Langven.com Forum

Full Version: Trạm Không Gian Quốc Tế
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > Khoa Học Kỹ Thuật - Computer & Internet
Milou
Trạm Không Gian Quốc Tế

Lữ Phúc Bá

1. Giới Thiệu: Năm 1998 là năm khởi đầu cho những phi vụ ráp nối trên quỹ đạo của Trạm Không Gian Quốc Tế ISS, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chương trình phát triển không gian của Hoa Kỳ. Trạm Không Gian ISS là một phi trạm bay quanh Trái Ðất lớn nhất từ trước đến nay, nhằm thực hiện lâu dài những nghiên cứu khoa học và ứng dụng kỹ nghệ trong môi trường vi trọng lực, đồng thời cũng được xem như một tiền dồn không gian dùng làm cứ diểm cho các dự án nghiên cứu vũ trụ và địa cầu trong những thập niên đầu của niên kỷ 21. Trạm Không Gian ISS đã được nghiên cứu, thiết kế và phát triển trong hai thập niên qua. Những thành phần cấu trúc sẽ được bắt đầu đưa lên quỹ đạo để ráp nối, kéo dài trong 5 năm tới, sử dụng 73 phi vụ của các phi thuyền Mỹ, Nga và Âu Châu, để chuyên chở những trang thiết bị và phi hành gia từ mặt đất lên quỹ đạo. Ðây là một chương trình phát triển khoa học không gian và hợp tác quốc tế lớn lao với sự tham dự của 15 quốc gia kỹ nghệ hàng đầu hiện nay.

Nhằm giới thiệu một cách tổng quát về Trạm Không Gian, bài viết nầy sẽ trình bày về tình trạng hiện tại, về những giai đoạn phát triển, về những thăng trầm thay đổi liên tục của dự án, về thành phần cấu tạo cùng những chi phí đài thọ cho việc thực hiện toàn bộ chương trình. Những dữ kiện trình bầy trong bài được lấy từ tin liệu Internet, từ tạp chí Aviation Week & Space Technology, Space News, JSC Space News Roundup, từ tài liệu Space Station Freedom Media Handbook, International Space Station Fact Book và từ những kinh nghiệm đã trải qua trong suốt hai thập niên đóng góp vào dự án Trạm Không Gian của tác giả.

1. Tình Trạng Hiện Tại

Chương trình Trạm Không Gian hiện nay được bắt đầu từ năm 1979. Tuy nhiên, chương trình chỉ được chính thức tiến hành vào năm 1984 sau khi Tổng Thống Ronald Reagan đọc bản tường trình thường niên đầu năm tại lưỡng viện Quốc Hội, dẫn đến việc thực hiện dự án Trạm Không Gian Freedom với sự tham dự của ba hãng thầu chính là công ty Boeing, Mcdonnell Douglas và Rocketdyne. Ðến đầu năm 1993, do nguyên nhân lạm phát giá phí (cost overrun) trong việc thực thi hợp đồng của hãng thầu McDonnell Douglas, nên dự án Freedom đang tiến hành đã phải đình chỉ để thiêt kế lại, nhằm mục đích hạn chế phí tổn cho phù hợp với chính sách kinh tế và khả năng ngân sách quốc gia đài thọ, đồng thời dựa trên sự hợp tác của cơ quan Không Gian Nga Sô sau thời kỳ sụp đổ của chế độ Cộng Sản.

