Langven.com Forum

Giúp đỡ - Lục lọi - Dân l ng - Lịch
Full Version: "hãy Kể Giấc Mơ Của Em"
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > CLB Thinkytail
Pages: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18
Trăng
Sao Timo đoán dzậy? Ở làng này thiếu gì những bác lụ khụ mà chưa ai gặp bao giờ tomato.gif

Cơ mà Timo đoán mò đúng phết laugh.gif
Tit
Hôm qua em mơ một giấc mơ dàiiiiiiiiii, và có nội dung như 1 câu chuyện, rất liên tục, cực logic v.gif

Mơ tới múi tìn đầu hypocrite.gif

Em mơ rằng em có công chuyện đi tới một nước. Buổi tối hôm sắp về, em gọi điện cho anh này, đang sống ở nước bên cạnh, chỉ định hỏi thăm, vì đã 5 năm nay không còn liên lạc (cái này cũng đúng với thực tế). Người đó hỏi em đang ở đâu? Em nói rằng đang đi công chuyện, và tới ở đây vài ngày, đến chiều mai sẽ về...

Vậy là sáng ngày hôm sau, tức là sau 7 tiếng, người đó đã đứng trước của phòng em, và nói rằng: đã lái xe cả đêm để tới đây, chỉ sợ không kịp gặp mặt... hypocrite.gif Trong mơ mà mình cũng thấy mình xúc động thật, cảm giác rất đời thường hypocrite.gif

Nhưng quan trọng nhất là chi tiết: mặc dù trong lúc đang xúc động em vẫn suy luận rất nhanh trong đầu: ông này vừa nói 1 cái là phi xe tới đây luôn, hẳn là không cần làm visa vào nước này, thế cũng có nghĩa là ông này đã chuyển quốc tịch nên mới không cần tới visa nhập cảnh, cũng có nghĩa là ông này lấy vợ tây rồi laugh.gif

Em rất tỉnh cả trong mơ các bác ạ, hehe
min
Tối hôm qua tớ có 1 giấc mơ khá hãi hùng. Toàn là cảnh người chết thôi. Đại khái chắp nối không rõ ràng, nhưng vẫn có thể nhớ là các sự việc diễn ra vào 1 mùa nước lụt, mình bị 1 đám người đuổi theo giết, phải chạy chí chết. Chạy xong rồi lại phải bơi, rồi lại leo trèo. Đi đâu cũng thấy xác người. Sợ vãi.
Memory
QUOTE(min @ May 17 2006, 04:20 AM)
Tối hôm qua tớ có 1 giấc mơ khá hãi hùng. Toàn là cảnh người chết thôi. Đại khái chắp nối không rõ ràng, nhưng vẫn có thể nhớ là các sự việc diễn ra vào 1 mùa nước lụt, mình bị 1 đám người đuổi theo giết, phải chạy chí chết. Chạy xong rồi lại phải bơi, rồi lại leo trèo. Đi đâu cũng thấy xác người. Sợ vãi.
*




Sinh dữ tử lành anh Mìn ạ. Chả fải lo gì sất, nhỉ rolleyes2.gif . Em ít mơ mộng, cứ đặt mình xuống là làm 1 giấc 10 tiếng liền ohmygod.gif . Lần gần đây nhất mơ người yêu cũ gặp tai nạn xe máy chết tử thẳng cẳng ngay trươc sân nhà mình. Mà không hiểu sao cái nhà thì là nhà em đang ở, cái sân thì lại là cái sân nhà ở quê sp_ike.gif . Nói chung là rất không có tính logic. Tỉnh dậy cũng sợ mãi mới nằm xuống ngủ tiếp được. Sáng ra dậy kể mẹ em lấy nắm muối nắm gạo ném lung tung quanh nhà bảo để cho trừ tà ma shuriken.gif. Còn mình nhắn cho ex 1 tin bảo đi lại cẩn thận kẻo bị làm sao thì mình lại sợ vì trong mơ cũng đúng dry1.gif . Dưng mà chả sao, chuyện đó đến chiều em đã quên rồi, sợ mỗi lúc tỉnh dậy thôi. Bóng vía cứng mà, ko có bóng đè như bạn Đ.H.Diệu leuleu.gif
mytomvn
Dạo này toàn nằm mơ bị Mẹ quát... chẳng hiểu tại sao. Mình có làm gì hư đâu nhỉ? :O
hạo nhiên
Mỗi người
..............thăm thẳm
..............................một chiêm bao.

(Trần Dần)

Hôm nay tôi vừa xem về kỹ thuật điều khiển hành vi, người ta có thể khiến cho một người hành động theo sự điều khiển trong khi (họ) vẫn nghĩ là mình hoàn toàn tự chủ (trong phạm vi nhỏ, và tương tự thôi miên). Một cách bên lề, tôi thường quan tâm đến những điều gì chi phối đến khả năng tự chủ, khả năng nhận thức "khách quan" của con người - trước hết là ở mức độ bình phàm. Nhận ra được những thứ che mắt mình đôi khi quá hiển nhiên là rất khó, đơn giản như những thứ quảng cáo hay truyền hình chẳng hạn...Vì vậy tìm hiểu giấc mơ là một điều khá thú vị (cho dù sau đó chưa hẳn hoàn toàn là như vậy). Nhưng phân tâm học quá rắc rối và nhiều tranh cãi nên ở đây xin phép các bác chỉ dùng những thứ chung chung hay hay suy diễn một tý cho vui cửa vui nhà. Các bác cho phép tôi phân tích các giấc mơ ở đây nhé? Cam đoan cái gì nhạy cảm thì sẽ xuyên tạc đi một ít laugh1.gif

Nếu được thì mai xin phép cả làng em ra gốc hòe cuối làng em bán cháo kê.

