Langven.com Forum

Full Version: Một Số Bài Viết Thú Vị Từ Facebook
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > CLB Văn Hoá - Lịch sử
Pages: [<<], [<], 2, 3, 4, [5], 6, 7, 8, [>], [>>]
Phó Thường Nhân
@nvt,
Không những điều mà nvt nói trên không phải là đặc biệt. Ở Paris, bác Hồ vừa ở riêng vừa ở với Phan Chu Trinh và ông Phan Văn Trường. Thực ra là thế này. Khi bác Hồ làm đầu bếp trên tầu thuỷ của hãng mesager maritime, là hãng độc quyền thương mại giữa Sài gòn và Marseille(Pháp), khi đến Pháp, đến Paris thì bác phải đến nhà cụ Phan Chu Trinh đầu tiên, vì làm gì có quen biết ai. Sau đó bác làm nghề sửa ảnh và nghề vẽ đồ sứ. sửa ảnh là thế nào ? lúc đó kỹ thuật chụp ảnh chưa cao, nên ảnh rửa ra có lỗi, có chấm, phải dùng bút lông sửa (giống như các bác dùng photosoft bây giờ). Người châu Á (TQ, VN) hay được thuê làm nghề này (giống như ở Mỹ bây giờ người VN làm nghề sửa móng tay), vì có thói quen viết bằng bút lông (chữ nho) nên khéo tay, và cũng phải chỉnh bằng bút lông, hay bút chì (kiểu như các cô các bà bây giờ kẻ mắt). Còn nghề vẽ đồ sứ là thế nào ? vào cuối thế kỷ XIX, thì đồ sứ TQ cũng như Trà là hàng hoá thịnh hành trong trao đổi quốc tế. Nhưng lúc này, phương Tây đã biết được kỹ thuật chế tạo đồ gốm cũng như sản xuất trà. Nhưng thị trường phương Tây thị hiếu xã hội vẫn chuộng đồ sứ TQ. Vì thế mới có chuyện ở phương Tây, họ sản xuất đồ sứ với những hoạ tiết kiểu châu Á (thường là các loại hoa), nhưng cũng phải có vài chữ Nho « giả cầy » viết ở trên, làm giả đồ TQ. Nhưng Tây thì làm sao viết chữ Nho, vì thế phải thuê người châu Á. Câu chuyện này cũng được bác Hồ kể lại trong những mẩu chuyện của bác về cuộc đời mình, và còn có chi tiết là khi viết chữ Nho trên những đồ gốm như thế thì đáng nhẽ viết một câu thơ hay gì đó bác lại viết là « đả đảo đế quốc ». Đồ sứ TQ giả cầy này, ở pháp họ gọi là chinoiserie. Bản thân tôi cũng sưu tập một cái chén kiểu này. Tất nhiên là không có chữ « đả đảo đế quốc » ở trên đó.
Nghề này cũng là nghề cụ Phan làm ở Pháp, nên ta có thể đoán là Bác Hồ cũng theo đó mà tìm việc làm. Khi có việc rồi thì bác ở riêng. ở ngõ Compoint (quận 5 Paris). Nhưng câu chuyện của bác như việc ôm cục gạch ngủ, hay câu chuyện bác đọc luận cương của Lê Nin về các vấn đề thuộc địa, khiến bác trở thành người cộng sản là ở đây.
Việc đặc biệt trong quyển sách là nó lật ngược các thời điểm bác ở Pháp. Theo như ở VN, sách tiếng Việt, thì bác sang tới Marseille vào năm 1911, sau đó bác gặp cụ Phan, ở Paris, rồi sau đó lại đi làm đầu bếp tiếp trên tầu trước khi có đại chiến I, tức là năm 1914, đi chu du thế giới, tới năm 1917,1918 mới quay lại Paris. Trong quyển sách trên thì nó lại nói ngược là bác sang Pháp, nhưng không ở lại đây mà tiếp tục làm bếp trên tầu thuỷ tới khoảng năm 1917 mới quay lại Pháp ở Paris. Chi tiết này được sử dụng (cho nó khớp với các sách Sài gòn cũ viết về Bác), để nói rằng bản kiến nghị mà bác Hồ đưa ra ở hội nghị Versaille (1919) đòi độc lập với cái tên Nguyễn Ái Quốc là Fake news. Với cớ là bác Hồ không thể viết được tiếng Pháp, vì thế bản kiến nghị này là do ông Phan văn Trường viết, còn bác chỉ là người đưa ra, kiểu giao liên « anh Kim Đồng làm liên lạc », và từ đó suy ra là bác cướp công người khác. Như vậy nếu bác sang Pháp từ năm 1911 đến năm 1919 mà không viết được tiếng Pháp thì vô lý, vì thế phải đổi là bác ở Pháp từ năm 1917 thì dễ nói bác không biết tiếng Pháp hơn. Trong sách vở Sài gòn ngày trước, các trò này có rất nhiều. Điều đáng kinh ngạc, là một người viết sử như bà này lại sử dụng, khiến tôi nghi ngờ tính trung thực của bà ta. Chuyện này tôi sẽ nói sau.
