Langven.com Forum

Giúp đỡ - Lục lọi - Dân l ng - Lịch
Full Version: Phong Cách Viết Của Một Số Nhà Văn
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > Văn Học & Ngôn Ngữ
Minh Tí
Chả là tớ mới có nguồn tiếp tế văn chương, cầm trong tay một a lô sô sách. Trong một tuần qua đọc sơ qua các tác phẩm của Thu Huệ, Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh (trước nay cứ tưởng lầm là ông cụ Đào Duy Anh, hic), Chu Lai và Vệ Tuệ cùng một số tác giả nữa nhưng chưa đọc. Trước nay toàn chỉ đọc sách trên mạng, nay được đọc sách giấy trắng bìa cứng chữ font đủ kiểu kể ra cũng cảm thấy khác hơn. Tự nhiên muốn nói chuyện về cách hành văn của các nhà văn. Làng mình toàn cao thủ văn chương, báo chí, quen sử dụng câu chữ, dùng chữ luyện chưởng, kiếm tiền, đặt ý luồn cấu trúc điêu luyện nên tớ nhảy ra hô một tiếng để bà con vào chỉ giáo vài dòng.

Đầu tiên là Thu Huệ, vì vừa đọc xong tuyển tập 37 truyện ngắn. Tất cả các truyện ngắn này đều được viết vào những nắm 90-92, tức là chị Huệ tầm khoảng trên dưới 30 (?). Ở tuổi đời như vậy nhưng tác giả đã đào sâu vào các khía cạnh trong cuộc sống gia đình khá phức tạp mà tớ ko nghĩ là tầm tuổi đó đã viết chắc như vậy. Chỉ có điều chị Huệ chấm phẩy rất lung tung. Trạng ngữ, tính từ, danh từ, ... tất cả đều được sử dụng để chấm câu. Tớ đọc ko thấy cảm giác gì từ việc chấm câu bừa bãi này mà chỉ cảm thấy khó chịu, hay đó đúng là dụng ý của tác giả (làm độc giả khó chịu) ? Quái. Ơ hơ. Tại vì. Tớ đang tập cách chấm câu của chị. Có bực. Cố mà chịu thôi. Hết. Ngoài ra, sách xuất bản năm 2006 mà toàn truyện ngắn từ lẩu từ lâu, có lẽ chị Huệ đã bỏ nghề viết rồi chăng ? Cấu trúc truyện của chị thường đơn giản, nếu để tóm tắt truyện thì 2 dòng là đủ. Nhưng chị hay xoáy vào cách suy nghĩ, tâm tưởng, cảm giác. Hao hao giống tản văn, tức là không có cốt truyện. Đọc truyện chị chỉ thích tay cầm bút chì mà gạch mà xóa mà sửa. Có rất nhiều nhân vật nữ tầm tuổi bốn mươi nhưng vẫn khát khao tình yêu tình báo. Làm tớ cứ nghĩ hay là tác giả lúc đó cũng đang ở tuổi 40 ???

Thứ hai là đến bác Chu Lai. Trời ạ, thất vọng. Đọc được dăm ba truyện ngắn tớ ngấy quá phải dừng, ko đọc nữa. Truyện rời rạc, thiếu đủ thứ. Bác này bị đời lính ám ảnh, truyện nào kiểu gì cũng phải có một anh lính bộ đội nhảy vào cầm súng bắm đòm một phát. Hình ảnh anh lính bộ đội nào cũng đẹp, cũng hoành tráng. Ít nói, chỉn chu, giản dị, quân tử và nghèo. Truyện của bác rất nhiều hội thoại, cái mà tớ nghĩ là nên hạn chế trong truyện ngắn. Nhưng có lẽ cảm giác chán ngán chủ yếu từ những chủ đề mà bác khai thác toàn là những thứ tớ không quan tâm. Thôi chờ mấy hôm nữa cơn chán dịu xuống tớ cố đọc nốt vậy, tuyển tập truyện ngắn Chu Lai, có 26 truyện thì phải. 26 anh lính là thành tiểu đội ngon rồi, đứng xếp hàng hai tay cầm súng trịnh trọng đón chào độc giả. Ai lỡ đi vào thì vì thương các anh nghiêm túc quá nên cố đi duyệt cho nó hết hàng vậy.

