Langven.com Forum

Giúp đỡ - Lục lọi - Dân l ng - Lịch
Full Version: Hữu Thỉnh 4 Lần đoạt Giải Thơ Hội Nhà Văn.
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > Văn Học & Ngôn Ngữ
Pages: 1, 2
Thị Anh
Thơ nhà giải vườn


Lao Động số 294 Ngày 25/10/2006 Cập nhật: 7:52 AM, 25/10/2006


(LĐ) - Thuở trước có quan phủ Từ Đạm ở Ninh Bình đắc chí vì được trị nhậm một nơi có danh thắng núi Non Nước nên ông lên ngọn núi đẹp nhất tỉnh mình, khắc vào vách đá một bài thơ chắc thuộc loại... đồng nát (chữ của nhà văn Tô Hoài).
Ngay năm sau, vẫn hứng chí vì "núi nhà, thơ vườn", lại được thủ hạ tâng bốc, ông Từ Đạm lần nữa lên núi. Lần này ông đục hình hai bàn chân mình vào đá để "tự mình lưu danh mình" thiên cổ. Tản Đà không chịu nổi, đăng báo tặng ông một bài thơ: "Năm ngoái quan lên đục mấy vần/Năm nay quan lại đục hai chân/Khen cho đá cũng bền gan nhỉ/Chịu để cho quan đục mấy lần" (ghi theo trí nhớ).

Cây nhà lá vườn thời nào cũng có! Ví như "mẹ hát con khen hay", lời khen "trồng được" có quyền ban cho thoải mái, chẳng ai dám xía vào. Tôi khen mẹ tôi, không gì cũng là đứa con có hiếu! Hội đồng khen rồi bỏ phiếu cho ông chủ tịch hội đồng, thì có gì lạ?

Nhưng lòng tham và cái "lố" (bịch) của con người không dừng lại chỗ dễ thương và có thể thông cảm vì "quá yêu mẹ" đó. Ngày nay, có quyền hành trong tay, thường là thành viên hay chủ tịch hội đồng, người ta tự tặng giải thưởng cho chính mình! Cũng chẳng có gì lạ!

Như vụ ông đương kim chủ tịch một hội nọ, đã 4 lần giành giải nhất bộ giải hàng năm của chính cái hội do mình làm chủ tịch! (Nếu kể cả cái giải nước ngoài cũng do ông thay mặt hội đề cử cho người ta phát hàng năm) giải ông ẵm năm nay là giải thứ tư, đó là không kể những giải khác ở chỗ khác, nơi ông thường có chân trong hội đồng xét giải!
Xin nói thêm, bảo ông chủ tịch hội nọ tự tặng giải cho mình cũng oan cho ông. Vì điều lệ giải không nói cấm ông chủ tịch lĩnh giải quá ba lần.

Vì ông xin vắng mặt khi bỏ phiếu, tạm thời nhường quyền làm chủ tịch hội đồng cho ông phó, rồi sang phòng bên cạnh ngồi, đúng nguyên tắc không chê vào đâu được! Nhưng ông không ngồi đó mà ông vẫn ngồi đó. Sao lại không nể ông được! Vậy là, về lý thì ông oan nhưng tình lại... không oan. Lý ông đúng nhưng tình ông có vấn đề theo cách nhìn nhận về của người Việt. Và ông cứ liên tục giật giải kiểu "mẹ hát con... tặng giải", lập một hattrick đáng ghi vào sử sách trong cuộc marathon danh lợi.

Công bằng mà nói, thơ ông tuy có lần bị nhà văn Tô Hoài chê là đồng nát nhưng cũng không đến nỗi dở, cứ gọi là đọc được, cấp dưới yêu ông thì bảo là "hay" cũng chẳng ai dám cãi, văn chương vốn khẩu chứng vô bằng. Nhưng dù thơ hay thật đi nữa ông cũng nên biết mẹ hát mà các con khen đến 4 lần thì cũng hơi nhiều.

Ông Từ Đạm ăn gian sự bất tử mới có hai lần mà đã được Tản Đà cho thơ. Nay ông chủ tịch hội nọ lĩnh giải 4 lần, cũng nên lẩy thơ Tản Đà để ghi ông vào sử sách và cũng là dịp luận bàn nhân tình thế thái: "Khen cho hội cũng bền gan nhỉ/Cứ để cho ông giật (giải) mấy lần!".

Nhà văn Nguyễn Quang Thân











Đọc cái bài này xong ở bên báo Lao Động, rồi phải nghe bao nhiêu lời tùm lum tà la thắc mắc, chửi bới, dè bỉu ông Thỉnh vì lại một lần nữa đoạt cái giải mà ông là người đứng đầu. Trong những ngày gần đây, nghe và đọc nhiều, ví dụ như bài của anh đồ Nghệ Phạm Xuân Nguyên trên Talawas, rồi chị Thuận ở Vietnamnet, rồi chị Hoàng Ly đồng loạt tra vấn hỏi tại sao tôi đoạt giải, rồi người từ chối giải...

Nói chung, thời điểm này thì codet tôi cũng ke ai đoạt giải, thưởng bao nhiêu cũng đek can hệ gì đến mình. Trừ những cuộc thi nào mà tôi có tham gia thì tôi mới quan tâm. Còn đâu, tôi thì tôi mkm.

Ấy, dưng mà, bạn bè, rồi ng nọ ng kia, cứ dính đến văn thơ là lại buôn về đề tài đó, nay đọc bài này của bác Quang Thân, vốn là người chồng ko biết có bé mọn ko của nữ văn sĩ Dạ Ngân (vốn đọat giải cho cuốn Gia đình bé mon), tự dưng tôi đấy thấy chướng tai gai mắt.

Thế mấy cái cụ nhà văn nhà thơ nhà lý luận nào trong ban giám khảo ngồi bỏ phiếu đó, ko có lỗi gì trong giải này à? Mà cứ phải trách ông Thỉnh thế?

Ông Thỉnh ăn gian chăng?

Ai cũng bỏ phiếu ok ông Thỉnh, thế còn kêu còn chửi ông Thỉnh cái gì?

Sợ quyền lực chăng? Sợ đụng chạm chăng? Sợ mất ghế chăng? Sợ mất ít tiền tài trợ chăng? Sợ mất tình chăng?

Thế thì im mịa nó cho xong.

* Hữu Thỉnh: Người làm ra bài thơ đã thành lời bài hát nổi tiếng: Năm anh em trên một chiếc xe tăng.

Và lời một bài hát khác trong đó có câu:

Gió, ko phải là roi, mà vách núi phải mòn
Em ko phải là chiều, mà nhuộm anh đến tím...


(Tôi:
Viết trong tâm trạng ko ok. Nhưng vẫn chịu trách nhiệm với những gì mình viết ra)./
Mr. Smith
Bạn codet không đọc kỹ. Ở đây người ta đâu chỉ trách ông Thỉnh mà còn trách các thành viên hội đồng xét giải. Như câu này ""Khen cho hội cũng bền gan nhỉ/Cứ để cho ông giật (giải) mấy lần!".

