Nền giáo dục từ xa
Minh Nguyệt
Một trong những thay đổi lớn nhất trong lãnh vực giáo dục trên thế giới trong mấy năm vừa qua có lẽ là sự phát triển của nền giáo dục từ xa, tức là việc học qua hệ thống Internet. Tầm quan trọng của nền giáo dục từ xa lớn lao đến độ cách đây mấy tháng thủ lãnh phe đối lập tại Úc, ông Kim Beazley, hứa hẹn là nếu đảng của ông thắng cử trong kỳ bầu cử được tổ chức vào cuối năm nay, ông sẽ cho thành lập hẳn một trường đại học chuyên đảm trách việc giáo dục từ xa. Với phương cách giáo dục từ xa ấy, ông hy vọng là sẽ giúp cho những ai không có điều kiện đến trường đến lớp đều có thể hoàn tất chương trình đại học dễ dàng. Không những ở Úc, ngay tại Việt Nam, trong năm 2000 vừa qua, trên diễn đàn của báo Nhân Dân điện tử, nhiều người cũng đã thảo luận về triển vọng của nền giáo dục từ xa. Cuộc thảo luận này khá sôi nổi, thu hút được sự tham gia của một số chuyên gia nổi tiếng ở hải ngoại.
Tuy nhiên, giáo dục từ xa là gì?
Nói một cách vắn tắt, giáo dục từ xa là nền giáo dục trong đó phần lớn các bài giảng, bài đọc thêm và bài tập đều được chuyển giao đến học sinh một cách gián tiếp, không phải là hình thức mặt đối mặt như trong một lớp học theo kiểu truyền thống.
Hình thức sớm nhất của giáo dục từ xa là cách học hàm thụ. Ngày trước, ở Việt Nam, một số người ham học đã phải ghi danh học hàm thụ tận bên Pháp. Học giả Nguyễn Hiến Lê cũng từng kể là ông có tham dự nhiều khoá học hàm thụ về phương pháp tổ chức công việc tại Pháp. Theo cách học hàm thụ, sau khi đóng tiền học phí, học sinh sẽ đều đặn nhận được bài giảng được gửi qua bưu điện. Bên cạnh bài giảng còn có bài tập. Học sinh sẽ tự làm bài tập rồi gửi trả lại trường cũng qua đường bưu điện. Các thầy cô chấm và sửa bài tập xong lại gửi bưu điện đến cho học sinh để học sinh có thể biết được những chỗ đúng và chỗ sai cũng như những ưu điểm và khuyết điểm trong bài làm của mình để tự sửa chữa và học tập.
Lối học hàm thụ như vậy đã có ở các quốc gia Tây phương khá sớm, tuy nhiên, đặc biệt phát triển tại Úc. Lý do là lãnh thổ của Úc quá rộng, dân chúng lại ít và sống thưa thớt. Chính phủ Úc muốn nâng cao dân trí nên lúc nào cũng khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người học thêm.
Nền tảng của lối học hàm thụ là các tài liệu in trên giấy. Nền giáo dục từ xa hiện nay thì khác, chủ yếu dựa trên các phương tiện kỹ thuật truyền thông viễn liên hiện đại như Internet, CD-Rom, video, email, v.v... Điều kiện căn bản để tiến hành nền giáo dục từ xa là mỗi học viên phải có máy vi tính và máy vi tính ấy phải được nối vào mạng Internet. Tất cả bài vở giảng dạy đều được các giáo sư đưa lên mạng. Học viên chỉ cần mở ra xem và làm các bài tập trong đó xong rồi gửi trả lại để giáo sư chấm và sửa. Nếu học viên không hiểu một chi tiết nào đó, họ cũng có thể đặt câu hỏi cho giáo sư và được trả lời ngay. Với trình độ kỹ thuật hiện nay, các học viên chung một trình độ cũng có thể thảo luận với nhau qua hệ thống Internet.
Nói cách khác, với nền giáo dục từ xa, hình ảnh lớp học sẽ khác hẳn hiện nay. Trường sẽ không cần có cơ sở thật lớn, không cần có lớp học, không cần bàn ghế, cũng không bảng hay phấn. Khuôn viên trường có thể chỉ là một văn phòng nhỏ vừa đủ cho một số nhân viên kỹ thuật lo điều hành mạng lưới Internet. Còn các giáo sư thì ở nhà hoặc ở bất cứ nơi nào họ thích. Học viên thì rải rác khắp nơi, có thể ở nhiều quốc gia khác nhau, người thì ở Mỹ, người thì ở Úc, người thì ở Pháp, người thì ở Việt Nam, v.v... Ở đâu cũng được, miễn là họ có máy vi tính được nối vào mạng lưới Internet. Đó là về không gian. Về thời gian thì hoàn toàn tự do. Mọi tài liệu đều có sẵn trên mạng, do đó, học viên có thể truy cập để đọc bất cứ khi nào họ có thì giờ rảnh hoặc cảm thấy hứng thú.
Với cách tiến hành việc dạy và học như vậy, nền giáo dục từ xa rõ ràng là khác hẳn hình thức giáo dục truyền thống và được xem là có nhiều ưu điểm. Ưu điểm đầu tiên là sự tiện lợi. Học viên không cần phải đến trường, không phải lo lắng về thì giờ. Họ có thể đi làm toàn thời mà vẫn học hành đến nơi đến chốn. Việc sống gần hay xa trường lớp không còn là vấn đề nữa. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với những người sống ở nông thôn. Riêng tại Việt Nam, khi nền giáo dục từ xa phát triển, sự thuận lợi này lại càng lớn lao vì đa số dân Việt nam vẫn còn sống ở các miền quê. Ở các quốc gia phát triển như Úc, nền giáo dục từ xa càng dễ thực hiện vì tuyệt đại đa số dân chúng đều có máy vi tính và đều sử dụng mạng lưới Internet.
