăn cơm Tây , dùng dao dĩa như thế nào.
Anh còn nhớ mãi cảm giác nóng cồn cao trong ruột lúc đó. Không phải chỉ có sự thích nghi bên ngoài, cơ thể Anh cũng đang vật lộn để chuyển đổi những thứ đồ ăn xa lạ kia thành năng lượng. Anh còn nhớ rất rõ vị thịt gà khô xác, vị gây gây của nước sốt, cái ngai ngái của những hạt đậu Hà lan xanh xanh,tròn như những hòn bi.
Anh cũng nhớ rất rõ cảm giác thèm cơm, thèm nước canh. Thèm có nước trà. Thèm nước mắm.
Tiếng máy bay vẫn rì rì, kiên nhẫn, rả rích. Bên ngoài trời đã tối. VN đã xa vời đằng sau. Anh đã đi qua biên giới từ lúc nào không rõ. Trên tầng mây không có biên giới. Nhưng có một thứ biên giới nào đó đang hình thành. Nó trong suốt như pha lê, nó nằm trong mỗi người. Anh có linh cảm rằng Anh sẽ mang cái biên giới vô hình đó mãi mãi trong người. Có lúc sẽ phải vượt qua nó, có lúc phải núp sau nó.

Máy bay dừng lại ở Bombay. Mảnh đất đầu tiên ngoài VN Anh đặt chân tới. Lần đầu tiên Anh thấy những cô gái Ấn độ bằng xương bằng thịt. Điều Anh ngạc nhiên là sao họ đen như vậy, và xấu hơn rất nhiều những cô diễn viên trong nhưng phim của Bollywood. Có cảm tưởng như họ không sinh ra trong cùng một đất nước. Họ quấn mình trong nhưng tấm vải sặc sỡ đủ mầu và để hở những khoảng bụng núng nính mỡ.
Chung quanh Anh, các bạn cùng đoàn đang giết thời giờ bởi một cuộc tranh luận « Ăn thế nào là văn minh nhất ». Nhất định phải bỏ bánh ngọt vào túi xách như Thịnh, hay bỏ nhầm muối vào cà phê như Long.

P/S Cảm ơn Smith , thế có nghĩa là có cà phê Trung nguyên Arabica à ? Nó là số mấy
Mr. Smith
@ bác Phó: Cafe Trung Nguyên có cả Robustra và Arabica nhưng em không nhớ là số mấy. Ở VN thì em hay uống cái Arabica Sẻ, cũng chẳng biết Sẻ có nghĩa là gì.
Hổ mang đại sư
- Mìn ơi , uống cà phê không ? Tớ pha cho nhé !
A bạn bè khá phết .
- Ok , pha cho tớ với . Ít đường thôi . Cám ơn .
Quay lưng lại thấy hắn đang hì hụi . Cái phin xịn phết , chắc mới đem từ VN sang . Chả biết là loại cà phê nào , chỉ thấy đen thui .
Hắn tống thêm một số thứ vớ vẩn khác vào cốc to phê to đùng . Đại loại như sữa siếc , cappuccino ca pu chi niếc . Tóm lại kết quả sau cùng là ly cà phê có màu vặc vện chả ra hệ thống chính sách gì sất .
- Xong rồi đấy !
Đáng lẽ nên nhâm nhi này nọ , nhưng mìn thấy cà phê nhiều như nước Biển Hồ nên tợp đại một phát .
- Ngon không ? Tớ pha có được không ?
Ôi trời . Há dễ chê bai tài năng của bạn bè trong lúc bạn rất tận tình. Mà thực ra lúc ấy chả biết dở hay ngon nữa . Chỉ thấy cũng được được . Ít ra cũng không chết dại .
- Ngon ngon . Pha được đấy !
Khoảng 15 phút sau .
- Hết chưa ?
Bụng bảo dạ thôi chả ảnh hưởng gì đến hoà bình thế giới liền hào hứng tu nốt phần còn lại .