Còn tại sao cụ Phan lại ở Paris được, vì cụ được một hội người Pháp ủng hộ đòi ân xã cho cụ, lúc cụ tham gia vào phong trào chống thuế ở miền Trung (1908) bị bắt đi đầy ở Côn Đảo. Còn tại sao cụ được họ ủng hộ, vì triết thuyết của cụ là « Pháp Việt đề huề », cụ đòi Pháp biến tất cả VN thành thuộc địa, xoá bỏ chế độ phong kiến nhà Nguyễn, vì chế độ này ở miền trung và miền Bắc khắc nghiệt hơn ở thuộc địa Pháp là Nam bộ. Lúc đầu sang Pháp, cụ được Pháp cho trợ cấp, để tìm hiểu xã hội Pháp ,và tất nhiên là sau đó quảng cáo văn minh đó ở VN. Nhưng khi chiến tranh thế giới I bùng nổ, thì cụ bị dính vào một vụ mà theo Pháp là cụ nhận tiền của Đức để tổ chức « nổi loạn » ở VN. Sau đó cụ không nhận được trợ cấp nữa, và vì thế cũng làm nghề sửa ảnh.Vì đọc đã lâu, tôi không nhớ là cái trợ cấp đó có thời hạn nên hết trước, hay là Pháp « phạt cụ » cắt « học bổng ».
Bác Hồ biết cụ Phan, vì bố bác Hồ biết cụ Phan cũng như biết cả cụ Phan Bội Châu. Thế giới nhà Nho thực ra nó cũng nhỏ, đặc biệt với những người đỗ cao. Cả cụ Phan chu Trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn Sinh Sắc (bố bác Hồ) đều đỗ Phó bảng, tức là đứng thứ nhì trong các kỳ thi đình. Gọi là nhì nhưng thật ra là nhất, vì không có người đạt tiến sĩ.
Hiện nay, tôi thấy rất nhiều học sinh VN sang Pháp đều xuất thân từ trường Am (Amsterdam) ở Hà nội, câu chuyện cũng giống như vậy.
Bác Hồ chưa bao giờ là tổng bí thư Đảng, cái này cũng không có gì là mới. Ngay về sau (từ năm 1941), bác luôn chỉ là chủ tịch Đảng, còn chức vụ Tổng Bí Thư luôn tồn tại. Chức vụ của bác, cũng như chức vụ của Mao trạch Đông là những chức vụ đặc biệt, khi mất thì không còn nữa.
Mở nguặc nói là, trong quyển sách này cũng có điều đặc biệt, đó là nó nói tới mối liên hệ liên tục giữa Bác Hồ và thời điểm 1930-1931 với đảng cộng sản Đông Dương, khi có Xô viết Nghệ Tĩnh trong khi bình thường, thì mối liên hệ này không có. Bác chỉ thực sự tham gia vào cách mạng VN từ năm 1941, nếu tính theo các sự kiện trong nước. Quyển sách này nói thế, cũng để « tầm thường hoá » bác, vì Xô viết Nghệ tĩnh thất bại, và không những thế còn có những sai lầm trong việc lãnh đạo nó. Đúng sai thế nào, tôi cũng nói sau.
Nhưng điêù tôi nói này chính là những « hạt sạn » nên tìm hiểu, và quyển sách nó nói rất khéo, rất khôn.
root
Hehe...em lạc đề một tí, em cũng học Am ra đây. Và em đi làm thuê cho Pháp từ 2003 tới giờ, chưa gặp được một đồng môn nào!
Phó Thường Nhân
@root,
Hoá ra root thuộc dạng “phó bảng thời nay” à. Tôi học sớm hơn, thời còn hệ mười năm, và trường Am chưa ra đời.

Tôi đọc xong cái quyển sử kia. Nếu nói về sử “lề trái” thì có lẽ nó tương đối đầy đủ, và đặc biệt tác giả khai thác được tài liệu của quốc tế cộng sản để lại cũng như có vẻ bà ta biết đọc tiếng việt, vì trong danh sách các tài liệu khai thác có khá nhiều sách tiếng việt hiện nay. Đáng tiếc là tác giả tự đặt ra nhiệm vụ phải hạ bệ sự tôn sùng Bác Hồ, mà theo tác giả thì cả lề trái và lề phải viết về Bác đến nay đều mắc phải, cũng như hạn chế định kiến của một người Mỹ nên quyển sách có sạn. Điều tác giả chủ yếu dùng các tài liệu theo dõi của mật thám Pháp cũng khiến quyển sách “có chiều” hơn, và như vậy độ khách quan kém đi. Đặc biệt tác giả dùng rất nhiều kiểu “may be” (có thể như vậy), “It seem to be” (có vẻ như vậy), để đưa ý kiến của mình vào bình luận những vấn đề mập mờ không xác định được, khiến quyển sách càng có mùi vị tuyên truyền hơn, lề trái hơn dưới cái vẻ khách quan. Vì thế nếu ai muốn tìm hiểu các cách mà “sử lề trái” sử dụng các uẩn khúc để bình luận bóp méo lịch sử VN hiện đại thế nào, thì quyển sử này có lẽ là điển hình đẹp.