(Pause)
Minh Tí
lâu lâu mới thấy bác Hạo Nhiên về làng. Bác em cứ tự nhiên đi, không cần phải xin phép này nọ đâu, vì sẽ chả có ai trả lời cả. Cứ tiền trảm hậu tấu, ai giật mình khắc nhắn lại với bác hoặc chánh lý.
Đêm qua mơ thấy nhà mình có một mảnh đất rộng bao la, ngay cạnh một trang trại có tên là Phủ Tây Hồ. Mảnh nhà em thì có tên là Phủ Mán hay Phủ Man gì đó. To lắm ý, một mặt giáp Phủ Tây Hồ, một mặt giáp Gia Lâm và đường 5 thì phải, rộng mênh mông, chó chạy cả ngày không hết đất. Nhớ là trong mơ vẫn nghĩ đến chuyện cắt một khoảnh lớn dọc đường 5 bán đi lấy tiền xây nhà thì phải. Xong không hiểu sao lắm người vì không có đường nên toàn đi vào mảnh đất đó, thế là 2 bố con bàn nhau giào lại và để chừa đường đi đâu khoảng vài mét.
Ở đời kiếm một mảnh đất cắm dùi khó làm sao.
hạo nhiên
QUOTE(timo @ Jul 29 2006, 10:54 PM)
Đêm qua mơ thấy nhà mình có một mảnh đất rộng bao la, ngay cạnh một trang trại có tên là Phủ Tây Hồ. Mảnh nhà em thì có tên là Phủ Mán hay Phủ Man gì đó. To lắm ý, một mặt giáp Phủ Tây Hồ, một mặt giáp Gia Lâm và đường 5 thì phải, rộng mênh mông, chó chạy cả ngày không hết đất. Nhớ là trong mơ vẫn nghĩ đến chuyện cắt một khoảnh lớn dọc đường 5 bán đi lấy tiền xây nhà thì phải. Xong không hiểu sao lắm người vì không có đường nên toàn đi vào mảnh đất đó, thế là 2 bố con bàn nhau giào lại và để chừa đường đi đâu khoảng vài mét.
Ở đời kiếm một mảnh đất cắm dùi khó làm sao.
*



Chuyện của bác timo làm em nhớ đến chuyện với thàng em trai hôm rồi (chưa giải mộng gì đâu nhá). Nó cũng ở bên Phú Lang Sa, tháng rồi về nhà chơi, nói chuyện với ông anh muốn mua nhà ở VN. Em hỏi đã định ở bên đấy lâu dài sao còn định về VN, vả lại người yêu nó cũng sắp sang bển rồi còn gì? Nó nói nó không muốn con nó lớn lên làm Việt kiều, nên sẽ không ở lâu quá. Về VN muốn có cái nhà cho mỗi lần về được yên ấm, đàng hoàng. Không biết nói thế nào nên đành khuyên nó là chịu khó đi làm 5-7 năm nữa cho đạt chuẩn rồi hãy về, về VN giờ thì những gì học được thành vứt đi thôi...ở VN chưa có một thước đo đàng hoàng vào lúc này đâu..Nó có vẻ phân vân.

Vậy bác thử kiểm điểm trước xem, có phải là đang âm thầm toan tính chuyện đi/ở đi đi ở ỏ hay không? Âm thầm toan tính chuyện lấy vợ tậu trâu ko? Có vẻ bác cũng đang phân vân nhưng chưa muốn nhìn thẳng vào vấn đề lắm. hypocrite.gif

Giấc mơ của bác khá mạch lạc nên nếu phân tích sẽ hay. Để em giới thiệu khái quát xong rồi sẽ quay lại tư vấn nhà đất cho bác nhé! laugh1.gif
hạo nhiên
Thực ra phải nói là dẫn giải các giấc mơ thì mới đúng, vì tôi sẽ không trực tiếp đưa ra được cái gì cụ thể cả mà chỉ là dẫn giải để người nằm mơ có thể chiêm nghiệm giấc mơ của mình thôi. Dự định là làm một cái tóm lược nhưng giới hạn của vấn đề bị đẩy ra quá xa nên ở đây chỉ xin vắn tắt trước mấy nguyên tắc căn bản.

- Trước hết là chúng ta phải quan niệm đúng về khái niệm giấc mơ khi 2 người nói chuyện với nhau. "Giấc mơ" ở đây là giấc mơ được người nằm mơ kể lại. Có nghĩa là ngay cả khi người nằm mơ hoàn toàn nghĩ là mình đang kể đúng những gì diễn ra thì thực ra bản thân họ cũng biết có rất nhiều điều đã bị giản lược, hay đúng hơn họ vừa bị đẩy ra khỏi ký ức về nó vừa bất lực trong việc sử dụng ngôn từ để diễn đạt những gì đang diễn ra.