Kết quả là 2 hôm liền sau đó không tài nào ngủ được . Mắt chớp chớp , mồm đớp đớp , ăn uống chả vào chút nào . Hôm sau gặp mặt :
- Thắng khốn , chú làm anh chả ngủ quái được gì cả !
- Hôm ấy hình như tớ lỡ tay , cho hơi nhiều cà phê quá thì phải . Lần sau rút kinh nghiệm .
Kinh nghiệm với chả kinh doanh , anh chả quan tâm , anh là anh cạch thẳng cẳng cuộc đời .
NguoiVN
tôi
phu't giật mình nhìn lại thực tại
tất cả hiện thực quy cả về
đây
phút trước cười
đùng một cái trắng tay
hỏi đời cần bao lần làm lại
nhớ biết bao lần
tôi đứng trên non cao
nhìn thế gian,
mình là quan trọng nhất
bao lần được cả
bao lần về không
mùi đời nếm sao cho đủ
biết bao vị cay
biết nói sao khi quá cay
hôm nay lại trắng tay
đời đen thật
không cho kẻ trẻ quá giàu
rớt xuống rồi lại trèo lên lại
cứ mỗi lần tôi trèo nhanh hơn
và sau đó lại té đau hơn
mất đau hơn
cay quá
thế lại được và mất
cơ hội nhìn và học hỏi
tại sao sai
kiêu chi để rồi trách ai
số mày không thể
thành công mãi được
có phải duyên định đã nói trước
làm bao nhiều
cũng không thể giữ được lâu
tại sao
nguyện hỏi cho kì đuợc
bao đồng bạc
nào có thấm vào đâu
cần một câu ừ làm lại
ừ thực tại
có kẻ đôi mươi
tóc đã bạc đầu
thì có gì đâu
có gì đâu
đau thì cứ đau
đời không cho mày nghỉ
vậy đó
xin lại đuợc đau
nhưng sẽ sớm cười vào nó
vậy đó
hôm sau tao trở la.ii
mạnh mẽ hơn
Hổ mang đại sư
Chú ngườivn rất có khả năng. Nhân danh 1 triển vọng tài năng thơ ca kiệt xuất của nước Việt ta, anh hoan hô chú thumbup.gif
NguoiVN
từ dạo thấy bác mìn bảo tao khạc ra thơ, em thấy em cũng khạc ra được, có quái gì đâu. Công đầu ở bác v.gif
Phó Thường Nhân
Thịt chó, thịt người

Tôi mỉm cười khoái trá khi nhìn thấy thằng bạn cùng làm người Pháp đang cố gắng nuốt miếng cơm. Chắc nó đang lợm giọng lắm về chuyện tôi kể. Còn tôi thì ngồi ăn ngon lành. Tôi gọi thịt thỏ sốt vang ăn với mỳ ý. Còn nó vốn gốc người miền Tây Nam Pháp vẫn khoái ăn lườn vịt hấp. Cũng chỉ bắt đầu bằng câu
chuyện ăn thịt chó. Nó bảo với tôi rằng nhân dịp ở Hàn Quốc có giải bóng đá thế giới, báo chí có đăng tin là người Hàn Quốc ăn thịt chó. Con chó vốn là động vật được yêu quý ở phương Tây. Số lượng chó ở vùng Paris có lẽ còn nhiều hơn cả số lượng trẻ con. Người ta vẫn có thói quen mang con toto
ra đường ị bậy. Nhưng thành phố không dám phạt. Bởi nếu phạt, dân bất bình có thể thị trưởng không được bầu lại. Thế cho nên ở Paris có dịch vụ đi hút phân chó. Người ta có thể gặp những ngýời này đi cái xe moto, đằng sau có cái bình chứa lớn như kiểu bình phun thuốc trừ sâu. Người lái, lượn vòng điệu nghệ trên hè phố, dùng ống hút như là máy hút bụi để thu dọn của quý do những đứa trẻ con bốn chân kia thải ra. Gọi con chó là trẻ con bốn chân cũng không quá ngoa nguắt. Vì người ta quý chó lắm. Thế cho nên ăn thịt chó khác gì ăn thịt người.

Tôi kể cho nó ở VN, ngoài bắc cũng ăn thịt chó. Tôi tả cho nó miếng gan chó mềm như thế nào. Rồi rựa mận, sền sệt quanh đen như mực tầu.Rồi miếng dồichó, chỉ nghĩ tới cũng đủ nuốt nước miếng ừng ực. Xắp chân vòng tròn trên chiếu. Nhắm thịt chó với rượu nếp ta trong những cái chén hạt mít tí xíu.Ngà ngà ngước mặt nhìn lên mái lá. Gió từ bờ sông cái thổi vào mát rượi. Có lẽ chẳng có gì đặc trýng hõn thế cho nghệ thuật ẩm thực VN.

Tôi không hiểu nó nghĩ gì. Có thể nó nghĩ đã phát hiện ra trong tôi, cái man rợ của một giống dân không văn minh. Ăn thịt chó khác gì ăn thịt người. Tôi chắc nó đang tưởng tượng những con chó Bắc kinh bé tí xíu, lông xù như một bịch bông trắng muốt, lại đi hài, đội nơ. Hãy tưởng tưởng những con chó đấy,trần trụi, vàng ươm, nhe răng trắng nhởn trong cái nồi nước dùng sôi sùng sục,chân chổng lên trời. Thảm quá. Cứ tưởng tượng như thế thì rõ ràng tôi là một kẻ man rợ. Một kẻ man rợ không chịu chấp nhận cái văn minh chỉ có thịt bò thịt gà công nghiệp.

