Langven.com Forum

Giúp đỡ - Lục lọi - Dân l ng - Lịch
Full Version: Tóc Xanh Mấy Mùa...
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > Văn Học & Ngôn Ngữ
twine
Nhắm mắt lại và nước mắt tự nhiên ứa ra. Nỗi nhớ rên rẩm khắp mình. Tránh mà không tránh được. Bỏ mà không bỏ được. Muốn nuốt vào hay khạc ra đều không được.
Nhớ những chùm phượng tím nằm chìm dưới những tán cây trên những con đường đầy nắng như không biết tới bóng đêm. Những hồi chuông đổ khiến người ta giật mình vì một nỗi cô đơn vô thức. Hay những câu kinh ề à dài dặc suốt những giờ, những phút, những ngày miết mải.
Đã có lúc ước mình tan biến. "Nếu em biến mất, anh sẽ nghĩ sao?" Biến mất giữa những tầng mây bên ngoài ô cửa máy bay nhỏ bé và sáng lóa đến sợ hãi kia, hay biến mất giữa muôn trùng sóng biển? Biến mất giữa một con phố vắng hoe hoắt dưới lớp áo dày và tấm khăn choàng màu đen hay biến mất giữa sa mạc khô cằn với những bụi cây tự bốc lửa và khô cháy thành tàn tro? Biến mất giữa thung lũng đá nóng rang hay biến mất ngay trong một quán bar đầy những cái nháy mắt đùa cợt? "Nếu em biến mất, anh sẽ nghĩ sao?"
Không thấy mình hứng thú với những gì mình từng hứng thú. Một buổi bình minh trên những ngọn tháp cao ngất ngưởng đơn độc và trơ trọi. Những hoàng hôn đầy tiếng đập cánh của bầy hải âu trở về sau những chuyến bay vô nghĩa. Những ô cửa đầy màu sắc lạc lõng trong những căn nhà thùng-các-tông-màu-nâu-nhạt-nhẽo. Lũ trẻ tóc quăn thiết tha cười. Một ngọn đồng hồ chậm rãi nhích từng kim phút sau một nhà ga chật cứng người. Không còn hứng thú.
Nhưng đã nhìn vào đôi mắt ấy lâu đến thế. Nhưng đã nắm bàn tay ấy chặt đến thế. Khi đối diện nhau trên mặt bàn gỗ nhìn buổi chiều từ từ xuống sau lưng những người đi bộ để nước mắt tự rơi xuống, xót mà không xót, lòng chỉ tràn ngập một nỗi cảm động không thể nào dễ dàng nói ra.
"Nếu em biến mất, anh sẽ nghĩ sao?"
twine
Cuộc đời đúng là như vậy. Có những thứ khác mất đi, rồi lại có một cái gì mới mẻ đến. Khi người bạn tặng cho bạn một chiếc vòng tay, bạn cảm thấy điều gì đó ràng buộc.
Một ai đó nói với bạn: "Vòng cổ là sự ràng buộc từ kiếp trước, nhẫn là sự ràng buộc ở kiếp này và vòng chân là sự ràng buộc của kiếp sau". Một lúc bạn thấy bức bí, đứng nhìn mình từ muôn vàn những góc phòng khác nhau, bạn giật bung chiếc dây cổ. Bạn muốn chính ở kiếp này, bạn và người có được sự ràng buộc kia.
Ngày hôm qua, bạn đi trong dòng người quen thuộc với mùi mồ hôi chua nồng và khói bụi và xăng xe và tắc đường và người ta dẫm chân nhau, thò tay vào túi áo người bên cạnh móc trộm chiếc môbai rồi tỉnh bơ quay mặt, bạn thấy mình đang sống và đang thở. Những ngày trước đó, bạn dường như không sống. Bạn bơi trong một dòng không khí trong trẻo, với niềm hạnh phúc bạn chưa từng trải nghiệm. Rồi đếm theo từng tích tắc đồng hồ, bạn cần phải quay trở lại, cái hiện thực này.
Bạn thấy mình hạnh phúc về mỗi chuyến đi. Trong sự lạ lẫm, bạn tận hưởng niềm hạnh phúc ấy.
Nhưng bạn cũng thấy mình mỏi mệt vì những chuyến đi. Lần đầu tiên sau một chuyến đi dài, khi hai tay tê rần vì đống hành lý nặng nề, bạn chợt nghĩ, tại sao mình không dừng lại?
Nếu không thể biến mất, vậy thì dừng lại. Khi định vị một chỗ, bạn sẽ thấy mình cân bằng nhất. Khi bạn thấy mình được cân bằng, hạnh phúc sẽ quay trở lại.
Có lẽ vậy!
twine
Ngày hôm nay, bạn thèm trở lại Peanuts Bar. Giờ là mấy giờ nhỉ? Bạn ngạc nhiên khi thấy, một lần nữa, bạn lại tới Peanuts Bar trong trí tưởng đúng vào giờ quen thuộc.
Bạn hãy chọn chiếc bàn quen thuộc, chiếc bàn dành cho hai người thứ 3 kể từ tay phải, thuộc dãy đầu tiên, khi bước vào quán. Chiếc bàn ấy, nép vào một khung cửa, nhìn thẳng ra đường phố lúc nào cũng trắng lóa thứ ánh sáng của một nước cận xích đạo tới 20h trời vẫn chưa muốn tối. Từ khung cửa ấy, bạn có thể ngoắc tay một người quen hay ghé má để ai đó thơm bạn từ ngoài vỉa hè, vì sẽ chẳng có mặt kính hay song cửa nào ngăn trở bạn. Nó chỉ là một trong những khung cửa có lớp viền gỗ đã được sơn đỏ, sẵn sàng đón nhận cả những cơn gió từ biển thổi về và những hạt cát bay quẩn quanh trong không gian. Đôi khi, từ khung cửa ấy, bạn sẽ gặp một chú bé tóc hơi quăn màu đen đi một chiếc xe kiểu ba gác chất đầy những chiếc bánh mì tròn, mỏng với lớp cám ram ráp đi qua. Rồi người bán hoa quả bên kia đường sẽ ngoắc chú ta lại, băng qua đường, dúi vào tay cậu ta tờ giấy bạc nhàu nhĩ đầy mùi mồ hôi trị giá 50 cent để lật đi lật lại kiếm 2 tấm bánh. Rồi cậu ta sẽ lại đạp đi, ơ hờ, chậm chạp, cứ như thể chẳng bao giờ lo đống bánh ấy sẽ bị thiu vì nó đã được phơi nắng suốt cả mười mấy tiếng trong ngày, kể từ khi mặt trời lên lúc 4 giờ sáng.
Bạn nhớ lại người phụ nữ bọc mình trong vải ngồi bên lò nướng ở một quán ăn bên ngoài Cairo trên con đường từ Memphis trở về. Người phụ nữ lấy chiếc xẻng nướng bánh ra khỏi lò, ném hai chiếc bánh mới nướng vào trong một chiếc giỏ đã có sẵn một vài đồng bạc như thể làm mẫu rồi cứ dúi vào tay bạn. Bạn thích thú, rồi ngẩn ra, bạn nghĩ, à, lại phải trả tiền đây. Nên bạn lắc đầu quầy quậy. Người phụ nữ không biết nói gì, bởi vì thứ tiếng A rập bà ta có thể nói, lại hoàn toàn không có tác dụng gì với bạn, nên bà ta chỉ biết chỉ vào tờ tiền rồi vào những tấm bánh và ra hiệu không mất tiền đâu. Nhưng dù sao thì bạn cũng đã không nhận rồi, nên giờ bạn thấy có vẻ ngượng ngập và mất tự nhiên để có những cử chỉ trao đổi tiếp theo với bà ta. Đôi mắt lác của bà ta cứ như thể đang nhìn ra ai đó sau lưng bạn để trách móc. Đôi mắt xấu duy nhất bạn gặp trên mảnh đất này, cho dù, bạn nhớ, hàng mi của bà ấy cũng rất dài và cong.