Vậy tất nhiên cái chúng ta hướng tới là giấc mơ thực sự chứ không phải là cái chúng ta đang tưởng là giấc mơ. Huống hồ bản thân giấc mơ chân thực lại chứa rất nhiều những tượng trưng, chuyển di, thay thế...vừa mơ hồ vừa phi logic. Vì thế để có được một tài liệu sát với kinh nghiệm nhất, điều đầu tiên là chúng ta phải làm sao sao chép lại ký ức về giấc mơ càng đúng càng tốt. Dĩ nhiên là ngôn từ ở đây hơi lủng củng với những khái niệm này rồi. Tạm để như vậy đã.

Điều cần làm là gì? Ngay khi bạn vừa nhận ra là mình vừa nằm mơ thì hãy đừng làm gì thay đổi tư thế, trạng thái của bạn vội, giữ cho đầu óc lơ mơ ngái ngủ chập chờn một chút, thả lỏng tâm trí và nhẹ nhàng hồi tưởng (không được cố gắng) lại những cảm-xúc vừa trải qua. Các hình ảnh, sự kiện sẽ loáng thoáng hiện qua trong tâm trí. Nhưng đừng tập trung quá vào một chi tiết nào của giấc mơ vì sẽ có nguy cơ là nhớ được một thứ thì sẽ quên tất những thứ còn lại. Cái quan trọng là gì? Đấy là các hình ảnh đi kèm với cảm xúc/ấn tượng của bạn. Nhớ là các ấn tượng và cảm xúc, tâm trạng...

Sau đó tất nhiên là vơ lấy giấy bút, mắt nhắm mắt mở cố gắng nguệch ngoạc những gì đã diễn ra cả hình ảnh, cả tâm trạng, cả liên tưởng bất chợt...Xong bước đầu tiên!

Điều chúng ta vừa làm là một kiểu của phương pháp tự do liên tưởng, khi nó được sử dụng giữa nhà phân tâm và bệnh nhân thì sẽ rất khó khăn để phân biệt thực giả, nhưng làm với chính mình thì khá dễ dàng vì với chính mình chúng ta ít đề phòng hơn, ít có phản ứng kháng cự hơn. Tất nhiên, phải là lúc chập chờn nửa mê nửa tỉnh. Tỉnh rồi thì cũng cứng đầu lắm, không thừa nhận cái gì mấy đâu! ohnono.gif
hạo nhiên
Rồi thì thế nào chúng ta cũng phải có những ý niệm căn bản về những thứ như cơ cấu tâm thần, mối liên hệ giữa thân và tâm, thực tại, hiện tại ngoại giới và các bản năng....Những khái niệm này đều vay mượn từ PTH phương Tây, nên khi chưa trình bày chặt chẽ thì sẽ có rất nhiều vênh váo, nhưng cứ để cho nó là như thế. Trong một cuộc đối thoại, nếu nhìn chăm chú vào vấn đề thì những hạn chế thiếu sót của một hệ thống đôi khi còn nói cho ta biết nhiều hơn là chính những gì nó cố gắng diễn đạt. Ở đây chỉ chen ngang một nhận xét là có vẻ các nhà PTH trong khi chăm chú soi xét tâm thần người bệnh thì họ lại bỏ quên khái niệm thế nào là "bình thường", chưa kể đến thế nào là "khỏe mạnh". Vì vậy cõi vô thức/ý thức/tiền ý thức...trở nên bí hiểm chập chờn lạ kì! Nếu trung thành với vấn đề và phương pháp, có lẽ ta sẽ có được những góc nhìn tốt hơn để đến với triết học ngôn ngữ hay như Duy thức tông hoặc Thiền định chẳng hạn...

- Có một câu hỏi là: Cái gì là khác biệt lớn nhất giữa trạng thái ngủ và trạng thái thức? Trả lời được câu hỏi này sẽ có được manh mối tìm ra nguyên nhân tại sao ta lại mau chóng quên đi những giấc mơ như vậy? Tại sao nhiều khi giấc mơ lại là những ấn tượng kinh hoàng khó chịu đến như vậy...Và ta có cơ sở cho một phương pháp thao tác với giấc mơ.

Có nhiều ý kiến khác nhau về câu trả lời. Ở đây tôi đi thẳng vào kết luận làm nên phương pháp mà chúng ta sẽ sử dụng. Sự khác biệt căn bản nhất là: ở trạng thái tỉnh thức, chúng ta tồn tại trong trạng thái đối đầu với hiện tại bên ngoài, điều đó qui định phương thức tư duy và phát động các hành động của chúng ta. Ở trạng thái ngủ, chúng ta "không biết đến" hiện tại bên ngoài ta nữa. Tinh thần (tôi tạm gọi để ám chỉ cái toàn thể của hoạt động tinh thần con người, kiểu như Tâm vậy, nhưng Tâm có một logic khác nên chưa đề cập ở đây) vẫn hoạt động với một thực tại khác - thực tại nội tâm của chúng ta. Tất nhiên vẫn phải kể đến những tiếp xúc được duy trì ở mức tối thiểu với hiện tại bên ngoài và cũng không loại trừ những chi phối kích động từ bên ngoài hiện tại vào thực tại nội tâm của ta.