Tiếp nữa đến bác Hồ Anh Thái. Bác này có một style rất riêng. Câu chữ cô đọng, có khi một câu chứa đến ba bốn ý. Phần lớn truyện ngắn của bác đọc được. Cái tớ ko thích là bác hay chèn comment của bác vào truyện, đại loại "tôi viết thế này bạn đọc sẽ ...", có cảm giác bác thích tạo một trò chơi với độc giả. Nhưng thực hiện ko tốt, chả cảm thấy đang chơi gì với bác mà chỉ thấy cụt hứng khi thấy những dòng comment của bác cắt ngang mạch theo dõi truyện. Ngoài ra, bác rất hay đặt tên lạ cho nhân vật, không cần phải Hương Hà Thúy Cải gì cả, cứ cô Nhất cô Nhị lại cô Tam là xong. Cần đếch gì phải có những cái tên như người thường, ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới đâu. Trong các câu chữ, bác rất hay sử dụng lối văn nói, hao hao kiểu bình phẩm vui vẻ trên diễn đàn. Đại loại bác viết kiểu "cái thằng Tí này cứ lìu ta lìu tìu, đọc thì cứ đọc ai bảo lăn ta lăn tăn cái gì". Cấu trúc truyện của bác phức tạp, thi thoảng cái này cái kia nhảy xồ ra vồ độc giả một phát, đâm bảo tóm tắt lại rất khó.

Tạm dừng ở đây chờ chỉ giáo.
lơ ngơ
QUOTE(timo @ Sep 19 2006, 09:00 PM)
Làng mình toàn cao thủ văn chương, báo chí, quen sử dụng câu chữ, dùng chữ luyện chưởng, kiếm tiền, đặt ý luồn cấu trúc điêu luyện...

Dân làng này hay khen nhau thế, làm blog thế nào cũng được khen mà không làm gì cũng vẫn cứ được khen hypocrite.gif
biendep
QUOTE(timo @ Sep 19 2006, 04:00 PM)

Thứ hai là đến bác Chu Lai. Trời ạ, thất vọng. Đọc được dăm ba truyện ngắn tớ ngấy quá phải dừng, ko đọc nữa. Truyện rời rạc, thiếu đủ thứ. Bác này bị đời lính ám ảnh, truyện nào kiểu gì cũng phải có một anh lính bộ đội nhảy vào cầm súng bắm đòm một phát. Tạm dừng ở đây chờ chỉ giáo.
*



Đúng vậy, đọc được cuốn tiểu thuyết "ăn mày dĩ vãng" của bác Chu Lai, thích quá tìm đọc thêm mấy cuốn tiểu thuyết nữa như "Sông Xa", "vòng tròn bội bạc", "cuộc đời dài lắm"... thì thấy bác đúng là bị đời lính ám ảnh, cốt truyện cũng na ná ở các tiểu thuyết của bác, lời văn cũng thế...Nói chung chỉ thấy có cuốn "Ăn mày dĩ vãng" thiệt sự cuốn hút, đọc 1 lèo từ sáng hôm nay tới sáng hôm sau là hết trơn, ko ngừng được.
Mr. Smith
Chu Lai ngoài Ăn mày dĩ vãng còn có cuốn "Phố" cũng đáng đọc.
Truyện nhiều hội thoại thì cũng chẳng sao, như Hemingway chẳng hạn, nhiều truyện cũng chỉ có đối thoại thôi.
Truyện bác Hồ Anh Thái đọc vài truyện thì thấy cũng lạ lạ, hay hay nhưng bác ấy viết nhiều quá, đọc một hồi thì chẳng thấy nhớ gì nữa cả, thấy ná ná nhau hết.
Chị Huệ thì tớ chưa đọc mấy, nên cũng không nhớ gì cả.
Evil
May là em mới chỉ đọc một vài truyện của Chu Lai, vẫn còn thấy hay. Nhưng em không thực sự thích đến mức tìm đọc. Có thì đọc và đọc thấy hay nhưng, biết nói thế nào nhỉ, em sợ cái cách viết ám ảnh kiểu đấy. Nhân vật của Chu Lai có tính cách đẹp nhưng lại thiếu sự lôi cuốn và chinh phục, nhân vật của Chu Lai không làm người đọc (em) khao khát được sống đẹp như thế, có một tính cách như thế, hay có một người yêu như thế... Cái đẹp trong truyện của Chu Lai không có sức lan tỏa mà lại là cái buồn, cái đau, một cái gì ám ảnh.
Minh Tí
QUOTE(Agent Smith @ Sep 19 2006, 11:57 PM)
Chu Lai ngoài Ăn mày dĩ vãng còn có cuốn "Phố" cũng đáng đọc.
Truyện nhiều hội thoại thì cũng chẳng sao, như Hemingway chẳng hạn, nhiều truyện cũng chỉ có đối thoại thôi.
Truyện bác Hồ Anh Thái đọc vài truyện thì thấy cũng lạ lạ, hay hay nhưng bác ấy viết nhiều quá, đọc một hồi thì chẳng thấy nhớ gì nữa cả, thấy ná ná nhau hết.
Chị Huệ thì tớ chưa đọc mấy, nên cũng không nhớ gì cả.
*