Sau khi kết quả của dự án tái thiết kế đệ trình và được chính quyền Clinton cùng Quốc Hội chấp thuận, Cơ Quan Quản Trị Hàng Không và Không Gian NASA đã thương lượng chọn công ty Boeing làm hãng thầu chính duy nhất cho dự án trạm không gian mới, mang tên Trạm Không Gian Quốc Tế (International Space Station), đồng thời chấm dứt hợp đồng với những hãng thầu chính khác của dự án Trạm Không Gian Freedom, kể từ tài khóa 1994. Vì tình trạng đặc biệt và thời gian hạn định, nên việc lựa chọn công ty Boeing làm hãng thầu chính, không qua thủ tục gọi thầu thông thường mà chỉ do sự thỏa thuận giữa hai tổ chức liên hệ trực tiếp. Theo đó, hãng thầu Boeing cùng với cơ quan NASA có trách nhiệm thiết lập và lượng giá Trạm Không Gian bao gồm việc chế tạo, cung cấp, kết hợp, phân tích, kiểm phẩm các thành phần trang thiết bị, cương liệu lẫn nhu liệu. Công ty Boeing còn có trách nhiệm yểm trợ phối hợp trong lãnh vực chuyên môn kỹ thuật với các quốc gia thành viên của chương trình Trạm Không Gian hầu bảo đảm về mọi mặt như tiêu chuẩn kết hợp, kế hoạch ráp nối, phân định phần vụ, phương thức tiếp liệu, an toàn hoạt động. Những quốc gia thành viên của chương trình Trạm Không Gian hiện nay gồm có Hoa Kỳ, Nga Sô, Nhật Bản, Canada và 11 trong 13 quốc gia hội viên thuộc Cơ Quan Không Gian Âu Châu (Anh, Pháp, Ðức, Bỉ, Ý, Ðan Mạch, Hoà Lan, Na Uy, Tây Ban Nha, Thụy Ðiển, Thụy Sĩ).

Chương trình hiện nay đang đi vào giai đoạn cuối của phần nghiên cứu, thiết kế và chế tạo. Lịch trình đưa từng thành phần vào quỹ đạo để ráp nối kết hợp đã được dự trù khởi sự vào tháng 6 năm 1998. Tuy nhiên cho dến nay, vì có sự chậm trễ trong việc chế tạo và thử nghiệm Khối Năng Lượng Tạo Sức Ðẩy FGB, nên phi vụ khởi đầu nầy đã được dời lại đến tháng 11 năm 1998. Khối FGB là thành phần cấu trúc đầu tiên của Trạm Không Gian ISS, do Cơ Quan Không Gian Nga Sô sản xuất với sự tài trợ của Mỹ. Những phi vụ lắp ráp kế tiếp sẽ được tuần tự thực hiện liên tục kéo dài trong 5 năm. Toàn bộ chương trình được dự trù sẽ hoàn tất vào tháng Giêng năm 2004 với đầy đủ phương tiện sinh hoạt cho một phi hành đoàn thường trực 6 người cùng với khả năng hoạt động của các phòng thí nghiệm, dụng cụ và phương tiện nghiên cứu của 15 quốc gia tham dự.

2. Nguồn Gốc Trạm Không Gian.

Quan niệm về Trạm Không Gian được bắt nguồn từ những tác phẩm khoa học giả tưởng trong thế kỷ 19 của các văn hào Everett Hale, H. G.Wells và Jules Verne về viễn tượng một phi thuyền dùng làm cứ điểm cho các chuyến bay du hành Mặt Trăng và vũ trụ, và cũng được phát xuất từ những nghiên cứu thực dụng của các khoa học gia tiên phong trong ngành khoa học không gian và hỏa tiễn cận đại, Oberth, Tsiolkovsky, Goddard, mở một kỷ nguyên mới cho nhân loại trong vấn đề chinh phục không gian mà bao nhiêu thế hệ đã hằng mơ ước.

Trong thập niên đầu của niên kỷ 20, với những công trình nghiên cứu và tính toán quỹ đạo, khoa học gia Konstantin Tsiolkovsky, đã đặt nền móng cho vấn đề thám hiểm không gian. Ông cũng đã phát họa và đề nghị một cấu trúc Trạm Không Gian bay ngoài vùng khí quyển địa cầu .

