Langven.com Forum

Giúp đỡ - Lục lọi - Dân l ng - Lịch
Full Version: Trở Về
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > Văn Học & Ngôn Ngữ
Pages: 1, 2
Tuongcuop
Ở trong sự trở về

Kẻ trở về 1 ...

Tôi đi ra,
người người hôn tôi,
trăm ngả
Buổi trở về,
...........
sao đêm dài lặng thế?

Sao em vội vã đi, cười,...tươi
chẳng thể quay mặt, nhịn được một cái nhìn.
chẳng thể vờ không biết,
có một trời buồn ăm ắp giữa lòng quê

Kẻ trở về chính quê mình
chợt như con thuyền giữa bể
Sóng chiều nào, gió chiều nào
cũng thổn thức...dài đau.



Và 2


Yêu chi? em giết nụ cười xưa nồng nàn em, môi thắm.
còn lại giờ đây, ánh mắt dõi theo tôi
lạnh lùng như lười dao...

Tôi âm thầm
đi,
âm thầm tôi
đếm
từng nhát yêu
chầm chậm cắt
trên đường






và 3.4.5....


Này đây tôi hiểu rõ rồi
ai yêu ai thế mầy người biết ai
trong đêm nghe tiếng thở dài
cõi nhân giây ấy liệu vài tri âm?

Thôi thì gió hãy âm thầm
tôi như hoa cỏ tựa mầm đưa hương
yêu đi, đừng có mà thương
tự tôi toi biết con đường tôi đi

mai này gió cứ vân vi
thổi dài bia mộ nhắc khi tôi cười.





Và kết

Hạt bụi nhỏ ai nhìn thấy trên đường?
đêm mưa
lạ thường - lấp lánh

Bởi tôi nhìn nên Hạt bụi bắt đầu suy nghĩ
Bắt đầu Kim cương và đất
"Là đám bèo dạt, mây trôi; nhân, trí sĩ gì đâu..."

Hà Nội phố đêm, có ai đi...nghĩ suy trắng
từng viên gạch cũ xây thành con đường mới mở
Đang in lên dấu, thành ngôi đền xưa cũ
và nỗi ai buồn, hình như đã trăm năm

Hà Nội phố
gió suốt đêm như cắt
Đông Bắc về cơn hờn giận, trở mùa







Cảm tác nữa

Mặt thằng bạn cười cười
mũi lao thép lạnh
như đạn chì găm thẳng bắn trái tim xưa

Bên cạnh người đàn bà đẹp, kẻ thông minh thường nói lời ngu đần kệ thây ai là ai


Suốt cả đêm không ngủ
cả ngày sau, anh đi hỏi vì sao?
không thể thay bạn bè dễ như thay một cái áo khoác bẩn
vì sau lớp vải là mồ hôi, là những liti huyết quản và nhiều câu chuyện không thể nào quên

Trong tiệc cưới có hai người xa lạ nhận ra nhau sau ba mươi hai năm lưu lạc
thịt béo thế
món sào đậm thế
bia tươi rượu đào nồng ngon tới thế
sao bỗng dưng em lại khóc một mình?



Tuổi năm chín trẻ con

Già rồi mà chưa biết cười
nói chi câu "Ngũ thập nhi tri thiên mệnh..."

"đồ trẻ ranh" đêm tự mắng mình:
Thèm tiền
thèm hôn
vẫn, mơ ngủ chung với đàn bà đẹp
yêu như thể lần đầu...

Già thế, mà hồn nhiên như trẻ thơ
suốt đêm đếm từng giọt sương khuya rớt xuống hiên nhà
gần sáng, hai tay tự tát mãi vào mặt mình mãi mà không tỉnh
nửa ngày chưa hết đau
vết đỏ nhừ hai bên má
để sáng sau con thơ hỏi...Bố bị sao kìa?


Nhìn vào mắt con trong vắt:

Con yêu ơi, già vẫn tập làm Người.



tiệc cưới 1...


Tiệc cưới bốn chục mâm...
bạn chọn mời, mười phần trăm tự tin là họ yêu mình
cộng cộng trừ trừ, bà vợ cũ thầm mong đủ, thêm hai mâm dự trữ
khách vãng lai...

một giờ mười phút, đặt thêm cho năm mâm cao cỗ đầy người tới muộn
vẫn chẳng đủ chỗ chót cho chính đứa con, thằng rể
ai ai cũng tười cười cả mùa xuân cũ
ngẫm nửa đêm "ma chê cưới trách,"
Đời đôi khi thiếu đũa chẳng thiếu mâm...

Mùa cưới năm 2006 vẫn ngoài kia là cưới vọng





Tiệc cưới 2[/

Giận nhau lắm không gọi lại
chờ tắt máy.
thoang thoáng nụ cười khuôn mặt quen quen ngỡ là ai...
vẫn dành một chỗ trang trọng bàn văn con số lẻ cuối cùng

tiệc tàn rồi tất nhiên lẻ thành chẵn,
cười mà buồn ghê thi sĩ ngẩn ngơ lời lảm nhảm sau cùng.

Nụ cười ruồi
tự mình vả lên tai,
li bia vàng sóng sánh
Bia buồn đích thị màu vàng!

"mày ngây thơ lắm thằng già ngây ngô lắm
thiên hạ chửa biết tìm! - bạn nói hộ một câu.
cobebuongbinh
NGHE THƠ HAY ĐẤY CHỨ!
cobebuongbinh
THƠ LẠ MÀ HAY ĐẤY CHỨ!
Tuongcuop
Kẻ lãng tử 2


Cô gái năm xưa nay đã lên bà,
sáu mươi xuân, em ơi còn chi nữa....
chưa gặp mặt,
nghe sóng trên cao có người đang thở
bạn đấy ư....điện thoại gọi đường xa...