Đến đây thì bạn phải quay lại Peanuts Bar, vì anh bồi quen cao lỏng khỏng đã mang ra tấm giấy ghi món màu vàng quen thuộc đặt trước mặt bạn. Bạn chẳng suy nghĩ làm gì, bạn lại gọi duy nhất món ấy, với cái tên dài ngoằng: Thai garlic beef with green pepper and rice. Hình như còn một số chữ phía sau, nhưng tạm thời thế, vì bạn có thể di ngón tay lên dòng chữ để anh ta hiểu ngay tức khắc. Khi anh ta đi rồi, bạn mới lại trở lại quan sát con đường trung tâm của thành phố biển bé tí teo này.
Phía bên kia đường, một tòa nhà đang xây dở. Có lẽ, lại một khách sạn khắp mọc lên. Hiệu quần áo mùa hè Tarzan, luôn che kín bạt xanh mỗi khi trưa nắng, nhưng rồi khi chiều xuống, những mannequin bỗng hiện ra, đủ cả trai cả gái, mỗi ngày ăn mặc một kiểu. Nhìn ngược về phía khách sạn nơi bạn ở, bạn sẽ gặp chiếc xe mui trần đầy bụi, giống như một chiếc trong những bãi xe second-hand dài hàng cây số trên đường từ Genting về Kuala Lumpur. Đó là chiếc xe của anh chàng quản lý người Hà Lan có mái tóc kiểu Juan Manuel trong một bộ phim bạn xem có lẽ hơn 10 năm trước rồi. Chiếc xe được chế lại, màu đồng và cũng đơn giản như bạn có thể nhoài người ra khỏi khung cửa sổ Peanuts Bar để nhận một nụ hôn, cách anh chàng xuống xe là nhảy ra mà khỏi cần mở cửa, nhẹ nhàng như một chú sóc.
Giờ thì bạn vẫn phải đợi món cơm quen thuộc, món ăn ngon nhất duy nhất bạn có thể ăn lại đến vài lần trong suốt chuyến đi này. Nhưng thay vào đó, bạn hãy thưởng thức cốc bia Stella trước mặt. Nói chung là bạn không hẳn thích nó lắm, vì nó quá nhạt và nhẹ so với bạn. Bạn thích những thứ gì đắng đót. Nhưng vào cái lúc nắng quá thế này, nóng quá thế này, thì một cốc Stella ít bọt màu vàng tươi đầy nhóc đá cũng đủ để thỏa mãn bạn.
Bạn nhâm nhi nó với đĩa lạc rang miễn phí trên bàn, lòng cầu mong, bữa nay lạc đừng rang cháy nhé. Không hẳn, nhưng chỉ hai lần ăn thứ lạc rang này, bạn biết ngay là chúng có cháy hay không khi bóc lớp vỏ bên ngoài. Màu tím thì cháy, màu hồng thì không. Hoặc là những người tới đây thích ăn kiểu lạc cháy cháy thế này. Nếu là bạn, bạn thà mang chúng ra giữa trời mà đặt, có khi, lại được ăn thứ lạc ngon nhất.
Có lần, một thằng bé đen đúa trong chiếc áo garibaldi dài xượt đã đặt cả tấm thân cong queo mảnh dẻ của nó lên khung-cửa-của-bạn. Nó chìa tay ra, đôi bàn tay cũng đen đúa như khuôn mặt. Bạn nhăn mặt. Và nghĩ, có lẽ nó là người ăn xin đầu tiên bạn gặp trên mảnh đất này. Nhưng rồi thằng bé chỉ đưa ánh mắt về phía đĩa lạc. Bạn với tay, cầm đĩa lạc đưa ra trước mắt nó. Thằng bé, chỉ nhón tay lấy một củ lạc duy nhất, tách vỏ ăn rồi biến mất trong nắng. Bạn mãi mãi không gặp lại nó nữa. Và cũng mãi mãi bạn biết rằng, nó, chỉ là một đứa trẻ như bao đứa trẻ khác, nó chỉ thích thứ mà nó muốn, nó không-phải-là-ăn-xin.
Khi cốc bia vơi đi một nửa và đĩa lạc gần như đã kết thúc, món cơm được mang tới cho bạn. Đó là một tô cơm hình thang với miệng vuông, bằng sứ, rất nặng nề, màu xanh lá cây già với những mảng màu vàng đâm xiên xẹo, không biết có mang theo ý đồ nghệ thuật nào không, được đặt trên một chiếc đĩa sứ lớn cùng tông màu với hai chiếc chén bé xíu đựng xì dầu và tương ớt.
Bạn đồng hành sẽ giúp bạn cắt quả hạnh mang theo bằng chiếc dao ăn cùn, rồi khi mùi hương thơm nức của nó tỏa ra mát mẻ, tô cơm đã được trộn đều sốt, tương ớt, một chút ít sốt cà chua với thịt bò thái kiểu lúc lắc và hạt điều sẽ được vắt thêm nước quả hạnh. Chúng nhỏ từng giọt trắng xanh nưng nức thơm trên những hạt cơm đã bóng màu nâu sậm. Chà chà, bạn nghĩ, thật ngon lành biết bao!
Peanuts Bar dường như chỉ có bạn và người đồng hành vào mỗi buổi trưa, khi quán vừa mở cửa. Một lúc nào đấy, bạn chỉ tay sang Nirvana Bar bên cạnh và nói với người bạn: Bên đó, Stella chỉ có 10 đồng (Ở Peanuts là 15 đồng). Nhưng rồi, bạn lại chẳng bước chân vào đó một phút nào cho tới khi bạn đi khỏi thành phố. Nirvana thường xuyên trình diện buổi sáng bằng những chiếc ghế còn xếp trên bàn, chổng lên những cái chân gầy guộc và trễ nải cho tới 1 giờ chiều, tiếng nhạc mới cất lên. Bạn nhớ tới Nirvana trên đường Nguyễn Đình Chiểu với món bún gạo riêu bạn ưa thích và những chiếc ghế gỗ thâm nâu, kềnh càng. Và lịch biểu diễn nhạc của Nirvana ở đây cũng làm bạn nhớ tới buổi tối giữa tuần ở Yoko Bar với chai bia Corona bịt miệng bằng một miếng chanh thẫm muối mặn mà như một nụ hôn sâu dưới nước biển, khi người ca sĩ không biết tên cứ mãi hát những giai điệu dễ chịu của Alanis Morisette.
Có một bữa, bạn vào Peanuts Bar khi đêm đã xuống. Tối đó, chương trình của Peanuts Bar là karaoke, sẽ bắt đầu vào 22h15. Bạn muốn hát, tặng riêng cho người đồng hành của bạn, nhưng sau khi xem list, bạn chỉ có thể nghĩ tới Feelings. “I’ll try to forget my feelings of love”, bạn nhẩm lại trong óc. Nhưng bạn uống chưa đủ say. Mà tệ là, bạn lại uống Stella. Nó chỉ có tác dụng làm đầy bụng. Và bạn cố nấn ná, nấn ná, cho tới khi nghĩ rằng, sẽ có ai đó hát.
Đúng là một-ai-đó đã hát. Anh ta có lẽ dân Đông Âu. Bạn không nhìn thấy anh ta, nhưng bạn biết, đám khách du lịch ở thành phố thời kỳ này chủ yếu là dân Đông Âu. Hơn nữa, anh ta phát âm tiếng Anh cũng chỉ tàm tạm – nghĩa là kiểu nói mà bạn hoàn toàn nghe được hết. Anh ta đang hát “It’s only words and words are all I have, to take my heart away”.
Cốc Stella chỉ còn bọt và đá. Lẽ ra bạn có thể gọi thêm, nhưng bạn lại thôi. Nán lại dăm ba phút để nghe anh ta hát trọn vẹn bài, chỉ thế thôi.
Và khi đêm xuống, bạn rời khỏi Peanuts Bar, trong óc vẫn vang lên giai điệu mà tự bạn tạo ra, mà bạn biết, bạn chưa đủ ngấm để có thể hát hay được những lời ca ấy: “Feelings, nothing more than feelings…”
Bạn cần gặp một cái gì đó, đắng hơn. Và cay hơn…