Tôi sẽ bình ở đây một số chuyện nó đập ngay vào mắt, chủ yếu để chỉ ra cách đọc, rồi mọi người tự tìm hiểu. Giống như Mao trạch Đông đã nói “cho người ta con cá, không bằng chỉ cho người ta cách câu cá”. Tất nhiên tôi không thể biết con cá tôi biếu to ngần nào, có giá trị không, cái cần câu tôi đưa ra có chuẩn không, nhưng dù sao cũng là một cách phân tích, để ai thích thì tìm hiểu. Điều quan trọng không phải là có đồng ý với những điều tôi chỉ ra mà là hiểu cách phân tích, rồi tự ứng dụng mà dùng.
Vấn đề đầu tiên, tác giả đề cập tới “có sạn” là vấn đề bản tuyên ngôn đòi độc lập cho VN, mà bác Hồ đưa ra trong hội nghị Véc say (Versaille) ở Pháp vào năm 1919. Vào thời điểm đó, chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, và các nước thắng trận (Pháp, Anh, Mỹ, Nhật, TQ, Ý) họp nhau ở Pháp để chia thành quả. Trong đó Anh, Pháp,Mỹ là chính. Nếu Anh Pháp chỉ muốn chia lại thuộc địa và đất đai của các nước bại trận (Đức, Áo), thì tổng thống Mỹ lại đưa ra yêu cầu “dân tộc tự quyết”, vì nước Mỹ vốn không có thuộc địa, thuộc địa là đất da đỏ thì đã thành bang của Mỹ. Đưa ra khẩu hiệu “dân tộc tự quyết”, Mỹ đã đánh một đòn vào hệ thống thuộc địa kiểu cũ, trực trị của Anh-Pháp, vì kiểu của Mỹ là thuộc địa kiểu mới, để tìm cách thâm nhập vào các thuộc địa của các nước này. Vì thế có nhiều nhân sĩ trí thức của các thuộc địa mới nhân dịp đưa ra các yêu cầu đòi độc lập. Ví dụ như người Triều Tiên với Nhật, hay bác Hồ với Pháp.
Câu chuyện này đã đưa bác Hồ vào lịch sử hiện đại VN, với cái tên Nguyễn Ái Quốc. Và vì đây là sự kiện không thể bóp méo được, vậy làm thế nào để “hạ giá” , “dìm hàng” câu chuyện này.
(còn tiếp)
Phó Thường Nhân
Cách “dìm hàng” này đã được các “học sĩ” Sài gòn ngày xưa làm trước, copyright không phải của tác giả này. Cách làm là gán bản yêu sách cho cụ Phan chu Trinh và Phan văn Trường, với cái cớ là bác Hồ không đủ trình độ tiếng Pháp để viết, và để cho chắc chắn nữa, thì nói rằng Ái quốc là một hội cụ Phan lập ra ở Pháp. Vì thế Bác Hồ không những mạo danh viết mà còn mạo danh cả tên người. Vì cụ Phan chu Trinh không biết tiếng Pháp , cho nên bản yêu sách này được gán cho cụ Phan văn Trường. Cụ Trường là người có bằng luật ở Pháp. Như vậy việc cụ viết là hợp lý. Ở SG hồi trước, thì tất cả mọi sách báo bác viết đều được coi là mạo danh, từ quyển bản án chế độ thực dân Pháp (cũng được gán cho cụ Phan văn Trường), tới nhật ký trong tù (được coi là bác nhặt được của một người tù cùng phòng giam, và bác đã lấy tên người này, tức là ông tù vô danh này có tên là Hồ Chí Minh). Tất nhiên những điều này là bịa đặt vì không có bằng chứng. Tôi nói thế, để mọi người nếu đọc các tác phẩm nhân văn xã hội của Sài gòn trước, thì đừng có ôm lấy nó như là sự thực. Điều này không chỉ đúng với các chuyện viết về bác Hồ, mà hầu như tất cả phần khoa học xã hội của nó cũng vậy. Cho đến nay, những tác phẩm của Sài gon cũ tôi sưu tập, thì giá trị nhất có lẽ là về phật giáo, một ít nho giáo (Nguyễn Hiến Lê). Ngay cả viết về phương Tây cũng .. nguỵ tạo. Nếu ai muốn tìm hiểu triết học phương Tây, thì chịu khó học tiếng Pháp, Anh, hay Đức đọc nguyên bản, chứ đừng qua các ông Sài gòn cũ này. Điều dở hiện nay là ở VN in lại rất nhiều các tác phẩm thời miền Nam cũ, hay thuộc Pháp mà không có phê phán. Việc in lại này là đáng hoan nghênh, nhưng khi in lại, cũng nên chú thích một tí ở trang đầu tiên, nói là “đây là tác phẩm thời thuộc Pháp , phản ánh nhận thức của xã hội thực dân thời đó” (ví dụ thế, nếu không đủ trình độ phân biệt đúng sai, hay có thể làm được nhưng quá mất công và cầu kỳ, trả công cho người làm việc đó, in xong bán lại ..lõm). Các tác phẩm cũ này đáp ứng được thị hiếu người đọc muốn đa dạng kiến thức, với nhà in, nhà xuất bản đó là những tác phẩm không còn copyright, không phải trả bản quyền.. Hiện tại ở VN, “giấy nhiều, chữ ít”, khiến việc in lại này càng thịnh hành. Dù vậy, cũng không nên in nó mà không có cảnh báo, lại in như loại sách cổ điển “cảo thơm trước đèn” thì càng khiến người đọc lầm lẫn.