Tuy nhiên, quan niệm thực tiễn về Trạm Không Gian chỉ được thực sự chú ý đến vào năm 1923, sau khi nhà thiên tài khoa học Hermann Oberth trình bầy một loạt bài đề cập đến khả năng ứng dụng loại hỏa tiễn nhiên liệu lỏng dưới đề tài "Die Rakete

u Den Planet-Enraumen " (Hỏa Tiễn Du Hành Liên Hành Tinh) đã gây nên những thảo luận kéo dài mãi trong hơn sáu thập niên qua về nhu cầu của một Trạm Không Gian cho việc thám hiểm và du hành vũ trụ. Ông Oberth đã dự kiến về một cuộc du hành đến Hỏa Tinh và sự kiện cần thiết của một Trạm Không Gian để làm phi trạm chuyển tiếp cho cuộc du hành dài từ Ðịa Cầu đến Hỏa Tinh. Ông cũng đã nhận định rằng Trạm Không Gian nói trên, không những chỉ làm bàn đạp cho những chuyến du hành xa từ Quả Ðất, mà còn ứng dụng cho nhiều mục tiêu khác.

Trong suốt ba thập niên sau đó (thập niên 20 đến 40) nhiều khoa học gia khác, hầu hết là khoa học gia Ðức, cũng đều đồng quan điểm về những ứng dụng quan yếu của Trạm Không Gian trong các lãnh vực như quân sự, tình báo, thiên văn, khí tượng, địa đồ, y học, kỹ thuật. Nhiều kiểu mẫu kiến trúc của Trạm Không Gian, bay ở quỹ đạo thấp của Ðịa Cầu (low Earth orbit), cũng đã được phát họa trong thời kỳ nầy .

3. Chương Trình Trạm Không Gian Tại Mỹ

Trong thế chiến thứ hai, một thiên tài khoa học trẻ, Tiến sĩ Wernher Von Braun người thành công trong việc chế tạo hỏa tiễn xuyên đại dương, cha đẻ các loại hoả tiễn V1 và V2 của Ðức Quốc Xã, cũng đã nhận định rằng hỏa tiễn V2 chỉ là bước khởi đầu để khai triển phương tiện cho những hành trình xa đến các hành tinh ngoài Ðịa Cầu, và sự hiện hữu của một trạm vệ tinh nằm thường trực ở quỹ đạo ngoài bầu khí quyển Quả Ðất sẽ rất cần thiết cho những cuộc hành trình như vậy. Sau chiến tranh, ông đến Mỹ vào năm 1945, và từ đó nhu cầu của một Trạm Không Gian cũng bắt đầu được nghiên cứu tại Mỹ. Trong thập niên 50, nhiều nhóm khoa học gia và nhiều ngành kỹ nghệ Hoa Kỳ đã đặc biệt chú trọng đến những ứng dụng thực tiễn, quân sự cũng như dân sự của chương trình không gian và một trạm vệ tinh ngoài không gian. Cũng trong thời kỳ nầy, ông và một số đồng nghiệp đã đề nghị và thiết kế một số kiến trúc cho Trạm Không Gian .

Ðể thực hiện, ông đề nghị bước đầu nên chế tạo một phòng thí nghiệm nhỏ phóng vào quỹ đạo, hoạt động để thử nghiệm. Ðề nghị nầy được sự đồng ý trên nguyên tắc của nhiều nhóm, nhưng những bàn cãi, thảo luận vẫn diễn ra xoay quanh những vấn đề như mục tiêu thí nghiệm, số lượng phi hành gia, khả năng tiếp tế, phương thức cấp cứu, kỹ thuật ráp nối, phương tiện chuyên chở, thời gian tồn tại, cách thức hoạt động, cao độ quỹ đạo v.v... cho mãi đến khi cơ quan NASA được thành lập vào năm 1958, và cơ quan nầy đã trở thành một diễn đàn thảo luận cho kế hoạch thực hiện Trạm Không Gian của nhiều xu hướng khác nhau. Vào giữa năm 1960, các chuyên viên và khoa học gia từ nhiều tổ chức và ngành kỹ nghệ Hoa Kỳ, đã họp nhau trong một cuộc hội thảo chuyên đề tại Los Angeles và đã đi đến kết luận việc thiết lập Trạm Không Gian là một mục tiêu thuận lý cần thiết, mặc dù vẩn có những dị đồng về phương thức thực hiện.