Hay như việc chị Hoàng Ly đòi trả giải vì đọc bài của thành viên chấm giải Phan Hồng Giang hay chị Thuận hỏi tại sao tôi được giải thì cũng là trách cả cái hội đồng đó chứ đâu phải trách ông Thỉnh.

Còn ông Hữu Thỉnh có đáng trách không? Với cái cơ chế xét giải của mình thì không tránh khỏi những việc như thế. Lấy ví dụ về cách xét các giải thưởng văn học như Pulitzer hay National Book Awards, hay Booker người ta thành lập một hội đồng chấm giải gồm đại diện nhiều giới liên quan tới văn học: tác giả, nhà phê bình, chủ bút, nhà nghiên cứu... để lựa chọn cho khách quan. Dù cho ông chủ tịch Hội văn bút nước Mỹ thì cũng chẳng có quyền hành gì với các thành viên của ban chấm giải vì cái hội đó đơn thuần chỉ là một tổ chức nghề nghiệp mà ai thích tham gia thì tham gia, ai không thích thì thôi.

Còn ở cái xứ mà nhà văn là công chức như mình, người này làm quan văn học, kẻ khác làm sai nha văn học, thì cách trao giải thưởng của Hội Nhà văn trong trường hợp này cũng như trao huân chương cho lãnh đạo thôi.

Chính ra nước mình cũng nên học cách trao giải thưởng như bọn Tây. Có hai hình thức phổ biến. Một là do Hội hàn lâm trao như giải Nobel hay giải Goncourt. Hoặc do Hiệp hội các nhà xuất bản như giải National Book hay giải Booker. Ở VN thì có lẽ cách thứ hai khả thi hơn?. Chứ để Hội nhà văn trao giải thì có khác gì người trong nhà phân phát quà cáp cho nhau?
Mr. Smith
Vừa mới lướt qua danh sác Board of Directors của ủy ban trao giải National Book Award, là 1 trong 2 giải văn học quan trọng nhất của Mỹ (cùng với giải Pulitzer), thấy có một bác người Việt
Quang Bao
Executive Director
Asian American Writers Workshop
Xốt
Bác Hữu Thỉnh thuộc phe Tố Hữu, cũng là tay sai trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm. Hôm nọ con trai ông Nguyễn Đình Thi là Nguyễn Đình Chính- trong cuộc hội thảo về thơ Nguyễn Đình Thi tại viện Goethe - Hà Nội, đã phát biểu nhiều câu nghe cực Chí Phèo, nhưng rất hay. Em có ông bạn về VN dịp đó, có thu video lại mang sang đây cho anh em xem và cười.
Ông Hữu Thỉnh bao biện nhiều câu sai sự thật tới mức, bác Hoàng Hưng- cũng là một người chịu đòn oan đi tù "chính trị" 3 năm trong vụ NVGP, chỉ vì cầm tập thơ của cụ Hoàng Cầm - uất tới mức nhỏ nước mắt ngồi nghe.
Nói gì thì nói, xem một lúc thì thấy tay Hữu Thỉnh này đúng là dạng quan văn hóa, rất dẻo mồm và rất gian.
lantuvien_ttt
QUOTE(Xốt @ Oct 27 2006, 05:02 PM)
Bác Hữu Thỉnh thuộc phe Tố Hữu, cũng là tay sai trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm. Hôm nọ con trai ông Nguyễn Đình Thi là Nguyễn Đình Chính- trong cuộc hội thảo về thơ Nguyễn Đình Thi tại viện Goethe - Hà Nội, đã phát biểu nhiều câu nghe cực Chí Phèo, nhưng rất hay. Em có ông bạn về VN dịp đó, có thu video lại mang sang đây cho anh em xem và cười.
Ông Hữu Thỉnh bao biện nhiều câu sai sự thật tới mức, bác Hoàng Hưng- cũng là một người chịu đòn oan đi tù "chính trị" 3 năm trong vụ NVGP, chỉ vì cầm tập thơ của cụ Hoàng Cầm - uất tới mức nhỏ nước mắt ngồi nghe.
Nói gì thì nói, xem một lúc thì thấy tay Hữu Thỉnh này đúng là dạng quan văn hóa, rất dẻo mồm và rất gian.
*



Hic hic, mất hình ảnh thần tượng quá. Em vốn thích vài bài thơ của bác Hữu Thỉnh nè! Hic
Phó Thường Nhân
Thực ra nếu đã là một thành viên của hội đồng duyệt giải, thì không nên (đúng ra là phải cấm) dự thi. Nếu không thì chuyện « con hát mẹ khen hay » sẽ xẩy ra. Ngay cả trong trường hợp đó là một tác phẩm hay, thì việc tác giả đồng chấm thi cho chính mình, sẽ mang lại nhiều tai tiếng hơn danh dự.

Đúng là ở trên thế giới có hai loại trao giải. Một là trao giải theo kiểu hàn lâm. Tức là chỉ nhằm vào việc đánh giá tác phẩm, không cần thái độ của độc giả. Một cách trao giải thứ hai là do các nhà xuất bản đưa ra, trong đó việc tác phẩm có ăn khách không ? Có phải là Best Seller không ? Đóng góp một vai trò quan trọng. Cách trao giải thứ 2 « dân chủ » hơn, nhưng bị buộc tội chạy theo thị hiếu quần chúng. Cách trao giải thứ nhất « quý tộc » hơn, nhưng điều đó không có nghĩa là đọc tác phẩm, bất cứ độc giả nào cũng thích. Đơn giản là trong văn học, hay dở, còn phụ thuộc khá nhiều vào bản thân chiêm nghiệm của độc giả nữa.

Trong thực tế, ngay cách chấm « quý tộc », ít nhiều nó cũng bị ảnh hưởng bởi nhà xuất bản, bởi vì những người tham gia hội đồng chấm không tránh khỏi ảnh hưởng làm marketing. Cách chấm « quý tộc » cuối cùng cũng là một cách lăng xê sách.

Chính vì thế chẳng bao giờ tôi mua sách vì nó được giải cả. Chỉ mua sách và đọc những gì mình cảm thấy thú vị, hấp dẫn. Tóm lại, khi đi mua sách, nên « bịt mặt » giống như phụ nữ Ả rập. Giở cuốn sách ra, đọc một chút, hay tham khảo mục lục, xem có điều gì đáng lưu ý. Còn những gì liên quan tới giải này giải nọ, thì nên bị mặt lại giữ thái độ « blindness » không quan tâm.

Ví dụ, hiện tại ở Pháp đang ồn ào về cuốn tiểu thuyết « les bienveillances » ( chắc dịch là « sự quan tâm », hay « trong sáng », cũng không biết dịch tên thế nào cho chính xác theo nội dung, vì tôi không đọc hết nên không luận được). Cuốn này năm nay chắc sẽ chiếm nhiều giải ở Pháp, và bán rất chạy. Nhưng khi giở mấy trang ra xem, thấy truyện là một sự tự sự « tưởng tượng » của một sĩ quan SS Đức, đã làm tôi chán. Bởi đó là một chủ điểm tôi không thích. Bởi nhưng truyện liên quan tới người Do thái bị tàn sát trong thế chiến thứ II quá nhiều, suốt ngày ở Tây Âu người ta lải nhải, nhồi nhét vào đầu người ta , làm mất hết hứng. Bởi tác giả nhập hồn vào một sĩ quan SS, nhưng tôi chắc đó chỉ là một kiểu treo đầu dê bán thịt chó, vì nó sẽ mang nặng những điều mà hiện nay người ta suy nghĩ, chứ không phải lịch sử. Vậy thì đọc làm quái gì, không kể nó dầy đến cả ngàn trang, nặng như một cục gạch.Mà tôi thì không có ý định tập tạ « vô ý thức ».

