Ba trăm con khỉ!Ở Trung Quốc, người ta đã làm được một điều kỳ diệu : Tuyển chọn 300 con khỉ có vẻ… thông minh hơn những con khỉ bình thường, và họ đã dạy cho 300 con khỉ đó kéo violon!
Đáng kinh ngạc!
Điều đáng nói ở đây, 300 con khỉ đó được dạy kéo violon, và không phải biết kéo một cách bình thường, mà kéo... rất hay chương I bản giao hưởng số 5 của Beethoven!!! Và, chỉ biết như thế thôi. Xong, cho mỗi con 1, 2 trái chuối. Lũ khỉ lơ láo lột vỏ chuối, miệng cắn xoen xoét, mắt nhìn láo liên, thỉnh thoảng giơ tay gãi lưng sồn sột…
Tính xác thực của câu chuyện này không được kiểm chứng. Vì như trong chuyện cổ tích thuở bé chúng ta thường đọc, và cũng dễ dàng chấp nhận, được bắt đầu bằng câu “Ngày xửa ngày xưa, ở đất nước Một Ngàn Lẻ Một Đêm…” hoặc “Ngày xửa ngày xưa… ở bên Tàu…”. Tức là, ở xứ Ba Tư cổ đại huyền bí, hay ở Trung Quốc… xưa thật là xưa, chuyện gì cũng có thể xảy ra cả, cần chi kiểm chứng!
Thuở bé, tôi say mê đọc những câu chuyện cổ tích. Trong trí tưởng tượng của tôi, thế giới Tiên, Phật, phép thuật, và đời thường cứ lẫn lộn, hư hư thực thực… Những câu chuyện cổ tích kết thúc có hậu. Nghĩa là hoàng tử rồi sẽ lấy công chúa, kẻ ác sẽ đền tội, người ăn ngay ở lành sẽ được hưởng hạnh phúc ấm no… (có thật không!)….
…………………………………………
Trở lại chuyện 300 con khỉ kéo violon, một câu chuyện mà người tác giả vô danh ví von để nói đến vấn đề khác! Vấn đề là, trong âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung, con người khác con khỉ ở chỗ cái tư duy sáng tạo…
Nhiều người đến với nghệ thuật âm nhạc bằng tư duy của loài khỉ! Với cái nếp suy nghĩ hằn sâu vào đầu óc đến nỗi từ phản xạ có điều kiện đã trở thành phản xạ không điều kiện, họ đến với nghệ thuật với thói quen vô thức. Người ta hát Karaoke, hát đủ mọi bài hát! Cứ nhạc nổi lên, là hát… Hát say sưa hồn nhiên, hát rống lên, hát rên rỉ, hát… đủ kiểu… Vì có chữ hiện lên, là hát! Cái vạch trăng trắng, vàng vàng, xanh xanh đỏ đỏ phủ lên chữ đến đâu thì người ta hát đến đó! Khỏi cần nghe, khỏi cần biết nhịp, không cần biết nhạc… Và có người cũng… không cần biết bài hát gì luôn! Vì thấy có chữ là đọc, lép nhép giọng theo cái melody của Karaoke, là xong bài. Điểm chấm thì good, good! Nhiều ca sỡi bây giờ cũng vậy! Họ sử dụng nhạc play-back, được phối sẵn, in vào CD, vào MD, mở nhạc lên là họ hát, và hát mê say. Thậm chí, có nhiều ca sỡi hát “lip”, nghĩa là hát nhép theo bản thâu âm giọng hát chính họ, đã được phù phép cẩn thận trong studio. Và lên sân khấu, họ chỉ cần nhép môi làm sao cho trùng với cái bài thu sẵn… Nếu lỡ họ quên mang đĩa, hoặc đĩa bị hư, ban nhạc phải đệm “sống” cho họ hát thì… ôi thôi, tai họa! Họ thật sự không hát được nếu ban nhạc không đánh thật giống cái đĩa đã làm nhạc sẵn kia! Khán giả sẽ bị thưởng thức một món ăn tinh thần không lấy chi làm thú vị lắm! Vì người nghe, nếu muốn thưởng thức cái “phiêu linh” thật sự của người ca sĩ, cái sáng tạo của người nghệ sĩ trong lúc biểu diễn không lần nào giống lần nào, cái hồn gửi gắm vào nghệ thuật, vào cái không gian cụ thể, vào bối cảnh cụ thể, với cảm xúc cụ thể…, thì không có!
Trường hợp hát để ghi hình vào phim, vào truyền hình thì khác. Không đề cập đến ở đây.