Ðến năm 1961, Tổng Thống Kennedy quyết định chương trình thám hiểm Mặt Trăng sẽ là mục tiêu chính yếu cần dồn mọi nỗ lực và tài nguyên quốc gia để hoàn thành. Do đó, kế hoạch cho việc thực hiện một Trạm Không Gian phải tạm đình hoãn. Tuy nhiên cơ quan NASA vẫn liên tục tham khảo cộng đồng khoa học và kỹ nghệ về những nhu cầu cần thiết cùng những bước thực thi thuận lý cho một Trạm Không Gian trong tương lai.

Trong suốt thập niên 60, đằng sau những hoạt động tích cực cho chương trình Apollo nhằm đổ bộ Mặt Trăng, các chuyên viên phụ trách kế hoạch Trạm Không Gian vẫn không ngừng nghiên cứu một giải pháp cho hai vấn đề : (a) phương tiện chuyên chở để ráp nối xây cất Trạm Không Gian cùng (B) phương thức tiếp tế cho Trạm Không Gian để giảm thiểu phí tổn hoạt động trong lâu dài. Kết quả nghiên cứu đưa đến quan niệm chế tạo một phi thuyền có khả năng đi đi về về (Shuttle), giữa mặt đất và quỹ đạo Ðịa Cầu, để sử dụng cho kế hoạch thực hiện Trạm Không Gian. Sau khi chương trình Apollo hoàn tất, quan niệm trên được chấp thuận và dự án phi thuyền Con Thoi Không Gian (Space Shuttle) dùng làm phương tiện chuyên chở giữa mặt đất và quỹ đạo được tiến hành. Việc khai triển và chế tạo phi thuyền được khởi sự vào năm 1972.

Qua năm 1973, dựa trên khả năng của loại hỏa tiễn Saturn chế tạo cho chương trình Apollo, một phòng thí nghiệm với khả năng hạn chế, mang tên Skylab, gắn liền với hỏa tiễn Saturn đã được đưa lên không gian để thử nghiệm. Phòng thí nghiệm Skylab có kích thước chiều dài 48ft (14.6 mét ) và đường kính 22ft (6.7 mét) và đây là Trạm Không Gian đầu tiên của Hoa Kỳ (Hình 6). Vì không được trang bị hỏa tiễn để tự tạo sức đẩy giữ cao độ trong quỹ đạo, nên Trạm Không Gian Skylab đã bị rơi dần vào bầu khí quyển Quả Ðất và bị tiêu hủy vào năm 1979. Mặc dầu chỉ có thể hoạt động được trong khoảng thời gian ngắn, nhưng dự án Trạm Không Gian Skylab đã chứng minh được rằng con người có thể sinh sống và làm việc trong thời gian dài ngoài không gian. Qua 3 phi hành đoàn trong 3 khoảng thời gian khác nhau, hơn 100 cuộc thí nghiệm trong môi trường vi trọng lực cùng những quan sát khảo cứu về Quả Ðất, khí tượng và ảnh hưởng của Mặt Trời cũng đã được tiến hành thành công.
Milou
4. Tiến Trình Phát Triển Trạm Không Gian ISS

Vào những năm cuối thập niên 70, trong lúc Trạm Không Gian Skylab không còn sử dụng và việc chế tạo phi thuyền Con Thoi đang ở vào giai đoạn hoàn tất, nhóm phụ trách kế hoạch Trạm Không Gian tại NASA cùng các hãng thầu yễm trợ liên hệ cũng đã nghiên cứu, thiết kế và đề nghị một số cấu trúc cho Trạm Không Gian tương lai. Kiến trúc mang tên Trung Tâm Hoạt Vụ Không Gian SOC , được coi là có nhiều ưu điểm và cho đến đầu thập niên 80 kiến trúc nầy vẫn còn có nhiều triển vọng được chọn làm Trạm Không Gian .

