Langven.com Forum

Giúp đỡ - Lục lọi - Dân l ng - Lịch
Full Version: Gặp Một Số Nhà Thơ Và Các Kiểu Cảm Nhận
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > Văn Học & Ngôn Ngữ
x
Nhà em coi làm thơ là xả rác và vì thế thơ đa phần là rác (có nghĩa là không phải tất cả thơ đều là rác), thế nhưng năm nay lại bội thực về thơ. Trong vòng 2 tháng qua em đi nghe tổng cộng 5 nhà thơ bao gồm Nguyễn Quốc Chánh, Đinh Linh, Hoàng Hưng, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Lê Thuỳ Yên. Trong đó anh Chánh, Minh ở Sài Gòn, bác Hoàng Hưng ở Hà nội, Đinh Linh thì lang bạt khắp nơi, vài năm ở một nước vài năm phải về VN vì hết hạn hộ chiếu trước khi được mời đi đọc thơ ở đâu đó, còn Lê Thuỳ Yên thì sống ở Mỹ. Trong 5 bác- mỗi người lại một kiểu, một loại thơ. Anh Chánh thì thơ kiểu thơ vè, có nhạc điệu đơn giản khớp với các loại hát vè dân gian- lời lẽ chủ yếu là châm biếm đả kích xã hội cụ thể. Anh Linh thì toàn thơ tính dục, chim cò bướm biếc xuất tinh bóp vú lung tung cả, nói về thân phận con người, tâm lý con người một cách nhấn mạnh bằng cách hình ảnh dục tính, chỉ đả kích xã hội gián tiếp, thơ anh có nhạc tính tự nhiên, không cần phải dùng thể loại nhạc nào làm chỗ dựa như anh Chánh. Bác Hoàng Hưng thì nhẹ nhàng trong trẻo tình cảm, có nhiều giai đoạn thơ khác nhau- giai đoạn thơ vụt hiện thì mọi thứ mờ ảo không rõ ràng, hình ảnh âm thanh đẹp, gợi; giai đoạn thơ trong tù thì có thêm sự sợ hãi, ám ảnh hoảng loạn nhẹ nhàng, không bao giờ gay gắt hay tạo kịch tính quá mức. Thơ bác Yên phần lớn là cổ, vì bác Yên thuộc thế hệ học Pháp từ những năm 50, 60 - có pha cả phật đạo lẫn tư tưởng Tây- lãng mạn được đẩy vọt và mô tả thân phận con người một cách đầy tham vọng. Thơ anh Minh thuộc thế hệ mới nhất- vừa mạnh mẽ, vừa bỏ cả hình thức lẫn nhạc tính, vừa chơi trò siêu thực vừa chơi trò giật gân biểu tượng hình thức và cố thoát ra khỏi việc để lộ ý tưởng rõ quá. Nói chung so cả 5 người với nhau thì thơ Đinh Linh và Hoàng Hưng là có khả năng "chạm vào" hơn cả. Thơ anh Chánh thì đả kích châm biếm hơi phô, không mới. Thơ bác Tô Thuỳ Yên thì bay bổng quá, cũng không tạo cảm giác chạm được (không có nghĩa là thơ cao siêu!). Thơ anh Minh thì cũng giật gân, gây suy nghĩ và ấn tượng, nhưng thiếu nhạc tính nên cũng khó chạm.
Về trình độ tư tưởng, nói chung các nhà thơ VN đều có giới hạn, không cần bàn nhiều. Về kiến thức thì thiếu rõ rồi, không phải nói. Về năng kiếu có lẽ bác Hoàng Hưng là có năng khiếu hơn cả và cũng là người đi được xa hơn cả.
Bác Hoàng Hưng có ở nhà em gần một ngày, ăn nhậu nói chuyện với nhau 2 bữa. Nói chung là một người nhẹ nhàng dễ chịu, biết mình và khá thoát tục.
Beretta
Xe phải cho vài bài minh họa thì người ta mới biết thế nào mà cảm nhận chứ nhỉ laugh1.gif
Lost&Found
Giới thiệu với bác Beretta 2 câu:
"Nỗi ngứa ngáy tiền kiếp
Phát điên vì không nói được"
Trích một bài gì đó có liên quan đến con chó đá, nhiều năm nay được ứng dụng trong gia đình em để cảnh báo tình trạng vệ sinh thân thể của đồng đội.
Question
QUOTE(x @ Nov 11 2005, 12:02 AM)

Bác Hoàng Hưng có ở nhà em gần một ngày, ăn nhậu nói chuyện với nhau 2 bữa. Nói chung là một người nhẹ nhàng dễ chịu, biết mình và khá thoát tục.




