Langven.com Forum

Giúp đỡ - Lục lọi - Dân l ng - Lịch
Full Version: Nghĩ về giá trị đích thực của phê bình văn học
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > Văn Học & Ngôn Ngữ
Pages: 1, 2, 3
lananhhanoi
Võ Tấn Phong

Lại bàn về trường phái lý luận Việt Nam



Ðọc xong bài trả lời của tác giả Phan Nhiên Hạo1, tôi bỗng giật mình. Ông chỉ cần đọc qua bài của tôi là đoán ngay được cái chân tướng của tôi. Vì vậy tôi không dám giấu giếm nữa. Tên thật của tôi là Trư Bát Giới, còn Võ Tấn Phong chỉ là bút danh. Bản thân tôi học hành lơ tơ mơ, vào lớp học thì bị các bạn học chỉ chăm chăm chế nhạo cách phát âm tiếng Anh ngọng nghịu của tôi. Thấy học hành khó nhai, tôi muốn tìm một chỗ đứng (hoặc ngồi, hoặc quỳ) trong văn chương. Vì có quen biết sơ, qua trí tưởng tượng, với các vị có tên tuổi trong giới cầm bút như Phạm Thị Hoài, Nguyễn Hưng Quốc và Hoàng Ngọc Tuấn, và các vị này lại tôn trọng ý kiến của một kẻ lơ tơ mơ nổi tiếng như tôi, nên tôi quyết định viết một bài (và nếu bài viết này được đăng, thì tôi có hai bài!) đứng về phe họ hoặc ca, binh họ thật nhiều. Chỉ mong sao khi tôi viết vài bài thơ lơ tơ mơ hoặc một cuốn tiểu thuyết lơ tơ mơ, họ sẽ nhớ cái tình nghĩa này mà ra tay cứu bồ.

1.
Nhưng khi tôi thông minh đột xuất, viết ra một câu đúng, hoặc phát biểu một chân lý, như "Người chết thì hết thở", thì cái câu này vẫn đúng, bất chấp cái lương tâm dơ bẩn, cái dáng nịnh hót đê hèn, và cái vẻ nhút nhát dấu kín tên tuổi mình của tôi. Và như thế, cái quy ước quan trọng nhất đối với cá nhân Phan Nhiên Hạo tự nhiên không còn giá trị gì trong các cuộc tranh luận.

2.
Phan Nhiên Hạo cũng phê bình tôi về việc can dự vào cuộc tranh luận có tính chuyên môn hẹp của Phan Ngọc và Phạm Thị Hoài. Tôi ngờ rằng Phan Nhiên Hạo chưa đọc các bài của Thảo Hảo2, Hoặc Ngữ3, và Phạm Thị Hoài4 phê bình dịch phẩm của Phan Ngọc. Riêng trong bài viết trước, tôi chưa hề chen vào sự đúng sai của Phan Ngọc, mà chỉ phê bình cách tranh biện của ông5. Phan Ngọc khó chịu vì "Cách nói của chị Hoài quả là gay gắt"; ông viết: "kiến thức Hán học của chị không giống ai"; ông khoe ông học Hegel với Trần Ðức Thảo; ông kết luận rằng ông "sống nhỏ bé, không nói năng ồn ào..." Nếu Phan Nhiên Hạo không cho đó là ví dụ của sự tấn công người phê bình, và bảo vệ mình kiểu "ta có chân truyền", thì Trư này cũng đành vẫy đuôi chịu thua. (Hơn nữa, chữ Entfremdung dịch ra tiếng Anh là alienation, có nghĩa là sự làm cho xa lánh, sự ghét bỏ, sự làm cho khác đi. Còn tha hóa vào cái thời Trương Tửu và Trần Ðức Thảo có lẽ vẫn còn cái nghĩa Entfremdung trong tiếng Ðức hoặc alienation trong tiếng Anh. Bây giờ tha hóa chỉ còn cái nghĩa biến chất, trở thành xấu xa - degenerate, become depraved-như trong cuốn từ điển Việt-Anh6. Nếu lúc này tôi không đứng về phía Phạm Thị Hoài, thì nên khen cái sai rành rành của Phan Ngọc sao?

3.
Về sự chậm hiểu của Trư Bát Giới tôi lúc đọc bài của Nguyễn Quốc Trụ7, tôi xin trích vài ví dụ. Ở mục "1. Ðọc Thơ Trẻ, ở trong nước" sau khi trích dẫn Vi Thùy Linh, Nguyễn Quốc Trụ lại trích Octavio Paz, rồi hai câu thơ dịch vô danh, ở dưới chú thích là mô phỏng Rilke và Victor-Émile Michelet, rồi đến trích dẫn Phan Huyền Thư. Trư tôi chậm chạp hiểu ra và tự hào là Việt Nam ta có thêm ba nhà thơ trẻ nổi tiếng có bút danh bằng tiếng Tây Ban Nha, bằng tiếng Ðức, và tiếng Pháp. Trong các đoạn văn tiếp theo, rất nhiều câu phức hợp dài một cách không cần thiết; dấu phảy được dùng rất tùy tiện, lại bị phức tạp hóa bằng những trích dẫn trong ngoặc đơn hoặc suy tư của tác giả trong ngoặc vuông; và lại rất không thống nhất trong cách trích dẫn. Mạch văn lại ngắt quãng bằng những đoạn hồi tưởng. Ðó là chưa kể ông tạm dịch sai chữ poet-tsar (tsar là từ chỉ Nga Hoàng, và poet-tsar có thể dịch là thi bá hoặc nhà thơ đầu đàn) thành nhà thơ-cung đình. Hoặc ông dịch sai đoạn "art subjected to the rules of a tyrannical power" (đúng ra là "nghệ thuật dưới những luật lệ của bạo quyền") thành "nghệ thuật viết dưới ánh sáng của Ðảng". Thơ văn có thể (và nhiều khi rất cần) lan man, sai ngữ pháp, thiếu logic, hoặc khó hiểu, nhưng phê bình thì rất cần sự trong sáng, chính xác, và rõ ràng.

4.
Phan Nhiên Hạo tranh luận rất dài hơi về chữ ngụy biện tôi đã dùng để dịch từ fallacy của Anh ngữ. Tôi có thể đoán là Phan Nhiên Hạo chưa hề học qua khoá "Critical Thinking", cũng không buồn tìm hiểu về phép biện chứng và thế nào là fallacy. Các cuốn từ điển Anh-Việt8 hiện lưu dùng ở Việt Nam đều dịch fallacy là ngụy biện. Còn trong phép tranh luận, fallacy có nghĩa là một lời lý luận có sức thuyết phục, dù sai lầm hoặc vì hình thức lý luận, hoặc vì sự sai lầm của một trong các giả thuyết9. Như vậy có thể thấy rằng fallacy chỉ là một cú chơi xấu (thuộc về hình thức tranh luận), giống như cú đấm dưới thắt lưng bị cấm trong quyền Anh, nên tránh trong lúc tranh cãi, chứ không phải là cách diễn giải các sự kiện (thuộc về nội dung tranh luận), như Phan Nhiên Hạo đã giải thích rất sai một cách rất hùng hồn.

Trong khi phê bình việc tôi ghép ông cái "tội" ngụy biện, Phan Nhiên Hạo cũng làm một phép so sánh: việc tôi bắt bẻ cách viết của ông cũng giống như việc bạn bè trong lớp chế nhạo giọng Anh ngọng nghịu của tôi. Ông đã vô tình phạm thêm vào một lối ngụy biện khác gọi là "False Analogy" hay là "so sánh bậy", vì hai thứ này không có gì liên quan với nhau cả. Nếu phải so sánh, thì phải là: việc tôi bắt bẻ cách viết của ông cũng giống như việc bạn bè trong lớp chế nhạo thứ ngữ pháp rừng rú của tôi. Bởi vì cách tranh luận và ngữ pháp là những luật lệ cần phải tuân theo khi tranh luận và khi nói. Và một khi đã so sánh như vậy, tôi cần thay đổi cái thứ ngữ pháp rừng rú bằng ngữ pháp tiêu chuẩn của tiếng Anh, và Phan Nhiên Hạo nên thay đổi cách lý luận đầy những ngụy biện.

5.
Bản thân bài của Nguyễn Quốc Chánh10 không có gì sai, vì đó là một tác phẩm sáng tạo. Người nghệ sĩ trong lúc sáng tạo cần đi rất xa, càng đi xa con đường mòn càng tốt. Bài của Thân Thu Anh11 cũng không có gì sai. Phê bình là một cách hiểu. Nếu phê bình chỉ nhắm vào tác phẩm, và dựa trên các quy tắc tranh luận, thì ý kiến phê bình nên được tôn trọng. Còn trong bài của Phan Nhiên Hạo12, ông đòi hỏi người đọc "một chút thiện chí". Tại sao phải cần "thiện chí" khi phê bình? Ông muốn biến cái "thị trấn" văn chương Việt Nam vốn đã tụt hậu quay trở về cái "làng xã" lạc hậu hơn mà các cụ khi bình văn cứ gật gù châm chước nhau chăng?

Trong cả hai bài đã trích dẫn của Phan Nhiên Hạo, ông nhấn đi nhấn lại một ý kiến kỳ quặc khác, là phải căn cứ vào nhiều bài viết khác để đánh giá một bài viết của Nguyễn Quốc Chánh. Thật ra, mỗi tác phẩm khi khai sinh là đã có, và rất cần có, một số phận độc lập. Chỉ khi đó, các nghệ sĩ mới luôn đi tìm cái mới lạ, cái hay, cái đẹp, chứ không dựa vào và lập lại những tác phẩm đã nổi tiếng xa xưa của mình. Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến nổi tiếng là một trong những người đầu tiên đã nhận ra văn tài của Nguyễn Huy Thiệp và đã bảo vệ nhà văn này rất nhiệt tình. Cái "công" đó không làm giảm cái "tội" trích dẫn sai khi tranh luận với Hoàng Ngọc-Tuấn. Và nếu sau này khi Hoàng Ngọc Hiến lại phát hiện ra một Nguyễn Huy Thiệp khác, thì cái "tội" trích dẫn sai không hề làm giảm cái "công" mới này. Lấy một ví dụ giả tưởng khác. Nếu một mai trời đất đổi thay, Nguyễn Huy Thiệp bỗng viết một cuốn tiểu thuyết ủy mị, văn chương tầm thường, thì tôi nên viết một bài "Trời đất quỷ thần ơi, sao Nguyễn Huy Thiệp viết văn tệ như dzậy!!!", hay là nên viết "Cùng với Tướng Về Hưu, Kiếm sắc, và Con gái Thủy Thần, văn chương Thiệp vẫn còn khá lắm"?

6.
Phan Nhiên Hạo trong bài viết trước không hề lý luận tại sao Nguyễn Quốc Chánh có thể làm thơ hay mà vẫn viết sai ngữ pháp, mà chỉ chăm chăm phê phán Thân Thu Anh là "từ trong sâu thẳm" bị đe dọa bởi những xác tín chính trị, không dám phê bình thẳng Nguyễn Quốc Chánh. Và ông bênh vực rằng Nguyễn Quốc Chánh là "người làm thơ lâu năm" nên không thể bị phê bình về ngữ pháp. Bài viết này cho thấy Phan Nhiên Hạo đã tránh né luận điểm "Nguyễn Quốc Chánh viết sai ngữ pháp" bằng cách khen ngợi trình độ Nguyễn Quốc Chánh, và đánh vào Thân Thu Anh. Như vậy ông đã phạm vào một lối ngụy biện gọi là "Ad Hominem" (tiếng Latin), có nghĩa là "nhắm vào con người", thay vì tranh luận về các luận điểm. Tôi cũng vừa nhận ra ông phạm thêm một lỗi tranh luận khác, gọi là "Red Herring" (có thể dịch là tung hỏa mù), khi ông phê phán Thân Thu Anh "thiếu thiện chí", hoặc "những xác tín chính trị bị đe dọa", mà thực ra những vấn đề này không liên quan chút gì đến luận điểm "Nguyễn Quốc Chánh viết sai ngữ pháp"; những lời phê phán của ông chỉ nhằm tung hỏa mù để làm người đọc rối trí và quên mục tiêu ban đầu.