Sau chuyến bay đầu tiên thành công của phi thuyền Con Thoi vào tháng tư năm 1981, một lần nữa dự án thiết lập Trạm Không Gian lại được xét đến như là một bước tiến thuận lý trong chương trình chinh phục không gian. Tháng 5, 1982, Cơ Quan NASA thành lập chính thức một Lực Lượng Tác Vụ (Task Force) cho dự án Trạm Không Gian, với nhiệm vụ tiến hành nghiên cứu và phát họa kế hoạch, chương trình, phí tổn thực hiện để đệ trình Quốc Hội chấp thuận. Trong thời kỳ nầy, hai kiến trúc khác đã được đề nghị thay thế kiến trúc SOC, mang tên kiến trúc Delta và kiến trúc Big T . Tuy nhiên, kết quả sau cùng do Ban Ðiều Nghiên Dự Án chọn lựa để đệ trình chấp thuận là kiến trúc Power Tower .

Tháng Giêng năm 1984, Tổng Thống Ronald Reagan chấp thuận kế hoạch thực hiện và quyết định dồn nỗ lực quốc gia để hoàn tất dự án trong vòng một thập niên, mở đầu cho kỷ nguyên của con người sinh sống và hoạt động ngoài không gian. Văn phòng Chương Trình Trạm Không Gian được thành lập và 8 hãng thầu được chọn để nghiên cứu kỹ thuật ấn định nhu cầu cho Trạm Không Gian dựa trên kiến trúc Power Tower.

Do tai nạn thảm khốc và bất ngờ của phi thuyền Challenger vào tháng giêng năm 1986, kế hoạch thực hiện đã phải đình chỉ để duyệt lại toàn bộ dự án hầu bảo đảm tối đa điều kiện an toàn. Tháng 3 năm 1986, dự án được tiếp tục với một kiến trúc mới, kiến trúc Dual Keel . So với kiến trúc cũ, kiến trúc nầy có những ưu điểm về môi trường vi trọng lực, dễ dàng hoạt động bảo trì, mở rộng diện tích cho các phi tải (payload), gia tăng số lượng các phòng thí nghiệm và cư sinh. Tháng 12 năm 1987, bốn công ty Boeing, McDonnell Douglas, General Electric, Rocketdyne được chọn làm bốn hãng thầu chính để chế tạo và thiết lập Trạm Không Gian.

Vì tầm mức quá tốn kém của dự án Dual Keel, nên vào đầu năm 1988, Hội Ðồng Khảo Cứu Quốc Gia (National Research Council), sau khi cứu xét toàn bộ dự án trên phương diện hoạt động, sử dụng, tài chánh và quản trị, đã đi đến kết luận là phải thu gọn kiến trúc Dual Keel, và kiến trúc thu gọn nầy được gọi là kiến trúc Baseline . Do đó, một số công tác nghiên cứu thiết kế đã phải tái thẩm duyệt, kế hoạch ráp nối phải tái quy định và lịch trình thực hiện phải dời hoãn lại.

Bắt đầu từ tài khóa 1991 (tháng 10 năm 1990), do tình hình kinh tế, ngân sách cho dự án Trạm Không Gian bị Quốc Hội cắt giảm 6 tỷ cho tài khóa từ 1991 đến 1996. Do đó, kiến trúc Trạm Không Gian Baseline lại phải sửa đổi bằng cách thu ngắn kích thước, giản tiện cách thức ráp nối, cắt bớt số giờ hoạt vụ ngoại vi (Extravehicular Activity) cho công tác thiết trí, giảm thiểu các chuyến bay chuyên chở các thiết bị của phi thuyền Con Thoi. Kiến trúc sửa đổi nầy được mang tên Trạm Không Gian Freedom . Một số công tác thiết kế, một lần nữa phải trở lại từ đầu, lịch trình thực hiện phải thay đổi, số hãng thầu chính chỉ còn lại ba công ty McDonnell Douglas, Boeing và Rocketdyne. Thời khóa biểu lắp ráp ở quỹ đạo dự trù khởi sự trong năm 1996 và chương trình dự trù hoàn tất vào năm 2000. Toàn bộ phí khoản cho dự án chế tạo Trạm Không Gian Freedom được dự trù là 16 tỷ 900 triệu theo thời giá 1992, chưa kể đến những phí tổn khác như phí tổn hoạt động của phi thuyền Con Thoi để chuyên chở thiết bị (5 tỷ), và phí tổn đóng góp của các quốc gia hợp tác (8 tỷ).