twine
Bạn khó có thể nghĩ, một ngày nào đó, bạn lại yêu biển đến vậy. Biển nằm sau một dải sa mạc dài mênh mang, vô tận. Khi bạn bắt đầu ngồi chờ ở bến xe bus đợi chuyến trưa của Upper Travel, bạn không hề có một ý niệm nào về biển. Bạn chỉ biết, bạn sẽ tới một thành phố mới.
Buổi trưa đó, bạn ngồi và thi thoảng ngáp vì mỏi mệt. Bạn định chen vào câu chuyện của người bạn đồng hành với anh tourguide có nụ cười duyên dáng, song, bạn nhớ lại, mình đang ở đây - đất nước không dành cho những người phụ nữ.
Một người đàn ông già nua cáu bẩn trong chiếc garbaldi mỉm cười hiền từ nhìn bạn. Những móng tay và móng chân từ chiếc chân trái đang chống lên băng ghế có lẽ đã đóng thành sừng, phải tới hàng thế kỷ không ai nhòm tới chúng. Người phụ nữ mặc áo dài đen ngồi bên cạnh, đang cắn hạt dưa. Những chiếc vỏ vãi ra tứ tung dưới chân họ. Một người trung tuổi nữa ngồi gần bạn. Có một thứ mùi gì đó. Những con ruồi vo ve xung quanh, nhưng cũng với một vẻ lười nhác và mỏi mệt, y như bầu không khí của nơi này.
Bến xe đầy bụi đỏ, vì con đường trước mặt còn chưa hoàn thành. Ngay ở băng ghế ngồi của bạn, có thể dễ dàng thấy WC trước mặt chỉ cách vài bước chân và một cái máy, có lẽ bằng thép mạ inox chứa nước sạch. Thi thoảng, những người công nhân làm đường đầy bụi và bùn lại tới gần máy nước để uống. Trông họ có vẻ thỏa mãn.
Cuối cùng thì chiếc xe cồng kềnh cũng tới. Chuyến xe vắng vẻ tới mức kinh ngạc. Người lái xe vui tính với chiếc áo bã trầu tới gần bên bạn, hạ chiếc rèm cửa xuống rồi kéo tấm kính cửa ra, khẽ nói đùa: "Máy điều hòa nhiệt độ đấy!" và bạn bật cười.
Chiếc xe chạy xa dần khỏi Luxor, rồi chìm vào những con đường sa mạc dài tít tắp không biết khi nào sẽ kết thúc. Sa mạc. Sa mạc không đẹp như những cảnh quay nghệ thuật, với cát mịn, khô rang và vàng cháy. Sa mạc là sự trộn lẫn của cát, của đá, của đất, rác rến và những bụi cây lúp xúp, có lúc xanh bất ngờ, có lúc lại bạc trắng hay đen trụi. Những cơn gió sẽ bất ngờ thốc cát vào mặt bạn, nếu bạn lỡ bước xuống xe khi nó dừng nghỉ giữa trạm. Nắp phía thùng sau xe được mở ra để những guồng máy được nghỉ ngơi đôi chút và xả bớt đi khí nóng. Mọi thứ dường như đang chờ để thiêu trụi.
Người bạn đồng hành chạm nhẹ vào bạn và bạn choàng tỉnh, sau một giấc ngủ ngắt quãng và say sưa với loại thuốc an thần hữu hiệu là cái nắng khô mê hoặc. Đơn giản vì, nếu bạn không ngủ, thì mắt bạn sẽ đau nhức vì nhìn ra ngoài nắng suốt hàng trăm cây số trên sa mạc mênh mông ấy, cho dù bạn đã đeo một đôi kính to, che gần hết khuôn mặt. Và cũng đơn giản vì, tiếng động cơ xe bus rù rì giữa gió và cát, cũng chẳng khác gì những âm thanh rù rì (mà bạn không biết phát ra từ đâu) giống hệt những buổi trưa thiu nắng ở làng quê - thời điểm khiến cho bất kỳ ai cũng không thể nào cưỡng nổi cơn buồn ngủ.
Bạn choàng tỉnh và bạn nhìn thấy - biển ở đó.
Biển ở đó. Anh bạn đồng hành người A rập đeo kính đen giống bạn suốt mấy tiếng đồng hồ chỉ cho bạn. Bạn thốt lên kinh ngạc: "Đẹp quá". Bạn chưa bao giờ nhìn thấy biển đẹp đến vậy.
Bạn sinh ra từ biển. Nhưng bạn chưa bao giờ yêu biển. Lần cuối cùng bạn thấy biển là khi nào? Có lẽ 2 hay 3 năm trước. Bạn nhìn biển khi mặt trời bắt đầu dần xuống, xối thứ ánh sáng đỏ rực lần cuối cùng lên những dải sóng cũng đỏ rực vì phù sa đang cuốn cát dưới chân bạn về phía biển. Mà không phải. Mới năm ngoái thôi, nhưng bạn đã quên nhanh đến thế. Hoặc đúng ra, khi nước cạn, biển Gotchi đã không phải là nó. Bạn chỉ có thể nhớ nó, nếu vô tình xem lại những bức ảnh của các chuyến hành trình trước.
Đẹp quá! Có phải Hurganda ở đó không? Bạn hỏi. Anh bạn trả lời, không, còn 30 phút nữa. Giờ mới là Sakkara mà.
Mới là Sakkara, nhưng biển đã ở đó rồi. Có biển rồi, nghe thấy hơi gió và mùi của biển. Bơn bớt tanh. Bơn bớt mặn. Một thứ mùi vị hoàn toàn lạ.
Nghĩa là có sự sống. Mùi vị làm bạn sực nhớ - ở đây có sự sống.
Sakkara có vẻ đang trong thời kỳ xây dựng. Rất nhiều ngôi nhà đang gần hoàn thiện. Những cây cọ mới được trồng đã bắt đầu đổ xuôi lá theo hướng gió biển thổi về. Bạn có thể thấy, gần lắm, một vài đứa trẻ đi sát bên nhau, lội bì bõm trong vũng biển. Chúng đang tìm gì đó.

Bạn nhớ lại, khi bạn lên lớp 7, bạn trở về thăm bố. Hồi đó ông còn trẻ. Trên chiếc xe đạp cũ, ông chở bạn đi ra khu đầm - cũng giống cái vũng biển này. Bạn ôm chiếc cột của căn chòi, nơi người ta mang cá bớp, cá bống,... tới bán đứng hát vu vơ. Lần đầu tiên bạn say. Vì gió biển, vì mùi biển và vì lần đầu tiên ấy, bạn đã uống rượu.