Hóa ra "người trong mộng xưa" còn nhớ tới ta
chỉ ta bạc,
phù vân gió cuốn...

bạn khen lời ta trẻ - cuộc gặp mặt cuối đời đã muộn
ta nhớ rõ hình hài, đêm chớp mắt nhung...

Bỗng hiện rõ,
cả khung trời ta thơ mơ giấy trắng
ờ lớp hai đứa mình,
hoa bướm gió tung tăng


nào biết nói lời yêu,
chẳng biết níu buổi chiều
lời tâm sự ra đi, bao người chôn đáy mắt...


Bạn gái của năm xưa ơi,
tính tuổi đã lên bà
có nghe ta khóc...
để vụt hiện, em một thời đẹp nhất...
để bốn mươi năm, đau ngọn sóng
khi sông còn nhớ bể
nhớ lúc trở về em tôi mới lấy chồng...

Em ơi em, hạnh phúc lớn không?
(và chợt nhớ một lần giáp chết)
trong cánh rừng đại ngàn một mình ai khi viên đạn cuối cùng cạn kiệt
sau mẹ là em anh, nhớ cho hết đêm dài...

Nhớ mái tóc em đài săm sắp nhánh ban mai
ngón trắng muốt đặt trên bờ môi ấy...
nhớ hơi thở em,
mây Vân Hồ cũng thơm tho đến vậy
đôi mắt nào theo nhau suốt thời binh...

Kẻ lưu lạc,
hai muơi năm
xa nhà, đi xứ
tổ quốc là....Có em đó phải chăng
có giấy cặp và một lời trong suốt
có buổi hôm nay lời thương nge.n vô cùng...





Thư ngỏ gửi Khoai và nhóm bạn của Khoai


Tôi không tin "em" đã ghét tôi vì "Khoai yêu" cô ấy...

lời tin của một thằng già - như đức tin vào Chúa
đóng đinh câu rút lên cây gỗ trước nhà
trong vườn đợi đầy hoa
cho hương cau, hương mộc
lẫn hương nguyệt quê... suốt đêm qua
ủ lời tin tôi ngậm đầy hương
gửi qua làng để bay tới em
và mấy thằng bạn vong niên - cả người em cưới làm chồng.

Tôi tin vào đêm, này em nói:
nến cho tôi
hoa cho bạn
và chồng em, bạn vong niên nói:
ánh sáng âm thanh đêm ra sách tương lai...

Người xưa có câu: Lời nói bốn ngựa đuổi không kịp(1)
cũng người xưa nói: gió bay
tôi không tin em ghét yêu như thế vì tin tôi, quà tặng không bao giờ dửng
dưng tự nhiên cho người mình ghét
cũng như không bao giờ em chung mâm với kẻ chẳng yêu...


Tôi không tin vào lời của cô bạn chung của chúng ta...dầu lời tin gió phiêu liêu
từ xuất phát
như không thể nhuộm vấy tình bạn trong vắt, bằng lỗi lầm nào đó,
như ở đời giả như tôi đã...
giả như
tay tôi chưa rửa,
cầm vào bánh thánh,
nhận lời yêu của các bạn trẻ dầu là khoai sắn trong những mĩ từ của nhiều bữa tiệc xa xỉ hôm nay


Đêm Hà Nội không mưa đâu...tôi say
hai tuần rồi ngày nắng
Khoai biết không Những cơn gió trắng,
thường đổ nuớc mắt vào sáng,
thành những con đường nhầy nhụa trơn tuột ngựa xe...
Thường,
sau đêm suýt chết ấy, người ta một lần muốn "chúng ta sẽ gặp nhau"
muốn hỏi, muốn nói
không phải cho tôi, cho chính sự trong suốt bạn bè
Có còn ngọn nến ta sẽ thắp, trong ánh sáng ngôn ngữ âm nhạc bạn ta

Có còn Trịnh Công Sơn đôi khi nói về tình bạn lẫn tình yêu...

1-nhất ngôn phát xuất tứ mã nan truy
Tuongcuop
Có một nhà phê bình, vô tình ( hay ai mách lẻo) leo lên đây đọc bài này và bảo tôi, Cậu muốn nói gì thì nói, nhưng nên nghiêm túc.

Tôi tự thấy, sau khi đọc lại, tôi đúng là chưa nghiêm túc. Nên quyết định thay đổi, sửa lại bài viết này..Xin lỗi các bạn đọc trong làng ven nhỏ bé.

tập viết và dăm điều tản mạn
Ngày xuân con én đưa thoi...
Nguyễn Văn Thọ


Tôi có thể nói, tôi thành công hơn ở văn xuôi, nên không phải là thi sĩ. Khi ra tập thơ thứ nhất, ở cuối tập, tôi viết:
...Thi sĩ gì đâu,
Nỗi buồn già làm mưa ngâu tháng Ba...
Trong bài thơ ấy, tôi quan niệm, người viết thơ hay văn đều phải: lắng nghe tất cả, từ cả những mạch chảy ngầm trong lòng đất và:
...Nghe cả những thanh âm trên cao,
không phải bằng tai, bằng mắt
bằng gì nào,
sao tôi nói được...