Trong suốt những năm kế tiếp, vì ảnh hưởng của nền kinh tế và vấn đề lạm phát ngân sách, nên chương trình thực hiện cũng đã phải đương đầu với nhiều áp lực từ lưỡng viện Quốc Hội, đòi hũy bỏ dự án Trạm Không Gian. Thêm vào đó, vì nguyên nhân lạm phát giá phí (cost overrun) trong việc thực thi hợp đồng của hãng thầu McDonnell Douglas, một trong những hãng thầu chính của dự án Freedom, nên Tổng Thống Clinton ngay từ những ngày đầu nhậm chức, đã chỉ thị tái thiết kế toàn bộ dự án Trạm Không Gian để giảm phí tổn đến mức tối đa.

Tháng 6 năm 1993, cơ quan NASA đệ trình lên văn phòng tòa Bạch -c chi tiết sơ khởi 4 kiểu mẫu kiến trúc cho trạm không gian tái thiết kế để quyết định.

Kiến trúc A1 với phí tổn ước tính 13.3 tỷ

Kiến trúc A2 với phí tổn ước tính 12.8 tỷ

Kiến trúc B với phí tổn ước tính 13.3 tỷ

Kiến trúc C với phí tổn ước tính 11.9 tỷ

Kiến trúc C (Hình 14) có phí tổn thấp nhất, tuy nhiên tất cả 4 kiến trúc nầy đều vượt qúa mức phí khoản ấn định ban đầu là 9 tỷ của tòa Bạch -c.

Nhằm sử dụng kinh nghiệm kỹ thuật và khả năng thiết bị sẵn có của Nga trong chiều hướng hợp tác tương trợ quốc tế, theo chỉ thị của toà Bạch -c, một kiến trúc khác được thiết kế để kết hợp thành phần trang bị Trạm Không Gian Mir của Nga với những thành phần đã được thiết kế chế tạo cho dự án Freedom. Kiến trúc nầy lấy tên là kiến trúc Alpha . Ngày 4 tháng 11, 1993, hai cơ quan không gian Nga Sô và NASA đã ký kết thỏa hiệp hợp tác để thiết lập Trạm Không Gian, tạo môi trường thuận lợi cho những hợp tác quốc tế trong hòa bình lâu dài. Sau nhiều sửa đổi, kiến trúc Trạm Không Gian mới đã được chấp thuận và mang tên Trạm Không Gian Quốc Tế Alpha ISSA kể từ đầu năm 1994 . Trong những năm kế tiếp, song song với công tác thiết kế kết hợp trang thiết bị, một số thay đổi về chi tiết kỹ thuật đã dẫn đến một vài thay đổi cấu trúc với danh xưng đổi thành Trạm Không Gian Quốc Tế ISS, và cũng là kiến trúc đang được tiến hành hiện nay .
Milou
5. Thành Phần Và Chi Phí Trạm Không Gian ISS

Trạm Không Gian ISS được cấu tạo với những thành phần kiến trúc chính yếu như sau:

- Khối năng lượng tạo sức đẩy FGB (Functional Cargo Block FGB)

- Phòng dịch vụ SM (Service Module)

- Các phòng hợp kết (Nodes)

- Các phòng thí nghiệm và cư sinh (Laboratory & Habitation modules)

- Trục sườn (Truss)

- Giàn chuyển vận lưu động (Mobile Transporter)

- Các bảng thu nhiệt mặt trời để tạo điện năng (Solar Panels)

- Các bảng giải nhiệt (Thermal Radiators)

- Phi thuyền hoán vận phi hành đoàn (Crew Transfer Vehicle)

Ðể có thể hoạt động, Trạm Không Gian còn được trang bị những hệ thống điều khiển và yểm trợ sinh hoạt cần thiết như:

- Hệ thống kiểm vận & phi hành (Control & Navigation system)

- Hệ thống viễn thông (Communications System)

- Hệ thống điện lực (Electrical Power System)

- Hệ thống tiêu lệnh & và hành dụng dữ kiện (Command & Data Handling System)

- Hệ thống yểm trợ sinh sống (Life Support System)

- Hệ thống điều nhiệt và điều áp (Pressure & Thermal Control System)

- Hệ thống điều khiển cần tay máy (Robotic system)

Khối FGB và phòng dịch vụ SM có khả năng hoạt động riêng rẽ như những phi thuyền, là những thành phần thiết bị sử dụng cho trạm không gian MIR của Nga, được chế tạo và đưa lên quỹ đạo trong giai đoạn đầu. FGB với trọng lượng 42.600 lbs là thành phần thiết bị đầu tiên được phóng lên không gian vào cuối năm nay bằng hỏa tiễn Proton của Nga dùng để điều khiễn vị thế, tốc độ và định hướng cho Trạm Không Gian. Phòng dịch vụ SM với trọng lượng 46.300 lbs sẽ được đưa lên quỹ đạo tiếp theo dùng làm phòng điều khiển và cư sinh cho phi hành đoàn trong giai đoạn đầu.

Các phòng thí nghiệm và cư sinh của các quốc gia thành viên sẽ lần lượt đưa vào ráp nối ở quỹ đạo tuần tự theo lịch trình mới nhất hiện nay như sau:

- Phòng dịch vụ SM, tháng 4 năm 1999

- Phòng thí nghiệm Hoa Kỳ, tháng 10 năm 1999

- Phòng thí nghiệm Nhật Bản, tháng 1 năm 2002

- Hai phòng thí nghiệm Nga, tháng 8 năm 2002 và tháng 11 năm 2002

- Phòng thí nghiệm Âu Châu, tháng 2 năm 2003

- Phòng cư sinh Hoa Kỳ, tháng 1 năm 2004

Phi thuyền hoán vận phi hành đoàn (CTV), dùng để di chuyển phi hành gia rời khỏi Trạm Không Gian trong trường hợp cấp cứu, sẽ được chế tạo và đưa lên quỹ đạo vào tháng 3 năm 2003. Toàn bộ chương trình dự trù sẽ hoàn tất, sau khi phòng cư sinh Hoa Kỳ, với đầy đủ tiện nghi sinh sống lâu dài trong không gian, được đưa lên quỹ đạo và ráp nối xong vào Trạm Không Gian.

Tóm lại, theo lịch trình dự định, công tác ráp nối Trạm Không Gian ISS sẽ được khởi sự vào cuối năm 1998 và hoàn tất vào đầu năm 2004, sử dụng tổng cộng 27 phi vụ bằng phi thuyền Con Thoi, 44 phi vụ bàng các phi thuyền Soyu , Progress cùng hỏa tiễn Proton của Nga, 1 phi vụ bằng phi thuyền Arianne của Âu Châu và một phi vụ của phi thuyền hoán vận phi hành đoàn, tất cả dùng để chuyên chở trang thiết bị và phi hành gia lên không gian.

Trạm Không Gian ISSA sau khi hoàn tất, có kích thước chiều ngang tối đa 356 ft (110 mét) và chiều dọc tối đa 262 ft (80 mét), với một trọng lượng ngót 1 triệu cân Anh (924.000 lbs), sẽ nằm ở quỹ đạo có cao độ trung bình 220 dặm cách mặt đất và ở độ lệch 51.6o đối với đường xích đạo. Trạm có đầy đủ tiện nghi sinh sống và làm việc lâu dài cho một phi hành đoàn thường trực 6 người.