Sakkara lại biến mất, như biển chưa bao giờ tồn tại. Hay như thể, cái dải nước màu xanh trải ra lấp lánh dưới nắng kia, chỉ là một ảo ảnh. Chiếc xe lại bắt đầu quay vòng, trở vào sa mạc.

Bạn lại choàng tỉnh một lần nữa khi người bạn đồng hành nói nhỏ: Tới Hurganda rồi. Nhưng biển ở đâu? Bạn hỏi. Biển - ở đó!

Khi hai bàn chân bạn đã cháy nắng Hurganda và một bữa nào, bạn bất thần đứng bên cạnh những bức tường không có bóng râm đầy những tờ quảng cáo, áp-phích bị xé nhem nhuốc, bạn mới tự hỏi: Bạn có muốn rời xa biển không?

Câu trả lời là không. Ngay cả bây giờ nữa. Bạn cũng không thể nghĩ là bạn đã xa biển. Khi bạn nằm trên chiếc ghế bố bên cái hõm chạy dài ra biển, đón nhận những cơn gió và bọt sóng tung về, im lìm gối đầu lên cánh tay mình và thấy mình không phải nghĩ hay nhớ về ai cả, bạn thấy một cảm giác lạ lùng xâm chiếm bạn. Một sự an bình, thư thái hoàn toàn. Mọi cảm giác được thả lỏng. Như thể, bạn sẽ mãi mãi như vậy, nằm ở đây, dưới ánh nắng này, trên mặt nước này, giữa lòng những cơn gió này, không phiền muộn vì công việc, vì những chuyện tình chẳng đâu đến đâu, về sự mệt mỏi của các mối quan hệ,... nào cả.

Và cho tận khi đêm xuống, biển vẫn xanh thăm thẳm như thế. Chỉ một màu xanh. Và bạn, biết có còn nhớ những câu thơ đã đọc cùng nhau:

Đứng bên biển mà nhớ biển điên dại
ngọn sóng ngày nào khuất ở nơi xa
mặt trời vàng hoe
tim tôi xanh như núi
mà chiều ập xuống thật nhanh

Mà tình lạnh ngắt thật nhanh
chân chưa thả chân trần
tay chưa vùi xuống cát biển
chưa được hôn tôi
người đã gọi về

Chiếc vỏ ốc nằm trong túi áo
tôi nằm trong nỗi buồn của tôi
muốn bơi mà không được
muốn nói mà không được

Nghìn lớp sóng cứ quằn quại ngoài kia
nghìn lời giã từ cuộn trong lòng ngực.

(Biển có còn xanh? - Phạm Thị Ngọc Liên)
twine
Ngày hôm qua, khi bạn sử dụng thời gian ốm cho phép duy nhất trong tuần để tiêu thụ cuốn tiểu thuyết, đột nhiên, bạn cảm thấy nhớ Thượng Hải da diết.
Ôi cái nỗi nhớ ấy, thật là khó coi và khó chấp nhận. Thượng Hải là gì nào? Chỉ là 2 đêm dừng chân trong rất nhiều chuyến hành trình của bạn. Khi bạn nghĩ rằng mình sẽ tới Thượng Hải, bạn chỉ còn nhớ tới bộ phim lâu lâu lâu lắm rồi, hồi bạn còn là học sinh. Bạn nghĩ rằng, à, cuối cùng thì mình cũng tới đó.
Ngày hôm qua, Thượng Hải trở về trong trí óc của bạn. Bằng những ngõ nhỏ, hẻm nhỏ, những ô cửa nhỏ, những khuê phòng nhỏ. Thượng Hải cũng trở về bằng cái nhìn từ trên cao xuống, những toà nhà cao tầng kiểu gô-tích mọc bên sông Hoàng Phố, bằng những đám mây chim bồ câu...
Những con chim bồ câu có đôi mắt trong veo nhưng viền đỏ mỏng manh, tưởng như luôn luôn khóc vì điều gì đó.
Bạn nhớ tới cái diều hình đôi cá bay vờn lên trong đêm, nơi ngọn đồng hồ phía xa sáng lên vàng rực. Bữa đó trăng sáng. Bến sông Hoàng Phố người và người chen nhau tấp nập, phần lớn là những cặp tình nhân. Bạn đi ngược những tốp người đó, lòng tự nhủ thầm: À, cuối cùng thì mình cũng ở đây...
Ngày hôm qua, trên từng trang sách của Trường hận ca, Thượng Hải hiện ra dưới mắt bạn, quen thuộc vô cùng. Bạn ngỡ ngàng vì sự quen thuộc ấy. Tưởng như mình đã sống, đã ở, đã hít thở cái bầu không khí của bốn mươi năm trước, bốn mươi năm sau và bốn mươi năm sau nữa. Tưởng như mình đã gặp những Kỳ Dao, Lệ Lợi, Minh Tốn,... hàng ngàn lần trong cuộc đời. Tưởng như mình cũng đã dự phần vào những bữa cơm Tàu đặc trưng ấy...
Chỉ có những con chim bồ câu biết.
Một tối tháng 8, bạn lạc vào một khu phố cổ của Thượng Hải. Thượng Hải về đêm đẹp lung linh không bút nào tả xiết. Cả thành phố là một khối đèn khổng lồ muôn hình vạn trạng. Cả thành phố là một khối lung linh. Khi bạn từ trên máy bay nhìn xuống, cảm giác như đầu mình có thể phá tung tấm kính cửa nhỏ nhoi ấy, bởi từng chuỗi dài ánh sáng hồ như mãi kéo dài, lan rộng, chuyển động không ngừng bên dưới. Thượng Hải đêm - là ánh sáng.
Con phố cổ ấy lại khác. Nó âm u, tịch mịch, ngay cả tiếng người nói cũng rì rầm. Không có những cô cậu ăn mặc kiểu cách bá vai nhau đi lại tự do cười nói. Đâu đó, một vài gia đình ăn cơm muộn, cửa vẫn còn mở, để ngỏ mâm cơm với ánh đèn vàng vọt. Những khung cửa gỗ trổ hoa âm thầm trong đêm. Vài bước chân, lại gặp một khung cửa cũ với hai con nghê đá chầu ngoài cửa. Cả chiếc nắm tay dập cửa cũng kiểu cũ, toát lên một vẻ tư lự, buồn rầu.
Đó là một Thượng Hải của ngõ, của hẻm, hoàn toàn khác với một Thượng Hải xa hoa, hiện đại ban ngày.
Chỉ chung có một điều - tiếng đập cánh của những con chim bồ câu.

Đôi khi bạn ngạc nhiên vì trí óc mình dừng lại ở một quãng nào đó trong ký ức. Rồi tất cả hiện về, thật rành rẽ. Và kèm theo nó là nỗi nhớ kỳ lạ. Cho dù, có thể, đó là nơi mà bạn không muốn quay trở lại, cũng có thể, đó là nơi mà bạn đã không hề muốn tới.

Bạn nhìn lại nốt ruồi nhỏ ở gót chân. Và bạn tự hỏi mình: Khi nào sẽ dừng bước đây?

Chỉ có những con chim bồ câu biết.
twine
Của một người bạn!


Dưới bóng Kim Tự Tháp

Phạm Hải Anh

Cám ơn anh Huệ chị Yến, Mustafa
cùng những người bạn Ai Cập
Gửi Hoàng Nga, May và Three sisters


Tivi dồn dập đưa tin khủng bố. Ai Cập là xứ đạo Hồi, gần Ả Rập, tuy chưa đến nỗi chiến tranh như mấy nước láng giềng nhưng ở Taba, giáp biên giới Isarael cũng vừa có nổ bom, mấy chục người thiệt mạng. Tôi chưa chán sống, Ai Cập 5 000 năm còn đó, chẳng vội gì phải đi lúc này.