7.
Tôi đọc "AQ chính truyện" lần đầu tiên từ bản tiếng Anh13. Rất lâu sau này, tôi mới có dịp đọc bản dịch tiếng Việt, "AQ chính truyện" của Trương Chính và "ẢQ chính truyện" của Giản Chi. Vì bị bạn bè chế nhạo lâu ngày về thứ tiếng Anh ngọng nghịu của tôi, tôi hiểu được cái giọng châm chọc chua chát trong bản dịch tiếng Anh. Bản dịch của Trương Chính và Giản Chi có nội dung giống nhau, nhưng ẢQ trong bản dịch của Giản Chi hiện ra gần với bản dịch tiếng Anh hơn: sống động hơn, hề hơn, và giống tôi hơn. Vì vậy tôi mạo muội cho rằng bản dịch của Giản Chi là nhất. Cũng tương tự như vậy, tôi đọc "Tội Ác và Trừng Phạt" qua bản dịch tiếng Anh14 trước. Khi đọc lại qua bản dịch của Cao Xuân Hạo, tôi rất khâm phục lối hành văn trong sáng, cũng ngạc nhiên vì tiếng Việt có thể chuyên chở một cách khúc chiết những lời lý luận đầy chất triết học và tâm lý học vốn rất rắc rối của Dos. Hơn nữa, tôi có thể nhận thấy dịch giả Cao Xuân Hạo rất cẩn thận khi dịch, như việc ông dùng bản dịch Kinh Thánh của tiếng Việt thay vì dịch thẳng những đoạn trích Kinh Thánh từ nguyên bản tiếng Nga của Dos, và giải thích rõ ràng khi có sự khác nhau. Vì vậy tôi nghĩ rằng bản dịch "Tội Ác và Trừng Phạt" của Cao Xuân Hạo là xuất sắc.
Khi nêu lên hai tác phẩm dịch này, tôi muốn nói rằng tiếng Việt có thể dịch một cách rõ ràng và trong sáng nếu người dịch nghiêm túc. Khi Phan Ngọc dịch Hegel, đã làm phức tạp và làm vô nghĩa nhiều câu văn, là một ví dụ không nên theo.

8.
Khi nêu ra vấn đề thiếu dẫn chứng, Phan Nhiên Hạo lại lý luận rằng vì trong nước thiếu tư liệu cho nên cần được "châm chước", để cho công bằng hơn. Khi tranh luận, mà lại thiếu tư liệu, thì người tranh luận chỉ có thể dựa vào cảm giác của mình, vào kiến thức cũ của mình (có khi đã bị lạc hậu), vào những mối quan hệ cá nhân giữa người viết với nhau... chứ ít dựa vào bằng chứng rõ ràng. Và như vậy tranh luận dễ bị trở thành các trò ngụy biện. Hơn nữa, có nên nâng cấp trình độ lý luận của giới phê bình trong nước cho ngang bằng với trình độ của thế giới, hay là nên "công bằng" bằng cách ngoài nước thì phải nghiêm cẩn, chú thích rõ ràng, còn trong nước thì cứ ngựa quen đường cũ, không cần dẫn chứng?
Nếu người viết không nêu ý kiến rõ ràng và không lý luận vững vàng, mà chỉ chăm chút vào trích dẫn những tên tuổi lớn, thì đó là "mượn oai hùm", một lối ngụy biện. Nhưng nếu tư liệu đưa ra là để củng cố ý kiến của mình và giúp độc giả tìm hiểu sâu hơn những vấn đề mình đưa ra, thì đó là điều tốt, và nên làm theo.

9.
Tôi vẫn giữ vững ý kiến nên tách rời tác giả và tác phẩm trong nghệ thuật nói chung, trong văn chương nói riêng. Chỉ khi đó mỗi tác phẩm mới ra đời sẽ đứng ngang hàng nhau và sẽ được phẩm định theo vẻ đẹp và tính sáng tạo của nó. Chỉ khi đó nhà phê bình sẽ không sợ sệt khi chê những tác phẩm tầm thường hoặc cẩu thả của những tên tuổi lớn, và không ngại ngùng ngợi ca những tia sáng le lói của những mặt trời sắp mọc. Chỉ khi đó người bị phê bình sẽ cảm thấy khó chịu nhưng chỉ trong thoáng qua, vì chỉ có tác phẩm nghệ thuật của hắn bị phê bình thôi, chứ không ai bôi tro giát trấu vào mặt hắn cả. Chỉ khi đó nghệ thuật sẽ thêm phần lịch sự: người ta chỉ phê bình tác phẩm của nhau, mà không réo gọi tên nhau và không moi móc đời tư nhau. Chỉ khi đó nền nghệ thuật, bao gồm người sáng tác và phê bình, sẽ cư xử nhau nhân ái hơn: khi những cuộc tranh luận đi qua, người ta có thể bắt tay nhau và cùng nhau đi uống bia, vì những vấn đề vừa tranh luận nảy lửa trên kia thuộc về một ngôi thứ ba, vì những ý kiến phê bình vừa qua không nhằm hạ thấp giá trị con người của tác giả mà chỉ mong xây dựng những tác phẩm lớn hơn. Chỉ khi đó, chúng ta mới có được một nền cộng hòa văn chương15.

10.
Cuối cùng tôi cũng xin lỗi tác giả Phan Nhiên Hạo và độc giả nào lỡ đọc bài viết trước của tôi, là tôi đã không viết rõ ràng các ý kiến đưa ra. Sự cẩu thả đó là không thể tha thứ trong khi tranh luận. Tôi cũng đã học hỏi được nhiều khi viết bài trả lời này: phải viết rõ ràng, và cố gắng suy nghĩ mạch lạc trong lúc tranh luận, để không phạm vào các lối ngụy biện.


-----------
Chú thích:

Phan Nhiên Hạo: "Trường phái lý luận Việt Nam" và trường hợp của tôi, Talawas, Góc nói, 31.08.2002
Thảo Hảo: Tôi nghi ngờ ông Hegel, Talawas, Ngôn Ngữ và Dịch Thuật, 20.04.02
Hoặc Ngữ, Vài suy nghĩ về bản dịch bộ Mỹ học-Hegel của Phan Ngọc, Talawas, Ngôn Ngữ và Dịch Thuật, 22.04.02
Phạm Thị Hoài: Sấm Hegel, Talawas, Ngôn Ngữ và Dịch Thuật, 09.06.02
Phan Ngọc: Câu chuyện dịch "Mỹ Học" của Hegel, Talawas, Ngôn Ngữ và Dịch Thuật, 19.08.02
Ðặng Chấn Lưu, Lê Khả Kế, và Phạm Duy Trọng: Từ Ðiển Việt-Anh, nxb Khoa học Xã hội Hà Nội, 1993
Nguyễn Quốc Trụ: Những chi tiết thơ trong một cõi không thơ, Talawas, 05.08.02
Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, Từ điển Anh-Việt, nxb Khoa học Xã hội Hà Nội, 1990 Viện Ngôn Ngữ Học, Từ điển Anh-Việt, nxb TP. Hồ Chí Minh, 1993
http://www.kcmetro.cc.mo.us/longview/ctac/fallacy.htm
A Fallacy is a kind of argument which tends to persuade us, even though it is a bad argument, either because of the form, or because of the falsity of one of the premises.
Nguyễn Quốc Chánh: Của căn cước ẩn dụ, Talawas, Thơ và Thơ Trẻ
Thân Thu Anh, Ðọc Nguyễn Quốc Chánh, Talawas, Thơ và Thơ Trẻ, 04.08.2002
Phan Nhiên Hạo: Tiêu biểu của lối tranh luận tủn mủn, tránh né, Talawas, Thơ và Thơ Trẻ, 06.08.2002
Lu Xun: Diary of a madman and other stories, translated by William A. Lyell, Honolulu: University of Hawaii Press, 1990
Dostoevsky: Crime and Punishment, translated by Richard Pevear and Larissa Volokhonsky, New York: Alfred A. Knopf, 1993
Nguyễn Hưng Quốc: Tiến tới một nền cộng hòa văn chương, tập san Việt, số 6, 2000


© Talawas 2002






talawas talawas
lananhhanoi
Phan Ngọc

Thơ là gì ?


Trong quá trình xây dựng bộ "Phong cách học cấu trúc tiếng Việt", tôi bắt buộc phải định nghĩa lại các khái niệm, bởi vì các khái niệm trước đây về phong cách học là dựa trên nhận thức cảm tính về cái đã có, còn công trình của tôi mang tính thao tác, phải tìm cái lý do, cái sở dĩ của các hiện tượng đã được xem là hiển nhiên. Một định nghĩa về thơ, do đó phải:



Có giá trị phổ quát, tức là áp dụng cho mọi hiện tượng gọi là thơ trên trái đất này, bất chấp ngôn ngữ, thời gian, tập quán, trường phái;

Mang tính hình thức, giúp người ta nhận diện được ngay thơ để làm thơ, đọc thơ, giảng thơ có kết quả.


Các công trình ngôn ngữ học nước ngoài theo tôi theo dõi, quan tâm, không phải tới điểm thơ là gì mà cái nên thơ (le poétique) là gì. Hai khái niệm này rất khác nhau. Ở đây, tôi không bàn đến sự khác nhau này để khỏi sa vào tư biện. Trong phạm vi bài này, để cho dễ đọc, tôi xin nêu định nghĩa của tôi và giải thích lý do tại sao tôi lại định nghĩa như vậy...

Thơ là một cách tổ chức ngôn ngữ hết sức quái đản để bắt người tiếp nhận phải nhớ, phải cảm xúc và phải suy nghĩ do chính hình thức tổ chức ngôn ngữ này. Nói rằng hình thức tổ chức ngôn ngữ của thơ hết sức quái đản là nói rằng trong ngôn ngữ giao tiếp không ai tổ chức ngôn ngữ như thế. Trong ngôn ngữ hằng ngày, chẳng ai tổ chức ngôn ngữ theo âm tiết, vần, nhịp, khổ, số câu, niêm, luật... hết. Vậy tại sao mọi ngôn ngữ từ A đến Z đều chấp nhận một cách tổ chức thơ quái đản như vậy? Chắc chắn đây không phải là do nhu cầu giao tiếp, bởi vì chẳng cần phải tổ chức ngôn ngữ kỳ quặc như thế, cứ nói như ngôn ngữ hằng ngày vẫn giao tiếp rất tốt kia mà. Lý do, phải tìm ở chỗ khác. Ðó là vì ngôn ngữ hằng ngày, văn xuôi, vấp phải những giới hạn không thể nào vượt qua được. Ðó là vì có một thứ thông báo hết sức cần thiết cho đời sống tinh thần của một thể cộng đồng chỉ có thể truyền đạt bằng thứ ngôn ngữ quái đản này thôi. Ta phải tìm cho ra cái dĩ nhiên này để có thể phân định rạch ròi chức năng của thơ. Khi hình thức thông báo thay đổi thì nội dung thông báo cũng không thể không thay đổi. Hình thức đã quái đản như vậy thì nội dung thực tế phải có một khía cạnh nào đó thực tế không có trong ngôn ngữ bình thường. Sự thức nhận về ngôn ngữ cho đến nay chưa tiến hành triệt để. Ta chỉ nghe nói những lời hoa mỹ về ngôn ngữ này, mà không thấy một sự đối lập thích đáng (pertinent) giữa thơ và văn xuôi. Tình trạng này gây khó khăn cho một ngôn ngữ học cấu trúc.

Chúng tôi nói đến mục đích của thơ là bắt mọi người tiếp nhận phải nhớ, cảm xúc và suy nghĩ và, cả ba mặt nhớ, cảm xúc và suy nghĩ đều là do cách tổ chức ngôn ngữ rất quái đản của nó. Trong ba mục đích thì nhớ là đầu tiên và quyết định, bởi vì nếu người ta quên ngay hình thức diễn đạt thì làm thế nào có thể cảm xúc và suy nghĩ được?

Có nhiều dân tộc không có chữ viết, nhưng thơ vẫn lưu truyền qua hàng ngàn năm, vì người ta nhớ. Trong giao tiếp hàng ngày, chúng ta chỉ chú ý đến nội dung của thông báo, còn hình thức của nó ta quên ngay. Cho nên có câu "Lời nói gió bay". Trong đời, chúng ta nói một số câu vô hạn và viết một số câu cũng vô hạn, nhưng nhiều lắm chỉ nhớ được cái nội dung của thông báo chứ làm sao nhớ được hình thức của thông báo? Tại sao thế? Vì cách tổ chức câu nói quá bình thường. Một câu nói bình thường chỉ có thể lưu lại đời sau với một trong ba điều kiện:


Nó là lời của một người lỗi lạc và tiêu biểu cho sự nghiệp của người ấy. Thí dụ câu: "Không có gì quý hơn độc lập tự do" của Hồ Chủ Tịch. Nếu một người khác nói câu ấy thì sẽ bị quên.