Phí tổn chi dụng cho toàn bộ chương trình Trạm Không Gian kể từ lúc khởi đầu cho dến khi hoàn tất được dự trù là 27.5 tỷ mỹ kim chia ra như sau:

- 0.6 tỷ cho giai đoạn nghiên cứu sơ khởi

- 0.6 tỷ cho giai đọan thiết kế kỹ thuật (1985-1987)

- 26.3 tỷ cho giai đoạn khai triển dự án, chế tạo và ráp nối ở quỹ đạo (1987-2003)

Sự đóng góp của các quốc gia hợp tác tổng cộng từ khởi đầu là 9 tỷ mỹ kim. Phí khoản cho Trạm Không Gian hoạt động trong vòng 10 năm, từ năm 2004 đến năm 2013, được ước tính là 13 tỷ mỹ kim tính theo thời giá hiện tại.

6. Kết Luận

Nếu nhìn chung toàn bộ dự án, từ buổi đầu nghiên cứu đến giai đoạn hình thành, thì những chi phí nói trên chỉ chiếm 1/7 của một phần trăm ngân sách quốc gia và chưa đến 15 phần trăm ngân sách của Cơ Quan Không Gian NASA . Tính trung bình, chi phí nầy chỉ tốn kém cho thuế lợi tức của mỗi người dân Mỹ, 9 mỹ kim mổi năm, bằng giá tiền của một đêm xem chiếu bóng. Nhưng chắc chắn là sự tốn kém đó sẽ đem lại trong tương lai những nguồn lợi to lớn, do kết quả ứng dụng vào các ngành kỹ nghệ sản xuất của những khảo cứu khoa học trong môi trường vi trọng lực, chưa nói đến những lợi ích vô giá về ứng dụng y học giúp cho sự sống, sức khỏe và tuổi thọ con người. Ngoài ra sự thành công của chương trình sẽ là niềm hãnh diện của quốc gia Mỹ, là niềm tự hào của một dân tộc yêu chuộng tự do và hòa bình.

Ðây là một chương trình phát triển khoa học không gian có ảnh hưởng lâu dài rộng lớn cho nhiều thế hệ tương lai với sự đóng góp và hợp tác của nhiều quốc gia hàng đầu trên thế giới hiện nay. Ðây cũng là một chương trình khoa học phải trải qua nhiều thăng trầm vì những thay đổi quan niệm, sửa đổi kế hoạch, hủy bỏ lịch trình, tái tạo đồ án, cắt xén thiết bị, thu hẹp khả năng, duyệt xét tổ chức, sa thải chuyên viên, hoán chuyển nhân sự, với mục đích để chương trình được tồn tại. Ðây cũng là một chương trình khoa học mà chính quyền, quốc hội và báo chí đã đề cập thảo luận đến nhiều nhất trong những năm bị ảnh hưởng bởi vấn đề lạm phát ngân sách và sự suy thoái của nền kinh tế.

Trong chiều hướng kinh tế quốc gia trên đà hưng thịnh hiện tại, hy vọng việc thực hiện Trạm Không Gian sẽ được dễ dàng hơn để có thể đạt được mục tiêu đề ra, sau suốt một đoạn đường dài gần bốn thập niên, trải qua 8 chính quyền Tổng thống, từ chính quyền Kennedy đến Clinton, với bao nhiêu công lao đóng góp tim óc của rất nhiều tài năng đất nước, hầu mở một kỷ nguyên mới trong việc chinh phục không gian giúp ích cho đời sống văn minh con người, khám phá ra những tài nguyên thiên nhiên của vũ trụ để phục vụ nhân loại, đem lợi ích lâu dài cho nhiều thế hệ mai sau.
DTA
Hi Milou, ban co the cho toi biet tac gia bai viet nay duoc khong, hay chinh la ban. Trong bai tac gia tu gioi thieu da lam viec 20 nam cho cac du an khong gian, khong biet co dung khong?

Toi muon xin bai viet nay roi dua len vnexpress.net.

Mong hoi am

Than men/ DTA.
Milou
Trạm Không Gian Quốc Tế

Lữ Phúc Bá

ngay tren cung ma bac khong thay sao?
DTA
Toi muon co dia chi cua Lu Phuc Ba, de xin bai nay dua len Vnexpress. Ban co the cung cap khong? Cam on truoc.
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > Khoa Học Kỹ Thuật - Computer & Internet
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.