Thế cho nên hãy đọc những gì tự mình thích, mình suy ngẫm, quan tâm. Giải chẳng để làm gì. Ngược lại, điều thú vị có lẽ là những lời phê bình, đánh giá ...để dẫn người ta đến việc cho giải, vì điều đó có thể giúp mình hiểu họ đánh giá theo lô gíc gì, quan niệm nào. Nhưng điều đó cũng phải được kiểm nghiệm bằng chính nhận xét của mình.

Mr. Smith
Bác Phó nói thế cũng không đúng lắm. Các giải thưởng lớn như National Book Award hay Man Booker là do các nhà xuất bản đứng ra đăng cai nhưng các tác phẩm Best seller hầu như chẳng bao giờ được trao giải cả. Tất nhiên sau khi được giải thì các tác phẩm này thường là sẽ bán chạy nhưng trước đó thì nhiều khi, chẳng mấy ai biết tới nó (ví dụ cuốn sách mới đây của nhà văn Ấn mới đoạt giải Booker). Các tác gia nổi tiếng best-seller như Stephan King, Tom Clancy hay Dan Brown chưa bao giờ được đề cử chứ đừng nói tới được các giải này cả. Hơn nữa các nhà xuất bản chỉ là người đứng ra tổ chức còn thì hội đồng chấm giải được thành lập từ các nhóm rất đa dạng liên quan tới văn học.
Em thì khác bác là hay mua sách trên Net vì thường mua được với giá rẻ hơn nhiều so với mua ở hiệu sách nên với em tiêu chí được đánh giá cao trong các giải thưởng văn học, hay các review tốt từ phía các nhà phê bình và độc giả là quan trọng, bên cạnh nội dung phù hợp và style của tác giả mà mình ưa thích.
Thị Anh
Trần Đăng Khoa: Chúng tôi đã làm việc nghiêm túc


Các thành viên Hội đồng chung khảo Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 2005 bình luận gì về việc Ly Hoàng Ly từ chối Tặng thưởng với lý do "không thấy được sự nghiêm túc trong việc xét giải, ngược lại còn thấy một thái độ thiếu tôn trọng các tác phẩm mà Hội đồng đưa ra để bình bầu"?

Nhà văn Nguyễn Trí Huân, Chủ tịch Hội đồng chung khảo, nói rằng bản thân ông khi biết tin này đã thuyết phục Ly Hoàng Ly nhận giải nhưng cô vẫn kiên quyết từ chối.



Nhà văn Thuận (Ảnh: VNN)

Không chỉ có một người được trao Tặng thưởng xin rút lui, một người khác - nhà văn Thuận với tiểu thuyết "Paris 11 tháng Tám" - cũng tỏ ra khá thờ ơ với giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Trả lời trên một tờ báo, cô nói: "Một vị trí ngoài lề có lẽ thích hợp với tôi hơn cả". Và trên một tờ báo khác: "Đã thờ ơ thì tưởng chẳng có gì đơn giản hơn. Tôi sẽ không hồ hởi đáp máy bay về nhận, cũng như không mất sức viết một lá đơn từ chối".

Về việc giải thưởng bị từ chối vì cho là xét giải không nghiêm túc, ông Huân nói: "Mỗi thành viên hội đồng chung khảo bỏ phiếu kín và mỗi người có cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau. Nếu Ly Hoàng Ly vẫn băn khoăn "không thấy được" sự nghiêm túc trong việc xét giải" thì tôi cũng tôn trọng ý kiến đó. Người được trao giải không bằng lòng với sự đánh giá của Hội đồng giải thưởng là chuyện bình thường".

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Trưởng ban Hội viên của Hội đồng chung khảo, lại có thái độ bình thản trước việc Ly Hoàng Ly xin rút lui. "Hội Nhà văn có quyền trao giải, để ghi nhận những tác phẩm có giá trị. Còn các tác giả có quyền nhận hoặc từ chối giải thưởng, điều ấy là bình thường, cũng giống như nhiều nhà văn từng từ chối cả giải Nobel. Trong Hội Nhà văn Việt Nam, các nhà văn Nguyễn Minh Châu, Hồ Anh Thái cũng từng từ chối nhận giải" - Anh nói.

Trần Đăng Khoa nhấn mạnh, Hội đồng quyết định trao tặng thưởng cho Ly vì khuyến khích và ủng hộ sự tìm tòi của cô.



Nhà thơ Trần Đăng Khoa

Việc Ly Hoàng Ly khước từ tặng thưởng với lý do cảm thấy giải thưởng được xem xét không được nghiêm túc đã đặt ra nhiều dấu hỏi đối với cả hội đồng chung khảo.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa giải thích: "Nhiều người cho rằng giải thưởng là "cây nhà giải vườn", điều này hoàn toàn không đúng. Vì trong Hội đồng không có tác giả có tác phẩm được xét giải (Nhà thơ Hữu Thỉnh đã rút khỏi Hội đồng), Chủ tịch Hội đồng là nhà văn Nguyễn Trí Huân.

Vừa rồi cũng có ý kiến cho rằng tại sao lại trao giải thưởng cho riêng truyện vừa "Cánh đồng bất tận" chứ không phải là cho cả tập cùng tên. Phải hiểu rằng trong tập đó, Cánh đồng bất tận là một tác phẩm xuất sắc, một sự bất ngờ đối với trường hợp Nguyễn Ngọc Tư, nên cần được ghi nhận.

Còn các truyện khác trong tập phần lớn là in lại, trong đó có những truyện nằm trong cuốn sách đã từng được giải thưởng của Hội Nhà văn VN rồi. Hội đồng cũng nhận thấy tách riêng truyện này ra để trao là một sự bất thường, nhưng chúng tôi có lý do như vừa nói; và chúng tôi đã làm việc một cách sòng phẳng, nghiêm túc và nghiêm cẩn để đi đến quyết định này".

Diễm Huyền
Thị Anh
Somit thử tìm xem: Quang Bao là ai, ntn?
SyncMaster
Có bài phỏng vấn này khá hay, có thể giải thích một số vấn đề của topic này.