Nó gắn liền với cúng tế, nghi lễ, tôn giáo: câu thần chú, câu kinh.

Nó gắn liền với một biến cố lịch sử quan trọng. Nó trở thành thiêng liêng đến mức người nói bắt buộc phải duy trì nguyên vẹn hình thức. Ðó là những khẩu hiệu, những câu tuyên ngôn bất tử, những chân lý thiêng liêng.


Trong cả ba trường hợp, một câu nói bình thường đều phải dựa vào một sự kiện hết sức đặc biệt, hiếm có, mới có thể duy trì hình thức.

Trái lại, câu thơ được nhớ qua hàng ngàn năm, không cần dựa vào yếu tố gì đặc biệt ngoài ngôn ngữ cả. Vậy cái gì khiến nó tồn tại lâu dài như vậy trong trí nhớ loài người? Chắc chắn không phải nhờ nội dung. Ðó chính là nhờ cách tổ chức ngôn ngữ của nó.

Quy luật của trí nhớ cho ta biết cái bình thường thì bị quên đi ngay lập tức. Muốn khắc sâu vào trí nhớ, nó phải khác thường hoặc về nội dung, hoặc về hình thức. Hãy kiểm điểm lại đời mình xem cái gì còn lại trong trí nhớ: Ðó đều là những biến cố tạo nên sự thay đổi trong cuộc đời: cái chết của những người thân, những ngày chiến đấu gian khổ, tình yêu đầu tiên v.v... Ðọc thần thoại, ai cũng nhớ con quái vật có con mắt ở giữa trán, vì không có con vật nào có con mắt ở vị trí quái gở như thể. Cho nên ở bất kỳ ngôn ngữ nào, thơ cũng là một cách tổ chức ngôn ngữ quái gở, đối lập hẳn với ngôn ngữ hằng ngày đến mức độ khó chịu. Ngay cả với thơ không vần hiện đại. Cho nên ta không ngạc nhiên khi thơ có vần, có nhịp, có cắt mạch, có số lượng âm tiết, có đối, có số câu, có niêm, có sự vận dụng về trọng âm, trường độ... theo những mô hình cực kỳ gắt gao. Cái gắt gao của mô hình là chỗ dựa của trí nhớ. Mô hình càng chặt thì càng dễ nhớ và dễ lưu truyền, bởi vì người ta có thể căn cứ vào mô hình để phục hồi câu thơ chính xác. Ở đây có hai trường hợp cần bàn. Có những nhà thơ, đọc có vẻ rất thoải mái, ngay trong cái mô hình chặt chẽ nhất. Thơ Tú Xương là thí dụ. Lại có loại thơ tự do nhìn như văn xuôi, thậm chí vẻ lủng củng. Thế phải chăng quy tắc tổ chức ngôn ngữ một cách quái gở bị vi phạm? Về trường hợp thứ nhất, dễ trả lời. Ðó là vì nhà thơ đã làm chủ khuôn phép một cách hoàn toàn, có vẻ như con người đi trên sợi dây mà vẫn hoàn toàn thoải mái. Trường hợp thứ hai là một sự đánh tráo. Nhà thơ bỏ sự gò bó bên ngoài về hình thức, không phải để quay trở về văn xuôi, mà chấp nhận những gò bó khác, ở cấp độ cú pháp và từ vựng. Bài thơ anh ta phải mới lạ về nội dung tư tưởng và tạo nên những liên hệ tư tưởng bất ngờ, do cách dùng chữ mang tính nên thơ. Tóm lại, đây vẫn là một cách tổ chức ngôn ngữ khác thường. Nếu thơ tự do không mới lạ về cách nhìn, không sắc sảo về từ ngữ, không táo bạo về cú pháp thì nó rất dễ chết. Ðiều này cắt nghĩa tại sao trên thế giới tuy thơ tự do nhan nhản, nhưng số còn lại chẳng có bao nhiêu. Trái lại, thơ theo khuôn khổ chặt chẽ, thực tế không đòi hỏi phải độc đáo về tư tưởng và từ ngữ cho lắm. Mặt khác, nếu như nhà thơ theo khuôn khổ tạo nên được những kiểu tổ chức độc đáo trong khuôn khổ cho phép, nêu được tài năng riêng của mình hay phá được khuôn sáo để đi đến một khuôn khổ mới đời sau chấp nhận thì anh ta sẽ có khả năng bất tử. Tôi nghĩ đến Sủn Thon Phu ở Thái Lan, Hồ Xuân Hương ở Việt Nam. Cũng vậy, nếu như đằng sau cái vẻ tự do chứa đựng những nguyên tắc chặt chẽ thì khả năng bất tử vẫn có. Tôi muốn nói đến trường hợp Maiakôpxki, Paul Eluart. Nếu một nhà thơ trẻ mà trình độ tư duy, sự am hiểu về ngôn ngữ, văn hóa chưa rộng thì hãy khoan làm thơ tự do. Thực tế, thơ tự do khó làm hay hơn thơ khuôn phép rất nhiều.

Tôi đã nói đến mặt nhớ trong quan hệ với cái lạ. Bây giờ nói đến mặt gây cảm xúc trong quan hệ với cái lạ. Ta hãy nói đến cảm xúc, nhưng cần phải thấy cảm xúc nảy sinh trong hoàn cảnh nào thì tôi mới có thể làm người khác cảm xúc. Nghệ thuật là khiến người ta cảm xúc như mình muốn. Do đó, phải có thao tác.

Cảm xúc do thơ gây nên không phải là cảm xúc do văn xuôi gây nên. Ðây là một điều rất căn bản mà tiếc thay lý luận văn học đã bỏ qua. Tiểu thuyết miêu tả tình yêu trên thế giới không phải là hiếm. Thế nhưng, khi bạn tìm những cách cụ thể để nói lên tình yêu của mình, thì chắc chắn bạn sẽ nhớ những câu của Virgile, Lamartine, Nguyễn Du, Nguyễn Bính, Xuân Diệu... và của những nhà thơ có thể rất tầm thường bên cạnh những ngọn núi đồ sộ như Stendlhal, Tolstoi... Nhưng các nhà văn xuôi kia dù có vĩ đại đến đâu cũng không tài nào cấp cho bạn tiếng nói bằng lời cụ thể tình yêu của bạn. Cũng vậy, không thiếu gì những đoạn văn xuôi rất hay miêu tả vầng trăng, kiếp sống con người... nhưng cả Ðông Á nhìn vầng trăng với đôi mắt Lý Bạch, suy nghĩ về kiếp sống với cái nhìn Ðỗ Phủ. Cuộc đời không cho phép tôi có một học vấn, một kiến thức phong phú dành cho một triết gia, mặc dầu tôi có ý thức học triết học nghiêm túc. Nhưng tôi đã dành cả cuộc đời để tìm hiểu chính mình, cũng công phu không kém một triết gia. Khi lý giải hiện tượng này, tôi thấy sự khác nhau là ở chỗ: câu thơ đọc xong thì đọng lại nguyên vẹn trong trí óc ta, trở thành một ám ảnh, và được nội cảm hoá ngay lập tức đến mức nó là của chính tôi. Ðây là một sự chiếm hữu trọn vẹn cả nội dung lẫn hình thức không một chút vi phạm dù là nhỏ nhất. Ðọc văn xuôi, sự chiếm hữu của tôi chỉ trọn vẹn ngay khi đọc, rồi sau đó tôi chỉ nhớ mang máng nội dung, còn hình thức thì quên. Khi hình thức đã quên, cách nào cảm xúc nội cảm hoá được? Kết quả việc thưởng thức Truyện Kiều rất khác cách thưởng thức Anna Karênina chẳng hạn. Tôi thuộc Truyện Kiều từ đầu chí cuối, cho nên cũng có một sự chuyển hoá, tôi là Kiều, Kim Trọng, Từ Hải, thậm chí là Thúc Sinh, Mã Giám Sinh lúc nào tôi cũng không biết nữa. Năm 764, Ðỗ Phủ viết những câu thơ mà tôi tạm dịch:

Việc lo đã có quan cao
Cớ gì nước mắt ào ào tuôn rơi?

Tôi là người nghiện thơ Ðỗ Phủ. Bây giờ, sau 1226 năm, có lúc chính tôi muốn nói như vậy. Ðây là một đặc điểm hình như chỉ có thơ làm được. Văn xuôi không làm được đã đành vì cái còn lại trong ta là thông báo, không phải hình thức diễn đạt. Còn âm nhạc, vũ, đòi hỏi những con người tái hiện được nó, một số rất ít. Riêng thơ là chung cho loài người. Chỉ cần anh hiểu, anh nhớ, là nó trở thành sở hữu của anh, suốt đời. Cảm xúc của thơ cũng khác cảm xúc thực tế đưa đến, hay cảm xúc của các hình thức nghệ thuật không sử dụng tiếng nói của con người (kiến trúc, hội hoạ) ở điểm sau đây: Nó là một cảm xúc được khái niệm hóa chứ không phải là cảm xúc trực tiếp. Giác quan ta không tiếp nhận trực tiếp hình ảnh âm thanh của thế giới bên ngoài và của thế giới nội tâm, mà các hình ảnh ấy có gây được cảm xúc hay không chỉ là căn cứ vào điểm nó có phù hợp với cách ta khái niệm hóa bằng ngôn ngữ hay không. Ðiều này thấy rất rõ trong cái được gọi là tính nhạc của thơ. Một câu thơ được gọi là dịu dàng, dồn dập, vang dội, bay bổng, v.v... chỉ khi nào cách tổ chức âm thanh cũng phù hợp với nội dung được biểu đạt cũng dịu dàng, dồn dập, vang dội hay không. Còn nếu nội dung khác đi thì ta chẳng thấy tính nhạc gì cả. Về hình ảnh thị giác cũng thế. Nếu hình ảnh không phù hợp với nội dung được diễn đạt thì chẳng gây cảm xúc gì. Tình hình không giống như trong âm nhạc và nghệ thuật tạo hình; ở đây âm thanh, hình tượng, tự chúng tác động trực tiếp, đẩy ta đến khái niệm. Trong thơ văn, trước hết là chữ và cách tổ chức của chữ. Ðó là điểm thứ hai. Tôi không có một học vấn triết học và tâm lý học đủ để xây dựng một lý thuyết thao tác luận về cảm xúc thơ. Các lý thuyết tâm lý học mà tôi theo dõi chưa đáp ứng được yêu cầu này. Tôi chỉ có khả năng nói đến một số biểu hiện của cảm xúc thơ rất phổ biến. Có những cảm xúc liên quan đến những thèm khát của kiếp người. Có ba loại: Loại khao khát không bao giờ thoả mãn được, nhưng giới hạn của nó ngày càng giảm bớt. Có loại khao khát hôm nay tôi chưa đạt được, nhưng trước đây hay ngày mai thế nào cũng đạt được. Cuối cùng là loại khao khát tôi đã đạt được cho tôi, nhưng vẫn có những người chưa đạt được và mơ ước của tôi là toàn thể loài người phải đạt được khao khát ấy. Cảm xúc do thơ gợi lên chính là cái khao khát tôi cảm thấy với tính cách kiếp người, cá nhân hay loài người. Ngày nào tôi cũng ăn phở, ngày nay tôi cũng ăn thì bát phở không gây cảm xúc gì đáng kể. Trái lại, tôi đói thèm một bát phở, hay được ăn bát phở thì sẽ có cảm xúc. Hay đang ăn bát phở, nhìn quanh thấy vô số người đói thì tôi có cảm xúc. Tôi muốn làm thơ gây cảm xúc, thì phải theo cái mẹo ấy: Tạo nên sự khao khát.
lananhhanoi
Có những khao khát kiếp người không sao thoả mãn được. Tôi biết tôi sẽ chết, nhưng lại muốn sống mãi; tôi đã già hay sẽ già, nhưng lại muốn trẻ mãi. Tôi là đàn ông, người Việt Nam, hôm nay, làm thế nào có thể là cô thiếu nữ Hy Lạp cách đây ba ngàn năm? Tôi là người, làm sao có thể là trăng, là hoa, là chim được? Nhưng từ cái ngày con người đẽo được hòn đá đầu tiên theo cái mô hình trong đầu óc anh ta thì cùng một lúc anh ta sống với hai thế giới là cái thế giới thực tế, với mọi sự hạn chế về tự nhiên, xã hội, cuộc sống mà anh ta phải chịu và cái thế giới biểu tượng, trong đó anh ta không chấp nhận giới hạn nào cả. Ðể tự an ủi, anh ta sẽ đẩy cái thế giới biểu tượng về quá khứ hay về tương lai và sẽ ra sức tổ chức cái thế giới thực tế theo thế giới biểu tượng. Cái cuồng vọng ấy có một cơ sở vật chất: Dù chỉ sáng tạo một cục đá, anh ta đã làm một hành động xưa nay dành cho thượng đế. Anh ta ý thức được cái đốm lửa thượng đế ở trong mình. Lịch sử tiến hóa loài người xét về một mặt nào đó là sự đẩy lùi những hạn chế về không gian, thời gian, xã hội, tuổi tác, giai cấp, văn hóa, dân tộc. Cho nên không thể cho nó là mê tín được.