Trở lại việc Bác Hồ. Nếu căn cứ theo tài liệu thì không thể nói là bác Hồ không biết tiếng Pháp, vì hiện tại người ta vẫn giữ được một cái thư xin học của bác ở Pháp, vào năm 1911, và lá thư viết rất chuẩn, không thể bảo người viết không biết tiếng Pháp. Nhưng để chối sự thực hiển nhiên này, thì các loại “học giả khách quan” này lại đề ra một cách giải thích mới, đó là bác nhờ người viết. Dù không có chứng cớ nhờ ai. Nhưng việc không biết tiếng Pháp lại đòi vào trường Pháp học thì học thế nào, không khiến họ thấy điều này là mâu thuẫn. Trong quyển sách trên, tác giả Mỹ này cũng lặp lại điều này. Tất nhiên rồi, vì bà ấy muốn chứng minh Bác Hồ là một imposteur (tức là kẻ mạo danh). Theo như quyển sách thì bác Hồ không ở Pháp từ năm 1911, mà tiếp tục làm đầu bếp trên tầu thuỷ. Với chứng cớ là người ta còn có một cái bưu ảnh bác gửi từ Columbo (Xây lan) vào năm 1913. Bác làm trên tầu tới lúc sang Anh (trong thời gian đại chiến), học tiếng Anh, rồi sau đó mới sang Pháp. Như vậy bác chỉ ở Pháp sớm nhất là từ năm 1917 (hay muộn hơn). Và điều này có thể là bằng chứng chứng minh bác không thể là người viết cái bản yêu sách đòi độc lập nói trên. Như vậy cũng theo cuốn sách, ta có thể hiểu là bác biết tiếng Anh trước khi biết tiếng Pháp, trong khi bác làm đầu bếp trên một chiếc tầu Pháp từ năm 1911.
Hiệntại, người ta có thể thấy, như ở Paris, trong khu phố Tầu, có nhiều đầu bếp cho các quán châu Á không biết tiếng Pháp, và họ vẫn sống được ở Pháp. Nhưng có điều kiện ở đây là người đó phải sống với cộng đồng cùng tiếng nói với mình. Điều không đúng với bác Hồ. Ngược lại, trong trường hợp của bác, bác phải biết tiếng nhanh hơn, vì môi trường xung quanh của bác không phải là VN. Bản thân bác Hồ, trong các mẩu chuyện của mình cũng đề cập tới việc học tiếng Pháp và làm báo. Bác nói, để học tiếng Pháp mỗi ngày bác đặt “chỉ tiêu” học mười từ. Về việc làm báo bằng tiếng Pháp, bác cũng nói kinh nghiệm là đầu tiên viết những tin ngắn, nhờ các bạn Pháp sửa, rồi dần dần viết dài hơn. Bác Hồ bắt đầu viết báo (có chứng cớ) là tờ những người cùng khổ (le Paria) vào năm 1920. Như vậy kinh nghiệm học viết báo của bác có thể coi là vào thời kỳ này. Như vậy bác phải biết tiếng Pháp từ trước.
Tóm lại, dù bác sống ở Pháp trước khi chu du thiên hạ, hay bác chu du thiên hạ, rồi mới “hạ cánh” ở Pháp thực ra không ảnh hưởng tới việc học tiếng Pháp, vì dù bác làm việc trên tầu, đây là con tầu Pháp, người làm cùng là người Pháp, tiếng pháp là tiêng sinh hoạt hàng ngày, và tất nhiên có cả tiếng Anh, vì đây là con tầu đi biển quốc tế. Hai thứ tiếng này vẫn được bác sử dụng về sau.