(@click here)

15 phút thư giãn.
Phó Thường Nhân
Tôi chưa bao giờ xem truyển chưởng, cũng như không bao giờ xem truyện trinh thám, truyện viễn tưởng, nên nếu có dùng từ Best-seller cũng là để chỉ một tác phẩm văn học có nhiều độc giả mua và được bàn luận sôi nổi thôi.
Nói đi nói lại thì cũng chỉ có 2 cách đánh giá tác phẩm thôi. Một cách đánh giá trực tiếp bằng sự tiếp nhận của người đọc. Có nghĩa là những tác phẩm có nhiều người mua, gợi ra được một vấn đề (về nghệ thuật hay nội dung) được tranh cãi, bình luận sôi nổi trên văn đàn. Một cách khác, « quý tộc » hơn, là sự đánh giá của các nhà chuyên môn, bạn đồng hành, « nhà văn đánh giá nhà văn ».
Thường thì một tác phẩm được bạn đọc chấp nhận và có tiếng vang sẽ tồn tại mãi. Ngược lại sự đánh giá « quý tộc » chưa chắc đã làm cho tác phẩm sống mãi và có giá trị. Nó là một sự khuyến khích, khích lệ, một cách tác động dán tiếp tới bạn đọc.

Chính vì thế đánh giá bằng kiểu bình dân, theo đầu sách bán được lại là cách đánh giá ít marketing nhất, mặc dù nó có nhược điểm là sẽ nhiều phần rơi vào các đầu sách standard, không « quái chiêu », không « độc đáo ». Do phụ thuộc vào giá trị nhận thức trung bình của xã hội.

Các đánh giá « quý tộc » thì fifty-fifty, huặc người ta đánh giá được nó, tạo ra dư luận, tạo ra hiện tượng. Huặc nó chìm đi, chết không dấu tích. Do không có một bảng đánh giá khách quan (ví dụ số lượng sách bán), cách đánh giá này phụ thuộc rất nhiều vào hội đồng chấm giải. Nó thực chất là một tương quan giữa khả năng nhậy bén của những người này về mặt đánh giá giá trị, cũng như quyền lợi riêng tư của họ nữa.

Nếu người chấm là một người nổi tiếng, có tài thật, dẫn đến việc người đó trọng uy tín của họ hơn. Thì việc chấm sẽ nghiêm túc. Nếu các quyền lợi có được do việc « đi đêm » , « thoả thuận » ...béo bở hơn, thì việc chấm cũng ngả theo xu hướng này.

Như vậy việc chấm hay hay dở, còn phụ thuộc vào tài năng và tự trọng của người chấm. Và điều này có ảnh hưởng không nhỏ.

Ngay cả các giải lớn, danh tiếng, như giải Nobel về văn chương chẳng hạn, cũng chưa chắc chính xác. Ở đây nó lại bị phụ thuộc vào yếu tố chính trị, do người ta muốn truyển tải một điều gì muốn nói. Ví dụ, năm nay giải thưởng văn học được giành cho một nhà văn Thổ. Trong đó việc ông này bị buộc tội theo luật của Thổ về việc nói sai lạc tới các cuộc thảm sát người Ác mê ni ở Thổ vào cuối thế chiến thứ nhất cũng là một yếu tố quan trọng, khiến người ta cho ông ta giải.
Tất nhiên ông ta không phải là một nhà văn tồi. Nhưng đó là một nhà văn Thổ, phù hợp với cái nhìn phương Tây, thì đúng hơn là một nhà văn Thổ với cái nhìn của người Thổ

Cũng có những nhà văn cho hội đồng chấm giải Nô ben « hít đất ». Ví dụ Gunter Grass chẳng hạn. Ông này được giải Nô ben , cũng chỉ vì tự mình đứng ra làm vai trò giảng dậy đạo đức cho người Đức về quá khứ phát xít. Nhưng mới đây, khi ra tập hồi kỳ, mới thòi ra rằng ông ta cũng từng tự nguyện gia nhập SS, vào thời điểm năm 1944, có nghĩa là lúc nước Đức phát xít sắp thua trận. Vậy những bài luân lý đạo đức , thể hiện qua các tác phẩm của ông, là gió chiều nào theo chiều ấy, hay là một conviction thâm sâu của con người ông ta ? Ông ta có những giá trị nhân bản do tự ông tìm ra với lương tâm mình hay là bị ảnh hưởng của tuyên truyền ?

Vì thế, không có gì tốt hơn cả là hãy đọc theo ý mình, chiêm nghiệm theo chính bản thân mình. Còn giải hay không điều đó chỉ là môt phần yếu tố rất nhỏ, không nên quá quan tâm.
Mr. Smith
Bác Phó, ông Grass không hề tự nguyện gia nhập SS mà là ông ta bị gọi vào quân dịch từ lực lượng dự bị và phục vụ trong bộ phận quân sự của SS. Lực lượng quân sự của SS là lực lượng trực tiếp tham gia chiến đấu và được coi là lực lượng quân sự tinh nhuệ bậc nhất của phát xít Đức, khác với lực lượng cảnh sát-an ninh chính trị là bọn chuyên đi bắt, giết người Do Thái. Nói vậy không có nghĩa là lực lượng này không phạm nhiều tội ác chiến tranh (tất nhiên ít hơn nhiều so với bộ phận chính trị của SS). Nhưng ở đây là việc ông ấy không hề "tự nguyện" tham gia SS.

Người ta quy tội ông Grass cũng không phải vì ông phục vụ cho SS (hàng triệu thanh niên Đức ở trong lực lượng quân sự của SS thời gian đó) mà vì ông cố tính giấu quá khứ đó đi, vì nếu ông không giấu thì có thể ông đã không được giải Nobel. Giải Nobel văn học từng được trao cho một người về sau có tư tưởng thân phát xít là Knut Hamsun. Hồi những năm 80 giải này cũng bị nhiều người phản đối khi trao cho một nhà văn Tây Ban Nha từng đứng ở phe của Franco trong Nội chiến Tây Ban Nha.
Phó Thường Nhân
đúng rồi, việc Gunter Grass đi lính trong quân đội phát xít, tự nó không phải là điều đáng nói. Lúc đó ông ta cũng như hàng triệu người Đức khác. Chủ nghĩa phát xít không phải chỉ do mình Hitler nghĩ ra , mà nó là tư tưởng được cả nước Đức, dân tộc Đức lúc đó chấp nhận. Gunter Grass cũng chỉ là một hạt muối trong biển cả mà thôi.
Như vậy muốn hiểu đúng chủ nghĩa phát xít, thì phải tìm hiểu cả hoàn cảnh, điều kiện, khả năng tiềm ẩn của nó nằm trong chủ nghĩa dân tộc cực đoan, phân biệt chủng tộc, kết hợp với tư bản tài phiệt trong một kinh tế thị trường chỉ có một đầu ra, là nhà nước.
Gunter Grass cũng có thể thay đổi tư duy. Tôi không nghĩ rằng một con người sẽ chỉ có một chính kiến từ lúc trẻ đến già, không bao giờ thay đổi. Đối với một người theo đạo phật, thì việc đó lại càng hiển nhiên. Vì con người , tính cách con người là cả một quá trình, luôn biến đổi, vận động. Nó không đóng băng, khô cứng một chỗ.
Điều đáng nói là ông ta đã nhận lấy một vai trò rao giảng đạo đức như là ông ấy chưa bao giờ bị ảnh hưởng của chủ nghĩa phát xít, lúc nào cũng trong sáng, sáng suốt. Và đặc biệt bằng cách đóng vai ấy, đã góp phần giúp ông ta được giải Nô ben.