1 bài thơ nổi tiếng của Hoàng Hưng.

NGƯỜI VỀ


Người về từ cõi ấy
Vợ khóc một đêm con lạ một ngày

Người về từ cõi ấy
Bước vào cửa người quen tái mặt

Người về từ cõi ấy
Giữa phố đông nhồn nhột sau gáy

Một năm sau còn nghẹn giữa cuộc vui
Hai năm còn mộng toát mồ hôi
Ba năm còn nhớ một con thạch thùng
Mười năm còn quen ngồi một mình trong tối

Một hôm có kẻ nhìn trân trối
Một đêm có tiếng bâng quơ hỏi

Giật mình
một cái vỗ vai










ThụyVũ
Khổ quá, vừa viết xong thì nhẩm lại trong óc ngay, nhớ ra bài thơ thế này:

Trong miền ký ức
Hoàng Hưng

Mất rồi con đường bụi đỏ
Mất rồi những chuyến xe đông
Nắng dần chạy vào đôi hàng lá sẫm

Mất rồi, anh ở đâu?
Con đường ngong ngóng
Em ngu ngơ giữa chợ người

Xa xa trong miền ký ức
Có lẽ một dòng sông
Xa xa đôi bờ dốc nắng
Mênh mang một chiều đông
Một nóc nhà thờ và gió
Xa lắm rồi, xin đừng gặp lại
Em về bụi đỏ tìm anh
x
Bài Người Về ấy là đoạn bác Hoàng Hưng bị đi tù 39 tháng, can tội dám chép giữ tập thơ Về Kinh Bắc của cụ Hoàng Cầm. Bị công an gán cho tội: định đem tập thơ của cụ Hoàng Cầm đi tuyên truyền phát tán ra ngoài. Can tội cãi lý nên trở thành tù chính trị. Trong tù- tháng 5 lạng thịt 15 cân gạo, nhiều hơn cán bộ công nhân viên chức ở ngoài 2 lạng thịt, 3 cân gạo => tù chính trị ngày xưa thật là sướng. scared.gif
Bác Hoàng Hưng có một bài khác em thích hơn, cả đoạn thơ Vụt hiện em cũng thích hơn - vì giống kiểu em. laugh1.gif
tieuhoa
"Tìm Mặt" Hoàng Hưng[SIZE=14]

Hoàng Hưng xuất hiện trê văn đàn vào những năm bẩy mươi. Thời đó, cho tới tới thập kỉ 80, cỡ tuổi như anh mà lọt một bài thơ trên báo Văn nghệ là một hiện tượng đề bè bạn văn chương lao xao đọc và tán thưởng. Ngay từ 1970, HH đã xuất bản tập thơ đầu tay Đất nắng in chung cùng một tác giả khác. Như vậy, xét về thời kì xuất hiện anh cùng lứa với những tác giả như Bế Kiến Quốc, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Duy v.v...Nhưng thực sự Hoàng Hưng, những bài thơ trong Đất Nắng, không được nhiều bạn đọc bên ngoài biết tới một cách rộng khắp như các bạn bè cùng lứa.

Có lẽ sẽ có một nhà thơ Hoàng Hunưg bình bình bậc trung như vậy, nếu không có một tai nạn bất ngờ xuất hiện, khi anh mang trong mình bản thảo Về Kinh Bắc của nhà thơ già Hoàng Cầm...

Cuộc đầy ải hơn ba năm đã giam cầm HH trong tù. Như nhiều con người khác, Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại...Cái thân phận mất tự do trong tù của con người thi sỹ càng đau khổ hơn khi phải từng ngày đếm bước chân trong một không gian quá hẹp. Nhunưg chính ở những năm tháng bất hạnh ấy, Hoàng Hưng đã lột xác và làm nên một dáng vẻ gây nhiều tranh cãi.

Năm 1988 Hoàng Hưng xuất hiện trở lại trên văn đàn với tập thơ Ngựa Biển ( nhà xuất bản trẻ) Và khác hẳn với Đất năng trước đó, Ngựa biển của Hoàng Hưng cùng với Bến Lạ, rồi Ô mai của Đặng Đình Hưng... gây không ít xôn xao trên văn đàn và tốn không ít giấy mực ở các cuộc tranh luận ( tham khảo Thơ phản thơ của Trần Mạnh Hảo)

Cho tới sau này, Hoàng Hưng cũng tự thú với bạn bè rằng, đây ( Ngựa biển) chính là giai đoạn ông thành công nhất.