Ðể thoả mãn ngay tức khắc cái khao khát này, văn xuôi bó tay. Tại sao? Vì văn xuôi là tiếng nói của thực tế tẻ nhạt, hằng ngày. Mà cái khao khát vươn lên đến sự thống nhất với vũ trụ, với loài người, xoá bỏ mọi giới hạn vốn dĩ là quái đản, cho nên phải có một cách tổ chức ngôn ngữ quái đản mới đáp ứng được. Tại sao cô vũ nữ ba lê đi trên đầu ngón chân cho khổ? Ðứng cả hai bàn chân cũng được chứ sao? Nhưng chỉ cần cô đứng trên hai bàn chân là cái thế giới bay bổng của trí tưởng tượng biến mất. Cô quay tròn trên đầu ngón chân như vậy thì ta mới có thể chấp nhận rằng cô nói với cái thế giới của mơ ước. Hình thức có cái nội dung của nó là vì vậy. Không phải ngẫu nhiên mà văn xuôi khi cố tình thể hiện cái khao khát này đều phải mang một hình thức quái đản: Cân đối, nhịp nhàng, thậm chí hóc hiểm. Những câu kinh nổi tiếng được truyền lại đều mang hình thức này. Người hát tuồng vẽ mặt vẽ mày hay mang mặt nạ, nói với một giọng không có trong cuộc sống, cử chỉ, điệu bộ đều có cái gì quái đản cũng là vì vậy. Nghệ thuật không phải là sự mô phỏng cuộc sống. Nó là sự khao khát vươn tới cuộc sống đẹp hơn, cao hơn cuộc sống hiện tại.

Con người còn có những khao khát ngay trong cuộc sống thực tế: tin được người khác và được người khác tin, có một mái nhà, một cuộc sống vợ chồng, có miếng cơm manh áo, không phải tự lừa mình và lừa những người khác, sống tự do trong một đất nước tự do, hòa bình, độc lập, có một cuộc sống yên ổn, v.v... Dĩ nhiên về mặt này, văn xuôi thực tế đáp ứng tốt hơn thơ, vì nó là tiếng nói của thực tế. Nhưng tự thân văn xuôi vấp một cản trở không vượt qua được. Nó không được người ta nhớ nguyên vẹn và không biến thành nội cảm được. Thơ tuy nói ít nhưng tác dụng sâu hơn. Cách tổ chức thơ lại có ưu thế hơn văn xuôi bởi tính chắp khúc (articule) của nó. Có được đặc điểm này là có được một ưu thế vô song về mặt tín hiệu học. Một bài thơ chia ra từng đoạn mỗi đoạn chia ra từng khổ, mỗi khổ có một số câu như nhau, mỗi câu có một số chữ như nhau, các chữ này được bố trí theo một mô hình có sẵn về thanh điệu, trường độ, âm tiết và từng câu ấy có một ý nghĩa trọn vẹn, cái câu ấy lại có ít nhất một chỗ cắt mạch, tức là ngay câu thơ cũng đã là một sự lặp lại của những vế khác nhau, v.v... Ðây thực là một kiến trúc hoàn hảo để giúp cho cảm giác được nội cảm hóa dễ dàng và nhớ. Không nhớ cả bài thì nhớ một đoạn, không nhớ một đoạn thì nhớ một khổ, một câu, vẫn duy trì được tính hoàn chỉnh của cảm xúc. Ðiều kỳ diệu là con người đã phát hiện ra cách tổ chức hoàn hảo ấy ít nhất là một ngàn năm trước Công nguyên và những bài thơ đầu tiên trong Kinh Thi là bằng chứng không tài nào chối cãi được. Và cho đến nay, vẫn chưa có cải biến gì quan trọng. Nếu ta chịu khó nghĩ một chút thì phải thấy đây là một tổ chức có liên quan tới bản chất của thơ chứ không thể là một điều ngẫu nhiên được.

Bây giờ đến điểm bản thân cách tổ chức quái đản, cấp cho ta những suy nghĩ ngoài nội dung thông báo. Xưa nay, người ta chỉ xét nội dung thông báo của thơ như nội dung thông báo của văn xuôi, tức là cái nội dung do cú pháp đưa đến. Cái nội dung sự việc là thuộc các bộ môn khác của ngôn ngữ học (cú pháp, từ vựng, ngữ nghĩa...), không bàn đến ở đây. Ta xét một nội dung khác.

Ngữ nghĩa của một bài thơ, ngoài nội dung thông báo, còn có những ngữ nghĩa khác. Nghĩa của thông báo thơ khác nghĩa của thông báo văn xuôi. Câu văn xuôi chứa đựng một thông báo cá biệt, hạn chế về địa điểm, đối tượng, thời gian, và sau đó là quên. Một thông báo của thơ là phi thời gian, phi không gian, cho cả loài người, ngay dù cho đây chỉ là một bài thơ tặng. Khi Thanh Quan nói trong bài Qua Ðèo Ngang "Một mảnh tình riêng ta với ta", thì đây không phải là "mảnh tình riêng" của nữ sĩ, ở ngay nơi đã chứng kiến cảnh huynh đệ tương tàn. Mỗi người sẽ hiểu nó trong từng hoàn cảnh riêng và sẽ thấy có những nỗi niềm ta chỉ đành chôn chặt đáy lòng không thể nói ra. Câu thơ nào, do đó cũng đều đa nghĩa, cũng chứa đựng những câu hỏi chỉ có anh mới tự giải đáp được cho mình mà thôi.

Chính vì vậy, nếu xét về tần số xuất hiện thì thơ là nơi tập trung mọi kiến trúc mang tính chất ngoại lệ: đảo cú, đọc xuôi ngược, chơi chữ, câu đối, chiết tự, nói lửng, nói ngược, thậm xưng... đủ mọi mỹ từ pháp có thể hình dung được. Cố nhiên văn xuôi cũng sử dụng các biện pháp này, nhưng tần số hết sức thấp. Còn ở đây, nó hết sức cao. Ðây là hiện tượng chung cho mọi ngôn ngữ, mang tính toàn nhân loại. Tại sao thơ lại là nơi tập trung mọi kiến trúc mang tính ngoại lệ, quái đản đến thế? Tự thân thơ đã là lạ rồi, đã là múa trên đầu ngón chân rồi. Cái lạ khiến người ta nhớ. Cái lạ khiến người ta suy nghĩ.

Nói tuyết trắng thì đó là chuyện quá ư bình thường, nên ai công đâu mà nhớ. Nhưng nói tuyết đỏ, tuyết cháy bỏng, tuyết đen thì ai mà quên được? Nó bắt người ta giải thích, tìm lý do. Nói cuộc chia ly buồn bã thì chỉ là nói chuyện xẩy ra hằng ngày không bắt ai suy nghĩ, nhưng nói cuộc chia ly màu đỏ thì ai mà chẳng phải băn khoăn. Nói trong xe có một con người thì chẳng thông báo gì hết, bởi trong xe nào mà chẳng có người. Nhưng nói trong xe có một trái tim thì kinh người.

Ta hãy nói đến cái giản dị của thơ. Tuy cùng là giản dị cả, nhưng cái giản dị của thơ khác cái giản dị của văn xuôi. Anh Bắc bảo chị Nam: Anh yêu em. Trong văn xuôi thì đó là một thông báo cá biệt, chỉ của anh Bắc mà thôi. Còn cũng cái câu bình thường ấy nếu đặt trong bối cảnh vốn dĩ quái đản của thơ thì nó mang thêm một sắc thái khác mà văn xuôi không tài nào có được. Cái câu đơn giản này đặt vào trong thơ là lời tỏ tình của nam giới với nữ giới của mội dân tộc, mọi thời đại. Do áp lực của cấu trúc, từ nào cũng thế, câu nào cũng thế. Mọi câu bình thường nhất, đơn giản nhất, một khi đã nhập vào cấu trúc quái đản này thì đều mang theo một sự hoán cải, do hình thức đưa đến. Người ta quen xem hình thức là cái vỏ, ý nói nó là vật hết sức thứ yếu, thay thế dễ dàng. Nhưng dù có cho là vỏ đi nữa thì vỏ cam khác vỏ mít, và là sản phẩm hữu cơ của cái quả. Người khác nói nó là cái áo, nhưng có cái áo nào mà chẳng có nội dung của nó? Cô đi mua áo. Người bán hàng nhất định sẽ hỏi: "Cô mua áo nào? Mua áo tắm, áo khoác, áo cưới, áo vũ hội?" Cứ thử mặc áo cưới đi giữa phố xem. Anh lính trơn có thể mặc bộ đồ cấp tướng đi ngoài phố được không? Văn xuôi là tiếng nói của công việc, thơ là tiếng nói của thân phận con người. Nó không phải là tiếng nói của công việc. Ngay cả khi người ta sử dụng thơ chỉ để cho dễ nhớ, không có tham vọng nghệ thuật; tôi muốn nói đến những bài vè, những bài chỉ có mục đích dạy học (thơ dạy toán, dạy thuốc, thơ giải thích một nhiệm vụ chính trị...) thì nó vẫn mang tính chất này. Những loại thơ này mang tính quái đản ít nhất về các biện pháp sử dụng từ, nhưng mặc dầu thế, nó vẫn mang tính chất một chân lý muôn đời, điều mà văn xuôi tự nó không thể nào có được.

Trong phạm vi một định nghĩa khái quát về thơ, không thể nào bàn đến chuyện này được. Cho nên tôi nghĩ sẽ phải bỏ mất vài ngàn trang mới mong nói được một cái gì bớt hời hợt. Nói ngắn thì chính tôi còn chưa thuyết phục được tôi, làm thế nào có thể thuyết phục được người khác? Viết kỹ với vô số bằng chứng, dù có mang tiếng là cực đoan cũng sẽ ít nhiều bổ ích cho những người khác khi họ muốn chống đối. Ðể chống đối cũng phải bác lại tất cả các bằng chứng đã nêu lên, lúc đó văn học Việt Nam sẽ có lợi. Chỉ xin nêu một thí dụ về chuyện nội dung của hình thức. Bà mẹ bảo con: "Mày lười nhác việc nhà lắm!" thì thông báo này chẳng qua chỉ có nghĩa là "Mày không lo lắng gì đến công việc trong nhà" mà thôi. Nhưng khi cũng bà mẹ ấy nói: "Mày việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng" thì do chính hình thức cân đối giữa việc nhà / việc chú bác, và do sự đối lập giữa nhác / siêng, lập tức nghĩa của thông báo thay đổi. Quan hệ việc nhà / việc chú bác trở thành việc nhà mình / việc nhà người ta, việc gia đình / việc xã hội, việc có lợi cho mình / việc có lợi cho người khác, việc chuyên môn của mình / việc linh tinh, bổn phận / chuyện phù phiếm, công việc trước mắt / chuyện không đâu... Và sự đối lập nhác / siêng sẽ trở thành lười / chăm, không am hiểu / thông thạo, thờ ơ / chăm lo... Hình thức cân đối còn tạo nên một ngữ nghĩa nữa: đây là một hiện tượng chung mang tính chất thói quen thường gặp lại trong xã hội. Các hàm nghĩa này là do kiến trúc cân đối tạo ra, không nằm trong thông báo cụ thể. Nó nằm trong hình thức cân, ở đâu có hình thức cân thì có nghĩa ấy, vậy nó không phải là nội dung của hình thức cân sao? Mỗi thể thơ có một nội dung riêng, của chính nó, không gặp lại ở một hình thức khác. Thí dụ nội dung của thơ bát cú Ðường luật là ở chỗ khẳng định một sự bất biến mà con người phát hiện ra. Ðây có thể là sự bất biến của quy luật vũ trụ trước sự biến đổi của xã hội, của lòng ta trước mọi biến cải, của đạo lý, cương thường trước cái nhố nhăng trước mắt, của tính thống nhất giữa vũ trụ và con người, giữa hiên tại và quá khứ, giữa tôi và bạn... Nó xây dựng nội dung này bằng đặt bốn câu thành hai cặp đối nhau cực kỳ nghiêm túc bị bao quanh bởi trên hai câu, dưới hai câu và các câu niêm với nhau thành một khối rắn chắc. Không phải các nhà thơ Ðường đi đến kiến trúc này bằng lý luận. Họ mò mẫm, làm hết thể loại này đến thể loại khác nhưng vẫn không thấy hài lòng. Chỉ đến khi đạt được hình thức này, họ tự nhiên thấy thoả mãn. Và nó làm thành phong cách. Cứ nhìn tình hình nghệ thuật châu Âu ta cũng nhìn thấy tình trạng này. Hết nghệ sĩ này, đến nghệ sĩ khác đưa ra những cách lý giải của riêng mình, nhìn chung đều là những cách quái đản hóa của họ.