Hệ quả của luận điểm này là gì? Nó chỉ ra rằng khi thức tỉnh tâm trí chúng ta vận hành theo cái cách thích nghi với cách mà hiện tại chi phối chúng ta, theo logic của không gian và thời gian. Chúng ta tư duy theo cách mà chúng ta sẽ có thể thao túng vào hiện tại. Chúng ta có thể tưởng tượng nhưng vẫn tưởng tượng theo lối đó. Ví dụ như ta có thể nghĩ "Nếu tôi là hắn.." nhưng trong giấc mơ, ta chỉ đơn giản "thấy" rằng "tôi là hắn..". Trong giấc mơ chúng ta không bị logic của không gian và thời gian chi phối. Điều này phổ biến đến mức không ai phải phản bác gì cả.

Nếu tập trung vào các sự kiện trong giấc mơ, ta nhận thấy chúng đều là những hình ảnh đi kèm với ấn tượng cảm xúc mạnh mẽ. Ngôn ngữ của giấc mơ là ngôn ngữ của cảm xúc được biểu tượng qua các ấn tượng tri giác mà kinh nghiệm của nó đã lưu lại. Tất nhiên có thể đặt câu hỏi về hiện tượng những hình ảnh kỳ quái, những thứ chưa thấy bao giờ..chúng từ đâu đến? Còn nữa, nếu giấc mơ có logic, vậy thì ý hướng của nó là gì? Cái gì đã chi phối thúc giục nó? Ta cứ để những điều này sang một bên hẵng. Ở đây bắt đầu xuất hiện nhu cầu minh bạch về cơ cấu tâm thần: chỗ nào cho ý thức, cái còn lại là gì, cảm xúc để ở đâu, ý chí...chúng phân chia nhau hay chúng là những tầng lớp khác nhau, hay chúng là những mặt khác nhau của một thực tại duy nhất mà hiện tại chúng ta phải chấp nhận như khi chúng ta gặp phải nan đề lưỡng tính sóng-hạt? Về điều này quả là các nhà PTH có cố gắng nhưng có vẻ không được hiển ngôn cho lắm, nên tôi cũng áp dụng chiến thuật của họ, đi vòng để nhòm trộm vào tâm thức! laugh1.gif
hạo nhiên
Thay đổi nhịp điệu một chút. Ví dụ như trong một giấc mơ của bạn Tít có kể đến sự kiện bạn ở trong một cái nhà mà rõ ràng căn nhà thì là nhà ở hiện tại còn cái sân lại là sân của căn nhà cũ (hình như của gia đình). Nếu tìm logic thông thường thì ta không thấy có dấu vết gì nhưng nếu trên giả thuyết về phép tượng trưng của cảm xúc thì ta có thể nhìn ra mấy điều: thứ nhất là căn nhà (của bạn Tít), sân nhà (của bạn Tít) gắn với một ấn tượng sâu sắc, mãnh liệt nào trong tâm trí của bạn? Nó liên quan đến sự kiện nào trong kinh nghiệm của bạn. Kinh nghiệm ấy mang lại tâm trạng gì? Bạn có thể dựa vào tâm trạng trong chính giấc mơ để liên tưởng lại. Như sự suy diễn ngẫu nhiên của tôi, tôi có thể cho rằng nội dung căn nhà tượng trưng cho ý thức về bản thân hiện tại của bạn, còn sân nhà cũ là liên tưởng về mối liên hệ với quá khứ của bạn, có thể là với gia đình, với những ẩn ức khát vọng về một tương lai nào đó mà bây giờ nó đang tái diễn trong hiện tại của bạn, nó có thể xứng ý, nhưng cũng nhiều khả năng là không xứng ý...Nhưng trên hết ta sẽ thấy trong hình ảnh phi logic đó tiềm ẩn một logic - logic của cảm nghiệm nội tâm. Đây chính là một phát biểu quan trọng của Erich Fromm trong cuốn "Ngôn ngữ bị lãng quên" mà tôi đang sử dụng phần lớn làm minh họa cho sự suy diễn của tôi.

Ngôn ngữ bị lãng quên đó là ngôn ngữ tượng trưng. Tượng trưng, theo một nghĩa chung nhất đó là "đem một cái gì biểu đạt cho một cái khác". Có 3 loại tượng trưng khác nhau: tượng trưng theo tập quán, tượng trưng ngẫu phát và tượng trưng phổ biến.

hạo nhiên
Tượng trưng tập quán là tượng trưng trong đó giữa vật tượng trưng và vật được tượng trưng ko có một mối liên hệ nội tại nào. Ví dụ như ngôn ngữ thông thường chẳng hạn, giữ từ để gọi và vật được chỉ là không có bất cứ mối liên hệ nào, mà chỉ là chúng ta chấp nhận một quy ước như vậy. Mặc dù có thể trong nguồn gốc sâu xa của nó, có thể mọi từ đều có mối liên hệ ấy, nhưng với chúng ta trong hiện tại thì dấu vết đó đã mất hẳn. Cờ của một quốc gia cũng là một ví dụ về tượng trưng tập quán. Chúng là những qui ước của một tập hợp các cá nhân nào đó mà người ngoài ko hiểu được.