Thằng bạn bảo tôi. Lần trước nó có nói chuyện với một ngýời bạn khác của nó,cũng gốc VN. Nhưng anh ta bảo anh ta không ăn thịt chó. Thậm chí còn ghê tởm việc ăn thịt chó hơn cả nó. Điều đó có thể làm cho nó yên tâm, vì nó biết đang nói chuyện với một người văn minh, còn văn minh hơn nó. Không ăn thịt
chó là một cái blind test. Ngýời văn minh không ăn thịt chó. Chỉ có kẻ mọi rợ mới ăn thịt chó, bởi ăn thịt chó giống như ăn thịt người.

Tôi cũng đã một lần nói chuyện với người bạn kia của nó. Lúc đó tôi đang gặm một quả táo. Anh ta bảo "trong Nam quả táo được gọi là quả pom". Thằng bạn Pháp ngạc nhiên nói "như vậy là giống như tiếng Pháp à". Quả vậy. Tiếng Pháp viết là pomme, nhưng đọc cũng giống như thế. Anh ta gật đầu tự hào. Có gì tự hào hõn là chỉ một quả táo bằng một danh từ giống như tiếng Pháp. Người Pháp vốn văn minh. Giống tiếng Pháp có nghĩa là văn minh. Tôi bảo "Không, ở ngoài Bắc người ta gọi là quả táo tây" để phân biệt với quả táo ta, mà ở Pháp không có. Tôi cảm tưởng đọc được trong mắt anh ta một điều gì như ngạc
nhiên, tự hào. Rằng anh ta biết quả táo phải được gọi là quả pom. Còn tôi thì chỉ biết nó là quả táo.

Tôi bảo với nó rằng "ăn thịt chó cũng bình thường thôi. Chỉ vì mày không quen và có những tưởng tượng quá đáng sinh ra định kiến". Nó gật đầu có vẻ chấp nhận. Nhýng tôi hiểu có thể đó là một thứ lịch sự, còn thâm tâm nó không chấp nhận đợc. Mà làm sao nó chấp nhận đýợc. Có bao giờ nó đã ngồi như tôi, trên đường đê La thành, hưởng cái vị bùi béo của thịt chó. Mà giả dụ nó có thử thì chắc gì nó đã thích. Mỗi món ăn trong lịch sử văn hoá của một tộc người có những cái vị, cái mùi, cách chế biến riêng. Nó mang theo cái ẩn số văn hoá của tộc người ấy, vùng đất ấy. Không có những cái đó,
không biết nó, chỉ nhìn bằng định kiến thì làm sao hiểu được. Bản thân người Pháp vẫn bị người Anh gọi là những kẻ ăn thịt ếch một cách khinh miệt. Bởi người Anh chẳng biết mùi vị thịt ếch ra sao cả, dù mặt trời đã có lúc không bao giờ tắt trên đế quốc Anh.

Lúc đặt chân tới Tây Âu, tôi ngạc nhiên sao thịt gà của họ lại bở như vậy.Số lượng thì nhiều, nhưng chủng loại thì ít. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ có thịt bò, thịt lợn, thịt gà, thịt cừu.. Tôi không hiểu làm sao chủng loại lại nghèo nàn như vậy. Sau này, một lần tình cờ xem trên TV công nghệ làm gà của
họ tôi mới hiểu. Con gà được nhồi như một cái máy. Thậm chí không còn đứng lên đi được. Lợn họ có thể tiêm hóc môn, có thể cho uống thuốc kháng sinh cho nó phù để béo cho nhanh. Thậm chí miếng thịt gà có thể được tái tạo lại. Trứng cũng như vậy. Hoá ra đồ ăn không còn gì là tự nhiên cả. Nó được sản xuất như người ta khai thác đồng, chì , kẽm, dầu mỏ... Tất cả những gì không sản xuất công nghiệp được, sẽ bị loại bỏ. Thức ăn giống như một thứ dầu xăng, còn con người là cái máy. Người ta thức ăn theo năng lượng, chẳng ai tính theo gu. Như vậy đó là man rợ hay văn minh.