Thành công nhất? Vậy khảo sát thơ Hoàng Hưng chúng ta thấy cái gì đã tạo nên sức va đập của Ngôn ngữ mà từ chõ không chấp nhận ông, tới khi tuyển tập thơ năm 2001 của Hội nhà văn đã chọn thơ ông đứng bên cạnh các chiều huớng thơ hay nhất của ba thập kỉ và lại chọn bài khá gai góc, một bài thơ viết sau khi ra tù trong tâm trạng còn Giật mình một cái vỗ vai.
(Còn nữa)
2910
NHẬP MÔN

Nghiệp
Cõi ám toán vài ba vân mộng áp sát chiều về, vô cương toả. Dong dỏng thoát y mắt bụi nứng nảy nồng nây chạng rạng ra ràng còn tấy còn nướu tanh bành bò quanh thít chặt. Oi ong đầu óc cục cựa cùng mình choang choang ngực. Tan thân.

Duyên
Đờm, dãi, thịt, da, tinh khí phì phào, thu hút mãi không thôi, cọ xát. Chìm đắm dạt trôi, trói đâm đánh bắt, ngũ nhạc lừ lừ, lửa càn rần rật, thần thức nương gió đoạ, nước sinh ròng rã, trùng trùng giao kết căn duyên.

Vô sở
Hồn vô sở đất
Lòng không váng vất
Vân mây tán loạn
Ba ấp bà
Xa lạc thôn xa

Phi tưởng
Hồn thi bá thả lỏng trên trang giấy ngoằn ngoèo ứng cúng chánh biến tri, đẳng giác. Cõi thượng thừa cưỡi cỗ xe thù thắng một mạt- na kiếp sát sang bên bờ bát- nhã linh tinh. Ai sơ thiền lên tam lên tứ đã xuất mộng đẩu tinh lại phóng về vọng tưởng ảo thân ảo giác ảo giang hồ còn dai dẳng phi phi tưởng xứ, u uyên tịch mịch, ngát ba thang.

(Người đi tìm mặt - 1993)

Em thực vẫn chưa hiểu lắm những bài thơ Vụt hiện của Hoàng Hưng. Một số đoạn của ông ở cuối tập "Ngựa biển" thấy rất mạnh, ghê gớm như những bài thơ trên. Nhưng vì nó không có chủ đề gì cả nên cứ tạm hiểu nó như những mảnh thơ rời. Còn ở "Nhập môn" này lại gắn nhiều vào quan điểm của Phật giáo. Mà em thì chưa rõ các khái niệm này nên không biết phải hiểu thế nào. Mà ở mình, có mỗi bác Hoàng Hưng chơi kiểu vụt hiện thôi nhỉ. Chẳng thấy còn ai.
Thị Anh
Nguyễn Tuấn Đạt
Sợ hãi... lỗ thủng

Ngày 9.11.2005, nhận lời mời của tổ chức văn học Đức Literaturwerkstatt, hai nhà thơ Tô Thùy Yên (Houston) và Nguyễn Hữu Hồng Minh (T.P. Hồ Chí Minh) đã đọc thơ trong chương trình „105 kinh độ Đông-Thơ Việt Nam“ tại Berlin, người dẫn chương trình là nhà văn Đức Michael Sollorz. Tôi, một sinh viên đang học tập tại Đức, có quan tâm đến thơ trẻ Việt Nam hiện nay, vì vậy đã đến tham dự buổi đọc thơ trên.

Nhà thơ Tô Thùy Yên mang đến đêm thơ những cảm xúc buồn vui theo các thăng trầm của cuộc đời ông. Thơ ông thật sâu sắc và trải nghiệm, được viết bằng một ngôn ngữ đẹp và rất giàu hình tượng ở trình độ cao. Để cảm nhận hết được cái hay và chiều sâu thơ ông, tôi nghĩ cần phải có thời gian. Tôi rất thích bài „Ta về“ của ông, mà không hề biết đó là một trong những bài in dấu ấn đậm trong cuộc đời ông, sau buổi đọc tôi đã có may mắn được ông giải thích đôi chút về bài này.

