Thư viện Alexandria

Lâm Văn Sang

Về mặt lịch sử khoa học và văn hóa, nói đến thế giới cổ Tây phương, ba thành phố được thường xuyên nhắc nhở, nơi lui tới của các học giả, khoa học gia và nghệ sĩ là La Mã, Athens và Alexandria.

Nói đến sách vở, không thể không nói đến thư viện. Nói đến thư viện, người ta không thể quên trong lịch sử, thư viện đầu tiên được biết đến mang tên Bibliotheca Alexandrina (Thư viện Alexandria) ở Ai Cập.

Ở giữa tình hình chính trị và chiến sự căng thẳng tại Trung Đông hiện nay, tuần lễ cuối tháng Tư vừa qua, một sự kiện quan trọng về mặt văn hóa trong vùng đã không được mấy người quan tâm. Sau một thời gian khá lâu dài chuẩn bị, thư viện Alexandria đã âm thầm mở cửa lại cho công chúng.

Nhiều tên tuổi nổi tiếng thế giới đã có mặt trong tuần lễ đầu tiên khai mạc thư viện, trong số này có Jimmy Carter, Stephen Jay Gould và Umberto Eco. Đó là chặng cuối của hành trình kéo dài hơn 10 năm nhằm tái tạo lại thư viện thế giới đầu tiên này.

Tại sao Alexandria?

Câu chuyện khởi đầu trong thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên.

Alexandria lúc bấy giờ là trung tâm của các con đường giao lưu “quốc tế” của thế giới Địa Trung Hải, điểm nối liền giữa Đông và Tây. Trước khi mọi con đường đều dẫn đến La Mã, người ta đã chứng kiến mọi con đường đều dẫn đến Alexandria.

Người có công biến Alexandria thành một trung tâm văn hóa lừng lẫy thời đó là Vua Ptolemy I của Ai Cập. Ông này (vào khoảng năm 295 BC) đã giao phó cho Demetrius, một nhà chính trị Athens lưu vong say mê viết lách và sách vở, nhiệm vụ thiết lập cơ sở cho hai công trình xây cất Thư Viện và Mouseion (tiếng La Tinh của Museum). Trong ý niệm ban đầu, Mouseion là một học viện khoa học, một trung tâm nghiên cứu với một thư viện để lưu trữ tài liệu nằm kế cận.

Một số tài liệu còn để lại cho biết, thời đó, Demetrius được cung cấp một ngân khoản thật dồi dào dùng vào việc mua sách. Một trong nhiều nguồn sách quan trọng mua được là tủ sách của Aristotle. Vì chuyện này, vào thời Trung Cổ, nhiều người tin và đồn rằng chính triết gia Aristotle đã có thời giảng dạy tại Alexandria.

Một trong số các phương pháp tậu sách được nói đến là chuyện khám xét từng thương thuyền nhập cảng Alexandria. Sách tìm thấy được mang về thư viện để quyết định có nên trả lại hay tịch thu và thay thế bằng một bản sao được thực hiện ngay tại chỗ với một số tiền bồi thường cho chủ nhân.

Một trường hợp khác được biết đến có nhắc đến chuyện một số văn bản quý của Athens được tàng trữ trong văn khố không cho người ngoài đụng vào, nhưng Vua Ptolemy III đã thuyết phục được chính quyền của đô thị này cho mượn với một số tiền thế chân nồng hậu. Tài liệu gốc được mang về Alexandria và giữ luôn ở đó.

Nhà vua Ai Cập sau đó chỉ gửi trả về bản sao cho Athens và sẵn sàng chịu mất tiền thế chân. Đó là chuyện bất bình thường. Bình thường sách được mua từ khắp nơi, đặc biệt là ở Athens và Rhodes. Nhiều ấn bản khác nhau của cùng một tác phẩm cũng được sưu tập, chẳng hạn như tác phẩm của Homer với ấn bản của Chios, của Sinope và của Massalia.

Ngay từ đầu, người thành lập thư viện đã có chủ trương thu thập mọi văn bản đến từ khắp nơi chứ không phải chỉ từ Hy Lạp. Tính chất thế giới của thư viện Alexandria có từ đó. Bên cạnh một số lượng lớn sách vở của chính Ai Cập, người ta còn được biết đến những tác phẩm xa xôi hơn ở phương Đông như quyển sử Babylonia của Berossos ở vương quốc Seleucid, những văn bản về Phật giáo đến từ vương triều Asoka (Ấn Độ)...

Số sách thư viện Alexandria sưu tầm được ghi nhận cao nhất vào khoảng 700,000 quyển.

Điều quan trọng hơn là thư viện đã có một hệ thống xếp loại và lưu trữ khá hoàn chỉnh. Sách (những cuộn giấy đúng hơn) được sắp xếp chẳng những theo tên tác giả, tên tác phẩm và người biên tập văn bản mà còn ghi chú thêm về gốc tích của sách, chiều dài của tác phẩm (số hàng chữ) và văn bản là một tác phẩm duy nhất hay nhiều tác phẩm gom lại.

Trong danh sách còn để lại ngày nay, thư viện Alexandria dường như không thiếu bất cứ một tên tuổi lẫy lừng nào thời đó: Homer, Hesiod, Callymachus (thi ca), Aeschylus, Sophocles, Euripides (bi kịch), Zenodotus, Aristophanes (phê bình), Anaxmander, Xenophanes, Plato, Aristotle, Epicurus (triết học), Herodotus, Thucydides, Xenophon (lịch sử), Euclid, Archimedes, Eudoxus, Straton (khoa học), Hippocrates, Herophilus (y khoa)...