Ưu điểm thứ hai của nền giáo dục từ xa là nó sẽ phát triển mối quan hệ tương tác giữa thầy và trò. Theo cách giáo dục truyền thống trong trường trong lớp hiện nay, tuy thầy trò mặt đối mặt nhau, nhưng không phải lúc nào sinh viên cũng có cơ hội để nhờ thầy cô giáo giải thích thêm những gì mình không hiểu. Nguyên nhân là giờ học có giới hạn mà số lượng sinh viên thường rất đông. Trong nền giáo dục từ xa thì nhờ việc đặt câu hỏi và trả lời đều được thực hiện qua Internet cho nên tương đối dễ dàng hơn. Giáo sư không bị ràng buộc về vấn đề giờ giấc. Hơn nữa, nhà trường có thể huy động nhiều người cùng tham gia vào việc trả lời, do đó tư liệu và ý kiến lại càng phong phú.
Xin lưu ý quý thính giả là mặc dù có một số ưu điểm như vừa kể nhưng cho đến nay, phần lớn các nhà giáo dục đều xem nền giáo dục từ xa chỉ là một phương cách giáo dục bổ sung chứ không thay thế hoàn toàn cho nền giáo dục truyền thống. Nói cách khác, trong tương lai, hình thức đến trường lớp để học chắc chắn vẫn còn tiếp tục. Nền giáo dục từ xa được đặt ra để giúp cho sinh viên có phương tiện học thêm một số môn hoặc một số ngành nào đó. Hơn nữa, nó chủ yếu giúp những người lớn tuổi phải đi làm toàn thời hoặc những người ở những địa phương xa xôi không có điều kiện đến trường hàng ngày mà thôi.
Hiện nay, số lượng các đại học mở nền giáo dục từ xa càng lúc càng nhiều. Năm 1998, trường Jones International University ở thành phố Denver thuộc tiểu bang Colorado của Hoa Kỳ đã mở các lớp học chỉ dạy hoàn toàn trên mạng lưới Internet. Gần đây, họ có khoảng gần 200 sinh viên, tuy nhiên, Ban giám hiệu của trường tỏ ra đầy lạc quan, hy vọng không bao lâu nữa, số lượng sinh viên có thể nhảy lên đến 1 triệu. Theo ước tính của các chuyên gia về giáo dục, khoảng cuối năm nay, có thể sẽ có khoảng 75% các trường đại học ở Hoa Kỳ tiến hành việc dạy học theo phương thức giáo dục từ xa.
Tại Úc, trong mấy năm vừa qua, ba đại học lớn nhất của Úc là Đại học Melbourne, Đại học News South Wales và Đại học Queensland đã và đang hợp tác với 18 đại học nổi tiếng khác trên thế giới trong một dự án chung gọi là Univeritas 21. Sáng lập viên của dự án này là giáo sư Alan Gilbert, Viện trưởng Viện đại học Melbourne. Dự án nhắm đến việc thực hiện một hệ thống giáo dục toàn cầu hoàn toàn qua hệ thống Internet. Chương trình dạy sẽ bao gồm từ cấp cao đẳng lên đến đại học và sau đại học. Việc soạn thảo giáo trình sẽ do các đại học danh tiếng đảm trách. Việc đưa các giáo trình và bài tập lên Internet cũng như việc chấm điểm sẽ do công ty Thomson Corporation của Canada chịu trách nhiệm.
Ngoài ra, hầu như tất cả các đại học tại Úc hiện nay đều bắt tay vào việc thử nghiệm phương thức giáo dục từ xa. Ví dụ như trường Đại học Nam Úc đã mở rất nhiều chương trình cử nhân dành cho sinh viên muốn học từ xa, ví dụ như các ngành truyền thông, kế toán, thương mại, tâm lý, thu hút được hàng ngàn sinh viên ở Singapore, Na Uy, v.v... Những đại học khác ít phương tiện hơn thì khuyến khích việc áp dụng phương pháp giáo dục từ xa từng bước, nghĩa là họ không mở hẳn ra những ngành học trên Internet mà yêu cầu các giáo sư đưa một phần nội dung giảng dạy lên Internet và tạo cơ hội cho sinh viên có thể tiến hành các cuộc trao đổi và thảo luận, cũng trên Internet.
Có một số người bi quan, nghi ngờ việc giáo dục qua Internet sẽ không có tính hiệu quả cao vì sinh viên thiếu những động lực quen thuộc cần thiết cho việc học, chẳng hạn họ không trực tiếp gặp thầy gặp bạn, do đó, dễ chán nản và khó tập trung. Tuy nhiên, khuynh hướng chung trong giới giáo dục vẫn là lạc quan. Người ta tin là với xu thế phát triển ào ạt như hiện nay, triển vọng về một nền giáo dục ở đó thầy và trò không cần đến trường mà vẫn học tập có hiệu quả là điều không còn xa xôi lắm. Nếu điều này trở thành hiện thực thì người Việt Nam chúng ta cũng có quyền hy vọng là sẽ có một ngày vẫn tiếp tục ngồi ở Việt Nam, chỉ cần qua một chiếc máy vi tính được nối vào mạng Internet, nhiều người có thể hoàn tất chương trình đại học hoặc sau đại học ở những trường đại học lớn và lừng danh trên thế giới.
Tài liệu tham khảo: Education Age 28/2/2001