Về văn học, tôi thích Gunter Grass. Và giả dụ ông ấy có đi lính, hay không được giải Nô ben, thì điều đó cũng không ảnh hưởng gì cả. Chỉ có điều là nếu ông ta không được giải Nô ben, thì không biết người ta có dịch ra tiếng Pháp, để tôi có dịp được đọc không ? điều này thì tôi không rõ.

Đang nói chuyện giải "dủng" . Hôm qua giải Femina được trao cho Nancy Huston. Và cùng với nó là "xì căn đan" liên quan tới việc chấm giải. Thực ra nó liên quan tới giải năm ngoái, lúc mà 6 member thỏa thuận với nhau để chấm cho tác phẩm của nhà xuất bản Galimard. Hội đồng chấm có 12 người.

Tại sao lại có thể có chuyện như thế. Bởi vì một tác phẩm được giải không những chỉ liên quan tới tác giả, mà nhà xuất bản cũng thơm lây. Có một tác giả danh tiếng, ăn khách, mang lại danh tiếng và uy tín cho nhà xuất bản. Ai cũng biết, chẳng có nhà xuất bản nào in thả giàn những bản thảo mà họ nhận được, mà phải được duyệt qua một hồi đồng đọc duyệt. Đây không phải là kiểm duyệt, mà là một cách thức bình thường trong làm ăn. Nhưng nói thế nào đây khi hội đồng duyệt của một nhà xuất bản có tiếng, lại bỏ lỡ một tác phẩm hay, để cho nhà xuất bản khác lấy mất. Điều đó có phải nói lên điều ông không nhanh nhậy, đứng trong hàng "in the point of Art" không ?

Tất nhiên phải có hai giả thiết trợ giúp. Đó là giải thật sự có uy tín, có thể tin cậy được. Nó giống như một cái Brand Mark. Điều nữa đó là sự phê bình công tâm, không "móc nguặc".

Trong điều kiện giải không có uy tín , hay in ấn theo quan hệ, thì tất nhiên điều đó không đúng.

Tôi có tìm xem Nancy Huston không ? có nhiều khả năng là có nếu
1. Nó không dày quá, không bắt tôi tập tạ vô ý thức (đây là điều kiện riêng của tôi về mặt vật chất)
2. Nó nói tới những vấn đề "cập nhật" mà tôi yêu thích. Dù sao thì Nancy Huston là một nhà văn Canada/Pháp. Truyện của bà đề cập tới văn hóa phương Tây. Như vậy nó không bị lệch pha về giá trị văn hoá.

Thế nào là lệch pha về giá trị văn hoá. Đó là để cho những con người, trong những nền văn hóa phi phương Tây, nhưng lại nói như Tây. Trong trường hợp giao thoa văn hóa như thế, thì tôi quan tâm tới việc con người ta đứng ở phía "bị đồng hoá" nhìn thế nào, chứ không phải đứng về phía văn hóa mạnh để phán xét.

Ví dụ, tôi rất thích cuốn tự sự của Hamaté Ba "Oui , ma commandant" (Dạ, bẩm bà quan tư). Đây là một tác giả người Mali. Qua đó tôi có thể thấy người châu Phi, với tất cả các đặc tính của họ tiếp xúc với văn hóa phương Tây (cụ thể là Pháp thuộc địa) như thế nào. điều đó thú vị hơn, là sự phán xét văn hóa Mali bởi một tác giả da trắng, ở vị trí đi "truyền bá văn minh".


Mr. Smith
Có bài này khá hay về Orhan Pamuk và các tác phẩm của ông
http://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu...-nhung-nhip-cau
khoaitayran
QUOTE(lantuvien_ttt @ Oct 27 2006, 09:36 PM)
Hic hic, mất hình ảnh thần tượng quá. Em vốn thích vài bài thơ của bác Hữu Thỉnh nè! Hic
*



Chia sẻ với lantuvien. Nói chung biết văn, biết phim biết kịch chả nên biết người. Để giữ gìn sự trong trẻo cho số ít ỏi những cái tạm đọc được, xem được (bây giờ).
Phó Thường Nhân
Thái độ của người Thổ, khi nhà văn của họ được giải là một sự vui mừng. Sự vui mừng này, là vì lòng tự hào dân tộc. Giải Nô ben về văn chương dù sao cũng là một giải lớn, mặc dù cho đến nay, tôi không đếm, những có lẽ từ khi tồn tại, số lượng nhà văn phương Tây được giải là đa số. Tôi vẫn hiểu nó bắt đầu là một cái hồ phương Tây, là một phương tiện truyển tải các giá trị phương Tây (hay ít nhất là các giá trị mà nó chấp nhận). Điều đó không làm mất đi giá trị của nó, nhưng có lẽ người ta phải hiểu giá trị của nó từ phía nào.

Từ khi ông ta được giải, tôi thấy xuất hiện ở Pháp 2 cuốn được đặt ra đầu của kệ, trong các tiệm sách. Nơi dễ đập vào mắt người đọc nhất. Đó là cuốn « Tên tôi là mầu đỏ » (Mon nom est Rouge) và « Tuyết » (Neige). Tôi chưa mua cuốn nào, nhưng có lẽ cuốn « tên tôi là mầu đỏ » sẽ làm tôi ưng ý hơn. Vì về chủ điểm đó là một chủ điểm tôi yêu thích : quan hệ, cọ sát,giao thoa giữa các nền văn hoá. Ở đây là văn hoá Thổ và văn hoá phương Tây.

Nhưng có một câu hỏi tôi đặt ra, sách của ông ấy có thực sự được người Thổ ưa chuộng không ? Điều đấy thì tôi không khẳng định được. Có điều chắc chắn là thái độ của ông ta, tác phẩm của ông gây nên tranh cãi, trong những vấn đề liên quan tới lịch sử, chứ không phải liên quan tới văn học: đó là vụ thảm sát người Armenie, và những vấn đề liên quan tới người Kurde, cũng như sự ra đời của nhà nước Thổ hiện đại.

Tại sao tôi đặt câu hỏi đấy ? Bởi vì trước đây mấy năm, có một nhà văn Pháp, gốc Trung quốc, cũng được giải Nô ben. Nhưng không vì thế mà sách của ông ta được người Pháp thích và có tiếng vang. Nói chính xác hơn là văn đàn Pháp, công chúng Pháp lờ ông ta đi. Đây không phải là một trường hợp duy nhất của những người được giải Nô ben không populaire. Nếu tôi nhớ không nhầm, thì có những nhà văn Bắc Âu được giải này, nhưng khi tôi cầm tác phẩm thì hoàn toàn không muốn đọc, vì nó rất xa lạ và chán.