Còn nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh, trước hết tôi xin nhận xét về những suy nghĩ, quan điểm của anh với tư cách một nhà thơ và một nhà báo, nhà phê bình văn học, về thơ trẻ và thơ Việt Nam trong phần giao lưu với người nghe. Phải nói rất thật là, tôi đã rất cố gắng chăm chú để có thể cắt nghĩa những điều anh trình bày. Dòng suy nghĩ của anh không mạch lạc, rất khó theo dõi. Tôi đã nghĩ, có lẽ lần đầu đứng trước công chúng nên anh run, không làm chủ được suy nghĩ, nhưng xem lại tiểu sử thì anh là nhà báo, nhà phê bình văn học, lý do mất bình tĩnh trước đám đông có thể chỉ là một phần nhỏ. Theo tôi, chỉ có thể giải thích điều này là chính những suy nghĩ của anh cũng không thuyết phục nổi anh; hoặc anh suy nghĩ chưa kỹ, hoặc luận điểm anh đưa ra không có căn cứ nào cả. Khi người ta trong tình trạng tư duy như vậy thì người đối thoại không nắm bắt được là điều dễ hiểu. Tôi đã cố gắng chắt lọc những suy nghĩ rời rạc của anh để làm rõ quan điểm của anh.

Nói về thơ trẻ, Nguyễn Hữu Hồng Minh cho rằng: „Trước hết, để viết được thơ hay thì nhà thơ phải được tự do đã“ . Cái „tự do“ mà anh đề cập ở đây, theo anh giải thích, là tự do về xuất bản, công bố „tất cả những tác phẩm mang tất cả những tâm thế và tài năng của họ“, nội hàm của vấn đề này liên quan đến vấn đề chính trị. Tôi cho rằng anh có phần đúng. Đúng là trong bối cảnh chính trị của Việt Nam hiện nay, tác phẩm viết ra phải được „biên tập“ và không phải tác phẩm nào cũng được cho xuất bản công khai. Nhưng so với các thế hệ trước, nhiều nhà thơ còn mất tự do hơn nhiều nhưng họ vẫn viết ra những tác phẩm hay, để đời. Thế hệ trẻ bây giờ gặp thuận lợi hơn rất nhiều, nếu không được công bố ở trong nước thì có thể công bố ở ngoài nước (chính Nguyễn Hữu Hồng Minh cũng xác nhận điều này); các diễn đàn văn học, nghệ thuật ngoài nước đã và đang rất tạo điều kiện cho tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ trong nước đến được với độc giả. Việc thực hiện hoàn toàn tự do sáng tạo ở trong nước là cả một quá trình và là chuyện khác, ở đây tôi không bàn đến. Nhưng rõ ràng là so với nhiều thế hệ trước, thế hệ các nhà thơ trẻ hiện nay có tự do hơn, hoặc có điều kiện và được hỗ trợ để phát triển hơn. Vì thế tôi không đồng ý với Nguyễn Hữu Hồng Minh về điều kiện trước tiên mà anh nêu ra để viết được thơ hay.

Anh nói tiếp về thơ của thời đại anh: „Thời đại của tôi khác hẳn thời đại và không gian lịch sử trước đó, ví dụ như thời Thơ Mới. Khi chúng tôi có tự do để viết bằng tất cả tài năng của mình thì điều ấy đã là mới rồi. Nó mới ngay trong khoảnh khắc ta đang sống, cuộc sống thay đổi từng ngày, từng khoảnh khắc“.

Điều này, theo tôi chẳng ai phủ nhận cả nhưng nó chẳng có ý nghĩa gì cho việc nói về thơ của thời đại anh, vì làm gì có thời đại nào giống thời đại nào, cuộc sống vốn vận động không ngừng thì làm gì mà chẳng mới từng ngày, từng giờ. Vấn đề là thơ ở mỗi thời đại có chuyển tải hết được hơi thở của thời đại đó không và chuyển tải như thế nào, bằng hình thức, phương tiện sáng tạo nào để người đọc cảm nhận được tài năng nghệ thuật của nhà thơ. Chứ nói rằng mình là thơ mới, thơ trẻ, vì thời đại mình khác với các thời đại trước, thì vô nghĩa. Việc anh so sánh: „Nếu chúng tôi có điều kiện đi ra nước ngoài, sống trong những điều kiện như các bạn thì chúng tôi sẽ viết mới hơn“, theo tôi lại càng vô nghĩa.