Sau tập thơ thứ ba tới nay, tôi không in thơ thành sách nữa, nhưng vẫn đọc thơ và quan tâm tới các bạn viết thơ...Tôi không viết thơ nhiều như xưa, vì thực lòng thấy mình vẫn sống nhăn răng nếu không viết thơ. Điều ấy, trước đó không có được; và đó chính là lí do tôi chỉ có ba tập thơ cho bè bạn. Nhưng tình yêu thơ thì vẫn còn, vẫn đôi khi “lảm nhảm“ thơ tình. Tôi đọc bất kì tập thơ nào rơi vào tay tôi, thơ đã nhận tặng của bạn viết đọc hết sức cẩn trọng, dầu tập đó của nghệ sĩ điện ảnh đã về hưu tập làm thơ, dầu cuốn ấy một thi sĩ chưa nổi tiếng trên văn đàn. Tôi tìm mua, đọc các tác giả đang được dư luận quan tâm, cả trong và ngoài nước. Qua thời gian và chính sự va đập từ thơ của người khác đã làm nhiều quan niệm về thơ của tôi luôn trượt trên những quan niệm cũ, phủ nhận chính tôi và đôi khi phủ trắng cả những điều trước đó, trước đó tôi tưởng là chân lí. Bởi thơ càng đọc càng thấy bất ngờ và bí hiểm. Sự thành bại của mỗi một sinh thể thơ, là chỗ gợi mở cho tôi suy nghĩ thêm về con đường của thi pháp. Với tôi, đọc thơ hay và dở của người khác, cũng là cách tiếp cận thêm một người thầy lớn, biết thêm rằng, không có một tiêu chí nào bất biến trong thơ riêng và nghệ thuật nói chung.

Trong ba tập thơ đã xuất bản, tôi làm cả thơ có vần, vận và không vận; tôi làm thơ lục bát lên, lên xuống, xuống; từng bị Huy Cận phê: "...Anh chẻ câu sáu làm đôi làm gì?" Khi đó tôi im lặng nghe. Nhưng vẫn cứ tự tôi không nản lòng viết lục bát lên, xuống; chẻ câu sáu làm dăm đoạn. Bên cạnh thứ lục bát chẻ đôi ba vậy, tôi viết lục bát sáu tám Nguyên thể. Sự ấy diễn ra, không phải từ lời phê của chú Huy Cận. Tôi hình thành những câu thơ có chủ đích ấy, sự khác nhau trong lục bát biến dạng ấy, khi ngắt câu, bỏ dòng không còn sáu/ tám, nếu ý tứ của từng cặp câu đòi hỏi sự phá bỏ mạch đều đều chảy nhịp, vốn dễ rơi vào triền miên tẻ nhạt, không tạo nên sự rơi để nhấn mạnh một ý, mà vẫn làm chậm lại tốc độ đọc của người xem. Còn khi cả bài thơ cần dịu dàng chảy như một dòng êm đềm, tôi vẫn sáu/ tám, nguyên đai, nguyên kiện...Mỗi một bài thơ, cần ở thể nào, chọn một hình thức thể hiện nào, không phải chủ đích tùy nghi của tác giả, mà hình thức chỉ xuất hiện khi tình cảm, cảm xúc và ý lý của tư tưởng quyết định cho sự chọn một hình thức thể hiện... ở tôi, nhất thiết phải thế khi tải "cái tôi muốn...Dầu là từ một câu thơ bất kì xuất hiện, tôi cũng chọn lại hình thức biểu hiện. Cũng vậy, tôi làm tứ tuyệt và dùng cả hơi thơ của nhóm Tự Lực Văn Đoàn lẫn thứ thơ miên man, tràn ngập từ ngữ, xô bồ ào ào, trào ra tự trái tim không chiết cất...Cũng ấu trĩ, tôi tưởng thơ không vần là mới. Lần gặp, nhân ăn sinh