Ngày xưa học địa lý châu Phi, sa mạc Sahara, sông Nile, biển Đỏ… thấy xa xôi như chuyện trên trời. Đời người sống vài chục năm đã dài dặc bao nhiêu biến cố, mà xác ướp Ai Cập, Kim Tự Tháp hơn 4 500 năm tuổi, đúng là từ muôn kiếp nào. Đang cháy túi lại mơ đi chơi tuốt vào một không gian, thời gian xa lăng lắc giữa thời buổi lộn xộn như thế, thật điên. Nhưng chính vào cái lúc không nên nhất ấy, ước mơ đi Ai Cập trở nên không thể cưỡng lại được. Giống như ta nhảy kịp lên một chuyến tàu khi nó sắp bỏ rơi ta, như hái được sao trời thay vì ngồi nhà nhìn chai nước mắm mỗi ngày vơi đi một tí. Hồi nhỏ, tôi vẫn ước ao được thành người lớn. Người lớn không bị kiểm tra bài vở mỗi ngày, không phải ăn nếu không thích ăn và không bị buộc ngủ trưa khi bọn trẻ hàng xóm đang đùa chơi tíu tít ngoài kia. Trưởng thành rồi, tôi mới thấy hoá ra cái tự do của người lớn còn tệ hơn của trẻ con. Chẳng ông bố bà mẹ nào canh con được suốt ngày đêm, còn người lớn tự gác mình 24/24. Những cám dỗ trên đời thật vô cùng mà khả năng con người thì hữu hạn, ta như con nhện sống giữa mạng nhện của những quan hệ, đòi hỏi, cái này dính đến cái kia, nhằng nhịt bất tận. Chuyện đi Ai Cập, đơn giản như con muỗi, mà biến thành con bò, là vì tôi đã tự giam trong một nhà tù tơ nhện. Khi cầm tấm vé máy bay, tôi biết mình không chỉ đi Ai Cập mà còn thoát ngay trước mũi gã cai ngục là tôi để bước vào vùng trời tự do mà đứa bé ngày nào mơ ước khi trở thành người lớn.

Ngọn núi siêu phàm của Pharaoh

Tôi hơi thất vọng khi nhìn khối đá xếp hình tam giác, to, sứt sẹo và đen xì xì. Trong postcard và trong tưởng tượng của tôi, Kim Tự Tháp ánh lên màu vàng ròng, kiêu sa mỹ lệ chứ không thô tháp thế này. Nhân sư (Sphinx) tuy đường bệ nhưng mặt gẫy như… chó Nhật vì bị mất mũi. Tôi đánh một vòng dưới chân Kim Tự Tháp, ngửa cổ nhìn lên, huy động trong đầu tất cả những chuyện li kỳ đã đọc về Pyramid và bắt đầu thán phục. Cảm giác nhân tạo này dần dần thành thật, đến mức có lúc tôi thấy nghẹt thở vì xúc động. Hai triệu ba trăm nghìn tảng đá, mỗi phiến hơn 2 tấn xếp thành một khối uy nghi cao 145,75 m - trong suốt 43 thế kỷ (cho tới thế kỷ 19) là kiến trúc cao nhất thế giới. Độ chính xác của các cạnh, góc nghiêng, định hướng theo la bàn, độ khít giữa các viên đá khổng lồ hoàn hảo đến mức khó tin. Mỗi bức tường của Kim Tự Tháp Lớn Cheops có độ dài là 365,24 inch, đúng bằng số ngày của một năm dương lịch... Tôi thích tin vào lý thuyết người ngoài trái đất đã giúp xây Kim Tự Tháp để đỡ ý thức là mình hậu sinh 45 thế kỷ sau mà hơn đứt tiền nhân về khoản ngu si.
Cuối cùng thì tôi đã sở hữu một Kim-Tự-Tháp-Của-Tôi, không phải là hình ảnh ngôi tháp vàng ánh lên như người ta đã nhồi nhét vào đầu. Một khối đá xếp trần trụi, đen đúa, sứt sẹo, lừng lững cắt lên trời xanh, đơn giản đến mức tôi có thể thu gọn nó chỉ trong một cái nhìn nhưng cũng kỳ lạ cho tôi suốt đời tìm mà không bao giờ hiểu hết.
Trở về, xem lại những ảnh tự tay mình chụp Kim Tự Tháp, tôi vào Photoshop, hì hục sửa cho nó màu vàng giống như trong postcard, gửi đi. Thì cứ để những ai chưa đến được tưởng tượng về Kim Tự Tháp tráng lệ xứng với danh hiệu Kỳ Quan Số Một Thế Giới. Còn cái đống đá đen xếp hình tam giác be bé trong ảnh, tôi giữ riêng mình, để đôi khi ngẫm nghĩ về cái giản đơn và vĩ đại.

Thành phố nhà không mái

Quê hương của Kim Tự Tháp, kiến trúc hoàn hảo nhất thế giới về mặt hình học bây giờ lại là nơi nhan nhản nhà không mái.
Ở Cairo có “ Thành Phố Chết ”, xây san sát thành từng khu phố, cổng cao kín mít, cửa sắt uốn cầu kỳ, nhưng không có mái. Đấy là khu mộ, càng giàu càng xây mộ to, rộng y như nhà thật, và cũng có người nghèo dọn vào đấy ở, dù nó không có điện nước.
Nhà của người sống có khi cũng không mái !
Ai Cập cực kỳ khan mưa nên không cần mái, hoặc vì nhà chưa có mái thì coi như chưa xây xong, không bị đánh thuế nhà đất nên cứ để thế. Thay vì xây tiếp mái nhà, có nơi sáng kiến trồng dây leo che tạm. Cọc sắt bê tông đâm tua tủa lên trời, tường không trát, lộ thiên, một mảnh nilông hoặc vải treo phập phù thay cánh cửa sổ… đâu cũng có thể thấy dấu hiệu dở dang và điểm lạ là người ta có thể yên tâm sống thế năm này tháng khác. Hàng cột đá vĩ đại đổ gẫy trong đền Karnak (Luxor) không gây ấn tượng về sự lụi tàn của văn minh Ai Cập bằng những cọc sắt lởm chởm trên các ngôi nhà đang ở. Từ Hurghada tới Cairo, có một số khu đô thị mới hàng nghìn phòng, xây dở rồi bỏ không, giống như một dãy nhà chết, kẹp giữa sa mạc và biển. Hurghada, thành phố du lịch mới xây hào nhoáng nhưng không có cống. Trời mưa một trận vài ba phút, hôm sau còn thấy công nhân bận rộn đứng dùng giẻ lau thấm nước trên lòng đường như ta lau nhà.

twine
Bảo tàng Ai Cập Cổ Đại ở Cairo làm người xem bội thực vì hiện vật. Tôi ngó nghiêng từng móng tay khô đét trên xác ướp Khufu (Pharaoh đã cho xây Kim Tự Tháp vĩ đại nhất Ai Cập), mừng là mình chưa một ngày làm vua nên chắc chắn sẽ không bao giờ bị ướp xác. Mummy thú làm tôi thích hơn. Có xác mèo thiêng, khỉ thiêng… rất sinh động, quan tài chạm khắc, đồ tùy táng cầu kỳ và cả lính hầu chôn theo. Hóa ra người Ai Cập cổ cũng đi tìm hóa thân của thần vào các con vật như người Tây Tạng tìm Đạt Lai Lạt Ma. Con thú nào có dấu hiệu đặc biệt, ví dụ vết hình gì đó trên lưỡi, trên lông… thì được thờ phụng và hưởng các nghi lễ ngang với các Pharaoh. Tôi thấy một xác cá sấu rất to, cá thiêng nên khi sống được nuôi bằng bánh mì, sữa, thịt… và chết được ướp xác. Tôi rất muốn biết cảm giác của cá sấu ăn bánh mì uống sữa thì ngon miệng thế nào.