Nói về những người làm thơ trẻ, Nguyễn Hữu Hồng Minh cho rằng nhà thơ trẻ bây giờ viết trong nỗi sợ hãi, họ phải vượt qua nỗi sợ hãi, tâm lý sợ hãi và mặc cảm đè nặng để viết. Về ý này, thực sự tôi không hiểu rõ vì anh không cắt nghĩa được là nỗi sợ hãi gì. Láng máng thì tôi hiểu anh muốn nói về nỗi sợ hãi „tác phẩm không được công bố“, tức là lại quay về vấn đề tự do. Tôi có hỏi lại anh, rằng anh „đã vượt qua nỗi sợ hãi đó để viết chưa, khi anh không cần lo các tác phẩm của anh không được công bố, vì không công bố trong nước thì công bố ngoài nước“, và thực tế đã là như thế đối với các tác phẩm của anh. Đáng tiếc là tôi hỏi xong câu cuối thì anh lại quên câu đầu. Tôi thiết nghĩ nếu tôn trọng người nghe trong khi giao lưu, nếu diễn giả không nhớ được hết mọi câu hỏi thì nên ghi lại để trả lời cho đúng. Còn theo tôi, về nỗi sợ hãi của người viết, tuy đó là điều dễ hiểu nhưng thực ra đã là người viết có khí phách bản lĩnh thì „gươm kề cổ, súng kề tai“ vẫn cứ viết đúng những điều mình suy nghĩ và cảm nhận, có như thế mới có được những dòng thơ bất hủ, những tuyệt tác để đời, chứ còn quanh quẩn với những ý nghĩ sợ hãi lơ mơ như vậy thì làm ra những bài thơ mang máng, bàng bạc, chung chung... là chuyện thường tình. Về điểm này, có lẽ người viết trẻ còn phải học hỏi nhiều ở bản lĩnh của các thế hệ đi trước, nếu thực tế đúng như Nguyễn Hữu Hồng Minh cho biết.

Nói về những người làm thơ thế hệ trước, anh cho rằng „họ thuộc về lịch sử, truyền thống“, „họ có một ngăn kéo ở thư viện“. Điều này nghe có vẻ đúng mà chưa hoàn toàn đúng. Có những nhà thơ thế hệ trước nhưng sao tôi vẫn thấy đồng cảm được, ví dụ như Hoàng Hưng. Thơ ông giản dị nhưng vẫn mang hơi thở thời đại, tôi vẫn cảm thấy thơ ông gần gũi với giới trẻ hiện nay. Đấy chỉ là một trong nhiều ví dụ mà tôi biết rõ. Nói như thế, tôi nghĩ rằng „có một ngăn kéo ở thư viện“ không có nghĩa là xong và yên phận, thực tế mọi sự đều có tính kế thừa. Nhìn nhận thế hệ thơ trước từ góc độ như Nguyễn Hữu Hồng Minh thì hẳn là chưa công bằng.

Về bản thân thơ của Nguyễn Hữu Hồng Minh, sau khi nghe chùm thơ tại buổi đọc cũng như sau nhiều lần đọc lại, cảm xúc đọng lại trong tôi khá khiêm tốn. Điều đáng nói nhất có lẽ là khi anh đọc bài „Lỗ thủng lịch sử“ theo yêu cầu của một khán giả. Tôi có cảm giác sốc khi nghe bài này (đúng như ý muốn của tác giả) vì khó có thể tưởng tượng được thơ Việt Nam lại có những loại như thế. Có thể khái niệm về Thơ trong tôi chưa biết đến loại này. Có nhiều vấn đề về bài thơ này nhưng theo tôi không nên bàn vì không đáng để bàn, mà điều đáng bàn ở đây là quan điểm của tác giả về bài thơ đó.

Nguyễn Hữu Hồng Minh cho rằng bài thơ này của anh „thành công“ ở chỗ mang đến „sự bình đẳng về ngôn từ và có ý nghĩa rất lớn“. Anh muốn những từ bẩn (đầu đường xó chợ, nhà thổ) „bình đẳng“ với những từ ngữ nghệ thuật, anh tự hào cho đó là thành công, những người làm văn học nên đọc, và nên viết như vậy để vượt qua „nỗi sợ hãi của chính mình“. Đúng là… bó tay. Cái cách để „vượt qua nỗi sợ chính mình“ như vậy chứng tỏ một điều gì đó trong tư duy, cũng như nhận thức của anh mà tôi khó chia sẻ. Tôi cũng có một lưu ý nhỏ: tôi mà là Phan Thị Vàng Anh („Hắn không nứng trước Phan Thị Vàng Anh - Hắn khẳng định điều đó“, trích „Lỗ thủng lịch sử“) Vi Thuỳ Linh („Hắn sợ hãi lỗ nẻ của Vi Thùy Linh - Hắn khiếp hãi điều đó“, trích „Lỗ thủng lịch sử“) hoặc Lê Thị Mỹ Ý („Hắn muốn hiếp Lê Thị Mỹ Ý - Hắn thèm muốn điều đó“, trích „Lỗ thủng lịch sử“), thì chắc nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh đã phải ra hầu toà vì tội vi phạm phẩm cách cá nhân của người khác; việc kiện tụng này thậm chí xảy ra ở một đất nước mà quyền tự do sáng tạo được tôn trọng như Đức. Tôi thực sự không đồng ý cái cách mà theo anh nói, các nhà thơ trẻ trước tiên cần sự nổi tiếng, cần các phương tiện thông tin đại chúng biết đến với những bài về „bề mặt của đời sống“ „không cần quan tâm đến độ sâu của nghệ thuật“ như bài „Lỗ thủng lịch sử“ của anh, rồi sau đó tính tiếp. Đây rõ là hiện thân của tư tưởng „ăn xổi“, của sự „khủng hoảng“ về văn hoá.