Từ những nhận xét đó thì tôi đi đến một kết luận như thế này.
1.Giải Nô ben là một giải có đẳng cấp, nhưng chừng nào cái hội đồng chấm điểm của nó không có các thành viên của các nền văn hoá đa dạng, thì nó vẫn chỉ là một cái hồ châu Âu. Nó là chứng chỉ cho một tác phẩm « compactible » với các giá trị người châu Âu chấp nhận, muốn truyền bá. Nó là một phần của văn minh thế giới, nói trắng ra là văn minh châu Âu, văn minh phương Tây, nhưng không phải là tất cả.
2.Một tác phẩm được giải Nô ben, có thể nổi danh ở nước ngoài, nhưng không được công chúng chính nước đó ưa thích. Nếu người ta nhận xét rằng, văn học luôn gắn liền với sự sáng tạo trong ngôn ngữ, gắn liền với văn hoá tập tục của một cộng đồng, thì người ta càng hiểu rằng giải Nô ben càng phiến diện, vì nó không thể phản ánh được sự phát triển của ngôn ngữ mà nhà văn đó sử dụng, vì có ai trong hội đồng chấm ấy có thể đọc nguyên tác.
3.Trong giải Nô ben không phải không có những trù tính về chính trị. Dù sự trù tính này chỉ là thiểu số, nhưng người ta không thể để ý tới.

Nếu giả dự một lúc nào đó cái hội đồng chấm giải Nô ben kia để ý tới Việt Nam, thì nhà văn nào ở VN sẽ có khả năng được lọt vào « mắt xanh » của hội đồng chấm. Tôi nghĩ có lẽ đó là Nguyễn Huy Thiệp và Dương Thu Hương. Nhưng hai nhà văn đó , có thực sự đại diện cho văn học VN không ?
Theo tôi thì không. Họ là những nhà văn hay, gây tranh cãi về nội dung, ... những nếu nhìn văn học VN chỉ qua hai người ngày thì thực ra đó lại là một cái nhìn phiến diện.

Kết luận.
Nếu có một lúc nào đó tôi đọc một tác giả được giải Nô ben, thì một trong những điều tôi tìm hiểu là tại sao họ được giải. Nếu giải đó trao cho một nhà văn, mà cội nguồn văn hoá là phi phương Tây, thì tôi hiểu đó là một cái nhìn phương Tây trên văn hoá đó, chưa chắc nó phản ảnh thực tế văn hoá của họ.
Giải Nô ben, thực chất chỉ chính xác cho các nhà văn gốc châu Âu, và văn hoá phương Tây và đặc biệt là các nhà văn gốc Đức, hay các tiếng tương đương.
Chính vì thế mà tác phẩm hay nhà văn mà giải nô ben gần đây thể hiện chính xác nhất có lẽ là nhà văn Jelinek, gốc Ấo, tác giả cuốn « người đánh đàn dương cầm » (Le Pianiste). Và quả thật ngôn ngữ bà ấy dùng, chỉ có thể cảm nhận được hoàn toàn nếu đọc bằng tiếng Đức.Điều đã khiến tôi bỏ dở giữa chừng khi đọc, vì lúc qua tiếng Pháp, nó quá trúc trắc.

Chính vì liên quan tới công chúng, liên quan tới một nền văn hoá cụ thể, một ngôn ngữ cụ thể mà các giải văn học quốc gia, nếu được thực hiện công tâm, khách quan, với tôi, còn có giá trị hơn một giải quốc tế. Còn nếu một giải quốc tế mà không mở rộng hội đồng chấm để nó có một thành phần quốc tế, thì nó chỉ mà một cách « cưỡng bức mềm » về văn hoá không hơn không kém.Điều đó không có nghĩa nó không có giá trị mà nó chỉ có « one version of value » , « one version of truth » ..mà thôi. Và người ta cũng nên biết cái Truth và cái Value ấy nó tới từ đâu, để còn giành chỗ cho những Version vả Truth khác, vì thế giới là đa dạng, chứ đừng để nó độc quyền là Value, là Truth duy nhất.

Mr. Smith
Bác Phó viết thành nhiều ý rời rạc ít liên thông nên em cũng theo đó mà viết vậy:

-Orhan Pamuk là tác giả đương đại được đọc nhiều nhất ở Thổ. Ông ta cũng nổi tiếng và đoạt các giải thưởng văn học ở Thổ trước khi được châu Âu biết tới và trao các giải thưởng.

-Không chỉ Cao Hành Kiện mà nhiều tác giả Nobel khác cũng không bán chạy sách ở các nước phương Tây, nhất là các tác giả đoạt giải trong khoảng 5-6 năm gần đây. Ví dụ người Mỹ không quan tâm mấy tới giải Nobel so với các cuốn sách được giải Pulitze chẳng hạn (có thể so sánh bằng số lượng người review trên amazon.com), các cuốn được các Book club tuyển chọn hay được đưa vào chương trình đọc của Ophrah. Hầu hết các tác phẩm chính của các tác giả Nobel cũng chỉ dưới 100 reviews trong khi các cuốn như Kite runner, Memoirs of a Geisha.. có vài ba nghìn review.

-Ở Việt Nam chắc chắn một điều là không có tác giả nào hiện nay xứng đáng đoạt giải Nobel. Nhưng nếu chọn lấy một tác giả ở Việt Nam mà trao giải thì Dương Thu Hương và Nguyễn Huy Thiệp (có thể kể thêm Phạm Thị Hoài) vẫn là những gương mặt xứng đáng hơn những người khác. Không hiểu bác Phó còn nghĩ tới các tác giả đương đại nào trong văn học Việt Nam hiện nay xứng đáng hơn?

-Những người trao giải Nobel đều là người Thụy Điển. Có lẽ ngoài tiếng Thụy Điển họ còn đọc được tiếng Anh, Pháp, Đức. Vì thế nhiều khả năng các tác phẩm của các nhà văn viết bằng tiếng Anh, Pháp, Đức là được họ đọc nguyên bản trong khi các tác phẩm của các nhà văn viết bằng tiếng khác sẽ được đọc qua bản dịch tiếng Thụy Điển hoặc một trong 3 tiếng trên. Như vậy không có lý do gì họ lại có thể đánh giá các tác phẩm viết bằng tiếng Đức một cách tinh tế hơn viết bằng các thứ tiếng Anh hay Pháp được.

- Như em được biết không có giải quốc tế uy tín nào trong lĩnh vực nghệ thuật mà hội đồng chấm là một hội đồng quốc tế cả. Trong các lý do còn có thể nói tới tính khả thi và bền vững của việc này. Ở đây cũng không phải sự áp đặt value hay Truth mà là sự đánh giá theo các khuôn văn hóa của những người trao giải và uy tín lâu năm của giải thưởng. Còn các giải thưởng quốc gia thì nước nào chẳng có nhưng nếu chỉ căn cứ vào giải thưởng quốc gia mà không có giải quốc tế thì người châu Âu cũng khó mà biết tới các tác giả như Pamuk hay Cao Hành Kiện. Vậy vấn đề ở đây còn là sự giao lưu văn hóa. Nó không hẳn là sự xâm thực văn hóa như bác nói. Trong quá trình giao lưu, rõ ràng những nền văn hóa có bề dày thấp hơn sẽ bị ảnh hưởng ngoại lai và đó hoàn toàn là điều bình thường, chẳng có gì gọi là xâm thực hay "cưỡng bức mềm" cả. Nếu thế thì người xem ở Việt Nam cần phải bài trừ xem các phim Holywood vì cũng là một sự "cưỡng bức mềm".