Tuongcuop

nhật nhà thơ, dịch giả Đức Fran Farber tròn chín mươi xuân tại Berlin, người đầu tiên rước nàng Kiều vào Đức, tôi mới ngã té ra rằng, thơ không vần, chẻ câu... có từ lâu, rất lâu trong thơ cổ hy lạp. Chính ông ta đã chọn nó, hình thức cổ ấy, để cùng bà vợ ông, tiến sỹ ngôn ngữ Irenne Faber dịch Kiều từ Việt sang tiếng Đức, không qua bản song ngữ Kiều Việt - Pháp mà bác Hồ tặng ông năm 1955 tại Hà Nội. Đọc vài đoạn ngắn từ nguyên bản của bản dịch này-Das Madchen Kieu- tôi lóe sáng thêm nhận ngộ một điều là, nếu một nhà văn, nhà thơ chỉ nhăm nhăm đi tìm sự mới về hình thức biểu hiện, hay mắc bệnh tưởng. Sự mới bấy nay phá đi trật tự cũ, từ vần và luật chặt chẽ, tới Thơ mới, và hoàn toàn phá vần luật, chặt chữ, bẻ câu đều không mang vác cái mới. Đó chỉ mang nửa sự mới. Mới không phải riêng từ hình thức bên ngoài mà phải mới ở suy tưởng. Sự thành công của trào lưu Thơ mới, bắt đầu khi ảnh hưởng văn học Pháp trong văn sĩ ở ta, sở dĩ được thực là cuộc thay da đổi thịt vì đó hàm chứa điều cốt tử của sự mới trong cách nghĩ và suy tưởng của thi sĩ như Xuân Diệu, Chế Lan Viên... Sự thay đổi chỉ nhăm nhăm hình thức thể hiện, sẽ lạ mà không mới. Tôi cũng nhận ra rằng, văn chương hay nghệ thuật nói chung vẫn có sự xoáy tròn đồng tâm, lặp lại những quy luật trước đó, theo hình tháp chạy dần lên cao, nếu trục đứng là thời gian. Quy luật này rất dễ nhận biết ở hội họa, khi các nhà họa sỹ Châu Âu từ đầu thế kỉ 19 loại bỏ chi tiết tả chân, trọng cấu trúc khối mảng, cách điệu..., chính là nhại lại hội họa tiền sử ở một quy mô lớn hơn mà thôi. Chúng ta luôn chậm, nhưng phải học từ a tới b. Cha tôi học Boda từ khoá 3, tức là quãng năm 1931-1936, nhưng người Pháp, thầy Tadieu vẫn bắt ông vẽ chân rất kĩ. Ông kể, riêng vẽ bàn tay ở vườn phố Hàng Chuối, cậu phải vẽ tới vài trăm lần. Cố họa sĩ Hoàng Lập Ngôn, anh em kết nghĩa với cha tôi, cuối đời có biệt danh “tinh tướng họa“. Đấy là ở Việt Nam, khi cuối đời đã thượng thặng rồi ông mới thế, còn thứ tranh rất mộng mị và bán được sang Châu Âu lại là loại tranh Chân Dung vẽ rất cầu kì bằng bột màu và sơn dầu. Ông Ngôn có lần nói, bố cháu ngày xưa nổi tiếng ở Boda với biệt danh Thiệu kĩ. Hoàng Lập Ngôn ở miền bắc hay Lê Yên ở miền Nam và đặc biệt là Bùi Xuân Phái (là lứa sau, học trò của cụ Tô Ngọc Vân), trở thành danh họa không phải các ông nhảy cóc vào cái mới riêng phá bỏ lối vẽ truyền thống cơ bản mà người ta bất kì họa sĩ nào phải nghiêm túc. Các ông “cách cái mạng“ của chính mình từ cái gốc đã rất nhuần nhuyễn. Năm 1953, cha tôi đặt mua cuốn tự vị của Pháp in, trong đó có trang Picasso với những bức họa mà sau đó, khi tôi trưởng thành, ông thú nhận, khi bấy giờ cậu không thể cảm nhận hết...Lứa ông, cũng chắc ngu ngơ như thế mà thôi! Tranh Pi những năm năm mươi, chuyển từ phức tạp tới giản đơn hơn. Có bộ tranh mang theo gần như copi những hình thái cơ bản nhất trong những bức hình của châu Phi thổ dân, của Đông Nam Á. Có bức tranh chả khác mấy tranh dân gian Đông Hồ-Đấu vật. Ông trình diễn bức Làm tình của hai người bằng những nét rất tưởng như giản đơn, trong bộ vòng ôm cho tôi cảm giác mơ hồ ấy. Chỉ có ý đồ của Pi là khác và hoàn toàn mới. Sự sắp đặt cái mới ở mọi hình ấn tượng của nhiều họa sỹ trẻ Việt Nam gần đây, chưa vượt qua được những bức tranh cổ dân gian mà trong đó các cụ tranh dân gian thể hiện các sự kiện diễn ra trong không gian hình học phẳng. Tất nhiên các cụ dân gian giản đơn hơn. Bây giờ, hội họa quy mô hoành tráng, xong cũng rối rắm hơn... Trong văn học, xu hướng hình thức đi trước, nhảy cóc, đốt cháy giai đoạn, nôn nóng muốn nổi tiếng đã dẫn nhiều tác giả bắt chước phương tây một cách thiếu cân nhắc, vừa chạy theo làm cái đuôi, một lần nữa nhại lại trước hết là cái họ đã đi qua hơn sáu chục năm nay đã bỏ lại, sau nữa xét tới cùng, lại không có gì là lạ, vẫn là sự nhại cái xa xôi lắm. Hình như, chúng ta và cả thế giới nữa, chưa làm gì thực mới hơn sự hình thành đã tương đối ổn định của loài người về mặt hình thức biểu hiện. Sự ồn ã của thứ thơ lăng nhăng, triết lí, phá phách phủ nhận sạch bách, và tình dục tự nhiên không từ chiêm nghiệm
Tuongcuop

của đời sống thật mà chỉ hoang tưởng xa lon, trở nên hết sức ngô nghê và thực ra toàn điều đã cũ, đã từng có trong lịch sử phát triển của văn học thế giới.