Tôi thiết nghĩ, thơ hay cũng như mọi tác phẩm nghệ thuật hay, thời đại nào cũng thế, tác giả của nó phải là những nhà văn hoá, với nhân cách không tầm thường. Những người không tầm thường mới có những sản phẩm không tầm thường, và cũng như vậy thế hệ không tầm thường mới làm nên thời đại không tầm thường. Thế hệ trẻ có ưu thế về sức trẻ mà thế hệ trước đã không còn hoặc đã mai một, nhưng cũng sức trẻ ấy phải được đặt trên nền tảng về tri thức, văn hoá, kế tiếp được thế hệ trước và đưa ra những sáng tạo chân chính của thời đại mới. Chứ còn „phá cách“ hoặc „chơi ngông“, „quậy“… chưa hẳn đã hay mà có khi là sự bế tắc về nghệ thuật, về tri thức, và tệ hại hơn là về nhân cách. Cảm giác sau buổi đọc là những câu hỏi của tôi về thơ trẻ Việt Nam vẫn còn nguyên. Tôi không muốn tin rằng những gì mà Nguyễn Hữu Hồng Minh mang đến nước Đức là đại diện cho thơ trẻ Việt Nam hiện nay.

Theo dòng ngược lại thời gian, tôi tìm đến một số bài phỏng vấn anh trên báo chí trong nước trước khi anh lên đường sang Đức, thấy anh phát biểu rằng: „Phải thông tin làm sao cho những người yêu thơ Đức thấy được dung mạo khái quát của nền thơ Việt với những vẻ đẹp truyền thống, có chiều sâu của nó“, hoặc anh „sẽ điểm qua và nói đến thơ của các nhà thơ "tiền bối" từ Hàn Mặc Tử, Huy Cận, Trần Dần, Lê Đạt… đến Hoàng Hưng, Thanh Thảo, Nguyễn Quang Thiều..., nhiều phía khác trong thơ của Hữu Thỉnh, Nguyễn Trọng Tạo, Ý Nhi, Bùi Chí Vinh, Lê Minh Quốc, Đỗ Trung Quân... và đặc biệt sẽ đi sâu hơn vào thơ hôm nay của những người trẻ như Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Văn Cầm Hải, Nguyễn Vĩnh Tiến…“. Có thể do điều kiện thời gian không cho phép hoặc do chương trình không dự tính, nhưng việc phát biểu trước công luận như vậy trước khi thực hiện một việc mà mình có thể không làm được là không nên. Tôi lượng rằng có lẽ phải dành cho anh ba buổi may ra mới thực hiện được những điều mà anh đã tuyên bố, chứ chưa nói đến việc anh chẳng đề cập một chút gì đến những điều này trong buổi xuất hiện ngày 09.11. vừa rồi.

Tôi cũng tin rằng anh có thể chia sẻ được những tâm tư của tôi, một người không hề quen biết anh nhưng gặp nhau trong nghệ thuật, một cách hào sảng.

© 2005 talawas
Thị Anh
Bùi Quang Lộc
Đêm thơ Việt Nam ở Munich

Nhận lời mời của Literaturwerkstatt và được sự bảo trợ của Viện Goethe, hai nhà thơ Tô Thuỳ Yên đến từ Mỹ và Nguyễn Hữu Hồng Minh từ Việt Nam đã có hai buổi đọc thơ ở Ðức. Tôi có tham dự buổi đọc thơ thứ hai ở Munich.