(còn tiếp)
Phó Thường Nhân
Một điều thú vị nữa, là dù sách Vn hay quyển sử này, không ai có thể phủ nhận sự hoạt động xã hội chính trị của Bác trong thời gian 1920-1923, tức là đến lúc bác rời Pháp bí mật sang Liên Xô. Trong thời kỳ này bác làm báo, lập hội liên minh các dân tộc thuộc địa (Union intercoloniale) tức là không phải với người VN, cộng đồng VN, nên tất nhiên là dùng tiếng Pháp, tham gia vào đại hội thành lập đảng cộng sản Pháp (1920), và liên tục tham gia vào các đại hội I, II của đảng này vào năm 1921,1922. Đầu tiên Bác tham gia các hoạt động chính trị này như một người trong đảng xã hội Pháp, rồi sau đó như một thành viên sáng lập đảng cộng sản Pháp. Hiển nhiên với nhưng hoạt động “chủ yếu bằng ngôn ngữ” như thế này, mà lại nói bác không thạo tiếng Pháp thì thật mâu thuẫn. Nếu giả dụ bác là một nhà toán học chẳng hạn, thì điều này còn có lý. Nhưng người ta không thể tham gia các hoạt động chính trị tích cực như thế này, cần tranh luận, mà lại ..yếu tiếng. Hiện tại, những bản ghi chép tốc ký của các đại hội này còn đó, có ghi những lời tham luận của bác, có cả ảnh của bác ở đại hội Tua (Tours), cho nên muốn bóp méo, nói bác cần người phiên dịch cũng không thể nói được. Nếu năm 1920, mà bác đã thông thạo tiếng Pháp thế, thì không thể có chuyện 1 năm trước, 1919 bác nói tiếng Pháp ú ớ. Tại sao ? bất kỳ người nào đã từng phải học tiếng, và phải đi thi ngoại ngữ, thì dễ dàng nhận thấy một điều rằng, không thể học nó để đi thi như học toán, lý, hoá.. Với những môn này, người ta có thể “cầy” suốt đêm vào buổi tối hôm trước đi thi, để hôm sau có kiến thức, và có thể thi được. Nếu là thi ngoại ngữ, người ta không thể làm thế được, nói cách khác, học ngoại ngữ không thể “học gạo đột biến” để có một đống từ ngữ trong một thời gian ngắn mà giỏi được tiếng, nó là một sự thực hành và tiếp xúc liên tục thông qua đọc, nói, nghe. Bác Hồ không thể giỏi tiếng Pháp vào năm 1920, trong khi năm 1919 kém tiếng. Còn nếu chấp nhận điều này, thì không thể nói bác tới Pháp năm 1917, nên đến năm 1919 không thể biết tiếng Pháp thành thạo vì thời gian quá ngắn để học.
Với tôi, khả năng dễ chấp nhận nhất là bác đã bắt đầu học tiếng Pháp khi làm đầu bếp trên tầu thuỷ từ năm 1911. Cách học đầu tiên của bác là trực quan, thông qua làm việc (giống như những em bé người dân tộc ở Sa pa, vì bán đồ cho du khách mà nói và nghe tiếng Anh rất tốt). Cách học trực quan này chỉ cần bổ xung thêm từ ngữ (điều này chính Bác Hồ có nói), học ngữ pháp là ta có thể sử dụng ngoại ngữ giỏi. Học từ, ngữ pháp có thể tự học, vì nó chỉ là sự nhập tâm. Bây giờ, các phương pháp học ngoại ngữ hiện đại thực ra cũng thế, không hơn. Do xuất thân là trí thức, với bác việc học từ ngữ, ngữ pháp không phải là khó (khác với các em bán hàng rong kia). Không phải ngẫu nhiên mà hai ngôn ngữ bác thông thạo nhất là tiếng Pháp và Anh (có thể tiếng Trung nữa, còn viết chữ Nho thì là điều chắc chắn). Điều này được chứng tỏ qua các bản báo cáo của bác gửi cho quốc tế cộng sản. Báo cáo của bác hoặc là viết bằng tiếng Pháp (do bác là đảng viên đảng cộng sản Pháp, nên trực thuộc phân bộ này của Quốc tế cộng sản), hay viết bằng tiếng Anh. Không thấy nói bác viết tiếng Nga.
Tất nhiên người ta vẫn có thể nghi ngờ, người ta có thể nói,đọc nhưng không viết được. Vì thế hãy xét thêm một điều nữa, tôi lấy từ kinh nghiệm bản thân. Khi học ở nước ngoài, ngay cả khi học về khoa học tự nhiên, trong chương trình học vẫn có những môn “nhiều chữ, ít số” : communication, economie, ..vậy khi làm bài kiểm tra, phải làm thế nào ? “bí quyết” của tôi (thực ra thì ai cũng biết) đó là viết bằng cách gạch đầu dòng. Cách viết này bảo đảm đủ ý, chứng tỏ rằng mình có kiến thức, và như vậy có khả năng được điểm trung bình. Tất nhiên nếu có trình độ ngoại ngữ cao, thì phải phát triển, phân tích được ra các ý chính này, điều này mới là khó. Còn viết kiểu gạch đầu dòng này một người mới học tiếng, chưa vững cũng có thể làm được.
Nhìn vào cái bản yêu sách đòi độc lập cho VN mà bác viết năm 1919, trong thực tế, nó không hơn một dạng gạch đầu dòng tôi nói ở trên. Ở đây chỉ cần một số lượng tối thiểu của từ vựng liên quan, ngữ pháp tương đối đơn giản. Để viết được nó, điều quan trọng thực ra không phải là tiếng, mà là những ý tưởng định nói là gì. Những từ vựng ở đây thực ra cũng không nhiều, và nó chủ yếu liên quan tới chính trị , xã hội. Một người quan tâm tới các vấn đề này như bác, có thể nắm vững nó dễ dàng. Tóm lại, ngay cả khi ta chấp nhận trình độ tiếng của Bác vào thời điểm này (1919) không đẩy đủ như ngụ ý của quyển sách, thì cũng không thể nói được là bác không thể viết được.