Vô số kiểu quái đản hóa rơi rụng đi, vì nó không đáp ứng nhu cầu nội tâm của một số người đông đảo. Nhưng cũng có nhiều cách quái đản hóa tồn tại, trở thành thời thượng và nhập vào cách lý giải được xã hội chấp nhận. Một khi đã nhìn theo quan điểm này thì từ, nhịp, vần, phách, thể loại, trường phái... cái gì cũng có nội dung của nó và nội dung ấy là những kiểu quan hệ. Và Phong Cách Học Cấu Trúc là đi tìm cái nội dung ấy, xem nó thể hiện ra sao. Tôi hy vọng các bạn hiểu cho rằng việc làm của tôi không phải là vô dụng, và định nghĩa đưa ra về thơ là có cơ sở. Tôi hiểu những khó khăn đang đón đợi mình là hết sức to lớn. Nhưng "mảnh tình riêng" cần được bộc lộ cho những người của nó.

-----------

Ghi chú: Bài viết "Thơ là gì?" được tác giả công bố lần đầu tiên vào năm 1994 trên tạp chí Văn học (Viện Văn học, Hà Nội), sau đó in lại trong cuốn "Cách giải thích Văn học bằng Ngôn ngữ học" - NXB Trẻ - TP. HCM 1995, từ trang 23 đến trang 35. Bản trên đây được lấy từ cuốn sách này.
lananhhanoi
"Thực ra tôi là một người phụ nữ khá cổ hủ"
Dương Thu Hương trả lời phỏng vấn
M.Hoàng thực hiện ngày 30.06.2002


Dương Thu Hương đồng ý trả lời phỏng vấn với thái độ thận trọng. Chị hẹn tôi tại tầng trệt khách sạn Daewoo. Một nơi yên tĩnh, lịch sự nhưng đồ uống rất đắt và không khí thì hơi xa lạ, kiểu cách.

Phóng viên(PV): Hình như chị luôn hẹn gặp khách tại những nơi có tiếng là sang cũng như đắt đỏ nhất Hà nội. Chị có giàu đến mức vậy không?

Dương Thu Hương (DTH): Không hề. Tôi có mấy khi đến những chỗ thế này đâu. Tôi ở nhà suốt, sống rất bình thường. Nhưng tôi thường là người trả tiền nên tôi muốn khách phải được tiếp đón đàng hoàng. Tôi không muốn mang tiếng là người bủn xỉn.Với lại những nơi như thế này thường rất yên tĩnh, có cảm giác thoải mái, dễ chịu.

PV: Ra là vậy, một cung cách rất "chị hai" đấy.

DTH: Thì tôi cũng là chị cả trong nhà mà.

PV: Một ngày của chị diễn ra thế nào?

DTH: Tôi làm việc đêm nên bình minh của tôi là 10h sáng, thậm chí 12h trưa. Tôi sống một mình nên tất cả những việc vặt trong nhà phải tự làm lấy. Buổi chiều tôi đọc sách báo, thỉnh thoảng dịch tài liệu gọi là có thêm thu nhập. Tôi có đặt mua mấy tờ như Le Point, Paris Macht, Le Nouvel Observateur. Báo Việt thì có ông bạn cứ bài nào hay, có vấn đề thì đem đến cho tôi đọc. Từ 8h tối trở đi tôi mới thực sự làm việc. Có hôm bốc lên có thể viết 10 tiếng liền và cũng có hôm chẳng làm gì cả.

PV: Thu nhập chính của chị là gì?

DTH: Nhiều người cho là tôi giàu vì được lĩnh nhuận bút từ những nhà xuất bản nước ngoài. Thực ra không nhiều đến thế đâu. Hồi năm 90 bạn bè có xui tôi mua một số miếng đất nhỏ. Và tôi cứ bán dần từng miếng một để sống, để chu cấp thêm cho các con. Ngoài ra tôi có lương hưu hàng tháng.

PV: Chị giải trí như thế nào?

DTH: Tôi không xem TV. Khi rỗi rãi tôi đem quần áo ra khâu vá, nghe nhạc cổ đIển và những bài hát Pháp xưa cũ thời Dalida, Mathieur, hay Clara Fabien.

PV: Chị có nhiều bạn bè không?

DTH: Bạn thân rất ít, một hai người. Nhưng tôi cũng có những mối quan hệ tốt, thỉnh thoảng tôi rủ họ ra quán ăn uống nói chuyện cho vui.

PV : Chị là người rất đáo để, đúng không?

DTH: Tôi vốn là một người phụ nữ bình thường, rất bình thường. Cuộc hôn nhân đổ vỡ làm cho cuộc đời tôi xáo trộn ghê gớm. Đã thế cuộc sống với những điều ngang trái, bất công cũng khiến tôi chẳng mấy khi thanh thản. Hồi sinh viên tôi xuýt bị đuổi học vì lấy guốc đập vào mặt một gã đã giở trò sàm sỡ với tôi. Tôi bị qui tội hành hung chỉ vì gã ấy thuộc diện ưu tiên, chính sách, lại là đảng viên nữa. Ông chồng cũ của tôi hồi ấy là cán bộ lớp đã ra tay cứu vớt tôi. Sau đó anh ta tìm mọi cách để lấy được tôi. Đỉnh điểm là dí súng vào cổ tôi và nói rằng nếu không nhận lời thì "cô chết trước tôi chết sau". Hồi ấy tôi rất trẻ, tôi sợ chết, sợ gia đình mang tiếng là có cô con gáI chết vì chuyện yêu đương nhăng nhít. Cho đến giờ tôi vẫn là người sợ mang tiếng là đĩ thoã, lăng loàn. Và tất nhiên một cuộc hôn nhân không có tình yêu sẽ rất tồi tệ. Tôi cũng định sống nhẫn nhục để cho các con đỡ khổ nhưng không làm nổi. Có thể chồng tôi là một người cha không đến nỗi nào nhưng ông ấy luôn xúc phạm vợ mình bằng cách này hay cách khác, ông ấy không tôn trọng phụ nữ. Năm 1980 chúng tôi ly dị

PV: Những người đàn ông sau này đến với chị có dễ chịu hơn không?

DTH: Thực ra tôi là một người phụ nữ khá cổ hủ. Thậm chí đến bây giờ tôi vẫn cho rằng đàn bà chỉ được phép ngủ với người chồng hợp pháp của mình. Những cuộc mây mưa ngoài hôn thú là không tốt đẹp. Sau khi ly dị khoảng 4 năm tôi có quan hệ với một tay hoạ sĩ điên khùng kém tôi 14 tuổi. Cũng lại bắt đầu bằng bạo lực. Anh ta đến mang theo một lưỡi dao cạo và nói rằng nếu tôi không yêu anh ta sẽ cắt cổ tự sát. Gia đình tôi rất phản đối, hai đứa con giận mẹ, thằng lớn bỏ nhà đi. Ông chồng cũ cũng làm ầm lên, đòi kiện tôi thậm chí có hôm còn xuất hiện với một chiếc búa trong tay. Cũng may là chuyện này chỉ kéo dài vài tháng. Đó là mối quan hệ thân xác duy nhất của tôi sau khi ly dị. Sau vụ này tôi suy nghĩ rất nhiều, tôi không hề yêu tay hoạ sĩ đó vậy mà tôi lại đồng ý lên giường với anh ta. Tôi chợt phát hiện ra mình vẫn chỉ là một người đàn bà với những nhu cầu bản năng thường tình. Tôi không muốn kết hôn khi các con còn nhỏ, tôi sợ chúng nó thương tổn, tôi không muốn cặp bồ chơi chơi vì tôi cho rằng như thế là xấu, là mất danh dự. Vả lại tôi rất khó yêu nên những mối quan hệ với đàn ông chỉ làm cho cuộc đời tôi thêm rắc rối. Vậy là chỉ còn một cách duy nhất là tự thiến mình.

PV: Có nghĩa là chị phải…

DTH: Phải tự tiêu diệt bản năng giới tính của mình. Tôi đã nhờ một sư ông cắt cho tôi những thang thuốc bắc. Thứ thuốc đó khá hiệu nghiệm, tôi không còn cảm thấy ham muốn tình dục. Tôi có thể bình tĩnh làm việc, kiếm tiền, chăm lo cho hai đứa con. Nhiều người cho rằng tôi bị lãnh cảm hay luyến ái đồng tính. Họ đâu có biết rằng để được sống trọn vẹn trong danh dự tôi đã phải trả giá đắt lắm. Tôi thường xuyên bị nám da, tóc tôi bạc rất sớm và bệnh khớp luôn hành hạ tôi. Đó là tác dụng phụ của thuốc khi dùng lâu dài. Tôi biết tôi đã hành động rất đIên khùng nhưng tôi thấy tốt hơn cả là làm vậy. Tôi không ân hận.

PV: Các con chị biết điều này không?

DTH: Gần đây tôi mới nói trong một lúc nóng giận. Chúng nó đều ngoài ba mươi tuổi, đã có gia đình cả rồi. Có thể chúng nó đã hiểu tôi hơn mà không hiểu cũng chẳng sao. Tự tôi biết là tôi đã sống hết lòng cho con cái.

PV: Chị có định sống chung với một trong hai cô cậu?

DTH: Có lẽ không nên vậy. Tôi có mua cho thằng lớn một căn hộ. Đứa em gái nó ở nhà chồng chật chội, tôi sẽ cho nốt căn hộ đang ở. Khi nào vợ chồng nó dọn đến, tôi sẽ đi thuê nhà.

PV: Chị rất chiều con đấy !

DTH: Tính tôi nó vậy. Chính thế cũng làm giảm tính tự lập của chúng nó. Nhưng tôi không dám làm khác. Cả đời tôi chỉ đánh con có một lần, chúng nó lấy trộm tiền của tôi đi xem phim, đã thế về còn nói dối loanh quanh. Tôi rất ghét tính dối trá nên đã đánh chúng nó. Đánh xong thì ân hận cả một thời gian dài.

PV: Vậy là ngoài các con ra chị chẳng còn bận tâm đến ai khác?

DTH: Có, chỉ duy nhất một người, nhưng mà là yêu thầm. Tôi tự đề ra một nguyên tắc là không bao giờ yêu người có vợ vì đó là một tình yêu vô đạo đức, thế nhưng ông trời bắt tội tôi. Người duy nhất tôi thấy yêu lại có gia đình rồi. Có lẽ anh ấy cũng yêu tôi nhưng cũng hiểu là giữ khoảng cách thì hơn cả. Và chúng tôi yêu nhau thầm lặng vậy gần mười năm rồi. Giờ anh ấy không còn ở đây nữa nhưng chúng tôi vẫn trao đổi thư từ. Vì không quên được anh ấy nên tôi đã từ chối vài lời cầu hôn mà tôi biết sẽ đem đến cho tôi một cuộc sống khác hơn, có thể là vui hơn.