Trong văn xuôi, tới nay, qua hơn năm mươi năm, ở thế giới hoàn toàn không có gì là mới về Tổ chức cấu trúc tác phẩm. Chỉ có giọng mới và lắm sự rối rắm giả vờ về ý tưởng. Tôi vẫn tâm đắc và đề cao các tác giả, dùng những từ bình dị đời sống để diễn tả những điều lớn lao, những câu dễ hiểu để diễn tả những quy luật phức tạp của đời sống. Sự diễn đạt ý tưởng, tới sự sâu chuỗi hình thành một tư tưởng, càng phức tạp bao nhiêu, tưởng chỉ dành cho cao nhân đọc là sự ngộ nhận trớ trêu nhất của các nhà văn ở ta một nửa thiên tài, thông minh một ít...Giống hệt như sự chế ra máy tính, chế ra trăm ngàn phương tiện ở trên đời. Xu hướng dễ sử dụng, giản đơn hóa thao tác để thực hiện nhanh, nhiều tác dụng trong máy móc là xu hướng Điều khiển học hiện đại của quy luật vật lí chế tạo. Nghệ thuật không tách ra khỏi quy luật ấy. Chính sự khó đọc của nhiều giai tầng xã hội đối với một cuốn sách là sự bất lực của tác giả sách đó. Chính sự tưởng là khó đọc của một vài tác phẩm, cả thứ phải chuyển ngữ sang ta là lỗi của sự viết phức tạp hoá câu và đoạn để tới sự không mạch lạc của diễn đạt, là lỗi thêm phần của dịch giả... Karl Marx nói một câu rất hay, đại ý rằng, trình độ xã hội không được tính bằng sản phẩm thế nào mà phương thức nào làm ra nó. Phương thức nào làm ra nó, chiếc máy cái nào sản xuất ra các máy con và xu hướng máy cái cũng giản đơn thao tác cho người thợ là xu huớng phát triển theo hình thái xã hội. Về tâm hồn và tâm lí, càng ngày con người càng phức tạp, nhưng để diễn tả nó theo xu hứong mà thông tin ở xã hội ngày càng rối rắm và phức tạp hơn, công chúng sẽ cần nhiều hơn các nhà văn viết ngắn và dễ đọc. Các rối rắm của xã hội phải được diễn tả khúc triết mạnh lạc hơn xưa, chứ hoàn toàn không phải sự trường tồn nằm trong sự không thể hiểu được, như cuộn len rối thách đố bạn đọc...là nhận thức ấu trĩ và tình trạng bế tắc. Thơ Việt đương đại, Lê Đạt vẫn thực sự là người lớn, người khiêng chữ trúng hơn là dùng phu chữ. Phu chữ nghe có vẻ lực điền thơ rồi. Ông thành công ở Bóng chữ (chứ không phải Ngó Lời) không phải là những bài thơ khó hiểu. Thơ ông, những bài thuyết phục được nhiều thi sĩ và bạn đọc trẻ đều như tiếng nhạc và ngôn ngữ của màu sắc, những cặp nghĩa đa chiều, trong dãy chữ, nhóm từ. Thơ Lê Đạt thực chất là Thơ Đường rút ngắn, chặt bỏ những từ rườm, mang một cấu trúc mới về ý thức tạo câu... Thành công vẫn săng sái viết cho tới già, lao động tới vậy, mà Lê Đạt có lần nói với tôi: “...mình cách tân phải trả giá, khi có người không hiểu thơ mình tức là mình bất lực.“ Tức là ông chưa khiêng đủ chữ cho xứ mệnh ông định. Lực bất tòng tâm! Ông tự biết vậy, còn chúng ta, lứa hậu sinh từng cứ tưởng bở bao nhiêu là bao nhiêu?

Suy nghĩ về sự thành bại của nhà thơ Lê Đạt, tôi phải đọc lại các giai đoạn thơ của ông. Tôi nhận biết, từ Lê thi sĩ, sự trọng tính nhạc tới cao cường, phát huy hết thế mạnh, vốn là của thứ ngôn ngữ Việt, tự nó có âm nhạc, nhờ sự bỏ dấu bằng, sắc ngã hỏi...Sự khiêng chữ của Lê Đạt có thêm nghĩa và ý lí, sức gợi của câu, không chỉ từ chữ mà cả tiếng nhạc, tốc độ chảy của thơ. Sự chơi dòng chảy của nhịp thơ miên man không khiêng chữ mà các thi sĩ Việt ở Hải ngoại đã khai thác, tạo nên những dòng ngôn ngữ không lời, tạo nên cảm thức tổng hợp ở người đọc. Ở ta, tác giả không theo Lê Đạt như Vi Thùy Linh cứ trào sôi mạch chảy của câu. Những dòng sông trẻ ấy về bản chất cũng là sự cách mạng về hình thức, dù một bên là ý thức và một bên là từ bản năng.
cobebuongbinh
khật khưỡng chào làng với cái chai
thêm năm ba chén một hơi daì
tướng cướp giang hồ_ ai gác kiếm
để sớm nghiệp nhà " luận văn chương"!!!
THA THỨ NẾU EM CÓ GÌ ĐẮC TỘI VỚI BÁC VÀ LÀNG!
Tuongcuop
Hê hê, cô bé bướng bỉnh:


-khật khưỡng chào làng với cái chai
thêm năm ba chén một hơi daì
tướng cướp giang hồ_ ai gác kiếm
để sớm nghiệp nhà " luận văn chương"!!!

C.B.B.B

Thật giả trên đời tưởng mặt chai
Cầm ca thi họa đã khuê đài
Giang chi, hồ thử chưa mãn kiếp
Nhận Nguyễn lâu rồi há mấy ai...

Nghiệp nợ, văn gì, đi như cướp
làm cây trước gió thử sức dài
mượn buồn vài chén say chưa đã
bầy vui thực đãi chả đúng sai...




TươngGiang
bác lại ưu tư quá nhỉ? Chuyên là khổ thế đấy leuleu.gif
Em bác giờ cứ cái gì nhàn tản mà nhận thôi, để sau này phải luống cuống với thời gian, thì mệt lắm bác ạ!
Welcome home!
cobebuongbinh
chào bác tuongcuop!

làm cây trước gió thử sức tài
giang hồ như thế dễ mấy ai?
đúng sai đời biết, ai hờn giận
say năm ba chén biết anh tài

bác nè!
ví thử cầm ca ai muốn nghe
có chăng bác chọn một hai bài
thi_ thì đã thấy, văn_ đã luận
còn cầm với họa_bác! xin mời!