Bây giờ ta hãy xét thêm vấn đề bác chỉ là “anh Kim Đồng làm liên lạc” , làm “người rơm” đứng tên hộ cụ Phan văn Trường, hay cụ Phan Chu Trinh mà lề trái vẫn rêu rao thì sẽ thấy vấn đề càng rõ thêm.
(còn tiếp)
NVT2002
Vậy bác Phó có thể chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Pháp từ bản thân bác xem thế nào? Bác mất bao nhiêu lâu để thành thạo? Và bác học Tiếng Anh trước hay là Pháp trước?
Phó Thường Nhân
@nvt,
Tôi không phải là người học ngoại ngữ giỏi. Học ngoại ngữ giỏi thực ra là một thiên tính trời cho. Trong đó khả năng ghi nhớ, trí nhớ rất quan trọng. Sau đó là khả năng nghe, phân biệt âm thanh, và cuối cùng là khả năng tái tạo lại âm thanh đó, khi mình nói ra, phát âm. Theo khoa học, thì khả năng tái tạo âm thanh, khả năng ghi nhớ âm thanh, đứa trẻ con nào cũng có, đến khoảng độ 7 tuổi. Bởi vì từ lúc đứa trẻ bắt đầu tập nói đến lúc nói sõi tiếng mẹ đẻ, thì ngay cả quy trình học nói tiếng mẹ đẻ cũng là .. học ngoại ngữ. Sau 7 tuổi, do đã nắm vững tiếng mẹ đẻ, người ta sẽ quen đi với một kiểu phát âm,một kiểu tư duy và từ đó khả năng học tiếng giảm đi. Người học ngoại ngữ giỏi, có thiên tính, chính là những người mà sau thời thơ ấu, vẫn giữ được những khả năng này. Vì thế nếu học ngoại ngữ lúc còn nhỏ, thì có khả năng nói ngoại ngữ như người bản địa nói thứ tiếng ấy, giống như một thứ tiếng mẹ đẻ thứ hai.
Trong khi học ngoại ngữ, bao giờ cũng có 3 phần : đọc, nói, nghe. Trong đó nghe và nói là khó nhất, vì nó cần phải nắm vững tiếng một cách chủ động. Còn đọc thì dễ hơn cả. Mọi người có thể cảm nhận điều này rất rõ ví dụ, nếu ai biết tiếng Anh đi xem phim tiếng Anh có tựa đề ..tiếng Anh. Họ sẽ thấy nhiều khi đọc hiểu ngay, trong khi nghe chỉ hiểu lõm bõm.
Như vậy học tiếng tốt nhất, chính là kiểu như bác Hồ và các em bé bán hàng rong ở Sa pa. Thực ra khi đi học một khoá tiếng cũng thế thôi. Đi học để mình quen với phát âm, và bắt buộc phải đối thoại. Nhưng như thế không đủ, mà sau phải học từ vựng và ngữ pháp. Cái này thì bắt buộc phải học, chứ không có cách nào khác.
Vì tôi thuộc loại học tiếng trung bình kém, lại không thích học cái gì mà nó không có nội dụng hấp dẫn mình, nên việc đầu tiên tôi làm, là sau khi lõm bõm đọc được, hiểu tí ngữ pháp sau 3 tháng học tiếng bình thường, thì đi tìm mua sách lịch sử văn hoá để đọc. Bởi đây là lĩnh vực tôi quan tâm như là hobby cái gì thích thì học dễ hơn, nhiều khi nội dung tôi đã biết, nên đọc nó vừa thích thú mà cũng học tiếng luôn. Một ngôn ngữ, từ vựng của nó rất rộng, từ chính trị kinh tế, tới khoa học, khoa học tự nhiên, tâm lý, y học, luật pháp .. trong trường hợp của tôi, thì tôi đọc được sách lịch sử, triết, trước rồi sau mới đọc được sách văn học, và cuối cùng khó nhất là .. đọc thơ. Cho đến nay, tôi có thể dịch thơ tiếng Pháp ra tiếng việt (tất nhiên là dịch dở), nhưng dịch ngược lại thì tôi chịu. Nguyên do là thơ không chỉ có nội dung, mà nó một phần quan trọng của nó là vần điệu, âm thanh, nhịp.. cái hay của nó là cảm nhận những điều này, nếu dịch chỉ là hiểu nội dung trần trụi thì không đủ.
Còn để nghe, thì tôi xem những phim truyền hình “lá cải” trước. Nhưng phim truyền hình lá cải kiểu này, từ vựng rất ít, nội dung không có gì. Chủ yếu nó chỉ là để lấp chỗ trống trên truyền hình. Sau khi xem nghe cái này rồi, thì nghe thời sự. Nghe thời sự có cái lợi, là họ phát âm chuẩn, và mình có thể nghe lại. bởi vì trong một ngày, họ phát lại nhiều lần. Mỗi lần mình nghe là một lần tua lại.
Tôi học tiếng Pháp trước, nhưng tiếng Anh cũng học liền sau đó. Bởi khi đi học, thì trong các môn học có cả môn tiếng Anh.