Ở Luxor, một người lính gác mộ trong Thung Lũng Hoàng Hậu, đeo súng, mặc lễ phục bảnh choẹ, chìa tay xin tiền du khách. Tôi thoáng thấy trong bàn tay xoè ngửa của anh ta chồng chất bóng mặt nạ Pharaoh vàng chói lọi, những hình khắc cầu kỳ trên quan tài đá, đồ trang sức xa hoa lộng lẫy… 5 000 năm Ai Cập huy hoàng. Nghệ thuật ướp xác tuy cao siêu nhưng không ướp được linh hồn các Pharaoh vĩ đại. Tôi nhớ lại cảm giác vừa thú vị, vừa ngậm ngùi khi bỏ tiền vào thùng công đức trên đầu quan tài Từ Hi Thái Hậu. Bà hoàng đế Trung Hoa quyền bính nghiêng trời lúc sinh thời này có bao giờ tưởng đến ngày chết sẽ phơi xác để nhận tiền lẻ của khách thập phương ? Tôi lại nghĩ đến bàn tay xin tiền của người gác lăng hoàng hậu Ai Cập. Chẳng có gì trường tồn, cả sự uy nghi của vua chúa lẫn những nhục nhằn của thường dân. Có phải vì triết lý ấy, vì đạo Hồi hay lý do nào khác mà nhiều người Ai Cập ngày nay có thể sống an nhiên trong những ngôi nhà không có mái? Dù sao, sau những cố gắng thâm nhập đời sống bình dân Ai Cập, tôi cũng mừng khi đêm về được nằm trong căn phòng có cửa mái đàng hoàng, máy điều hòa chạy ro ro.

Đàn ông bốn vợ, đàn bà bị thiến

Toàn đàn ông, mà lại trẻ, đẹp trai nữa mới… phí ! Ðấy là ấn tượng đầu tiên khi tôi đến Hurghada, thành phố nhỏ bên bờ Biển Ðỏ. Khu nghỉ mát, biển màu ngọc bích, cọ xanh loà xoà… mà lại không có lấy một bóng hồng (đúng ra là bóng đen) một chiếc áo choàng habarah của phụ nữ Ai Cập. Hỏi ra mới biết Hurghada là một làng đánh cá, sau được biến thành khu nghỉ mát, người làm việc đều đến từ các thành phố khác, mà xứ đạo Hồi, đàn bà không được phép đi làm xa khỏi gia đình. Hurghada không giống bất kỳ khu nghỉ mát nào mà tôi từng qua ở chỗ nó, nhìn bề ngoài, “chay tịnh” về khoản tươi mát. Với những chàng trai Ai Cập đến đây làm ăn, Hurghada có vẻ như một trại lính mỹ miều, không có đàn bà, không có giải trí, chỉ sự nghiệp mà thôi. Có tiền thì hãy mơ có đàn bà, vì lấy vợ trước tiên phải có nhà (thuê hoặc mua) và sắm đồ dẫn cưới rất tốn kém, chưa kể đến chuyện nuôi cả gia đình là trách nhiệm chính của người đàn ông. Cưới một cô dâu theo đúng lệ xưa phải nộp đủ 8 con lạc đà (mỗi con giá chừng 400-500 USD), là cả một gia tài lớn mà không phải người bình dân nào cũng có nổi. Người Ai Cập có thể lấy anh em con chú bác ruột. Hôn nhân nội tộc “thân” hơn và nhất là đỡ tốn kém hơn. Ở những vùng nghèo, đặc biệt trong các làng digan, quần hôn là hiện tượng phổ biến.

Theo luật thì đàn ông Ai Cập được lấy 4 vợ, tại sao 4 mà không phải 3 hay 5 ? Ở Ai Cập có câu : “ Lấy một vợ là hạnh phúc, hai vợ là rắc rối đau khổ, ba vợ làm anh phát điên đâm đầu tự tử nên sẽ không bao giờ lấy đủ bốn vợ ”. Những câu thành ngữ như thế chẳng làm yên lòng đàn bà. Mustafa, một anh chàng Ai Cập đứng đắn (tôi đoán thế vì anh ta không bao giờ đứng gần… tôi ở chỗ công cộng !) rất tâm đắc luật Bốn Vợ. Anh ta dùng nó như một vũ khí răn đe. Cô vợ ương bướng đến mấy, khi nghe chồng dọa lấy vợ mới cũng sẽ khép móng vuốt lại, ngoan hiền. Không có cạnh tranh thì không có phát triển. Luật “ Một Chọi Bốn ” làm phụ nữ Ai Cập, trên lý thuyết, buộc phải thành người vợ lý tưởng hơn các nơi khác. Ở xứ đàn ông bốn vợ và Đạo Hồi nghiêm khắc thế, gái điếm có tồn tại không ? Lại Mustafa cho biết muốn kiếm gái ở Cairo cũng chẳng thiếu gì. Cứ đến mấy quán ăn Trung Quốc hay Triều Tiên… tha hồ chọn theo khẩu vị. Nổi tiếng nhất ở Cairo là El Motakam, một khu đất trên đồi cao, tối, vắng, nơi các cô gái tối tối đến chờ khách. Tôi thắc mắc không biết khách làm sao chọn được người mình thích sau cái áo choàng đen kín bưng bưng. Mustafa chỉ cho tôi một cô ngồi trong ôtô, đầu trần và ăn mặc môđen, hình như còn hút thuốc. Tôi đứng xa xa nhìn trộm cô ta, rồi nhìn xuống toàn cảnh Cairo ban đêm, những nhà thờ vòm tròn, chóp nhọn đặc trưng của Đạo Hồi vút lên giữa biển đèn lấp lánh. Cuối cùng thì tôn giáo, dù quyền uy, khắc nghiệt đến mấy cũng phải nhường những vùng tối cho dục vọng con người.

Tôi mừng vì không sinh ra là đàn ông Ai Cập, bởi cái đặc quyền lấy bốn vợ đi kèm với gánh nặng gấp bốn lần phải gánh vác và dàn xếp gia đình. Dứt khoát tôi cũng không thích làm đàn bà xứ Đạo Hồi, dù được chồng nuôi và trong mùa lễ Ramadan (trên lý thuyết) được tự do đi chơi, đi nhảy, xem phim hoặc tụ bạn suốt đêm mà không có người nhà theo kèm. Một người bạn tặng tôi cuốn “Khul-Khaal”, với chuyện đời có thật của 5 người đàn bà Ai Cập. Anh nói thật không thể tưởng tượng họ lại khổ đến thế. Tôi hăm hở đọc rồi ngỡ ngàng nhận thấy họ khổ như… đàn bà Việt Nam. Cũng đói, bệnh, bị ngược đãi, thất học, mê tín… những vấn nạn chung của đàn bà xứ nghèo, lạc hậu. Trong nỗi khổ chẳng riêng đâu, đàn bà đạo Hồi ít ra còn được an ủi bởi niềm tin tôn giáo.