PV: Chị có nghĩ mình sẽ làm vợ một lần nữa không?

DTH: Hôm nay tôi chưa có ý định nhưng có thể là ngày mai, tháng sau hoặc sang năm tôi lại nghĩ khác. Những chuyện thế này không thể nói trước được đâu.

PV: Chị có thần tượng không?

DTH: Có, nhưng không phải là nhà văn. Tôi ngưỡng mộ nhà triết học Anh gốc Áo tên là Karl Popper. Tư tưởng của ông ấy thật đáng khâm phục. Popper đã giải quyết được những vấn đề lớn nhất về biện chứng. Ông ấy đã từng nói một câu rất hay: "Chúng ta gần như chưa biết gì về vũ trụ và con người".

PV: Nhưng chắc chắn chị cũng phải yêu thích một số nhà văn chứ?

DTH: Tất nhiên. Dostojevski, Gogol, Tshechov, Bulgakov. Nhà văn Việt Nam thì tôi thích Cao Bá Quát, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương …

PV: Có bao giờ chị liên hệ chút gì giữa mình và Hồ Xuân Hương?

DTH: Không hề.

PV: Gần đây có nhà văn Việt Nam nào chị thấy được hơn cả?

DTH: Nguyễn Huy Thiệp. Thiệp viết rất hay nhưng tôi không thích gặp. Có hai lần anh ta đến nhà tôi cùng với một cô người Nhật đề nghị tôi hợp tác mở nhà hàng. Tôi rất kinh những kiểu đề xuất như vậy.

PV: Chị có thích "Chuyện kể năm 2000" của Bùi Ngọc Tấn không?

DTH: Cuốn sách đó rất nghiêm túc, đáng trọng nhưng bây giờ tôi không quan tâm tới những vấn đề như thế nữa.

PV: Chị tâm đắc với tác phẩm nào của mình nhất?

DTH: Không cuốn nào cả. Nhà văn không nên tâm đắc thực sự với những gì đã hoàn thành.

PV: Nếu một người bảo rằng kiểu viết của chị hay nhưng "xưa rồi" thì chị sẽ đáp lại thế nào?

DTH: Đã nhiều người nói với tôi thế. Tôi không quan tâm lắm. Văn chương cũng giống như đồ ăn vậy, phụ thuộc vào "khẩu vị" của mỗi người. Họ có quyền không thích những tác phẩm của tôi.

PV: Con đường văn chương của chị bắt đầu thế nào nhỉ?

DTH: Không nhớ nữa. Ngày là học sinh tôi mơ ước trở thành vận động viên thể dục dụng cụ. Mấy thứ đó tôi chơi tốt lắm. Sau 1975 tôi bắt đầu viết bút ký, sau đó là truyện ngắn. Bạn đã biết đấy, trong lòng tôi chất chứa nhiều nỗi phiền muộn, bức xúc lắm. Viết văn đôi khi như là một cách trút giận vậy.

PV: Chị có thể nói qua về tác phẩm chị đang viết không?

DTH: Hiện tôi đang đắm chìm vào một thứ mà không biết là sẽ thành công hay thất bại. Có người nhờ tôi viết một bài tham luận về Trạng thái tâm thần của thanh thiếu niên Việt Nam trong và sau chiến tranh. Sau khi đọc xong 10.000 trang tài liệu thì tôi mệt quá, tôi từ chối viết tham luận và để dành thời gian viết một cuốn sách cho mình. Từ lâu tôi cũng hay quan sát những trường hợp thần kinh không bình thường xung quanh mình, cuốn sách này sẽ là cách nhìn của tôi, của một nhà văn về những con bệnh thần kinh xuất hiện càng ngày càng nhiều trong xã hội.
philistinevn
Em xin mạn phép post luôn địa chỉ của Talawas : www.talawas.org , các bác có rảnh thì ghé qua đọc .
(Em là khoái DTH lắm , tuy chưa được gặp bao giờ)
Hưng
Cái hội Talawas hâm. Đang địa chỉ kiểu free là talawas.de, talawas.net thì còn sướng chứ động đến.org là thể nào cũng có trò vui để xem đây. 8)
Bài bạn lananhhanoi gửi lên đây về Duong Thu Huong lấy từ talawas tớ biết là có người xui/ nhờ có ý đồ hẳn hoi. ;) Nhưng thật ra chuyện về DTH chẳng có gì ghê gớm cả vì hiện nay bản thân DTH cũng đang sống ở VN cho nên tớ vẫn để nguyên ở đây. Mong rằng các bạn đừng gửi những bài về những người khác đang ở nước ngoài và có dính dáng gì đến chính trị, cho dù chỉ một chữ vào đây. Khi đó tớ sẽ xoá ngay bất kể là bài ai viết. sp_ike.gif
lananhhanoi
Tôi cũng xin nói là thế này : TÔi LÀ MỘT NGƯỜI KHÔNG THÍCH CHÍNH TRỊ , CHỈ LÀ MỘT NGƯỜI THÍCH VĂN MÀ THÔI!
Tôi không bị ai xui , ai nhờ làm cái việc mà tôi rất ghét! Chẳng qua là tôi thấy nó không xâm phạm gì cả , nếu bạn đọc nguyên bản mà xem !
Nếu bạn muốn ngăn chặn thì nên chăng là xoá ngay cái địa chỉ mà hallucina đã nhắc đến! Kẻo người ta thấy tò mò vào ầm ầm rồi lại tìm bài hay post lên đây thì mệt cho các bạn!
Phó Thường Nhân
Chào Bác Lananhhanoi,
Mới gần đây tôi có kiếm được quyển "chân dung và đối thoại" in lần thứ 9 của Trần Đăng Khoa. Trong đó ông có nói hai điều
1. Ở Việt Nam hiện nay khoa phê bình văn học rất yếu, nên không giới thiệu được với bạn đọc những tác phẩm hay.
2. Tác phẩm hay nhiều khi còn nhờ Phê bình.

Như vậy có nghĩa là trình độ độc giả yếu, không nhận thức được hết nghệ thuật viết của Tác giả nên phải giới thiệu (ý 1). Tác phẩm hay còn là do làm marketing (ý 2).
Các bác nghĩ thế nào về việc này ? :-[ :-[
Toi
Chân dung và đối thoại của Trần Đăng Khoa có thực sự là đặc sắc không hở các bác ?
Em chỉ thấy nó là lạ thôi, chưa thấy được cái điều cao cả mà tác giả gửi gắm, híc, mà có hay không ạ ?
Hưng
Em xin lỗi chị lananhhanoi vì em ăn nói thiếu lễ độ quá. Quả thật cái gì cũng có nguyên nhân của nó cả chị ạ. Chị có hiểu mục đích của em hay không thì em cũng chịu rồi.
Cái Talawas của hội chị Hoài nói chung chưa có cái gì quá mức cả. Các học giả nổi tiếng ở nhà như ông Phan Ngọc, Hoàng Hưng còn tham gia vào đó nên em cũng không có vấn đề gì với nó cả. Em biết nó lâu lắm rồi, chắc trước cả mọi người ở đây, với lại bạn em rủ em tham gia hình như để làm biên tập cho hội đấy nhưng em đã từ chối đấy ạ. :-
lananhhanoi
Chào !
Nói chung thì cái gì cũng có nguyên nhân của nó .
Quả thực lúc đọc thấy Ubu nói vậy tôi rất giận , vì nói như vậy quá là chụp mũ nhau, chả hiểu tại sao Ubu lại nghĩ về tôi như thế . Nếu ai đã từng tiếp xúc với tôi người đó sẽ biết nói chuyện thuần về CT với tôi có khác gì đàn gẩy tai trâu! Tôi thờ ơ với cái đó lắm ! Mà ubu tài đến mức người ta rủ Ubu làm biên tập nhưng chắc Ubu coi caí đấy toàn là đồ hâm nên không chịu làm biên tập , vậy thì Ubu quả là ngườì có tinh thần cảnh giác cao độ quá chăng?
Mà tôi đang định đề nghị Ubu xin lỗi nhưng Ubu đã kịp thời rùi , vậy ta lại bắt tay nhau !
Còn bác Phó Thường Dân để hôm nào nếu có dịp gặp đưọc bác Khoa , tôi hỏi thử câu đó nhé , mà nếu bác muốn , bác có thể trực tiếp mail hỏi bác Khoa , địa chỉ để tôi xem lại!
nhưng với tôi thì những sách có maketing hay , tốt đúng là đến với độc giả nhanh , và đắt hàng hơn những cuốn sách khác ( đây là tui nói trong trường hợp những tác giả mới, những cuốn sách mới , chứ không phải những cuốn sách kinh điển !!
Hưng
Dạ, em cảm ơn vì chị đã bỏ qua cho em ạ. Dạo này đầu óc em đang khủng hoảng nên hay cáu gắt bất thình lình thế đấy. Bao nhiêu công tu luyện của mình lại bất ngờ đổ xuống sông. Quả là sống trên đời chẳng đơn giản chút nào, có lẽ em lên núi sống một mình tách biệt với thế giới bên ngoài là hợp lý hơn cả. :- Nhưng mà bác Quí đừng có vội mừng nhé, em không thích bị bó buộc vào một cái nghi lễ, qui củ quái quỉ nào cả nên không gọt đầu làm sư đâu. ;D
Về cái Talawas từ đầu em đã không thấy nó là một hành động hợp lý nhất cho nên không muốn tham gia chút nào, cộng thêm thật sự em chả có trình độ gì để mà tham gia vào đó cả. ??? Bà Hoài và nhóm đấy có tư tưởng tạo nên một nhóm trí thức bậc cao. Cái gọi là trí thức theo định nghĩa của bà ấy ( thật ra cũng là định nghĩa trí thức nói chung ) là phải tham gia vào các quá trình vận động trong xã hội và sử dụng tư duy trí tuệ để cải tạo nó, trong đó có cả quá trình chính trị.. Tuy nhiên em nghi ngờ khả năng đóng góp của giới gọi là trí thức VN hiện nay vào các quá trình cải tạo xã hội. Thứ nữa em là dân khoa học kỹ thuật, theo định nghĩa của danh từ "trí thức" trước đây ở phương Tây thì em không thuộc vào hàng ngũ trí thức ( bây giờ có thay đổi chút vì dân khoa học kỹ thuật cũng hay lên tiếng). ;D Con gà cục tác lao động máy móc như em thì chỉ cần quan tâm đến mấy cái phương trình và chương trình của mình thôi. Kiếm đủ tiền nuôi đủ bản thân, đủ tiền đi ngao du bốn biển và đủ cho những sở thích của mình là tốt lắm rồi em chả mơ mộng to như các vị kia. sp_ike.gif
Phó Thường Nhân
Chào !!! :P

Thấy mọi người bàn đến phê bình văn học thì tôi góp vui thôi. Xem ý kiến mọi người thế nào. Còn Bác Khoa đã viết thế thì tức là Bác ấy nghĩ thế, việc gì phải hỏi lại nữa.

Tôi đọc quyển "chân dung và đối thoại" thấy hay đấy chứ, nó viết nhẹ nhàng, dí dỏm. Còn Bác Khoa có định "đá " bác nào không thì tôi không biết. Mà chắc cũng có nhiều người thích nó, nên nó mới được tái bản nhiều lần như vậy.
Gọi nó là phê bình văn học có lẽ không hẳn, điều Bác Khoa muốn nói có lẽ là cái nghiệp nhà văn. Ở đây tác giả giới thiệu nhà văn nhiều hơn là phê bình, có thể gọi là phê bình gián tiếp được không ???
Thực sự nhiều khi biết đến những vòng vo của tác giả, có khi ta dễ cảm nhận tác phẩm hơn.
Tôi nghiệm vào tôi thấy tôi thích nhạc của Thanh Tùng hơn sau khi xem băng phỏng vấn Thanh Tùng trên vtv3. Đấy là một ví dụ.
Bản thân quyển "thi nhân việt nam" của Hoài Thanh, được coi là quyển phê bình đắt giá về thơ mới cũng đi qua đi lại giữa giới thiệu tác phẩm, tác giả rồi phân tích nghệ thuật.
nguyenducquyzen
[quote author=Ubu II link=board=21;threadid=720;start=10#6376 date=1032155671]
Dạ, em cảm ơn vì chị đã bỏ qua cho em ạ. Dạo này đầu óc em đang khủng hoảng nên hay cáu gắt bất thình lình thế đấy. Bao nhiêu công tu luyện của mình lại bất ngờ đổ xuống sông.[/quote]

He he... bác Ubu II tự nhận là mình đã hiểu được Phật và Thiền để đi đánh giá và chê bai em, thế mà lại còn bị khủng hoảng và cáu gắt... :laugh.gif he he.. em thì tuy kém cỏi hơn bác nhưng em chẳng biết khủng hoảng và cáu gắt là gì!!! :-

[quote]Quả là sống trên đời chẳng đơn giản chút nào,[/quote]

Sao em lại thấy sống trên đời quả thật là rất đơn giản nhỉ??? :-[

[quote]có lẽ em lên núi sống một mình tách biệt với thế giới bên ngoài là hợp lý hơn cả. :- Nhưng mà bác Quí đừng có vội mừng nhé, em không thích bị bó buộc vào một cái nghi lễ, qui củ quái quỉ nào cả nên không gọt đầu làm sư đâu. ;D[/quote]

Tại sao em lại mừng nhỉ??? chuyện của bác lên núi hay không? làm sư hay không? thì có liên quan gì đến em???? :-[
latrung
n trời là trên thế giới ít người biết tiếng VIỆT NAM,và càng ít người hơn trong số ít người biết đó vào đây đọc trang này,mấy trang phê bình văn học mang tính chất chuyên môn thuần tuý cũng bị quy chụp là chính trị.