Cách học tiếng Anh của tôi cũng giống như học tiếng Pháp, chỉ có điều tiếng Pháp tôi mua sách, nghe truyền hình thì tiếng Anh tôi không thể làm thế được vì tôi có ở trong môi trường Anh đâu. Như vậy phải biến báo nó. Ở Pháp, nó có một tờ báo dùng để học tiếng, có tên là “Vocable”. Trong tờ báo có các bài họ trích từ các báo tiếng Anh ra, bán kèm một cái cát xét (cassette), và trong tờ báo có cả phần từ vựng. Bằng cách đó tôi học tiếng Anh, rất may là dân Pháp cũng không giỏi ngoại ngữ, nên chỉ một thời gian học kiểu này, tôi đã đuổi kịp được, để có được điểm trung bình, trong khi tiếng Pháp vẫn ..ú ớ. Chính xác hơn là cả hai tiếng ú ớ như nhau, nhưng cái này không ngăn cản cái kia. Tờ báo này hiện vẫn còn xuất bản. Nhưng hiện tại, với sự phát triển của Internet,mobile thì đọc trên mạng, nghe trên mạng.. thuận lợi hơn nhiều.
Theo nhận xét của tôi, thì bác Hồ là người có khả năng ngoại ngữ, bác lại học và nói ở trong lĩnh vực bác yêu thích, cống hiến cả đời cho nó, đó là lĩnh vực chính trị, thì chỉ có giỏi trở lên.
(còn tiếp)
Phó Thường Nhân
Như tôi đã nói ở trên, việc bác Hồ đưa ra yêu sách đòi độc lập lên hội nghị Véc Xay (Versaille) ở Pháp, được lề trái bịa đặt là không phải của bác, nhưng làm thế nào để giải thích việc bác là người đưa nó lên mà lại không phải là tác giả. Đây là sự kiện lịch sử có thật, được ghi lại, nên không thể bốc phét. Vì thế một điều nữa lại được bịa đặt tiếp, đó là bác Hồ “đưa hộ”. Vai trò của bác được hạ xuống, thành một dạng “anh Kim đồng làm liên lạc”. Vậy bác “đưa hộ” ai, họ nói bác đưa hộ ông Phan văn Trường và cụ Phan chu Trinh. Nếu cụ Phan văn Trường được coi là người viết tiếng Pháp (do bác không biết tiếng này), thì ý tưởng làm bản yêu cầu này lại được giao cho cụ Phan Chu Trinh, và để cho đầy đủ, họ còn gán cho cụ lập một nhóm có tên là Ái Quốc .
Điều đầu tiên đập vào mắt tôi là làm sao giải thích được việc đưa họ này, nó phải có lý do. Lý do đó chỉ có thể trong những điều sau:
1- Những tác giả thật muốn “ném đá dấu tay” vì một lý do nào đó.
2- Nhưng cũng có thể tư duy chính trị của họ không dẫn tới việc họ nghĩ tới làm việc này.
3- Họ muốn làm những không biết cách làm.
Hãy xét điều một. Hai cụ Phan không có điều gì phải sợ thực dân Pháp đến mức phải ném đá dấu tay cả. Ở chính quốc, hệ thống chính trị Pháp không giống như ở thuộc địa, càng không giống ở miền Trung VN, là nơi Pháp sử dụng Nam Triều đàn áp. Việc đứng ra đưa ra đòi hỏi độc lập ở một hội nghị quốc tế, nếu làm được còn gây ra tiếng vang, mà một người làm chính trị như cụ Phan chu Trinh không thể không biết. Cụ cũng đã từng viết điều trần tố cáo chế độ thuế khoá ở miền Trung, trong phong trào kháng thuế 1908 ở Quang Nam. Nhưng điều này không xa lạ gì với cụ. Dưới chế độ Nam Triều cụ còn dám làm, thì làm sao ở Pháp lại không dám. Vào thời điểm này (1919), Pháp cũng không tài trợ cho cụ nữa. Như vậy cụ không có lý do gì mà phải ném đá dấu tay cả.
Hãy xét điều hai. Nếu hai cụ Phan không sợ Pháp đến mức phải ném đá giấu tay, thì một điều có thể nữa là việc làm này, tức là đưa ra kiến nghị đòi độc lập cho VN không phải là ý tưởng chính trị của hai người. Điều này thực ra lại rất có cơ sở. Mọi người đều biết cụ Phan Chu Trinh muốn dựa vào thực dân Pháp để đánh Nam Triều. Nhà Nguyễn lúc này, trên giấy tờ của Pháp vẫn là một nước, chỉ bị “bảo hộ” thôi. Nếu cụ Phan chu Trinh muốn dựa vào Pháp, thì đòi độc lập làm gì, vì Pháp mang lại tiến bộ cho VN. Ý tưởng làm kiến nghị đòi độc lập vào thời điểm hội nghị Véc Xay cũng không phải là điều gì bí mật, mà các cụ có thể thấy các ví dụ qua theo dõi thời sự Pháp, do các nước Đông Âu trong đế quốc Áo – Hung vừa bại trận, hay các dân tộc ở vùng Ban Căng thuộc đế quốc Thổ đưa lên. Người Triều tiên cũng làm như vậy. Cụ Phan văn Trường thì lại học về luật, vào dân Tây, như vậy ý tưởng của cụ cũng là về “khuấy động dân trí”, chứ không phải là đòi độc lập, dù điều này có thể là “chân trời xa vắng” của cụ.