- Nhưng ở đây, em cũng đồng ý với bác là giải Nobel là giải có tính châu Âu và phản ánh cái nhìn và quan điểm, thẩm mỹ văn hóa-văn học của người châu Âu, dù điều đó theo em, cũng không làm cho giải này kém giá trị đi.
Phó Thường Nhân
Tôi không bảo là giải Nô ben không có giá trị, tôi còn nói là nó có "đẳng cấp". Theo nghĩa "đẳng cấp" như ở Vn vẫn dùng hiện nay, kiểu như một cái áo sơ mi hiệu Ambassador, tức là loại tốt, được quảng cáo là "đẳng cấp".

Điều mà tôi để ý, không phải để phân biết hay kỳ thị, là cái giải này phản ánh quan niệm châu Âu, thẩm mỹ châu Âu.

Qua đó tôi muốn lưu ý rằng có thể có những giá trị khác, đẳng cấp khác, không giống như thế, do văn học liên quan trực tiếp tới một ngôn ngữ cụ thể, văn hóa cụ thể.

Nếu biết cội nguồn cụ thể, từ đâu đến, thì người ta có thể hiểu rõ hơn tác phẩm. Khi tôi nói tới "cưỡng bức mềm" cũng không có nghĩa là phải lập chiến lũy ngăn chặn nó. Chỉ cần người ta hiểu nó chuyển tải cái gì, có nhận thức ý thức là được. Tức là yêu thich có ý thức mà thôi.

Lâu lắm rồi tôi không xem phim Mỹ (và các loại phim nói chung, trừ phim tài liệu các laọi), cho nên khả năng "cưỡng bức mềm" với tôi có lẽ hơi bị khó leuleu.gif

còn cái Soap Opera Mỹ cuối cùng có lẽ là một tập của Sex and the City. Nhưng sau đó thấy trong các tập chỉ có các anh thay đổi còn các cô thì vẫn nguyên mấy người ấy nên cũng chán...và cũng cho nó về dzi vãng. leuleu.gif

Tiểu thuyết VN hiện thời tôi hoàn toàn lạc hậu, nên không biết có ai có thể tranh giải Nô ben. Nếu giả dụ giải Nô ben được trao cho Nguyễn Huy Thiệp , thì tôi cũng rất mừng, vì tôi là người VN. Sẽ tự hào là một người VN được giải. Nhưng nếu nói ông ấy có thể là đại diện cho văn học VN, thì tôi nghĩ không phải, và cũng không vì thế yêu thích hay ghét ông ta hơn.
Thị Anh
Chủ tịch Hội Nhà văn VN từ chối giải thưởng


Tại lễ trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2005 diễn ra vào sáng nay (30/11), nhiều người thực sự bất ngờ khi nhà thơ Hữu Thỉnh, đương kim Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam tuyên bố từ chối giải thưởng!










Nhà thơ Hữu Thỉnh được trao giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam năm 2005 với tập thơ "Thương lượng với thời gian".

Với tuyên bố này, ông Thỉnh đã trở thành người thứ hai xin rút tên khỏi giải. Bởi cách đây đúng một tháng, Ly Hoàng Ly đã chính thức từ chối Tặng thưởng cho tập Lô Lô.

Nhà văn Nguyễn Trí Huân, Chủ tịch Hội đồng Chung khảo giải thưởng Hội Nhà văn VN 2005 cho biết: "Nhà thơ Hữu Thỉnh từ chối giải thưởng năm nay, thứ nhất bởi ông ở cương vị Chủ tịch hội. Thứ hai là vừa rồi dư luận, một số nhà văn, nhà phê bình lý luận có ý kiến trên công luận về tập thơ, và về việc ông là Chủ tịch Hội lại được trao giải thưởng. Hội đồng chung khảo chúng tôi đánh giá cao tập thơ này nên mới quyết định trao giải, và về pháp lý, một người là Chủ tịch hội mà nhận giải thì tôi không thấy có vấn đề gì. Nhưng nếu ông từ chối, chúng tôi tôn trọng quyết định của ông".

Khi được hỏi, với 2 người xin rút, ông cảm thấy giải thưởng Hội Nhà văn VN năm nay thế nào, nhà văn Nguyễn Trí Huân nói: "Giải thưởng năm nay tôi vẫn đánh giá là thành công. Nó đã tinh lọc hơn mọi năm, có những tác phẩm với cách tân của các tác giả trẻ mà mọi năm chưa được tính đến thì năm nay được chấp nhận, như là "Paris 11-8" của Thuận, "Lô Lô" của Ly Hoàng Ly. Còn cá nhân nhà thơ Hữu Thỉnh, cũng như Ly Hoàng Ly có quyền nhận giải thưởng hoặc không".

Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 2005:

Giải thưởng: Thương lượng với thời gian (Tập thơ của Hữu Thỉnh); Cánh đồng bất tận (Hiện tượng văn học trong năm -Truyện vừa của Nguyễn Ngọc Tư).

Tặng thưởng: Gia đình bé mọn (Tiểu thuyết của Dạ Ngân); Paris 11 -8 (Tiểu thuyết của Thuận); Thượng Đức (Tiểu thuyết của Nguyễn Bảo Trường Giang), Lô Lô (Tập thơ của Ly Hoàng Ly).


Diễm Huyền


***
Mình xin thú nhận là mình mới đọc 2/6 tác phẩm ở trên. đó là Cánh đồng bất tận (hồi nó sốt)+Paris (hồi nó làm lăngxe)/.
soctettoc
Lại từ chối nhận giải thưởng nữa này sp_ike.gif

Từ chối vì "Giải thưởng văn chương như ao đánh giậm"

Sáng nay, 5/1, Lễ trao giải cuộc thi truyện ngắn và thơ 2004-2005 (báo Người Hà Nội) đã bị một tác giả từ chối giải thưởng nhảy lên “cướp diễn đàn”. Và trong khi đang cố gắng trình bày cho khán giả lý do từ chối của mình, ông này đã bị người của BTC lôi xuống như một kẻ phá đám…

Đó là tác giả Đàm Khánh Phương, người được trao giải Ba về Thơ trong cuộc thi Thơ mang tên "Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long” do báo Người Hà Nội - cơ quan thuộc Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội tổ chức.

Bị túm áo kéo khỏi diễn đàn lễ trao giải, ông Đàm Khánh Phương tỏ ra đã lường trước được tình thế, bởi trước đó ông đã nói rõ cho ban tổ chức về quan điểm của ông và bị coi là “phát ngôn bừa bãi...”.

Để giải thích lý do từ chối giải thưởng, ông Phương đã viết sẵn một lá thư ngỏ dài kín 5 trang giấy với tiêu đề “Giải thưởng văn chương thủ đô đâu phải ao đánh giậm”!

Trong thư, ông Đàm Khánh Phương cho rằng, Ban tổ chức đã công bố rất rõ ngày trao giải là 10/10/2005 (phát động từ cuối năm 2004); tuy nhiên, việc trao giải đã bị trì hoãn ròng rã suốt gần một năm rưỡi. Kết quả là cuộc thi của năm 2004-2005 mãi đến năm 2007 mới trao! Cơ cấu giải thưởng thì bị tùy hứng thay đổi: từ chỗ tổng số là 34 giải đã nâng lên 47 giải. Còn giá trị giải thưởng bị cắt đi chỉ còn non nửa, giải nhất từ 7 triệu đồng xuống 3 triệu, giải tư trước định là 1 triệu thì nay chuyển sang Tặng thưởng trị giá 500 ngàn đồng…

Phóng viên: - Thưa ông, tất cả những việc ông vừa nói chỉ là về hình thức bên ngoài. Điều quan trọng đối với một giải thưởng là chất lượng của nó và sự nghiêm túc trong quá trình xét…?