Con gái đạo Hồi Ai Cập, bị tin là uống nước sông Nile sinh lý mạnh hơn bình thường nên phải cắt âm vật ở tuổi vị thành niên, khoảng từ 7 đến 13 tuổi. Không thuốc mê, tê gì cả, một người giữ chặt bé gái cho khỏi giãy để bà mụ (cũng có thể là đàn ông) rắc bột lên phần nhạy cảm nhất trong âm hộ cho đỡ trơn rồi dùng dao cạo cắt đi và bôi cồn lên vết cắt. Trong một hai ngày đầu, bé gái được uống nước chanh, sữa, ăn trứng để quên đau và phải nằm bất động với chiếc gối kẹp giữa đùi làm vết thương khỏi dính vào nhau, một miếng vải sạch tẩm đẫm dầu nhét vào âm đạo khử trùng. Bà mẹ sẽ khâu mẩu âm vật cắt ra vào váy để bé gái mang theo người một tháng rồi sau đó vứt xuống sông. Người ta thường cắt âm vật các bé gái tập trung ở một nhà. Nếu hai bé gái bị thiến cùng thời điểm nhưng ở những nơi khác, tình cờ gặp nhau khi ra sông rửa vết thương thì người đến sau sẽ bị ếm thành vô sinh. Lúc đó, cô ta phải tìm cô gái đến trước và giải bùa bằng cách để cô kia tự cắt ngón tay, liếm máu ba lần và thấm đẫm máu vào miếng vải bông. Cô gái bị ếm sẽ đợi lúc đêm về vắng vẻ, không ai được thấy, nhét miếng vải bông thấm máu vào cửa mình. Ma thuật sẽ mất và cô ta có thể có con.

Cắt âm vật không làm hỏng màng trinh hay ảnh hưởng đến khả năng sinh nở. Cô gái « bị thiến » vẫn có thể có nhu cầu tình dục mạnh mẽ nhưng lại không bao giờ đạt tới khoái cảm khi giao hợp. Cho đến ngày nay, ở những vùng quê Ai Cập, tục thiến đàn bà này nghe nói vẫn diễn ra. Người ta cho rằng như vậy chỗ đó sẽ đẹp hơn và đàn bà ít đòi hỏi thì đỡ khổ, cũng hợp lý khi mỗi người đàn bà có thể chỉ được có một góc ông chồng.
Ám ảnh tôi rất lâu là hình ảnh người đàn bà digan trùm khăn đen kín mít từ đầu đến chân, dắt lạc đà đi trong sa mạc. Tôi không biết cô ta đẹp hay xấu, chỉ thấy một cặp mắt to, đen thẳm nhìn mình, không vui, không buồn, đầy bí ẩn. Đôi mắt của sa mạc, của số phận đàn bà, dù ở đâu trên trái đất này…

Đi du lịch để làm gì

Thế là đời tôi cũng được thỏa mãn chụp một cái ảnh dưới chân Kim Tự Tháp, xem xác ướp Pharaoh, ngắm san hô uống vài ngụm nước mặn Biển Đỏ, cưỡi lạc đà nhìn ảo ảnh sa mạc, đi thuyền buồm đêm trên sông Nile. Nhưng mà cái hình ảnh làm tôi kêu rú lên giữa Ai Cập năm ngàn năm không phải là tất cả những thứ to tát đó. Nó là… dăm ba bông hoa phượng đỏ thắm, lơ thơ sót lại trên cây tôi nhìn thấy trên đường đi Luxor. Đã lâu lắm tôi trốn cái nóng mùa hè ở Việt Nam, và (nói văn hoa là) lỗi hẹn cùng hoa phượng. Tôi xem phim “Ba mùa”, mê mẩn trước cảnh nữ diễn viên mặc áo dài trắng muốt đúng kiểu gái điếm hoàn lương, ngây ngây thơ thơ đi dưới trời phượng nở. Sau tôi nghe đồn phượng ấy là phượng giả nên mới đẹp thế ! Cuối cùng, ở tận xứ Bắc Phi xa tít, giữa tháng 11 thu tàn, vào lúc không ngờ nhất tôi lại gặp hoa phượng thật. Ghép hoa phượng Ai Cập này với tiếng ve kêu inh tai giữa rừng ôliu một trưa trên đảo Creta Hy Lạp là tôi có lại tuổi học trò Việt Nam náo nức đón hè. Tôi sung sướng vì thấy hoa phượng cũng ngang với bạn tôi hả hê khi sang Mexico phát hiện ra dân Nam Mỹ xa xưa cũng biết ăn thịt chó. Tại sao phải đi xa thế để mừng rơn bắt gặp cái mình đã có ở nhà từ đời nào ? Rút cục thì du lịch để làm gì nhỉ ?!

Amsterdam, 20-11-2004
twine
Trên con đường về nhà, bạn chỉ thấy có bụi. Trời sâm sẩm tối, bạn tháo kính ra rồi lại đeo vào, cảm thấy mọi thứ dường như mù mịt. Hơi nóng vẫn hầm hập, có lẽ phải đến 9-10h mới có thể bớt đi. Hơn thế, đám lá xà cừ được đốt trên con đường về nhà cùng mùi khói của nó càng khiến bạn cay mắt.
Bạn không nghĩ gì, chỉ cảm thấy một nỗi sợ mơ hồ. Dường như có điều gì đó sẽ đến. Sẽ sắp làm bạn đau lòng đây. Nhưng nó là cái gì? Nó là cái gì?

Một cô gái trẻ ngồi giữa hai người đàn ông trên thùng xe màu trắng. Bạn cố gắng tìm kiếm, và cuối cùng đã thấy cái điều cần thấy và cần chứng minh - một cái cùm vẫn xon xót sáng dưới ánh đèn bắt đầu vàng lên trên đường. Bạn chạy xe tới gần, nhìn kỹ thêm một chút, để thấy có vài ba vết bẩn bên mặt trái của cô gái - giống hệt những vết tay người. Có thể lắm, nó là cái tát!

Lần đầu tiên, bạn nhìn thấy một người phụ nữ bị bắt. Và bị cùm. Lại ngồi trên một thùng xe diễu đi khắp phố thế này. Bạn tự hỏi, có phải là cô ta "quá đáng" lắm không? Không quá đáng, thì không thể bị bắt như thế. Giống như cách mà bạn nhìn các cô điếm trên đường về nhà mỗi tối - chỉ thấy tội nghiệp - không ghê tởm.

Cô ta có lẽ cũng chỉ hơn bạn vài ba tuổi. Hoặc có khi kém hơn. Mà vì cái đau khổ của cuộc đời hoặc cái mệt mỏi của kiếm sống, hoặc cái sa đọa của đời sống,... đã khiến cô ta có vẻ già hơn bạn. Ở vào tuổi của bạn, người ta không tài nào đoán nổi tuổi chính xác. Có khi hơn tới vài tuổi, có khi kém đi vài tuổi, là chỉ dựa vào một vài nét nào đó mà thôi.

May mà đường đông, cũng may mà bạn đeo kính, nên bạn có thể đi chậm chậm cạnh chiếc xe "cô ta" mà không sợ bị người khác phát hiện là bạn đang theo dõi. Tự dưng, bạn lẩm nhẩm "Thân em như giọt mưa sa..."