Tôi tiếp tục kể chuyện cho thằng bạn Pháp về món nhộng rang. Những con nhộng rang vàng với hành phi thơm nức. Đến nước này thì thằng bạn Pháp không thể ăn nổi. Nó phải bỏ bữa. Tôi hiểu nó đang tưởng tượng tôi như một người da đỏ. Đầu quấn lông chim, lưng mặc quần đùi bằng lá. Tay cầm cái gậy, mồm hát "wow, wow.." nhẩy xung quanh đống lửa. Người da đỏ ở vùng A ma dôn cũng có tục ăn nhộng một loại cây như cây dừa. Họ súng sướng ăn sống từng con nhộng nhỏ mà ở châu Âu có lẽ họ gọi là con dòi (Larve). Tất cả vấn đề là ở chô đó. Con tằm, trong tiếng pháp người ta dùng từ sâu để chỉ (le ver de soie). Nó chỉ là một loài sâu của một loại cây. Nó mang tất cả sự ghê tởm mà người ta có thể gán cho khái niệm sâu bọ. Nhưng trong tiếng Việt, người ta gọi là con tằm. Nó không phải là con sâu. Nó có tên riêng của nó. Tôi đã từng nhìn thấy những con tằm trắng, béo múp míp ăn là dầu rào rào. Con tằm rất khó tính. « Nuôi tằm ăn đúng ». Chăm tằm khó như chăm trẻ con mới đẻ. Chỉ cần lá dâu không sạch, bị ướt là tằm có thể chết hàng loạt. Vỡ vụ, thất bát. Rồi tằm rút ruột nhả tơ. Người ta ví tằm như người mẹ, « trăm dâu lại đổ đầu tằm ».Con tằm không phải là con sâu. Tôi không rõ người da đỏ gọi con nhộng họ ăn là gì. Nhưng có lẽ họ không gọi nó là dòi, mà chắc phải dùng một từ khác. Nhưng những điều đó, thằng bạn Tây cùng làm không hiểu. Nó chỉ muốn áp đặt con sâu để chỉ con tằm cho mọi người. Nhưng con sâu không phải là con tằm. Đã là sâu thì tất nhiên là ghê tởm. Ăn đồ ghê tởm, có nghĩa là không văn minh, là mọi rợ. Nhưng ăn đồ ăn chỉ tính bằng calorie thì lại là văn minh.


Còn tôi, tôi vẫn khoái ăn thịt chó.Tôi thèm được ăn nhộng. Chẳng có một lý do văn minh nào thuyết phục tôi bỏ được, ngoại trừ nói dại, nó có bị nhiễm vi trùng H5N1. Những miếng rựa mận đen quánh, những miếng gan luộc bùi bùi. Những miếng dồi chó thõm nức. Những con nhộng thom vàng.
Minh Tí
Viết ở đây nên em học tập bác Phó.

Tôi đã có chút kinh nghiệm khi phải va chạm với những khác biệt văn hoá. Với văn hoá, có lẽ nên dùng từ khác biệt thay cho việc so sánh theo kiểu hơn kém. Giả dụ khi nói về thịt chó, tôi thử hình dung mình là người Pháp và trước mặt mình là thằng bạn da vàng khè, mắt ti hí. Nó tả cho mình nghe về món thịt chó của nó một cách say sưa, còn trong đầu mình là cảnh một thằng bé bị lột trần truồng, một xiên từ mông lên đầu và quay trên lửa mùi khét lẹt. Kinh tỏm quá. Do vậy, có thể thằng bạn Pháp sẽ có hình dung như vậy.

Trước khi nói về chuyện thịt chó, tôi bảo nó "là do mày bảo tao nói chứ không phải tao là người gợi chuyện". Sau đó, tôi định nghĩa lại con chó ở VN là như thế nào. Tôi bảo "Mày không được hình dung trong đầu mày con chó ở VN là con chó ở đây. Tốt nhất mày coi con chó VN như con ngựa P". Thế mà cuối cùng, sau nửa tiếng nói chuyện thì nó bảo "Thôi mày im mẹ nó đi cho tao nhờ".

Còn về chuyện ăn sâu, thi thoảng tôi vẫn trêu chúng nó "Bọn mày ăn uống cũng kinh bỏ bà, tao đã xem trên tivi bọn mày ăn pho mát có bầy giòi bò lổm ngổm bên trong !". Nói chung, với những thằng đầu óc mở, đã từng đặt chân bên ngoài châu Âu thì có thể nói chuyện về những khác biệt văn hoá dễ dàng hơn những ông công tử chưa từng ra ngoài.
Phó Thường Nhân
@Timo
Chuyện không phải chỉ dành cho người Pháp đâu. Nó nói tới vấn đề phân biết do tưởng tượng. Cái này dính tới môi trường văn hoá. Nó cũng nói tới ngôn ngữ. Vì ngôn ngữ cũng chuyển tải tưởng tượng và văn hoá do ý nghĩa của nó
Pages: 1, 2
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > Văn Học & Ngôn Ngữ
Bạn đang xem phiên bản gọn nhẹ của diễn đ n dưới dạng text, để xem các b i viết với đầy đủ mầu sắc v hình ảnh hãy nhấn v o đây !
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.