Nếu họ xem ,không biết họ nghĩ VN là đất nước thế nào nhỉ?Anh không muốn tham gia ba cái chuyện này,nhưng chú HƯNG ạ,chú chỉ xem những PM mà phán đoán thế này lên diễn đàn,thì quả là anh không biết nói thế nào nữa.Bảo làm sao mà NGUYỄN QUỐC CHÁNH không làm câu thơ oái ăm

Đất nước tôi đội trên đầu cái mũ
Bốn nghìn năm lịch sử không vành

Hôm xem chương trình ẤN TƯỢNG 2002 ở VTV1,khi MC HỒNG THANH QUANG phỏng vấn về nội dung tiểu thuyết sắp ra đời của nhà văn quân đội LÊ LỰU.Cha đẻ của GIANG MINH SÀI này rất trầm ngâm ,trả lời đầy vẻ ưu tư.Ông thổ lộ tác phẩm tới của mình sẽ là một lời nhắc nhở cho những người giữ trọng trách cao,khi quyết định việc gì hãy lên cân nhắc nghĩ kỹ ,ông cho rằng con người đã càng có quyền to càng nên cẩn thận khi quyết định,vì nếu quyết định sai lầm của người làm to thì hậu quả càng to.
1dc7
Giá trị đích thực của phê bình văn học

Trần Mạnh Hảo không viết phê bình văn học để tìm một thứ hư danh, ông đã là một nhà thơ nổi tiếng trước khi viết phê bình văn học rất lâu. Dường như khi đọc thơ TMH thấy nó dung dị, mềm mại bao nhiêu thì phê bình của ông lại sâu sắc, triết lý, uyên bác, phức tạp bấy nhiêu, mặc dù cả hai lối viết đều rất uyển chuyển.

Đọc TMH, tôi luôn cảm thấy thích thú, lôi cuốn với giọng văn sắc sảo, say mê và có sức thuyết phục. Từ năm 93, 94 tôi đã đọc những bài phê bình nảy lửa của TMH và thích sự gay gắt, không khoan nhượng, nể nang của chúng. Ông dường như đã chiến đấu cho cái Chân, cái Thiện, cái Mỹ đến mức đã có lúc ông mô tả việc phê bình của mình như "thổi tắt một đám cháy nhà hoặc cãi nhau với một người say"--khi đương sự phản ứng lại.

Khối lượng ông trích dẫn là đồ sộ, song được đưa vào hết sức hợp lý, có vẻ như ông đã nhuyễn chúng trước khi viết ra, dường như ông vận đến nó như một kiến thức đã là của ông, nằm đâu đó trong góc đầu lúc cần minh hoạ thì viết, chứ không như một sự phô phang, mượn chữ, tầm ngôn trích cú lấy được.

Ông khúc triết đến không ngờ trong các bài của mình, một điều hiếm thấy có nhà thơ nào thực hiện được khi viết phê bình. Ông không viết cò con, thứ bài báo chợ xanh, mà viết đâu ra đó, kể cả khi bút chiến. Sức chiến đấu của ông khiến các bài phê bình của ông có tác dụng to lớn, không những đối với khuynh hướng văn học còn đang hoang mang, nhất là thơ, những năm 90; một trong những tác dụng đó là ngay cả đối với những người không thật sự khẩu phục bởi ông cũng dám là đã có những sự xem xét lại mình, bất luận tuổi tác trên 70 hay mới ngoài 20. Vấn đề là ở chỗ ông không viết để tạo một hiện tượng, vì lẽ đương nhiên đã nói ở trên, mà còn là vì nếu ông viết như vậy, thì khi đã thoả mãn, ông sẽ dừng lại. Ông viết là vì văn học đúng là quá nhiều việc cần phải bàn, giải quyết thẳng thắn. Miễn bàn về những cái người ta đã nói về cách phê bình của TMH, hay chuyện đúng sai, cái tôi muốn nói tới là sự tâm huyết và logic trong cách phê bình của TMH.

Gần đây có một kiểu phê bình văn học sính chữ, khoe chữ, ngộ chữ, khoe cách diễn đạt, nhưng lại thiếu chặt chẽ của một số người, mà tự họ nhận là người trẻ. Lối viết nhàn nhạt phê và khen vuông chặn nhưng lại không có bố cục, lệch lạc giữa khen và chê (hoặc không có hẳn một trong hai phần), giữa giọng văn bình luận, chứng minh, phân tích với phê bình, thậm chí sơ đẳng hơn là mâu thuẫn giữa dẫn chứng và mục đích, đối tượng. Đặc biệt, khi tác dụng của nó chưa được là bao đối với văn chương và thi ca nước nhà thì nhà phê bình đã vội vàng tự huyễn với những lời xầm xì khen ngợi đâu đó, vội vàng chụp lấy một cái tai nghe để hàng ngày nhào đi nhào lại chúng. Không có điều gì mới được viết ra như một lao động nghiêm túc (ít nhất là không cẩu thả), họ đã làm cũ và làm cùn những thứ mình viết, những thứ vốn đã chẳng lấy gì làm hay ho sắc sảo. Thế nhưng nếu có ai có ý kiến chê bôi là lập tức họ vén môi lên một cách đanh đá (đáng buồn là nó làm ta nghi ngờ thêm những người viết văn quá thừa khả năng tôm cá, kể cả là đàn ông) chí choé: "Sao ông bắt tôi...?", hoặc "Ai cho mày chê con tao xấu?" (ám chỉ lời những người bị phê bình vặc lại họ).

Bỏ ngoài tai những lời bình luận, họ còn tung ra vô số áo giáp để tự vệ--những thứ họ đã tầm chương trích cú được; tuy nhiên, tôi muốn nhắc nhở những người viết này hãy tiếp tục trau dồi, làm việc, vươn lên với mục đích tối thượng của công việc của mình, đó là viết vì viết. Nếu không sẽ có ngày người ta sẽ phải dùng một dẫn chứng khác để nói về họ: Con ngựa già của chúa Trịnh (các vị đã đọc truyện này của Phùng Cung chưa?).

1dc7 10/02
FR
Tớ đang bận nhưng phải chạy vội vào nhờ bạn post lên một vài bài phê bình văn học của TMH được không?
1dc7
Post tặng falling-rain

Thơ ta hay tây - Hướng nội hay hướng ngoại?

Trần Mạnh Hảo

Ngày 21-7-1969, ba chàng ngự lâm pháo thủ do nhà du hành vũ trụ Neil Amstrong chỉ huy đã bước ra khỏi con tàu Apollo II của Hoa Kỳ để đáp xuống nguyệt cầu. Nhân loại như đứa trẻ con tò mò, nghịch ngợm, lần đầu tiên đã liều mạng đặt chân lên xứ sở của thần linh, bước những bước trần thế lên thế giới mộng mơ, thế giới huyền thoại và thi ca của chính mình. Trong vòm trời không đáy của thần thoại Hy Lạp, thần Dớt, vị chúa tể của muôn loài, cao cả và hùng mạnh đến thế, nhưng mới chỉ dám đặt trụ sở triều đình mình trên đinh núi Olympia, chứ chưa hề dám tơ hào đến mặt trăng, chưa dám mang bầu đoàn thê tử lên đóng đô ở nơi người phương Đông cổ giam hãm chị Hằng và người Việt chúng ta từng gởi một vị đại sứ trên đó là chú Cuội. Con người đã tìm thấy gì trên mặt trăng hay chỉ góp phần làm sa mạc hóa những giấc mơ hàng triệu năm của nhân loại? Rằng hóa ra, mặt trăng chỉ là một miền đất đá khô cằn, không có dưỡng khí và nước... Trong dịp kỷ niệm 25 năm con người đặt chân lên mặt trăng, vừa qua, các báo Mỹ và phương Tây đã nêu ra nhiều ý kiến trái ngược về sự được thua do hành động phiêu lưu rất kỳ diệu ấy. Có báo cho rằng, việc bỏ ra hàng chục tỷ đô la để mang về mấy chục ký đất đá và nỗi sợ hãi về sự cô đơn thăm thẳm của loài người trong vũ trụ, liệu có quá đắt chăng? Rằng tham vọng khai mỏ, khoét rỗng mặt trăng để tìm kim cương liệu có thực tế và hợp ý Chúa chăng? Rằng công cuộc thuộc địa hóa mặt trăng, phải chăng là hành trình cuối cùng của nhân loại trong quá trình xâm lăng toàn diện của nền khoa học thực dụng vào thế giới tâm hồn của con người.

Quả thật, những vấn đề báo chí phương Tây nêu trên không phải là không có lý. Mặc dù, sự kiện con người lên mặt trăng là sự thành công lớn lao của khoa học, của nền văn minh phản lực và văn minh vi tính. Sau hai ngày rưỡi bay lượn như tinh cầu của Hoàng Tử Bé Saint Exupery, con tàu Apollo II đã vượt qua 384.000 km để đáp xuống mặt trăng. Nhưng thực ra, con tàu kia đã được chắp đôi cánh của thi ca và tôn giáo cách đây gần hai nghìn năm khi đức Jésus Christ chui ra khỏi mô đá và bay lên trời. Nền văn minh Thiên Chúa giáo xuất hiện với khát vọng đi tìm thiên đường, tìm nơi vĩnh hằng cho con người tồn tại sau cái chết. Thi ca và tôn giáo là hai cánh thiên thần của nền văn minh lúc nào cũng hướng lên trời cao ấy mà cầu nguyện Lạy cha chúng tôi ở trên Trời, chúng tôi nguyện danh cha cả sáng. Nếu nền thi ca phương Tây, sau hơn bốn nghìn năm tử thuở Kinh Cựu Ước ra đời là nền thi ca hướng ngoại, luôn ngước mắt lên thảm xanh ngóng đợi sự xuất hiện của Thiên Chúa, thì nền thơ phương Đông tử thuở kinh Veda và Kinh Thi xuất hiện lại là nền thi ca hướng nội: luôn luôn dõi nhìn vào bề sâu của tâm hồn con người để tìm tới Chân Thiện Mỹ.

Người phương Đông, hay thi ca phương Đông đi tìm mặt trăng trong bản thân mình, trong thăm thẳm hồn mình chứ không tìm mặt trăng ở ngoài trái đất. Người phương Tây, hay văn minh phương Tây đã bay hết hai ngày rưỡi để đến mặt trăng, nhưng người phương Đông, mà cụ thể là thi hào Lý Bạch đã đi tìm mặt trăng bằng phương pháp Thủy Thần từ năm 762 sau công nguyên, nghĩa là đã 1232 năm rồi, chưa thấy ông trở về. Mặt trăng với Lý Bạch nói cho cùng không chỉ có vài chục ký đất đá mang về, không phải là Xahara trá hình như một phi hành gia đã gọi, mà là vòng nguyệt quế của tuổi thơ nhân loại. Ở đó, ông đã bế ruột trăng trên tay như bế một em bé, như ẵm một bầu rượu. Trong bài thơ Nguyệt hạ độc chước, Lý Bạch coi mặt trăng chỉ là một người bạn nhậu: Cử bôi yêu minh nguyệt/Đối ảnh thành tam nhân. Ôi chao, pha rượu vào ánh trăng và ngược lại, hóa ra, chỉ có một thân mình mà thành ba vị: thân ta, bóng ta và bóng trăng, tam vi nhất thể, một mà ba, ba mà một, gần với thần học ấn Độ giáo mà sau này Do Thái giáo đã tiếp nhận: ba ngôi thiên Chúa là một... Lý Bạch không phải nhờ mũi tên của Hậu Nghệ để tìm trăng, theo thuyết trong âm có dương, trong dương có âm, diễn ra là trong ta có trăng, trong trăng có ta, do đó trăng hay không trăng là tùy ở cái tâm mà thôi. Thuyết âm dương của Dịch, thuyết vũ trụ đồng nhất đã đưa phương Đông tiến rất xa về thế giới quan so với phương Tây.