19 giờ 45 tối mùa thu, trời khá lạnh, chúng tôi bước vào Viện Goethe sang trọng. Toà nhà rất lớn, được xây dựng theo kiến trúc Ðức hiện đại. Bên ngoài, trên cao, trang nghiêm một hàng chữ kiểu Roman, Goethe-Institut. Hội trường thật lộng lẫy. Trần cao vút, có những hàng đèn tuyệt đẹp. Trên sân khấu bày 4 chiếc ghế bành da màu đen. Phía dưới, những bộ bàn ghế hiện đại được sắp theo kiểu phòng trà.

Trong hội trường có khoảng trên dưới 30 người. Một phần ba trong số đó là người Việt, phần lớn đã đứng tuổi. Tôi không ngạc nhiên chút nào về số lượng khán giả, vì vốn dĩ thơ là một món “khó nhá” cho số đông cả Việt lẫn Tây.

Sau lời giới thiệu của một bà người Ðức, chị Thái Kim Lan bước lên sân khấu, theo sau là một sinh viên Đức, người sẽ đọc những bài dịch Ðức ngữ. Tiếp theo, hai thi sĩ, nhân vật chính hôm nay, cũng bước lên. Mọi người thoải mái trong những chiếc ghế bành da. Ánh sáng trên trần từ từ tối dịu xuống, đèn sân khấu sáng lên, cùng lúc người dẫn chương trình giới thiệu về hai thi sĩ. Tiếng chị nhỏ nhẹ, mang âm Huế rất ấm. Chị vừa nói tiếng Việt với hai tác giả, vừa quay xuống khán giả với tiếng Ðức rất nhuần nhuyễn. Một điều thú vị là những bài thơ mà nhà thơ Tô Thùy Yên trình bày hôm nay đều do chị chuyển ngữ, một công việc không dễ tí nào, một bài thơ nhiều khi chị phải mất 2, 3 ngày mới dịch xong.

Nhà thơ Tô Thùy Yên thì chúng tôi không lạ. Bản nhạc “Chiều trên phá Tam Giang”, một thời rất nhiều người biết, được phổ từ thơ của ông. Hay bài thơ nổi tiếng “Ta về”, có những đoạn dưới đây mà tôi rất thích:

“Ta về một bóng trên đường lớn
Thơ chẳng ai đề vạt áo phai
Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ
Mười năm đá cũng ngậm ngùi thay.
...
Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đá trời
Cám ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ mỗi lẻ loi
...
Ta về như đá rơi về cội
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
Chút rượu hồng đây xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc bể dâu này...”

Cảm ơn tác giả đã tặng cho đời những tuyệt tác. Không biết liệu Tô Thùy Yên có tên trong Thi nhân Việt Nam, chính thức xuất bản trong nước không nhỉ?

Còn Nguyễn Hữu Hồng Minh thì hoàn toàn xa lạ với chúng tôi. Trước khi đến đây, tôi đã vào Google.de để tìm. Thấy một loạt các trang Web ở Việt Nam đưa tin chàng thi sĩ trẻ này sẽ lên đường sang Ðức đọc thơ, rằng anh ấp ủ mang một thông điệp: “Phải thông tin làm sao cho những người yêu thơ Ðức thấy được dung mạo khái quát của nền thơ Việt Nam với những vẻ đẹp truyền thống, có chiều sâu của nó...” Các trang cũng giới thiệu thi sĩ trẻ này đã gây sốc trên văn đàn về sự đổi mới quyết liệt trong thơ ca... Và rất nhiều những mỹ từ khác dùng cho anh.

Những câu thơ của Nguyễn Hữu Hồng Minh, theo cái đầu dốt đặc của tôi về thơ, khá hay. Chúng được làm theo kiểu thơ tự do, mang những hình ảnh ngồn ngộn, cách nhấn nhá, bỏ câu từ khá đắt. Chúng phần lớn mang tâm trạng buồn buồn (hình như đây là nét chung của thơ Việt thì phải). Thật tình, tôi thấy lối làm thơ này đâu có gì mới. Những bậc tiền bối như Lê Ðạt, Văn Cao, Hoàng Cầm cũng đã thử nghiệm và có những bài thơ rất hay về thể loại này. Có khác chăng, thời các cụ lối thơ này không được giới chính thống trong nước chấp nhận. Ngay mới đây thôi, nhà thơ Trần Mạnh Hảo cũng đã đập tơi bời thể loại thơ “loạn” này. Còn bây giờ, giới chính thống đã hiểu ra (tuy hơi chậm!) cái hay của loại thơ này, nên những thi sĩ như Nguyễn Hữu Hồng Minh mới được nâng lên hàng cách tân, đột phá. Thiết nghĩ, nhiều năm sau nữa, khi giới chính thống công nhận loại thơ mà tôi tạm gọi là “Trừu tượng” của nhóm Mở Miệng ở Sài Gòn, thì chắc cũng sẽ lại có một nhân vật mới đột phá thơ chăng?... Ðiều đáng buồn ở đây là hình như bi kịch này cứ lặp đi lặp lại ở cái xứ hình chữ S thân thương của chúng ta. Cái gì được giới chính thống cho phép thì mới gọi là cách tân, còn không thì chỉ là phá phách, nhảm nhí.