Truyện Hồ Anh Thái khó nhớ vì cách cấu trúc truyện nhảy xổ, lắm chi tiết vụn vặt. Và cái mà bác bảo na ná đấy chính là style riêng của Hồ Anh Thái, đọc phát nhận ra ngay. Thế cũng là tốt rồi, có được style là bước một, bước hai sẽ là đa dạng hóa hay làm mới chính mình. Trong tập truyện ngắn em đọc, có vài truyện khá lạ và ấn tượng về Ấn Độ. Bác này có cuốn tiểu thuyết nào ko nhỉ, hay chỉ toàn viết truyện ngắn ? Thường là trong một tuyển tập thì phải có vài dòng giới thiệu về tác giả, quá trình sáng tác, những tác phẩm để độc giả biết vị trí tác phẩm của tác giả nằm đâu trong quá trình sáng tác. Nhưng cả mấy tuyển tập truyện ngắn mới đọc thì lại không có, trừ Vệ Tuệ. Chắc là sách dịch nên khác, hay tại tác giả nổi tiếng hơn ?

Bác Thái này thì hay có chi tiết "tôi đi du học" trong các truyện của bác, không nhiều như lính Chu Lai, nhưng cũng không phải ít.

Ăn mày dĩ vãng và Phố của bác Chu Lai hình như đọc từ xửa từ xưa rồi mà quên béng mất (cái thời ko bao giờ chú ý đến tên tác giả). Biển em có phải ko, cho anh mượn ? Chi bộ lần sau đi họp nhớ kèm theo vụ trao đổi sách truyện.
tóc xù
Quyển đầu tiên em đọc của Chu Lai là "Nắng đồng bằng". Còn nhớ hồi ấy đọc xong mà cứ bần thần mãi, vì quen nghĩ và quen đọc về hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ rất cao đẹp, rất mẫu mực. Đọc xong quyển ấy cảm thấy ông nhà văn này thật là mới, thật là mạnh dạn, thật là hay ho khi nói về mặt trái của của cuộc chiến tranh và những nhu cầu rất đời thường của các vị 'anh hùng'.

Quyển tiếp theo là "Ăn mày dĩ vãng" thì bắt đầu thấy na ná. Rồi 1,2 quyển tiếp theo nữa thì thấy nhàm chán.

Cuối cùng thì em phát hiện ra rằng hầu như tất cả những tiểu thuyết chiến tranh đều có cùng một style như kiểu bác Chu Lai. Có khác chắc chỉ khác ở cách diễn đạt của mỗi bác mà thôi.

Tóm lại là bây giờ thì em ngấy tận cổ với đề tài chiến tranh rồi. Lâu lâu đọc lại "Hòn đất", hết.
biendep
QUOTE(timo @ Sep 19 2006, 07:45 PM)
Ăn mày dĩ vãng và Phố của bác Chu Lai hình như đọc từ xửa từ xưa rồi mà quên béng mất (cái thời  ko bao giờ chú ý đến tên tác giả). Biển em có phải ko, cho anh mượn ? Chi bộ lần sau đi họp nhớ kèm theo vụ trao đổi sách truyện.
*


Tí nhí nhảnh, Biển đọc trên mạng 2 truyện này, hồi về VN thấy có nhưng vì đã đọc rồi nên ko mua, Tí có thể tìm đọc trên mạng (vnthuquan.net) nếu đã chán ngồi đọc sách giấy từ bữa tới giờ ohmygod.gif .