Tượng trưng ngẫu phát giống với tượng trưng tập quán theo lối ngược lại. Giữa hai vật cũng ko có bất cứ mối liên hệ nội tại nào. Chỉ có người nào đã tham dự vào sự việc có liên quan đến vật tượng trưng mới hiểu được ý nghĩa. Cái này rất nhiều ví dụ. Nếu bạn nhận được lời tỏ tình dưới một giàn hoa lý nào đó thì chắc hẳn cái giàn hoa lý có một ý nghĩa quan trọng đối với bạn trong khi người khác không cảm thấy như vậy! Tượng trưng ngẫu phát xuất hiện rất nhiều trong giấc mơ và thường là chỉ chính bạn mới biết được nó liên quan đến sự kiện nào, tượng trưng cho cảm nghiệm gì!

Tượng trưng phổ biến là tượng trưng mà giữa vật tượng trưng và vật được tượng trưng có mối liên hệ nội tại sâu xa. Ví dụ như những tác động của lửa với thân thể chúng ta luôn theo cùng một lối nên thường cùng đem lại những cảm nghiệm như nhau. Chúng ta cũng biết rằng một vật có thể tượng trưng theo nhiều cách khác nhau và có sự thay đổi nhất định của một số tượng trưng qua các vùng, các điều kiện khác nhau. Ví dụ như "tuyết" của người Eskimo thì chắc là khác với của người VN rồi! Nhưng tổng quát lại thì ngôn ngữ tượng trưng phổ biến là ngôn ngữ chung của loài người, của mọi thời đại. Chính nó đã được sử dụng để viết các câu truyện thần thoại và tôn giáo của chúng ta.

* Đây là một mạch khả dĩ của vấn đề ngôn ngữ. Còn rất nhiều những bất cập và thiếu sót, nhưng trong khuôn khổ topic này thì chúng ta chỉ cần như vậy để triển khai tìm hiểu giấc mơ!

(cont)
Mèo béo
cry1.gif Tớ bây giờ thời gian ngủ bằng thời gian thức (12-12) thành ra lúc ngủ tớ mơ là viết mấy bài rất dài cho Langf Ven, tỉnh dậy vào Làng tìm mãi chẳng thấy lại tự nhủ là quái sao ai lại xóa đi thế không biết, bây giờ thì không biết ngủ hay thức, tẹo nữa vào Làng lại không thấy bài này đâu nữa thì coi như tiêu tùng rồi ohgirl.gif
hạo nhiên
QUOTE(Mèo béo @ Aug 2 2006, 01:51 AM)
cry1.gif Tớ bây giờ thời gian ngủ bằng thời gian thức (12-12) thành ra lúc ngủ tớ mơ là viết mấy bài rất dài cho Langf Ven, tỉnh dậy vào Làng tìm mãi chẳng thấy lại tự nhủ là quái sao ai  lại xóa đi thế không biết, bây giờ thì không biết ngủ hay thức, tẹo nữa vào Làng lại không thấy bài này đâu nữa thì coi như tiêu tùng rồi ohgirl.gif
*



Tôi cũng có một giai đoạn hay mơ thấy những giấc mơ như vậy. Đại để, có nhiều việc mà mình dự định làm rồi có lúc mình mơ thấy. Tỉnh dậy không biết đấy là mình vừa mơ hay thực ra đã làm nữa hypocrite.gif (Tất nhiên đấy thường là những lúc ngủ ngày và thời gian ngủ bằng thời gian thức) laugh1.gif

Thậm chí là có việc đang suy nghĩ dở hoặc chuẩn bị làm thì mơ thấy mình làm tiếp, rất mạch lạc, rất cụ thể. Giá mà mình bị mộng du nhỉ? Có phải là năng suất tăng gấp đôi người bình thường không?
hạo nhiên
Tản mạn một chút về những vấn đề rải rác của ngôn ngữ. Ở trên kia chúng ta đã lấy ví dụ về tượng trưng tập quán bằng ngôn ngữ. Trong đó nói rằng mối liên hệ nội tại sâu xa đã bị mất đi và chúng ta - người đương thời - không cần biết đến chúng. Chính ở chỗ gián đoạn này, nếu đẩy sâu được hơn nữa sẽ mở ra những vấn đề rất rộng lớn và phức tạp. Chúng ta đều biết "ngôn ngữ là cái vỏ của tư duy". Vậy tìm hiểu ngôn ngữ tức là tìm hiểu giới hạn của tư duy, trả lời câu hỏi "Tôi tư duy - nhưng vậy đã đủ chưa?" Tư duy có phản ánh hết hiện sinh của ta ko nhỉ?...Như chính Nietzche đã phát hiện ra rằng nếp gấp tư tưởng của chúng ta nằm ở những thành kiến ngôn ngữ. Khi có thành kiến thì người ta không tư duy nữa. Vì vậy nó dẫn đến một cái gọi là hiện tượng "lại giống" trong triết học. Và người ta dễ liên tưởng đến hình ảnh một hệ sinh thái ngôn ngữ xuất phát từ hệ sinh thái ý niệm từa tựa như một hệ sinh thái tự nhiên! Khi ngôn ngữ học cấu trúc tách bạch ngôn ngữ với các hoạt động tổng thành của ngôn ngữ thì hẳn là sự nhất quán nhất sẽ dẫn đến một độ vênh nhất định. Phan Huy Đường khi dựa vào những nghiên cứu của Trần Đức Thảo về sự hình thành của ngôn ngữ có đề cập đến ý chung trong ngôn ngữ nhưng có vẻ quá tập trung vào ý tưởng về một cộng đồng tư tưởng chung của loài người xuyên thời gian đã không làm rõ các vấn đề của ý chung. Ý chung cũng giống câu chuyện ngôn ngữ tượng trưng mà chúng ta đang đề cập. Ngôn ngữ nó sống động và biến đổi, vì vậy cách mà TĐT phát kiến theo con đường hình thành ngôn ngữ của một cá nhân để phỏng chiếu về sự hình thành và quy luật của tư duy là rất đặc sắc và gợi mở...Những vấn đề này tôi chưa nắm bắt được, và nhất là chưa tiếp cận được triết học ngôn ngữ của Đức nên chỉ là gạch đầu dòng ba láp đây để làm mốc cho việc tìm hiểu sau này. Trên diễn đàn có topic về vấn đền này nhưng tiếc là ko có bác nào phát triển lên. Ở VN vấn đề này rất mới mẻ.
hạo nhiên
Quay trở lại với những giấc mơ. Chúng ta biết đến 2 trường phái đầu tiên và quan trọng là Freud và Jung như là hai quan điểm trái ngược nhau trong giải thích giấc mơ. Vắn tắt lại thì theo Freud, giấc mơ là sự thụt lùi lại nguyên thủy của người nằm mơ mà cơ chế chủ yếu là cái libido, và bản năng chết. Giấc mơ là hình thức thỏa mãn những dồn nén vô thức và phi lý tính...