Ðến lượt thi sĩ Tô Thùy Yên. Vẻ xúc động, ông đứng lên bày tỏ tình cảm của mình bằng một lối nói rất lôi cuốn. Thơ của ông, khi được dich sang Ðức ngữ, tôi thấy mặc dù sự chuyển ngữ rất khéo léo, vẫn chỉ chuyển được nghĩa thôi, còn cái hồn của nó thì lực bất tòng tâm. Những tinh tế của câu từ thì cái ngôn ngữ Ðức kia chịu chết... Dẫu sao, đây cũng là một cố gắng rất quý báu của ban tổ chức nhằm giới thiệu thơ Việt ra thế giới. Chúng tôi ở dưới nghe rất say sưa. Còn những người Ðức, không biết họ có thấy hay hay không, mà sao thấy họ cũng vỗ tay rất to.

Ðến phần khán giả đặt câu hỏi cho tác giả. Trả lời câu hỏi, có phải lớp trẻ Việt Nam trong nước, do sự chèn ép của chính thống, mà có những hướng đột phá, tìm cho mình hướng đi riêng chăng, Nguyễn Hữu Hồng Minh nói khá dài, nhưng đại ý anh xác định điều đó có một phần đúng. Tôi hỏi nhà thơ Tô Thùy Yên về cảm giác khi ông làm thơ ở trong nước và ở nước ngoài. Ông nói đầy vẻ xúc động, giọng nhỏ gần như tâm sự, về nỗi đau tù ngục trong nước, và sự thiếu quê hương khi ở nước ngoài.

Ðang lúc cao trào của buổi đọc thơ, mọi người còn muốn hỏi hai thi si nữa, người dẫn chương trình cũng hứa sẽ đề cập đến thể loại thơ lục bát phổ biến ở Việt Nam, bỗng nhiên bà người Ðức (giới thiệu ban đầu) đứng lên nói buổi đọc thơ nên dừng ở đây, nếu cần trao đổi với tác giả thì các bạn có thể ra hành lang, nơi có những chiếc bàn đứng và những ly rượu vang... Chúng tôi chưng hửng! Phần trả lời câu hỏi mới vẻn vẹn 3 câu, mà cũng chỉ do 3 người Việt hỏi. Người Ðức thì chưa đến lượt, hay họ chưa hỏi mà đã chấm dứt. Sao lại có chuyện kì khôi vậy? Một là Viện Goethe tiết kiệm điện (cũng có thể lắm, vì giá điện lại tăng trong thời gian này ở Ðức), hai là bà lão này buồn ngủ nên muốn giãn tuồng về nhà sớm thì phải. Khi ra ngoài hành lang, tôi vẫn thấy tức, muốn kiếm bà ấy, hỏi cho ra lý do nào lại đóng cửa sớm, khi mà buổi đọc thơ mới chưa đầy hai tiếng, lại đang hồi “gay cấn,” nhưng không tìm thấy bà đâu cả. (Tôi định bụng về nhà sẽ viết thư gửi Viện Goethe hỏi, xem họ trả lời sao.)

Mặc dù bị chấm dứt đột ngột, tôi vẫn thấy buổi đọc thơ của hai thi sĩ Việt Nam rất hấp dẫn. Mong có những buổi như thế này nhiều hơn. Nhân đây, cũng cám ơn và chúc hai thi sĩ sức khoẻ để cống hiến cho đời những tuyệt tác.

Chiều thu, Munich 11.11.2005

© 2005 talawas
Lost&Found
Bài Sợ hãi lỗ thủng bình luận nghiêm túc như thể thơ nghiêm túc thật, còn bài bình luận sau theo trường phái nghệ thuật hồn nhiên mang nhiều dáng dấp tập làm văn tường thuật hồi cấp 2.
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > Văn Học & Ngôn Ngữ
Bạn đang xem phiên bản gọn nhẹ của diễn đ n dưới dạng text, để xem các b i viết với đầy đủ mầu sắc v hình ảnh hãy nhấn v o đây !
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.