Tuongcuop
này cô gái bướng bỉnh. ta nhuận sắc lại, vì vần luật trong lối hơi thơ xưa nên nhuận sắc lại..


làm cây trước gió thử sức tài
giang hồ như thế dễ mấy ai?
đúng sai đời biết, ai hờn giận
say năm ba chén đúng anh hai

bác nè!

ví thử cầm ca ai muốn nghe
có chăng bác chọn tốt hay xe
thi_ thì đã thấy, văn_ đã luận
đây đàn đây cọ xin bác khoe...

và xin trả lời:

đàn quê giây đứt ai thích nghe!?
quá bộ Ngọc Hà lối ngựa xe
họa dù tự biết, buông cọ đã
trước chú Y U phải e dè...

Đời hay nói thật, ghét khoe mẽ
Chữ vốn thẳng ngay lời se sẽ...
giữa chốn giang quân hiền như tiểu
dữ dằn mãnh bão ấy phòng the... laugh1.gif


Tuongcuop
Tôi cho là tu từ ở văn thơ của ngày hôm nay, đôi khi là cấp thứ thấp, bất hạnh khi cất lên, nếu không tự nhiên điệu nghệ. Không để ý tới riêng sự tu từ, tạo nên mọt dòng chảy miên man đôi khi vẫn tới sự thăng hoa nếu truyền đi cảm xúc mãnh liệt như thác đổ và suy tưởng...Khai phá cái mới, đường rừng mới của thơ thực nhọc nhằn và bí hiểm! Cứ đặt hai tập thơ của hai nhà thơ nữ, Vi Thùy Linh và Phan Huyền Thư, thấy rõ hơn điều này. Phan Huyền Thư tỏ ra rất chịu tu từ và kiến trúc một khối thơ nén chặt chữ nghĩa. Vi Thùy Linh thì dường như giả vờ không chú ý tới điều ấy, thơ Linh rào rạt vô bến vô bờ. Nhưng hỏi thơ ai truyền cảm súc mạnh hơn ai? Thật khó trả lời. Ở nước ngoài, mang hai ả Tố nữ đi theo, tôi được sống thêm với thơ của họ. Nhưng giờ đây, qua tai tiếng và trả giá, hai thi sĩ này từ xuất hiện trước thiên thanh tới vị thế được định vị bên các nhà thơ đàn anh đi trước.
Các nhà thơ tìm tòi phải chịu trận, cũng như nhà văn cần dấn thân. Không nên đi đâu cũng kêu khổ lu loa làm khó chịu đời sống thường ngày của đồng nghiệp. Con đường rừng của thi ca vốn dễ lạc như rừng rậm. Khó khăn lắm nhunưg như Nguyễn Duy nói, với tôi là tâm đắc: “Xin em chớ nản lòng yêu“

Ngôn ngữ của hội họa siêu thặng hơn, nhưng tự do hơn. Bởi khi chẳng có gì cụ thể gắn bó với đời sống xã họi như văn thơ dùng chữ, nói lời gắn với cuộc sống quanh ta. Hội họa như riêng rẽ khoẻ ăn, là sự kết hợp như siêu nhiên, như vô thức, từ màu tới hình, từ cân đối tới không nhận ra âm và dương...vẫn có lời và tha hồ Nói, dù sự vô ngôn ở hình và màu, bố cục và cả âm thanh tiếng động nhịp màu (từng gam)...Tôi nói vậy vì có bằng chứng là ở ta hiện nay sự cấm kị trong hội họa đa số rơi vào cái gì dễ nhìn, kém cỏi tới phô dễ suy đoán. Cuộc trình diễn sắp đặtcủa vài họa sĩ trẻ ở bên Quốc tử Giám năm nào bị la ó chính là phô phang mà chưa tới mức thẩm mĩ. Nó như tiếng đàn phô mà thôi. Hoặc dăm cái tranh vẽ về tình dục, về luy là dễ bị la ó, phê phán nhất...Ở đây, sự cần và đủ do nhu cầu nội tại của cá nhân trong nghệ thuật là con đường rất dễ nhầm lẫn, dễ sa ngã lắm nếu chỉ nhăm nhăm tìm một vế của giá trị một tác phẩm. Nó đòi hỏi một sinh thể thơ mang tính thống nhất giữa nội dung và hình thức, là một cặp phạm trù song hành không có sau và trước.

Từ sự quan sát thơ Việt và thơ bè bạn ở Đức cũng như sự liên hệ với hội họa ( môi trường từ tuổi thơ), tôi suy nhận ra nhiều điều hết sức có tính cảm thức...

Thơ hay là gì? Dùng Lê Đạt mà soi rọi vào vài nhà thơ khác thật vô lí. Bởi vì nếu bất kì dòng viết nào của thi sĩ, bất kỳ dưới hình thức nào tạo nên sự va đập tạo thêm tiếng binh bong trong tâm hồn bạn đọc là hay.

Tôi cũng quan niệm hôm nay rằng, ở góc chiếu nào đó, thơ là Câu chuyện của tâm hồn, chứ không phải sự kiện sắp đặt một cách tượng trưng bên nhau, hoặc câu chuyện được kể có vần.

Thơ cũng đôi khi, là Nhật kí của dòng cảm xúc, mà "câu chuyện" không phải kể cho hết, cho đủ mà hình như nếu là thơ thì câu chuyện của thời điểm nào đó chỉ là cái cớ, là điểm tựa vào để nhóm lên lửa cảm xúc tiếp ở bạn đọc từ những xúc động bên trong nhóm chữ xây dựng nên các tuyến một hành trình nào đó....