Theo Jung thì giấc mơ lại là biểu hiện lý tính của một tri giác siêu việt. Hai ý kiến trái ngược này gián tiếp nói lên một sự thật là giấc mơ có cả hiện tượng phi lý tính và cả những hiện tượng đầy lý tính. Có nhiều khi trong giấc mơ chúng ta lại sáng suốt, đạo đức hơn hẳn lúc tỉnh thức! Và chúng ta cũng biết đến năng lực dự kiến của các giấc mơ. Đây chính là giả thiết của E.F trong những phân tích của ông. Nó giải tỏa được mâu thuẫn "Nếu tỉnh thức là tốt thì giấc ngủ là tồi tệ và ngược lại". Cùng với lý giải về phương thức suy tư của 2 trạng thái trên, hệ quả là: ý thức và vô thức là đối xứng nhau, 2 trạng thái của một thực tại nội tâm duy nhất. Đối với cái này thì cái kia là vô thức và ngược lại. Điều này được minh họa bởi sự kiện chúng ta mau chóng quên đi những gì ta nằm mơ. Vì khi tỉnh thức ta tư tưởng theo một phương thức khác, trái chiều.

Một cách giản lược thì chúng ta tạm mô hình hóa mối liên hệ giữa tâm trí và hiện tại bên ngoài như thế này cho dễ vận dụng (chỉ là sơ đồ do tôi bịa ra cho dễ dùng!):

Lúc tỉnh thức:

Hiện tại bên ngoài -> Tổng hợp cảm quan -> Tổng hợp tri giác -> Moi (tâm thức)

và phản ứng lại:

Moi -> "suy luận, diễn dịch, phát động.." -> Hành động phản ứng -> Hiện tại bên ngoài.

Lúc ngủ, hiện tại bên ngoài ko được biết đến:

Thực tại cảm nghiệm nội tâm -> "vận động suy tư, diễn dịch, cảm nghiệm.." -> Moi

Moi -> "hoạt động tư tưởng, cảm nghiệm.." -> giấc mơ.

Dữ kiện nội tâm của ta trong lúc ngủ có thể là những cảm nghiệm, những ấn tượng...trong ta mà ban ngày chúng ta không ý thức được, không nhận ra. Chúng ta không nhận ra được bởi vì một khi con người xao lãng khỏi chiều hướng nhân bản chính của mình trong khai triển các tiềm năng nhân tính khả hữu thì con người sẽ chịu những sức ép dồn nén và lệch lạc nhất định. Chúng ta lại chịu rất nhiều những âm thanh tạp âm quấy nhiễu: truyền hình, quảng cáo, tập quán, sinh nhai...chúng làm ta khó tự chủ và sáng suốt để cảm nhận thực tại.

Khi ngủ, hiện tại nhân văn vắng bóng và tâm trí tự do trở nên mẫn cảm, "sáng suốt" hơn. Và sẽ xuất hiện những điều chúng ta chưa biết đến của chính chúng ta. (Các bác thông cảm, tôi gõ ngoài hàng net, ko mang theo tài liệu nên viết theo trí nhớ, có thể sẽ bổ sung sau).

Tạm dừng ở đây và chúng ta thử bắt tay vào thao tác với một giấc mơ cụ thể xem còn thiếu sót, sai lầm gì thì sẽ bổ sung. Kết luận mà tôi sẽ sử dụng ở đây (theo ý hiểu của tôi) là trong giấc mơ tâm thức chúng ta vận động thao tác với những cảm nhận, kinh nghiệm sâu xa theo lối mà nó phản ứng không chịu sự ngăn trở nào của những nhiễu từ bên ngoài. Thứ hai là chúng ta đi đến kết luận rằng mỗi hình ảnh tượng trưng cho một kinh nghiệm hiện có trong nội tâm ta theo lối ngẫu phát có thể cả là phổ biến. Chúng ta biết rằng ngôn ngữ bất lực trước cảm giác. Chúng ta có thể nói tràng giang về một kiểu xe mới nhưng chỉ có mỗi một từ để nói là chúng ta "yêu". Hình ảnh trong giấc mơ mô tả tất cả những gì ta kinh nghiệm, trực tiếp và đầy đủ. Đến nỗi khi tỉnh lại ta không thể diễn đạt hết được những điều đó.