Rất tiếc, thư viện Alexandria đã không tồn tại lâu dài. Ngọn lửa đầu tiên đốt cháy một phần thư viện xảy ra vào năm 48 BC, là năm Caesar hỗ trợ cho Cleopatra VII chống lại anh là Ptolemy XIII. Đã có 40,000 quyển sách bị tiêu hủy trong trận hỏa công do Caesar gây ra này. Marc Anthony sau đó đã đền bù lại cho Cleopatra 200,000 quyển sách khác từ Pergamum.

Mouseion bị triệt hạ vào khoảng thế kỷ thứ ba sau Công Nguyên sau một cuộc tranh giành quyền lực làm rung chuyển Đế Quốc La Mã. Thư viện Alexandria tiếp tục tồn tại cho đến thế kỷ thư tư.

Sắc lệnh của Hoàng Đế Theodosius (năm 391 AD) cấm chỉ việc truyền bá dị giáo (không phải Thiên Chúa Giáo). Giám Mục Theophilus ở Alexandria đã cho triệt hạ thư viện lấy cớ đây là nơi phát sinh dị giáo. Đó là chuyện xảy ra hai thế kỷ trước khi người Á Rập chinh phục Ai Cập vào năm 641 AD.

Tại sao Alexandria bây giờ?

Khoaœng 1600 năm đã qua nhưng ký ức của một thời vàng son, cực thịnh văn hóa của Alexandria đã không hoàn toàn phai mờ trong tâm thức con người nói chung và người Ai Cập nói riêng.

Chương trình tái tạo lại thư viện Alexandria dưới sự chỉ đạo của Tổng Thống Ai Cập, Mohamed Hosni Murabak, sự hợp tác của UNESCO và nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới đã bắt tay vào việc qua Tuyên Ngôn Aswan vào ngày 12 tháng Hai, 1990.

Ước tính tổng quát cho thư viện mới khoảng 172 triệu Mỹ kim. Thư viện mới nằm trên diện tích 40,000 mét vuông, cao 13 tầng là một công trình khá đồ sộ và mỹ thuật do công ty kiến trúc Snohetta của Na Uy đảm trách.

Bước đầu, đây là nơi chứa 8 triệu quyển sách, 50,000 bản đồ, 100,000 văn bản, 10,000 cuốn sách hiếm, 200,000 dĩa và băng nhựa nhạc, 50,000 dĩa và băng video...

Phù hợp hơn với thời đại toàn cầu hóa, một thư viện Alexandria mới trên liên mạng cũng mở ra phục vụ độc giả trên toàn thế giới (www.unesco.org/webworld/alexandria_new/ và www.bibalex.gov.eg).

Thư viện trong tương lai

Thư viện Alexandria là chuyện của quá khứ. Việc đổi mới thư viện không phải chỉ là xây dựng lại một thư viện mới trên nền một thư viện cũ.

Vấn đề ngày nay các thư viện phải đối phó sẽ xác định hướng đi của thư viện trong tương lai mới thật là điều đáng quan tâm.

Trước tình trạng hệ thống thông tin liên mạng ngày càng bành trướng, thư viện trên thế giới đã phản ứng khá chậm chạp trong việc digital hóa tài liệu, sách, báo. Cho đến nay, ngoài việc mở ra thêm một trang mạng riêng cho mỗi thư viện, việc đọc sách (mượn sách?) ngay cả sách báo đã cũ, đã không còn hiệu lực bản quyền, vẫn chưa thực hiện được và không có vẻ gì sẽ được thực hiện trong một thời gian gần đây, ngay cả ở Hoa Kỳ, là quốc gia dư thừa tài nguyên, thường khởi xướng mọi chuyện.

Người ta sẽ ngạc nhiên hơn khi biết rằng hàng triệu quyển sách tại Thư Viện Quốc Hội bị thời gian hủy hoại đến mức không thể cho độc giả mượn được nữa. Những tờ báo cũ hàng thế kỷ lưu trữ dưới dạng siêu phim bị hao mòn dần theo thời gian vì được dùng quá nhiều và vì chất hóa học trên phim phai tàn.

Cách thức lưu trữ theo kỹ thuật digital vẫn còn quá tốn kém và chưa được thử nghiệm với thời gian là lý do chính khiến cho kỹ thuật này chậm mang ra áp dụng. Người ta lấy dĩa mềm (floppy disk) ra làm bằng chứng cho thấy, ngày nay loại dĩa này hầu như không còn được dùng để lưu giữ hồ sơ mặc dù chỉ xuất hiện cách đây không lâu. Và tương tự như vậy, trong 20 năm nữa liệu loại dĩa CD có còn hiện hữu? Nói về loại dĩa DVD thì cũng vẫn vấn nạn đó.

Giới hạn về luật tác quyền cũng là một trở ngại khác. Cái khó khăn của một tác phẩm in cho độc giả mượn đọc khác hơn một tác phẩm digital, độc giả vừa có thể đọc được lại vừa có thể sao chép và gửi đi khắp nơi cho bạn bè, thân nhân...

Thư viện như vậy có phải là nơi giới hạn người đọc đến với sách? Nếu không thì một tác phẩm digital luân lưu khắp nơi có phải khuyến khích thêm số người đọc sách? Còn người viết, còn nhà xuất bản?