Tuongcuop
Đôi khi, thơ lơ ngơ như thằng điên, say, lảm nhảm vẫn hay; hay không phải vì cái để hiểu mà chính là sự chẳng rõ ràng gì, chỉ để có đủ một tiếng reo của tấm lòng, ko thể lí giải cụ thể bằng thước đo trước nó....Sự vô nghĩa của trật tự ngữ pháp, sự vô lí của trật tự ngôn ngữ, sự ghép từ tạo được thanh âm, màu sắc, gợi mở những từ có nghĩa nào đó cho bất cứ luồng , tuyến của riêng từng độc giả đã tạo nên cái hay của thơ. Điều này, xuất hiện chỉ gần đây khoảng ba chục năm, chảnh nhất là Bùi Giáng, sau là thế hệ sinh sau. Dường như đây là sự tiết khí của vận thi sỹ chứ Bùi Tiên Sinh không phải là nơi tạo nguồn cho dòng chảy này.Vì loại viết Lơ ngơ này, xuất hiện cả ở hai miền nam bắc khi chia li, mà khi ấy mọi thông tin về Bùi tại xứ Bắc không thể có được. Có thể trích ra một câu rất nhiều người thích, khi Bùi viết: Mùa xuân phía trước, miên trường phía sau...Mùa xuân phía trước có ý lí, còn vế sau chả có ý nghĩa gì. Miên trường là cái gì? Bố ai hiểu. Thế mà họ và tôi thuộc ngay. Đọc lên, vẳng như có tiếng binh bong...Thế là hay chứ còn chi nữa.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, có nhiều bài thơ hay, ảnh hưởng hơi thơ Quang Dũng. Anh là nhà thơ tình, tình của bạn và tình của quê. Những bài thơ mà chúng tôi thích nhất của anh như dòng sông mơ, triền miên mềm mại chảy và khó ai mà bắt chước. Ta của xứ đoài, đất nước, phố, gửi bạn bè, đêm Nam Cao…trong mạch chảy của tập Những con ngựa đêm là vệt sông nước mênh mang, giữa sương khói ngập tràn tiếng chuông vọng ngân nga, ngân nga mãi trong lòng người đọc. THơ Chiến đôi khi cũng tạp vào một vài câu ngô nghê để Nguyễn Hòa cười vào mũi “trong đầu nhà thơ…” Nhưng Chiến là một nhà thơ cơ bản tuân theo luật chơi thơ cũ với lối biến báo sành nghệ của ngôn từ hiện đại, hết sức gợi hơn lứa thơ trước anh. Cũng đôi khi, phá bỏ luật lệ cũ, bất ngờ lẫn một câu không trật tự Quang Dũng. Xin kể chuyện này về anh:
Có lần hắn hạ: Mấy năm giờ gặp lại/ Anh vẫn còn Bắc Giang. Câu thơ hay ở đây không phải ở sự logich. Hay ở tiếng loong coong của từ; Bắc Giang gợi từ lang thang. Không có từ lang thang, nhunưg ý bao năm bạn ở đâu, nay mới về tụ hội ở Hà Nội. Tôi rung hồn thấy bạn, Minh photograp, xưa chắc lang bạt kì hồ…Một từ Bắc Giang gợi thêm hàm lượng mới, mang vác thêm ý mới sau tầng chữ. Đấy là đắc địa của một cái lơ ngơ. Chiến đã nhặt ngay câu thơ ấy từ lời thoại bình thường khi chúng tôi gặp nhau trên hè hố Trần Quốc Toản. Khi mà cả Quốc, cả Chương, tôi không thường trực thơ để nhặt lên…Hoặc khi tụi tôi, Chiến cùng cố thi sĩ Bế Kiến Quốc, họa sĩ Thành Chương gặp bạn mới là nhạc sĩ Mai Lâm từ Đức về. Vui, bất ngờ vui. Chiến lập tức viết ngay bài thơ dài trong đó có câu: Mai Lâm phố cũ chiều không cũ/ ta dưới trăng về chẳng gặp trăng… (1)Chúng tôi khi ấy không ai biết có cái làng tên là Mai Lâm ở Gia lâm, mãi năm sau mới vô tình biết. Trong câu thơ này, Mai Lâm là tên người. Nó làm trong cơn say về tình bạn hội ngộ, nhưng khi bạn đọc, chả nên biết và cũng không nên biết câu chuyện, xuất xứ. Mai Lâm tựa như một địa danh, khi đặt bên phố cũ. Câu thơ buồn man mác, lại có hai tầng ý. Thế mà khi in sách, vì nghe ai xui, gã viết lại: “Em đi phố cũ chiều không cũ”. Thơ Chiến lắm bài hay hơn thơ tôi vài cung bậc, nhưng nếu Chiến sửa như vậy, không thể nặng hơn câu tôi đã viết: Em đi …/phố cũ/ Vàng bến đợi- trong truyện ngắn Phố cũ 1) Sách ra, Quốc và tôi, cả Thành Chương thi nhau đàn áp Chiến. “Câu sửa thế, ai chả viết được. Lại em út cải lương làm sao.” Mai Lâm thì buồn, thiu một nhát ở Hamburg. Ai lại xui Chiến để đổi cải câu thơ dở ấy? Tôi trêu, chắc em nào nó xui đây. Dại gái mất tiền còn được, thậm chí mất chức cũng chả sao. Chê trách rồi sẽ qua thôi. Ai cười được suốt đời và dầu sao cũng thương...vì “em” mà mất, lụy tình vào bỗng mà mất, xứng đáng mất! (nếu em thực sự làm trái tim ta không thể yên mà viết hay hơn). Chứ vì cái ấy mà mất thơ, tịt viết thì chó nó thương? Đấy là tôi kể ra chuyện bạn, thi sĩ, người thơ chuyên nghiệp - Nguyễn Việt Chiến, khi nào cũng thường trực tư duy thơ -mà còn có khi lẩm cẩm, tới tự làm hỏng một câu thơ như thế.