Cuối cùng, có một hệ quả đáng buồn cho những người đang hy vọng vào một điều thần kỳ là: chúng ta, rốt cuộc, nếu thành công trong giải mộng, thì chỉ biết thêm được về chính mình trong hiện tại, một cách đầy đủ hơn, "khách quan" hơn. Nó không hứa hẹn điều gì như số mệnh hay siêu nhiên cả!
hạo nhiên
QUOTE(timo @ Jul 29 2006, 10:54 PM)
Cứ tiền trảm hậu tấu, ai giật mình khắc nhắn lại với bác hoặc chánh lý.

Đêm qua mơ thấy nhà mình có một mảnh đất rộng bao la, ngay cạnh một trang trại có tên là Phủ Tây Hồ. Mảnh nhà em thì có tên là Phủ Mán hay Phủ Man gì đó. To lắm ý, một mặt giáp Phủ Tây Hồ, một mặt giáp Gia Lâm và đường 5 thì phải, rộng mênh mông, chó chạy cả ngày không hết đất. Nhớ là trong mơ vẫn nghĩ đến chuyện cắt một khoảnh lớn dọc đường 5 bán đi lấy tiền xây nhà thì phải. Xong không hiểu sao lắm người vì không có đường nên toàn đi vào mảnh đất đó, thế là 2 bố con bàn nhau giào lại và để chừa đường đi đâu khoảng vài mét.
Ở đời kiếm một mảnh đất cắm dùi khó làm sao.
*



Bác Timo chuẩn bị tinh thần nhé! trumpet.gif

hypocrite.gif

Như đã nói ở trên, những hình ảnh đie kèm với ấn tượng cảm giác xúc động nội tại là chìa khóa tìm hiểu vấn đề. Ở đây có những điểm sau bác cần kiểm nghiệm:
1. "Nhà mình...mảnh đất rộng bao la...ngay cạnh một trang trại có tên..."
- Cảm giác của mình là như thế nào vào lúc đó? Cái khung cảnh rộng bao la gợi cho bác liên tưởng đến kinh nghiệm cũ nào không? Nó sảng khoái hay bí ẩn, hay là một sự kiêu hãnh ngấm ngầm?

2. "trang trại có tên là Phủ Tây Hồ.."
- Trang trại? Bác nhớ đến cái nào? Trang trại, nếu bất chợt nhắc đến thì ấn tượng đầu tiên của bác là gì? Chẳng hạn như em là em nghĩ ngay đến mấy cái trang trại tiêu điều trên Hòa Lạc, vì em đã biết và có liên kinh nghiệm ở đó.
- "Phủ Tây Hồ" - có một ý nghĩa rất mấu chốt. Lớp nghĩa thứ nhất: Bác có kinh nghiệm gì với phủ Tây Hồ thật không? Em nhớ không nhầm thì lần đầu ọp lai với em Mún bác cũng đã đưa Mún đến Phủ Tây Hồ! iswear.gif . Lớp nghĩa thứ hai: chữ "Phủ" có âm hưởng gì với bác không? Một ký ức về tín ngưỡng, tình cảm gia đình, ấn tượng về quyền uy? Một biểu tượng của văn hóa truyền thống? Một biệt danh nào đó có lần bác lưu tâm?
- "Phủ Man hay Phủ Mán..gì đó..". Từng chữ một, ấn tượng của bác là gì? Có chút gì tự giễu không? Kiểu thiếu tự tin nên tự trào ấy? Hay lại liên quan đến cái "for men" nào đó không? Bác biết nó tên vậy, hay bác nhìn thấy cái biển - nếu thế khung hình ấy nhắc bác liên tưởng đến kinh nghiệm nào không?

3. "Một mặt giáp Gia Lâm, hình như đường 5..".
- Vị trí địa lý ấy có chính xác là một vùng trong tâm trạng của bác không? Có cảm giác ngoái bên này là Tây Hồ, bên kia là sông không? Nếu có nó nhắc bác điều gì trong liên tưởng? Một vùng đất yên lành? Có giá trị? Hay đơn giản là một lần đi chơi hồi PT (với ai đó?)?
- Và đường 5, khung hình thế nào, có liên tưởng gì đến kỷ niệm hào hùng với chiếc motô trên xa lộ không? Biết đâu đúng thì nó có phải là một chút gì của sự kiêu hãnh về bản lãnh không?

4. "nghĩ đến chuyện cắt một khoảnh lớn dọc đường 5 bán đi lấy tiền xây nhà thì phải..".
- Cảm giác về hình ảnh cắt đất ra bán thế nào hả bác? Một toan tính ung dung hay một sự vụt về với tính toán tiền nong?
- "Dọc đường 5". Có ký ức nào không bác. Đường 5 với bác là điều gì trong ấn tượng? Với em thì em nghĩ ngay đến một cái gì đó nửa tỉnh nửa quê, không có gout và cuối đường cũng không có gì hấp dẫn cả. Nó vô lý nhưng vì đó là ấn tượng ban đầu, bây giờ khó đổi. Còn bác thì sao?