Thi ca phương Đông, do đó, không hề phân biệt hiện thực và siêu thực. Hai cái đó như hồn và xác, như sắc đẹp và mùi hương hoa ở chung với nhau, ở trong nhau. Khi Trần Tử Ngang viết "Tiền bất kiến cổ nhân/Hậu bất kiến lai giả hay khi Thô Hạo viết, Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản/Bạch vân thiên tải đông du du... thì quả tình không còn biết đâu là hiện thực, đâu là siêu thực nữa rồi. Nền thi ca phương Tây, nhìn chung là nền thi ca của thế giới nhị nguyên, khác với thế giới nhất nguyên của thi ca phương Đông. Nền thi ca logic, thi ca phân tích của phương Tây đi từ thực đến ảo, từ cái có thể đến cái không thể... Thi ca phương Tây hầu như đã chấp nhận cái chiều hiện hữu của không gian và thời gian, cùng với tôn giáo đã chắp cánh cho khoa học đi vào vũ trụ, leo trèo lên những vòm tinh tú để nhìn về quê hương trái đất trong một nỗi cô đơn cùng tận. Trái đất nhìn từ mặt trăng hệt như con tàu của ông Noe đang lênh đênh trên cơn đại hồng thủy vũ trụ. Con người ra khỏi trái đất, cố tìm xem có bạn hàng xóm vào chăng, càng tìm càng vô vọng, càng thấy trái đất mỏng manh dễ vỡ, càng thấy lạnh lẽo vì con người là sinh vật hoàn toàn cô đơn, bị cô lập trong vũ trụ vô biên.

Descartes kéo nền văn minh phương Tây ra khỏi bàn tay của Chúa Trời, đưa nó vào vòm trời của duy lý: Tôi tư duy tôi tồn tại. Có lẽ, sau ba thế kỷ, Descartes chưa hiểu hết ý của đại thi hào Dante khi ông lôi nền văn minh Thiên Chúa giáo đang lơ mơ ngủ gà ngủ gật trong nỗi ngủ dài nửa giáo đường, nửa thiên đường xuống tuốt chín tầng địa ngục để thức tỉnh nó? Thi ca - được gọi bằng tên gọi khác là Dante, đã tìm ra đủ vần điệu để dẫn nền văn minh u tối thời trung cổ xuống địa ngục, không phải để đầy đọa nó, mà cốt giúp nó luyện tội để tìm lại thiên đàng của thiêng liêng và huyền thoại. Từ khi nền văn minh duy lý chia tay với thần linh để đi vào thế giới thực dụng với máy móc và tiện nghi, thi ca hầu như đã biến thành chàng Hamlet nửa điên nửa tỉnh luôn luôn tìm đủ mọi phương cách nghi ngờ sự tồn tại của chính mình. Thơ ca phương Tây từ đó, một nửa mang hoài niệm xa xưa về thần thánh của Dante, một nửa mang tinh thần day dứt và đau khổ của Hamlet, nó muốn thoát khỏi tồn tại bằng đủ phương cách, đủ các thứ chủ nghĩa: hiện thực, lãng mạn, siêu thực, hiện sinh, cấu trúc, hiện đại và hậu hiện đại... Nhưng đỉnh Olympia của thần thoại đã biến thành nơi phóng đi các thứ tàu vũ trụ để đi tìm gương mặt cụ thể của hư vô ở ngoài trái đất ngoài con người. Từ bỏ cả thi ca và thượng đế, hầu như nền văn minh thực dụng đang lao ra khỏi trái đất để đi tìm lợi lộc và thuộc địa trên vũ trụ. Lên tới gần nóc của duy lý, gần như nó cảm thấy mình bất lực với một nhận thức mơ hồ rằng: cần phải tìm cách trở về nguồn, trở về phương Đông...

Hình như cuộc hành hương về Jerusalem đang bắt đầu thì phải? Té ra, mọi thần linh, mọi tôn giáo đều sinh ra từ phương Đông: từ Đức Phật đến Chúa Ki tô, từ Khổng Mạnh - Lão Trang đến thánh Ala của tiên tri Môhamet... Và kỳ lạ thay, mặt trời, địa bàn, chữ viết, con số ả rập, cà-phê, thuốc súng và giấy viết đều được sinh ra đầu tiên từ phương Đông. Mở đầu Kinh Cựu Ước của dòng dõi Abraham vùng Tiểu á và Trung Đông. Đức Chúa Trời hình như đã sai Soisen viết rằng: "Khởi thủy là Lời." Vâng, cũng có nghĩa rằng: Khởi thủy là Thi ca.

Thi ca phương Đông từ đó đã đi theo chiều thứ tư của không gian. Nó được diễn đạt bằng giấc mơ mặc khải của Trang Tử: mơ thấy mình là bướm, thức dậy không biết mình vừa hóa thành bướm hay bướm hóa thành mình? Thi ca phương Đông không quan tâm đến tồn tại hay không tồn tại. Nó không thích rách việc khi tự biến thành hai cánh tay diễn dịch và quy nạp của tư duy. Nó tham dự vào cuộc chia ly của tình yêu, tự động xẻ vầng trăng làm hai nửa: nửa in gối chiếc, nửa soi dặm đường. Thi ca phương Đông cũng tự nhiên nhi nhiên như trời đất. Nó là tuổi thơ, là đứa trẻ con của loài người. Đến cả đấng tạo hóa kia mà người phương Đông còn gọi là hóa nhi nữa là... Thi ca phương Đông không chỉ tìm thấy mặt trăng, mà còn biết làm mặt trăng rung động chỉ bằng một tiếng trống: "Trống Tràng Thành lung lay bóng nguyệt". Mặt trăng ấy, biến hóa khôn lường, có khi lại là tấm lòng của người chinh phụ gửi đến khắp nơi theo vó ngựa của chàng: Mặt chinh phu trăng rõi rõi theo. Mặt trăng ấy, là mặt trăng của thi ca phương Đông. Mặt trăng ấy cư ngụ không chỉ nơi to rộng của trời biển, mà còn biết cách ẩn mình trong mắt kiến. Thế giới vô chiều của thơ ca phương Đông là thế giới tâm linh con người. Biết đâu nhờ sự tung tẩy và vu vơ đến phi lý của mộng tưởng thi ca, con người càng lúc càng nhận ra rằng, cái thế giới vi mô của tâm hồn con người có khi lại vô tận hơn, sâu thẳm hơn, rực rỡ và cao xa hơn cái thế giới vĩ mô có tên là vũ trụ?

Có phải nền văn minh vật chất sở dĩ phải mò lên thóc mách mặt trăng, sao Kim, sao Hỏa, tham vọng đi tìm bí mật các thiên hà chỉ vì nó bất lực không biết cách đi vào thế giới tâm linh con người? Con người phải lang thang ra ngoài trái đất cốt tìm ra chìa khóa để mở bản thân mình? Chiếc chìa khóa ấy có lúc là tôn giáo, lúc là thi ca, lúc là khoa học... Cầm được chiếc chìa khóa trời ban trong tay, con người hám lợi nhìn vào bản thân mình như nhìn vào két bạc, do đó vẫn chưa mở nổi bản thân mình. Và vì vậy thi ca - tình nhân của Cái Đẹp vẫn lảng vảng nơi ranh giới hư và thực, thiên đường và hạ giới để toan mượn chiếc chìa khóa của Thánh Phêrô để mở vào cái bí mật khôn cùng của chúng ta đang nằm phía sau lưng của tồn tại?

Đại thi hào Goethe, người đã đặt được hai bàn tay lên hai thế kỷ: 18 và 19, bằng tác phẩm Faust bất hủ, giống như Dante bằng Hài kịch thần tiên (La divina commedia) đã đặt hai bàn tay lên thế kỷ 13 và 14. Goethe làm nốt cuộc đối thoại của Dante với địa ngục, nhưng lần này cụ thể hơn trong cuộc bán đấu giá, cuộc nhượng quyền sở hữu bản thân, quyền sở hữu linh hồn của chàng Faust cho quỷ Méphistophélés. Thi ca được biểu tượng bằng chàng Faust đem linh hồn mình bán cho quỷ để đổi lấy sự khôn ngoan. Nhưng sự khôn ngoan thì có giới hạn, còn linh hồn con người thì vô hạn. Sự thất bại của bác sĩ Faust chính là lời cảnh báo của Goethe trước nền văn minh duy lý. Và dường như vậy, Goethe đã mang thi ca quay về phương Đông, nơi ra đời của Chúa Trời và Kinh Thánh? Hành trình của Dante và Goethe đi tìm Chân Thiện Mỹ thông qua trạm dừng chân của ma quỷ, thực ra từ khởi nguồn, phương Đông đã rốt ráo hơn, bản chất hơn khi không tách ma quỷ ra khỏi con người: THI TRUNG HỮU QUỶ. Quỷ thần không hề ở ngoài con người, mà nó tồn tại trong con người và thi ca. Cũng như vậy, Phật giáo khởi nguồn là một triết học, là niềm thi ca hơn là một tôn giáo. Phật, hay Niết Bàn ở trong mỗi chúng sinh. Địa ngục cũng ở trong mỗi chúng sinh. Wallace Stevens từng nói: "Thi sĩ là gạch nối giữa con người và vũ trụ". Văn minh phương Đông mà cụ thể là thi ca phương Đông quan niệm rằng tâm linh con người là vũ trụ, không tách vũ trụ ra khỏi con người, tách hồn ra khỏi xác, tách siêu thực ra khỏi hiện thực như nền văn minh và thi ca phương Tây.
Hưng
Đọc những tác phẩm, bài luận của trí thức phương Đông trong mấy thập kỷ qua chẳng có cái nào khác cái nào. Luôn luôn lấy văn hoá phương Tây là cái cột trụ để bám vào mà so đo, chì chiết, để cố chứng minh rằng văn hoá phương Đông tinh tuý hơn, tốt đẹp hơn. Có những vị còn cho rằng thời đại hiện nay là Bĩ, còn khi nào tới thời của châu Á mới là Thái!. Thật chả hiểu các vị hiểu Đông được bao nhiêu chứ chưa nói tới chuyện hiểu Tây!. Chả biết, khi đọc tất cả những bài viết về văn hoá, nghệ thuật của các tác giả phương Đông trong mấy thập kỷ qua, trí thức phương Tây có cười mà nói, như Tô Hoài từng viết :"chó cứ sủa và người cứ đi" không?
Đành rằng TMH không viết để chứng minh rằng ta hơn Tây mà muốn đả phá tư tưởng sính Tây rởm của các bác làm thơ mới, thơ hiện sinh này nọ, nhưng ông ta vẫn sử dụng cái lối mòn khắc khổ ấy. Đó là điều mà em thấy buồn. Nếu văn hoá phương Đông cao, chúng ta cần cóc gì cứ phải lấy mãi một nền văn hoá nào khác làm cái gương để so sánh như thế nhỉ? Bác nào có ý kiến khác không ạ?
Phó Thường Nhân
To UBU II sp_ike.gif ;D
Vừa lọ mọ đọc bài của bác TMH xong, tò mò vì đã có lời giới thiệu của bác 1DC7, định viết mấy chữ thì đã có Bác U cũng viết gần giống như cái mình định nói, cho nên phải hạ kiếm (bút) để nghĩ thêm đã. :P :P
Pages: 1, 2, 3
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > Văn Học & Ngôn Ngữ
Bạn đang xem phiên bản gọn nhẹ của diễn đ n dưới dạng text, để xem các b i viết với đầy đủ mầu sắc v hình ảnh hãy nhấn v o đây !
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.