Lại nghĩ về tính chuyên, gần đây tôi đọc một bài trên Văn Nghệ dẫn lời Steven King nói: Chỉ những nhà văn nghiệp dư mới chờ cảm hứng... Câu ấy có lẽ phải bàn. Tôi sợ sự cảm hứng triền miên không chờ như điên của các nhà thơ nghiệp dư. Vì chả có cảm hứng nào tự tạo nên cả và không phải cứ ngồi vào bàn viết không có cảm hứng mà ra được cái hay. Vì sự trời cho, sự chuyên nghiệp của thơ văn buộc Thường trực cảm hứng và đạt tới độ cấu thứ nhất định. Đau đáu vì nó, như yêu, bất kì khi nào cũng suy nghĩ về thơ, văn là thái độ chuyên nghiệp của người viết. Còn họ có chờ hay không chờ, ngồi vào bàn hay không, kiếm ăn nuôi thân bằng nghề gì, không nói lên được điều cố từ của tính chuyên. Không có sản phẩm chuyên nghiệp thiếu cảm hứng và không thể dùng lí trí tạo nên cảm hứng.

Còn nữa
Hoang Yen
QUOTE
Đời hay nói thật, ghét khoe mẽ
Chữ vốn thẳng ngay lời se sẽ...
giữa chốn giang quân hiền như tiểu
dữ dằn mãnh bão ấy phòng the...



Mãnh bão phòng the, bác cứ khoe
Hỏi ai làm chứng? Ấy cái he !
Ba quân đã trót hiền như tiểu,
Giữa làng sao vẫn múa cái be ? ...


laugh1.gif
Tuongcuop


Hê hê, lâu lắm mới nhìn thấy bà ở mục này. Em xin trả lời bà chị.

HY Nữ sĩ:

Mãnh bão phòng the, bác cứ khoe
Hỏi ai làm chứng? Ấy cái he !
Ba quân đã trót hiền như tiểu,
Giữa làng sao vẫn múa cái be ? ...

Ngụy quân tử Tuongcuop:

Mạnh bão phòng the, thích thì khoe
Trứng đậu nên quân khắp sông, khe
con cướp ba miền đông như giặc
chợ làng thiếu rượu nên múa be...

Hoang Yen
QUOTE(Tuongcuop @ Jan 4 2007, 06:56 PM)
Mạnh bão phòng the, thích thì khoe
Trứng đậu nên quân khắp sông, khe
con cướp ba miền đông như giặc
chợ làng thiếu rượu nên múa be...
*



Thì ra be rỗng vác lăm le
Tìm nơi cất rượu để gầm ghè
Con giặc, trứng rươi, thời bố cạn
Mãnh bão phòng the vốn dễ lòe...


laugh1.gif
Tuongcuop
"Thì ra be rỗng vác lăm le
Tìm nơi cất rượu để gầm ghè
Con giặc, trứng rươi, thời bố cạn
Mãnh bão phòng the vốn dễ lòe..."
HY

Ngụy quân tử Tuongcuop:

Nào đâu be rỗng tựa "làm le"
rượu đầy, say khướt mới gầm ghè
con giặc trứng tươi sông nào cạn
cứ thử một phen biết ai lòe...

Nhan dây xin trả lời bạn trẻ viết bên trên: Cái hình áy do tôi yêu cầu Hưng gửi lên, khi mà bút danh Tuongcuop đầu tiên lên mà chưa ai biết là ai. Còn chữhur đổng thiên vương do Hưng hay ai đặt thế Tôi ko biết nó có ý gì trong mjang. Cái đó với tôi chả quan trọng gì. Tôi cũng thích hình thằng say...Say rượu hay say sống hoặc say yêu như nhau cả...
Hoang Yen
QUOTE(Tuongcuop @ Jan 4 2007, 07:19 PM)
Nào đâu be rỗng tựa "làm le"
rượu đầy, say khướt mới gầm ghè
con giặc trứng tươi sông nào cạn
cứ thử một phen biết ai lòe...
*



Ôm be, say khướt, nói lè nhè
Bao con, có nhớ, kể ra nghe
Dũng mãnh tịnh mông, voi ngả sáo
Có thử một phen khéo lại tòe...


laugh1.gif
Tuongcuop
Nữ sĩ HY:

Ôm be, say khướt, nói lè nhè
Bao con, có nhớ, kể ra nghe
Dũng mãnh tịnh mông, voi ngả sáo
Có thử một phen khéo lại tòe...

Tuongcuop:

Vốn người kính vợ sợ tiếng nhè
dẫu con tám hướng chẳng dám khoe
Đầu tượng, đôi xe, cong nòng pháo
đạn ria bắn yến(1), đíu ngại tòe


1-Chim yến vàng chứ ko có ý chi rứa...:-) laugh1.gif
Pages: 1, 2
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > Văn Học & Ngôn Ngữ
Bạn đang xem phiên bản gọn nhẹ của diễn đ n dưới dạng text, để xem các b i viết với đầy đủ mầu sắc v hình ảnh hãy nhấn v o đây !
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.