5. "lắm người vì không có đường nên toàn đi vào mảnh đất đó..."
- Những người đó giống cái gì hả bác? Khung hình nào, ký ức nào? Liên tưởng bất chợt nào? Họ sang trọng lịch lãm hay xô bồ lòe loẹt hay quê mùa buồn thảm? Có hình ảnh đoàn người nào tương tự không trong liên tưởng?
- Thấy người ta đi vào mình có cảm giác thế nào? Thấy muốn có đường, hay thấy khó chịu? Có muốn ngăn cản gì không?

6." thế là 2 bố con bàn nhau giào lại và để chừa đường đi đâu khoảng vài mét."
- Bố - con, trong tình cảm sâu xa của bản thân bác đó là quan hệ thế nào? Cảm giác chung ghánh chia sẻ, hay một cảm giác chứng tỏ? Hay một biểu tượng của sự kế tục truyền thống?
- Hình ảnh rào đường đem lại ấn tượng gì không bác?
- "Vài mét" bác nghĩ đến cái gì? Em có lần đến xem đất cho bạn trong một khu đất được chia ra kiểu đó vên bờ sông Hồng. Liên tưởng của em là một điều gì đó buồn buồn xam xám của những người bằng lòng với cái tàm tạm, tấc đất cắm dùi. Một viễn cảnh chen chúc, lẻ tẻ..

Không hiểu sao em rất nghi cái chi tiết phủ - nó làm em liên tưởng ngay đến "Phủ Thành Chương - Thành Chương Việt Phủ" hình như ở Sóc Sơn. Một liên tưởng về giải pháp tổng thể cho thành đạt về tiền bạc, danh tiếng, môi trường sống, truyền thống và hiện đại, về ông bố ở trong đó. Về tính quốc tế ngay ở VN.

Đến đây, phải hỏi bác câu này nhưng bác chẳng nên trả lời trên đây! tomato.gif Trong giấc mơ có sắc thái tính dục nào không? devil2.gif Điều này rất quan trọng, nó có thể thay đổi toàn bộ hệ ngữ nghĩa. Vì nếu qui chiếu theo kiểu Freud thì cũng mạch lạc lắm: Phủ -> Mẫu -> Tín ngưỡng dân gian. Đất -> người nữ. Con đường-> chả nói! shuriken.gif Hàng rào...

Đấy, giải mộng của em là vậy đấy! Nếu không phụ thuộc vào chính bác Timo thì quả thật mọi người sẽ có thể viết ra cả một báo cáo sinh động từ giấc mơ này nhỉ? Em thì em chỉ nói vậy thôi hehe.gif
soctettoc
Đêm qua đi ngủ muộn, em mơ thấy một lô giấc mơ tách biệt nhau. Đầu tiên là mơ thấy mẹ em mắng em vì một tội lỗi gì đó không rõ lắm. Sau đó là ba em làm những chiếc bánh rất ngon, vàng ươm, bày trên một chiếc bàn dài. Em xin ba em có một cái mà ba em cũng không cho, lại còn trợn mắt cáu với em. Cuối cùng là nằm mơ thấy em đến lớp học môn Sinh học (buổi cuối cùng em học Sinh cách đây cũng phải 10 năm). Vừa vào đến lớp, một thầy giáo tóc vàng mắt xanh hỏi bài asignment đâu thì em mới nhớ ra là due bài trước giờ lecture nhưng mình quên không làm.

Bác giải mộng cho em với. Hôm nay em vừa phải nộp một asignment thật. Bác bảo điểm em cao hay thấp ạ?? confused1.gif confused1.gif sad1.gif
khoaitayran
Đêm qua, mà ko gần sáng nay mơ thấy một việc ko thể chấp nhận được nếu như ko fải mơ. Tỉnh dậy nghĩ mãi có lẽ do xem Life as we know it hôm trước cũng nên. Nói chung trả thù là chuyện rất vớ vỉn. Trả thù cái gì đó bằng cách tự hành bản thân lại càng dở hơi. => quay ra thù Nấm, kẻ đã làm cho cả đai gia đình ta phải mang kiếng ngày hôm nay huhuh trả thù thế nào nhỉ???
Mắt Nai
Lang thang mãi rồi lạc vào đây.

Đêm qua em mơ gì ư?
Được đi cùng anh dưới ánh đèn đường của con phố ngày xưa, cùng anh đi dưới hàng cây hoa sữa. Được ngân nga cùng anh những bài tình ca, con đường dường như trải rộng dưới lối em đi.
Một năm qua, đêm nào ngủ cũng giấc mơ đó. Mùa hoa sữa năm nay sắp đến gần, anh vẫn chưa trở về. Em lặng lẽ đi 1 mình thôi sao anh?
Pages: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > CLB Thinkytail
Bạn đang xem phiên bản gọn nhẹ của diễn đ n dưới dạng text, để xem các b i viết với đầy đủ mầu sắc v hình ảnh hãy nhấn v o đây !
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.