Ăn mày dĩ vãng để lại ấn tượng khá mạnh cho mình về hình tượng người lính, mình thậm chí thấy yêu người con trai trong truyện vì quá mạnh mẽ, yêu điên cuồng và chung thủy, thậm chí bác Chu Lai tả về những thèm khát đòi hỏi rất bình thường của 1 người đàn ông, trong bối cảnh trùng trùng điệp điệp bom đạn và chỉ như "hôn em 1 lần rồi chết cũng cam lòng", mình thấy đẹp. Thậm chí những câu chửi tục mình cũng thấy bác Chu Lai đặt đúng chỗ.
Sau đó xem phim Ăn mày dĩ vãng do Trần Lực và Thanh Mai thủ 2 vai chính, thấy cũng truyền tải hết được ý tứ của tiểu thuyết này.
Evil
QUOTE(timo @ Sep 20 2006, 12:45 AM)
Bác này có cuốn tiểu thuyết nào ko nhỉ, hay chỉ toàn viết truyện ngắn ? Thường là trong một tuyển tập thì phải có vài dòng giới thiệu về tác giả, quá trình sáng tác, những tác phẩm để độc giả biết vị trí tác phẩm của tác giả nằm đâu trong quá trình sáng tác. Nhưng cả mấy tuyển tập truyện ngắn mới đọc thì lại không có, trừ Vệ Tuệ. Chắc là sách dịch nên khác, hay tại tác giả nổi tiếng hơn ?
*



Em có đọc một truyện dài của bác ý, truyện dài thôi chứ 'tiểu thuyết' thì hơi quá. Đọc cũng được vì nó lạ nhưng nếu như mọi người nói thì sẽ không thấy hay nữa vì còn gì thấy lạ nữa đâu. Hình như đấy là 'Cõi người rung chuông tận thế'. Em chả nhớ tên truyện, chỉ nhớ có mấy nhân vật tên Phũ, Công (hay Cốc gì đó)... miêu tả mãi bạn em mới nhớ ra tên.

Cái khiến mình yêu mến một quyển sách để có thể đọc đi đọc lại, để nhớ như nhớ một con người thì không thể vì nó lạ được. So sánh thế này có được không nhỉ, như kiểu người ta bảo VN là điểm đến du lịch kiểu discovery, khách du lịch đến để khám phá và hầu như (đến 80%) không quay trở lại.
TươngGiang
Em đọc nhiều truyện của chị Huệ hồi học cấp III, cũng đã gặp và tiếp xúc. Nói chung, truyện của chị Huệ ngày xưa đọc khá sâu sắc, chủ yếu viết về thân phận những người phụ nữ và tình yêu của họ với cái nhìn mạnh bạo hơn rất nhiều so với thời điểm đó. Nhiều năm rồi ít thấy có truyện mới của chị Huệ, hình như cái truyện cuối cùng mà em đọc là Rượu cúc nhưng truyện này không hấp dẫn mấy. Giờ chị ấy chủ yếu là biên kịch phim truyền hình.

Truyện anh Thái cũng đọc có vài truyện thôi, hì hì, ngày xưa là đồng nghiệp, ngồi cách nhau có một cái ghế trong tòa soạn mà ko hay biết đó chính là anh Thái viết văn. Anh Thái viết văn có vẻ Tây, có sự mới lạ vì đưa vào nhiều kinh nghiệm trong quãng đời du học và sống ở nước ngoài, đặc biệt là ở Ấn Độ của anh ấy.

Bác Chu Lai thì em chưa đọc truyện nào bao giờ, có Phố được dựng thành phim truyền hình nhiều tập thì ngày xưa hình như có xem một ít.

Về văn Việt Nam đến giờ, có Mẫu Thượng Ngàn em đọc gần đây nhất, bản cứng, còn thi thoảng có đọc Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương,... đều là bản mềm. Anh Tí nếu có rảnh thì lên mấy trang như thuquan, dactrung hay talawas lôi về mà đọc.
Tuongcuop
Những nhận xét vè vài nhà văn của Timo và vài bạn nữa viết chưa phải là Phong cách

Đấy chỉ là vài đặc điểm nhỏ của người viết mà thôi.