Ngày hôm qua, là ngày 13 âm lịch. Ngày 13 âm lịch, bạn chưa bao giờ để ý. Ngày 13 ấy, từ giờ đã in trong óc bạn. Có một điều gì đã đến. Nó làm bạn đau lòng...
Thị Anh
QUOTE(twine @ Jun 7 2006, 03:10 PM)


Con gái đạo Hồi Ai Cập, bị tin là uống nước sông Nile sinh lý mạnh hơn bình thường nên phải cắt âm vật ở tuổi vị thành niên, khoảng từ 7 đến 13 tuổi. Không thuốc mê, tê gì cả, một người giữ chặt bé gái cho khỏi giãy để bà mụ (cũng có thể là đàn ông) rắc bột lên phần nhạy cảm nhất trong âm hộ cho đỡ trơn rồi dùng dao cạo cắt đi và bôi cồn lên vết cắt. Trong một hai ngày đầu, bé gái được uống nước chanh, sữa, ăn trứng để quên đau và phải nằm bất động với chiếc gối kẹp giữa đùi làm vết thương khỏi dính vào nhau, một miếng vải sạch tẩm đẫm dầu nhét vào âm đạo khử trùng. Bà mẹ sẽ khâu mẩu âm vật cắt ra vào váy để bé gái mang theo người một tháng rồi sau đó vứt xuống sông. Người ta thường cắt âm vật các bé gái tập trung ở một nhà. Nếu hai bé gái bị thiến cùng thời điểm nhưng ở những nơi khác, tình cờ gặp nhau khi ra sông rửa vết thương thì người đến sau sẽ bị ếm thành vô sinh. Lúc đó, cô ta phải tìm cô gái đến trước và giải bùa bằng cách để cô kia tự cắt ngón tay, liếm máu ba lần và thấm đẫm máu vào miếng vải bông. Cô gái bị ếm sẽ đợi lúc đêm về vắng vẻ, không ai được thấy, nhét miếng vải bông thấm máu vào cửa mình. Ma thuật sẽ mất và cô ta có thể có con.

Cắt âm vật không làm hỏng màng trinh hay ảnh hưởng đến khả năng sinh nở. Cô gái « bị thiến » vẫn có thể có nhu cầu tình dục mạnh mẽ nhưng lại không bao giờ đạt tới khoái cảm khi giao hợp. Cho đến ngày nay, ở những vùng quê Ai Cập, tục thiến đàn bà này nghe nói vẫn diễn ra. Người ta cho rằng như vậy chỗ đó sẽ đẹp hơn và đàn bà ít đòi hỏi thì đỡ khổ, cũng hợp lý khi mỗi người đàn bà có thể chỉ được có một góc ông chồng.
Ám ảnh tôi rất lâu là hình ảnh người đàn bà digan trùm khăn đen kín mít từ đầu đến chân, dắt lạc đà đi trong sa mạc. Tôi không biết cô ta đẹp hay xấu, chỉ thấy một cặp mắt to, đen thẳm nhìn mình, không vui, không buồn, đầy bí ẩn. Đôi mắt của sa mạc, của số phận đàn bà, dù ở đâu trên trái đất này…




Chị HA viết đoạn này hay quá. Sao ko thấy Z nói gì về cái này?
twine


Bởi vì em đã mặc chiếc váy trắng ấy bước lên đồi Faber nên tôi không thể không nhớ tới đất nước nhỏ bé kia vào lúc này. Tôi ngồi trước món salad và không thể dối lòng là đang nghĩ về em, nhiều quá. Màu mayonaise trắng sữa phủ lên những hạt đậu xanh nhỏ bé, giống như chiếc váy của em đã dẫn đường tôi đi từ đông sang tây, từ nam tới bắc của hòn đảo sư tử kia...
Bắt đầu là một ngày mưa, đổ xuống vào ngày thứ hai của cuộc hành trình. Em đưa những ngón tay nhẹ nhàng nâng nếp váy khỏi ướt khi bước lên chiếc xe bus cồng kềnh. Những dãy nhà trải dài trong thứ lộc đất trời bất ngờ trao tặng, xanh, đỏ, tím, vàng...Và từ những bát hương treo lơ lửng ngoài balcon những dãy chung cư ít tiền, khói từ đâu âm ẩm lan...
Biết nói gì về những chiếc lá bóng láng không vết bụi? Về những quầy Mc Donald đang thời gian giảm giá với những chiếc kem tuyệt ngon mùi vani thơm phức? Về những đôi tình nhân tóc nhiều màu ôm nhau trên đường Orchard lúc 2 giờ sáng? Về dòng sông sẽ không bao giờ đẹp nếu màn đêm không xuống và đèn không thắp? Về những bước chân của em - đôi lúc nặng nề và phân vân - giữa tự do và hạnh phúc?
Tôi nhét chai Grants cùng hai bộ quần áo vào chiếc túi 6 năm về trước đã mang từ nơi đó về, muốn một mình, ích kỷ, tham lam, và cô độc, nhấm nháp nó suốt cuộc hành trình. Đã là như thế, nếu không có em...
...Và chúng ta đã hát, vào lúc 3h sáng, đi qua những nhà thổ mùi son phấn nồng lên tận đỉnh đầu, sau chuyến taxi đẫm bóng tối...Và chúng ta đã hát, vì chiếc váy trắng của em, vì những giờ phút tự do cuối cùng của em...
...Và chúng ta đã hát...Boulevard chìm trong yên lặng...Ván bài lúc 4 giờ khiến chúng ta gà gật...Chiếc áo ngủ rộng thùng thình một nửa người em chìm trong nệm...Chai rượu bỏ dở...Rốt cuộc, tôi đã thắng...
...Tôi đã thắng ván bài cuối cùng ấy...



14:18, 13/03/05
twine
Vào lúc này, cơn sốt vẫn đang lẩn quẩn. Bạn nhìn chiếc mobile đang cạn dần pin và bạn tự hỏi: Liệu bạn có kiệt sức giữa cuộc chơi này?
Cuộc chơi này, bạn đã bắt đầu và bây giờ, bạn phải đi tới. Nó được tính bằng khoảng cách, bằng thời gian, bằng vật chất và hơn nữa, bằng cả tình cảm và trí tuệ của bạn.
Không có gì bạn coi trọng hơn là một lời hứa. Cũng không có gì đáng buồn cười hơn là một lời hứa. Bởi vì lời hứa, chỉ mang đủ ý nghĩa của nó, cho những ai coi trọng nó. Còn không, cũng chỉ là một chút gì đó gió thổi bay mà thôi.
Ngày hôm qua, bạn lục lại đống hình cũ. Bạn nhìn vào những ngọn đèn dầu loé lên những đốm sáng nhỏ nhoi bên dàn dây leo hoa vàng anh rực rỡ, bạn thật nhớ, thật nhớ Nirvana. Chỗ ngồi quen thuộc không ai giành của bạn - đối diện với "bức tường" được tạo nên bởi những ô vuông đèn dầu và dây leo ấy, bạn đã chờ.
Bạn đã chờ. Những cuộc hẹn. Bạn đã chờ. Những cuộc làm ăn. Bạn đã chờ. Buổi chiều xuống. Cơn mưa xuống. Bạn đã chờ có một ai đó gọi tên mình. Bạn đã chờ. Ngày cuối cùng. Giờ cuối cùng. Bạn đã chờ. Ở đó.
Những phương tiện giao thông liên lạc mới quả là những thành tựu thú vị và đáng kính. Bạn không nghĩ mình vừa ở kia, và rồi, giờ ở đây. Tất cả chỉ là một vài tiếng nhắm mắt, đeo tai nghe nhạc hoặc đọc chưa hết vài chục trang sách buồn. Nhanh lắm. Bạn chỉ có thể nhận ra một dấu hiệu nhắc nhở bạn - bình hoa sen với những nụ khép thanh tú nằm yên trong phòng khách quanh năm mát. Và bạn biết, mình đã trở về!
Bạn đã trở về - để bắt đầu một hành trình khác. Cuộc hành trình mới này - sẽ đi về đâu?
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > Văn Học & Ngôn Ngữ
Bạn đang xem phiên bản gọn nhẹ của diễn đ n dưới dạng text, để xem các b i viết với đầy đủ mầu sắc v hình ảnh hãy nhấn v o đây !
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.