Ông Đàm Khánh Phương: - Giải thưởng nhân danh "Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long", lẽ ra phải là niềm tự hào cho người Hà Nội, nhưng lại bị lợi dụng để làm những việc ấm ớ, cá nhân, nhem nhuốc… Tôi xin nói rằng giải thưởng này mang đậm màu sắc chia chác.

Khi phát động cuộc thi, BTC cam kết, thành phần chấm giải sẽ bao gồm các nhà văn nhà thơ, nhà báo có uy tín, nhưng thực ra chủ yếu quyền quyết định thuộc về Tổng biên tập và Phó tổng biên tập báo Người Hà Nội, không hề trân trọng tới cơ quan chủ quản của họ là Hội nhà văn Hà Nội. Đa phần các tác giả được giải được chọn nhoáng nhoàng từ những người có quan hệ cá nhân với ông Tổng biên tập.

Chấm giải một cuộc thi ý nghĩa như vậy, nhưng ông Vũ Xuân Hoát quá ư cẩu thả, chủ yếu là "chấm đứng", lấy các bài dự thi trên báo, rút ra tra vào, đi đi lại lại sang phòng bên trao đổi, áp đặt với Phó tổng biên tập, chẳng biên bản, chẳng thư ký, thậm thụt như bán hàng giả!

- Nhưng trong Hội đồng chung khảo, ngoài hai ủy viên (người của BTC) là ông Vũ Xuân Hoát và ông Bùi Việt Mỹ, còn có những nhà văn nhà thơ như Bằng Việt, Cao Tiến Lê, Nguyễn Đức Mậu… Làm sao có chuyện đó xảy ra?

- Thật ra ban đầu làm gì có Hội đồng chung khảo, mà chỉ có nhà thơ Bằng Việt mang danh nghĩa Chủ tịch Hội đồng chung khảo đọc và duyệt. Lúc đầu cũng dự kiến là cuối tháng 12/2006 trao giải. Thế mà đến ngày 11/12/2006, ông Bằng Việt mới được chuyển cho mấy truyện ngắn và chùm thơ đã định sẵn nhất nhì, kèm theo bản danh sách tác giả trúng giải, có cả thêm bớt, gạch xóa. Riêng giải thơ thì mới có tên tác giả chứ chưa có tên bài. Bấy giờ, vì tinh thần trách nhiệm, nhà thơ Bằng Việt mới yêu cầu mời thêm Chung khảo.

Nhưng, với cả ngàn bài thơ, hàng trăm truyện ngắn, ông Vũ Xuân Hoát một mình làm thay việc của cả Ban Sơ khảo để chọn ra các tác phẩm, tác giả gửi đến ban Chung khảo trong thời gian gấp như vậy thì các vị Chung khảo dù có công tâm và nghiêm túc, mắt xanh hay “mắt tím” tới đâu cũng khó lòng thẩm định và thay đổi kịp! Huống hồ, ban chung khảo chỉ hội ý độ một tiếng rưỡi!

- Còn về chất lượng tác phẩm đoạt giải?

- Có những tác giả rất yêu mến thơ và đắm đuối nữa là khác, nhưng thơ của họ thì có cố gắng lắm thì cũng chỉ chọn in được lên báo thôi, chứ đoạt giải thì…. Thế mà có những tác giả không những được đăng đến 5,6 chùm thơ trong cuộc thi, mà còn được trao giải hẳn hoi. Thơ của những ông như Nguyễn Đức Trọng, Lương Văn Thùy đều ngớ ngẩn, không thể đại diện cho Hà Nội được, càng không đáng trao giải Nhì!

Trong khi đó, BTC hình như đã “đặc cách loại trừ” các tác giả sáng giá có tác phẩm tham dự, như Nguyễn Thụy Kha, Băng Sơn, Trần Hoàng Thiên Kim, Nguyễn Vân Phúc, Nguyễn Thúy Quỳnh, Nguyễn Sĩ Đại,…

- Gần đây có hội chứng từ chối giải thưởng. Là một nhà thơ mà danh tiếng mới chỉ thường thường bậc trung, ông không sợ bị dư luận cho việc làm của mình là chơi trội hay gây chú ý?

- Tôi từ chối giải thưởng không phải theo mốt mà vì lý do chính đáng. Tôi đã 64 tuổi rồi còn chạy theo trào lưu hay sao?! Tôi xin rút khỏi giải một cách đàng hoàng. Điều tôi làm là vì uy tín của một giải thưởng đại diện cho người dân thủ đô.

- Nghe nói ông còn kiện là tác phẩm của ông lẽ ra phải được giải cao hơn giải ba?

- Tôi không cho là tôi phải được giải cao hơn. Tôi chỉ thấy là trao giải cho mấy tác giả như ban tổ chức quyết định là hết sức cẩu thả và xúc phạm đến ngàn năm văn hiến!

***

Chúng tôi xin không bình luận trước những "phán quyết" nói trên của ông Đàm Khánh Phương. Bởi đó là những phê phán và cảm nhận mang tính chủ quan của ông, đặc biệt là phần nói về hành xử của ông Tổng biên tập báo Người Hà Nội.

Tuy nhiên, một số điểm như: Cẩu thả, in đến 2 lần một số tác phẩm dự thi, hoặc bừa bãi trong việc tăng số lượng giải thưởng, giảm số tiền trị giá mỗi giải, và lùi quá lâu thời hạn trao giải… là những việc có thật.

Về phía mình, BTC cuộc thi, báo Người Hà Nội cho rằng phê phán của ông Phương là không có căn cứ.

Ông Nguyễn Đức Trọng, một trong số những tác giả được giải, khi thấy phóng viên ngồi nói chuyện với ông Phương đã chạy lại can: “Đừng nghe ông ấy nói vớ vẩn”, đồng thời dắt đến cho chúng tôi một nhà thơ đoạt giải Nhì mà theo họ là tiêu biểu, để chúng tôi phỏng vấn...!

Ông Trọng còn nói thêm: “Ông Đàm Khánh Phương đã gửi đơn kiện lên Hội đồng Chung khảo đòi trao cho ông ấy giải cao hơn, vì giải Ba là không xứng đáng. Chính ông Phương cũng từng đề nghị Ban tổ chức cho ông ấy lên giải Nhì! Điều này, các anh chị cứ hỏi Tổng biên tập Vũ Xuân Hoát khắc biết...!”.

Chưa rõ thực hư ra sao? Chúng tôi sẽ còn trở lại tìm hiểu và tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Diễm Huyền

Pages: 1, 2
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > Văn Học & Ngôn Ngữ
Bạn đang xem phiên bản gọn nhẹ của diễn đ n dưới dạng text, để xem các b i viết với đầy đủ mầu sắc v hình ảnh hãy nhấn v o đây !
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.