Phong cách viết văn chương là một phạm trù rộng, mang nhiều nội hàm...
Minh Tí
QUOTE(Tuongcuop @ Sep 20 2006, 12:30 PM)
Những nhận xét vè vài nhà văn của Timo và vài bạn nữa viết chưa phải là Phong cách

Đấy chỉ là vài đặc điểm nhỏ của người viết mà thôi.

Phong cách viết văn chương là một phạm trù rộng, mang nhiều nội hàm...
*



bác Tướng Cướp nói đúng, không thể một vài đường nét về lối viết văn mà đã gọi là phong cách. Nhưng lỡ đặt tên như vậy rồi, mà có khi nhiều đường nét của nhiều người tập hợp lại có khi lại ra phong cách, có khi lại thấy khác với phong cách của những người khác nhận xét. Biết đâu đấy.

Thụy Vũ nói anh mới xem lại, hóa ra Rượu Cúc viết năm 2002, mới toe.

Biển: đọc trên mạng ko tập trung, nhất là ko ngồi đọc trong toilet được !
biendep
QUOTE(timo @ Sep 20 2006, 11:24 AM)
Biển: đọc trên mạng ko tập trung, nhất là ko ngồi đọc trong toilet được !
*


hehe.gif khiếp, sợ Tí quá đi hehe.gif , vậy in về mà đọc !
khoaitayran
Ối bạn Tí mỏ nhọn đúng là bạn iu của mình, cùng sở thích đọc sách ... hí hí.

Nói chung là buồn vì những quyển đọc được và bỏ công ra mà đọc đã từ lâu lẩu lầu lâu rồi, giờ cứ nhìn đến sách văn Việt là thấy ngại đọc, mà đọc vài dòng là thấy muốn bỏ xuống. Cái chủ đề phong cách thì mới chứ chuyện các bác viết cái gì hay dở làng mình nói nhiều rùi nhỉ. Lại nói lại. Già chăng???
lơ ngơ
Lại spam:

Người đọc luôn luôn tự đánh giá mình qua những cuốn sách mình có khả năng đọc được, chứ không qua những cuốn sách mình có khả năng viết được. Do đó, người đọc luôn luôn ngồi ghế cao hơn người viết. Một người đọc chỉ cần có đủ thì giờ dây dưa với Marquez hay không đủ thì giờ và chọn được dạy đời siêu tốc bởi Coelho là đã đủ thấy mình cao hơn hết hoặc hầu hết các nhà văn Việt Nam trong thập kỷ này. Nói gì đến những người đọc uyên thâm hơn.

Một nhà văn đàng hoàng luôn luôn ước mong độc giả mình có trình độ cao, cao hơn mình càng tốt. Một cuốn sách được xem bởi một cặp mắt đầy phán xét là chuyện bình thường, rất nhiều khi cần thiết nữa.

Nhưng điều đó không có nghĩa là các nhà văn luôn ước mong chờ nghe những lời phán ngắn gọn kiểu: chán lè, dở ẹc. Dù những lời này có xuất phát từ trái tim, viết ra với tất cả chân tình muốn đóng góp cho sự đi lên của nền văn học Việt.

Thời xưa (thời đại đồ giấy), muốn khen hay chê một cuốn sách, muốn mọi người đọc lời phê bình của mình, người đọc cũng phải gắng viết bài cho tử tế thì mới có báo chịu in. Ngày nay, có forums, có blogs, một người chỉ cần biết gõ bốn mẫu tự (d-ở---ẹ-c) là đã có thể phát biểu ý kiến tuyệt đối của mình đối với một cuốn sách, khẳng định mình ngồi trên ghế cao chót ngót ngó xuống tác giả ở dưới hố ngóc mỏ lên mỏi rục cái cổ cò.

Tui thích các forums, vì nó giúp cho dân chủ. Các nhà phê bình sách không còn giới hạn là vài người nào đó với quyền lực quá lớn so với khả năng đọc, tầm nhìn và sự can đảm của họ. Nhưng tui cũng không thích các forums, vì sự tiện dụng cũng dễ gây ra tính ẩu tả. Đùa vui với chính mình và bạn bè thì sao cũng được. Nhưng đã trở thành nhà phê bình rồi mà vẫn ẩu tả thì cũng có khi bất công với các tác giả.