Bây giờ, các khán thính giả yêu ca hát cũng trở thành ca sĩ! Họ đi đến chỗ “Hát Với Nhau”, một sinh hoạt văn hóa nghệ thuật thú vị, và họ hát… Nhiều người, không hề là ca sĩ, mà họ hát cực hay, vô cùng “phiêu”… Có người thì hát dở ẹc, nhưng cũng hát “phê” không kém… Đó là một nhu cầu giải trí cần thiết, đáng hoan nghênh, nếu không có những điều kỳ cục phát sinh từ một số “ca sỡi vườn” dạng này…
Kính thưa các bạn yêu nghệ thuật ca hát và có tư duy thẩm mỹ thật sự, cùng các bạn nhạc công có lòng yêu thương nghệ thuật âm nhạc chân chính, tôi không dám xúc phạm đến cảm xúc âm nhạc, và nghề đứng sân khấu của các bạn. Tôi chỉ nói về “300 con khỉ”
Nhiều vị “ca sỡi vườn” đi hát, yêu cầu các anh nhạc công khốn khổ phải đánh đàn làm sao để họ hát cho… thật hay. “Thật hay” là như thế nào? Họ yêu cầu anh nhạc công nọ, ban nhạc kia đệm bài phải giống y chang như trong đĩa “Đàm Vĩnh Hưng hát”, như “Lý Hải hát”, như “Khánh Hà hát”, như “Tuấn Ngọc hát” v.v… Và nếu anh nhạc công nào không dạo nhạc bằng một đoạn “in-chô” (introduction) “giống như đĩa”, mà lả lướt một đoạn ngẫu hứng, thì họ hát không được! Và cái anh nhạc công hay cái ban nhạc tội nghiệp đó được quý vị “ca sỡi” nói trên dè bỉu, phán cho một câu xanh rờn : “… Đánh dở ẹc!”, hoặc “Không biết đàn!”, và họ tẩy chay… Để đối phó, quý vị nhạc công bèn phối sẵn vào đàn mấy câu dạo nhạc “y như đĩa”. Và cứ thế, mở ra cho “ca sỡi vườn” hát! Các “ca sỡi vườn” nghe “in-chô” (introduction) đúng như đĩa là mê tít. Họ hát say mê, hát… bất cần thân thể, hát “phiêu” tới nóc, hát phun cả nước miếng…, không quan tâm đến trong bài các ông nhạc công đánh gà đánh vịt gì… Đô trưởng, La thứ, Rê “xết”… mặc kệ! Có “in-chô” như đĩa, như trong đầu Karaoke 5 số, 6 số là số một, là tuyệt vời…, là nhạc công… số một vũ trụ… Hêhêhê… Quý vị “ca sỡi hát với nhau” nọ tự sướng, tự cho mình là “xúp-pơ xì-ta”, tưởng mình là ca sĩ siêu sao đang biểu diễn trước vài chục nghìn khán giả… Họ chỉ chỏ, vênh váo, hoạch họe nhạc công, cười mơn với bạn tình, búng tay kêu bia rõ to… Bộ dạng đỏm dáng và diêm dúa như một con ếch đi giày!
Tội nghiệp nhiều anh nhạc công… Tôi chứng kiến nhiều đêm về sáng, có người lầm lũi vác cây đàn chạy về nhà, thân xác mệt mỏi, mặt buồn rười rượi, lòng đau như cắt… Nợ áo cơm trả một đời không dứt, lấy đâu ra sức sáng tạo nghệ thuật! Anh nào có máu nghệ sĩ, ôm một nỗi buồn day dứt im lặng không dám nói với ai. Anh nào làm thợ đàn, thì hể hả đếm tiền, tự sướng cho cái nghề kiếm cơm dễ như bỡn! Thậm chí, có nhiều anh nhạc công không biết nhạc nhiếc chi hết, thủ trong người mấy cái "in-chô" đó, khách hát bài nào, anh móc ra bài đó, bấm bấm mở mở, là xong. Có anh thì khá hơn, học thuộc lòng lối đánh trong đĩa, đánh y chang như vậy cho khách, khách khen rối rít làm anh tưởng anh là... thiên tài. Gặp người khách hát bài khác anh không biết, thì anh "bơi trăm tám". Vì anh quen với cách đệm đàn máy móc "y như đĩa", không biết dùng đôi tai để nghe, dùng cái đầu để phân tích! Có lần, tôi thấy có 2 anh nhạc công, ăn mặc như… người ở sao Hỏa đi cùng với 2 nàng hình như là “ca sỡi”, ăn mặc những thứ đồ mà cỡ… “Bờ-rít-ni Xì-Pia” còn thua xa ngồi cùng nhậu với nhau ở một quán ốc sau một đêm “biểu diễn nghệ thuật”. Họ ngồi nói chuyện về âm nhạc. Hai ông “Mô-Da” và “Be-Tô-Ven”… ở Hỏa Tinh huyênh hoang khoác lác, khen chê khích bác đủ mọi chuyện. Ông thì khoe có 15.000 “in-chô” làm sẵn, ông kia ghê hơn, “tố” mình có đến 20.000 “in-chô”… Họ nói về âm nhạc cứ như… tổng thống “Ô-ba-ma” nước Mỹ đọc diễn văn nhậm chức. Hình như đối với họ, nghệ thuật âm nhạc, tóm lại, chỉ được cân đo đong đếm, được đánh giá bằng tiền “bo”. Tình cờ ngồi ở bàn bên cạnh nghe được, tôi cúi đầu lẳng lặng uống ly bia người bạn mời, đắng nghét!
300 con khỉ ở Trung Quốc, chỉ biết làm cái điều người ta đã “dạy” cho. Làm trong cái tư duy của khỉ. Biết cái gì về “giao hưởng Định Mệnh” của thiên tài Beethoven? Biết cái gì là âm nhạc đâu! Thử đưa cho 1 bài nhạc cực kỳ đơn giản khác, thì “quý vị khỉ” sẽ nhăn răng khọt khẹt, gãi gãi đầu, ngó quanh quất kiếm trái chuối, hay rờ rờ đuôi mò rận…, chứ đừng tưởng “quý vị khỉ” sẽ cầm lấy “vi-ô-lông” mà kéo đâu! “300 con khỉ”, trong đời thường chúng ta cũng đầy rẫy! Kẻ thì gân cổ lên hát, người thì múa máy đánh đàn… Rồi họ hể hả xưng tụng nhau, cụng ly bia cồm cộp, vênh vang tự đắc… Rồi họ phê bình nghệ thuật, họ khen chê sành sỏi, họ tự sướng với nhau… Họ là trung tâm vũ trụ, họ là tinh hoa của loài người… Và nếu làm khác với cái nếp suy nghĩ của họ, thì hẳn nhiên kẻ đó chính là… khỉ!
GHBA