Nhưng nếu có bất công với các nhà văn thì có lẽ cũng không sao hết (ai biểu bày đặt viết văn, không ăn quả (cà chua) thì làm sao biết nhớ kẻ trồng cây). Việc bắt đầu rắc rối khi các nhà phê bình trên mạng (forum members, bloggers...) nhận ra cái quyền lực quá dễ có của mình, thích thú với nó, đến nỗi có những forums trong đó toàn những ông vua con cả (hình như ở Thanh niên xa mẹ).

Cảm giác của một newbie ở đây là dân làng Ven đàng hoàng, nói ít, ngủ nhiều.

Thị Anh
QUOTE(lơ ngơ @ Sep 21 2006, 02:11 PM)
Cảm giác của một newbie ở đây là dân làng Ven đàng hoàng, nói ít, ngủ nhiều.
*




Ơ, hình như nói mình. laugh.gif
Minh Tí
Bác Lơ ngơ viết hay, khúc triết. Nhưng để em đề thêm vài điểm.

Thứ nhất là bình phẩm trên mạng ko thể so sánh với bình phẩm bằng sách, báo in được, đơn giản là số lượng người tiếp nhận bình phẩm khác nhau. Trên forum một nhúm người, bình phẩm cũng như khi ta cùng bạn bè ngồi uống cốc bia khề khà nói. Vậy thôi. Ảnh hưởng của nó rất hạn chế. Còn bình phẩm trên báo, sách in lại khác. Nó tạo dư luận vì số người đọc lớn. Nó ảnh hưởng đến sự nghiệp của các nhà văn. Nhất là trong bối cảnh mượn bình phẩm để thịt nhau như bây giờ.

Thường khi ta nói to hoặc viết ra thì ý nghĩ trong đầu mạch lạc và rõ ràng thêm. Một vài lời bình phẩm là feedback sau khi đọc. Đọng lại cái gì. Kẻo ko phí cha nó công đọc sách.

Bình phẩm thì nên có lí lẽ (argument), trên forum hay bên ngoài cũng vậy, nếu ko nó chỉ còn là việc mô tả cảm giác. Hay , dở thể hiện xúc cảm. Nó vô cùng. Cái chính là lí lẽ đi kèm là gì ? Hay cái gì và dở cái gì. Ví dụ với em hay là gì, là chủ đề em thích và cách dẫn truyện hấp dẫn, gần đây bổ sung thêm cách hành văn (bắt đầu quan tâm đến cách viết). Với phim chả hạn, bất cứ phim nào dở đến đâu mà chủ đề nó là về máy bay thì em đều thích cả.
lơ ngơ
QUOTE(timo @ Sep 21 2006, 07:08 PM)
Với phim chả hạn, bất cứ phim nào dở đến đâu mà chủ đề nó là về máy bay thì em đều thích cả.

Tui thì tui thích vịt. Bất cứ phim nào truyện nào dở đến đầu mà chủ đề nó là về vịt thì tui đều thích cả, ngoại trừ Cánh đồng bất tận.

Á, các fan của chị Tư xin đừng giết tui. Trên forum một nhúm người, bình phẩm cũng như khi ta cùng bạn bè ngồi uống cốc bia khề khà nói. Vậy thôi. Ảnh hưởng của nó rất hạn chế. Đọc bài của Timo xong tui yên tâm hằn ra, ở trong này có mấy que mình muốn nói gì nói chắc cũng chằng có ai hơi đâu xông vào bắn bỏ cho chừa thói nói bậy.
tao_lao
Các bác rãnh phát biểu nghe chơi về phong cách của Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, và Tô Hoài với. Vũ Trọng Phụng là 1 thiên tài, Nguyễn Tuân là 1 tay biết chơi, còn Tô Hoài là 1 nhà văn khiêm tốn, trải đời; đó là lí do tui kể ra 3 cái tên này.
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > Văn Học & Ngôn Ngữ
Bạn đang xem phiên bản gọn nhẹ của diễn đ n dưới dạng text, để xem các b i viết với đầy đủ mầu sắc v hình ảnh hãy nhấn v o đây !
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.