Như vậy sự việc bác Hồ đưa bản yêu sách đòi độc lập cho VN, thực ra rất khớp với ý tưởng chính trị của bác, và hoàn toàn không hợp với ý tưởng chính trị của hai cụ Phan. Cái ý tưởng ấy ra sao ?
Với bức thư của bác Hồ xin học ở Pháp lúc vừa mới tới châu Âu (và bị Pháp từ chối), ta có thể hiểu rằng, lúc bác rời VN ra đi (1911), ý thức chính trị của bác giống cụ Phan Chu Trinh, có thể hiểu bác là “đệ tử” của cụ cũng không sao. Đó là xuất dương để học văn minh Pháp, để chống Nam triều. Bác Hồ cũng như cụ Phan đều sống ở miền Trung, nơi mà Nam Triều cai trị trực tiếp, nên có thể trải nghiệm trực tiếp chế độ này, và vì thế có thể ảo tưởng về “văn minh” Pháp. Nhưng khác với cụ Phan, vẫn giữ nguyên ý tưởng ấy khi ở Pháp, bác Hồ, do thâm nhập vào hoạt động chính trị ở đây, cũng như tầm nhìn thế giới rộng lớn hơn khi đi chu du thiên hạ, nên bác đã thấy rằng điều này không thể làm được, không kể ở châu Âu hồi đó (là nơi cầm trịch chính trị thế giới) không ai biết VN là gì. Vì thế bác muốn sử dụng các cơ chế chính trị ở chính quốc để tố cáo, cũng như để thế giới (tức là châu Âu) biết tới VN. Điều này là điều cụ Phan chu Trinh và cụ Phan văn Trường không nghĩ tới. Hai người chỉ nghĩ tới việc học văn minh Pháp để “khai hoá VN” mà thôi. Ý tưởng của bác bây giờ được gọi là “lautspeaker policy” (chính trị cái loa), giống như VN đã làm khi dàn khoan Hải dương của TQ vào vùng biển Đà Nẵng năm 2014. Tức là tác động vào dư luận qua tuyên truyền thông tin rộng rãi để tố cáo. Và sau đó, thấy điều này cũng không đủ, thì bác đi xa hơn trở thành người cộng sản, do đọc luận cương thuộc địa của Lê Nin.
Điều thứ ba càng rõ ràng hơn. Trong ba người : bác Hồ , hai cụ Phan, chỉ có cụ là tham gia hoạt động chính trị tích cực nhất trong các hội đoàn của Pháp, chủ yếu là đảng xã hội. Chỉ có tham gia như thế, bác mới biết các ngóc ngách của nó, để có cách đưa kiến nghị ra. Chứ hai người kia không thể biết được.
Như vậy bản kiến nghị đòi độc lập cho Vn ở hội nghị Véc Xay vào năm 1919 ở Pháp, không những chỉ làm cho người ta biết tới Nguyễn Ái Quốc, mà còn là bằng chứng ý tưởng chính trị của bác Hồ. Có thể nói là sự chia tay của bác với cụ Phan văn Trường, Phan Chu Trinh.Còn ở Pháp, ngay cả về sau, không có người Việt nào thâm nhập hệ thống chính trị Pháp như bác (ngoại trừ được Pháp lôi ra làm tay sai, phong chức tước cho làm bù nhìn)
(còn tiếp)
NVT2002
Hiện nay, người ta quan tâm đến giai đoạn 1930-1940 trong cuộc đời của Bác Hồ. Theo cuốn sách thì Bác có mâu thuẫn nặng với các tổng bí thư của Đảng trong giai đoạn này. Về sau, khi các TBT hi sinh hết, thì Bác mới lại có cơ hội quay lại chính trường để đảm nhận vai trò lãnh đạo. Bác Phó thấy cuốn sách nói có đúng không? Và thật sự là giai đoạn 30-40 trong các tài liệu lịch sử chính thống ở VN rất ít nhắc tới, về hoạt động của Bác Hồ.
Phó Thường Nhân
Không, điều này không đúng. Thực ra đây chỉ là cách thức của lề trái tìm cách « nhận vơ » bác Hồ cho họ thôi. Như tôi đã nói ở trên đầu chủ đề này. Theo lô gíc đó thì họ tìm cách lấy « bác Hồ dân tộc » đối lại Chủ nghĩa xã hội, lấy bác Hồ đối lại Đảng. Đặc biệt là vì hiện nay, tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng của Đảng ở VN.
Trong quyển sách này, thì nó có cả hai ý. Vừa nói rằng Đảng không theo bác Hồ,ví dụ phát động phong trào Xô Viết Nghệ tĩnh (1930), hay Nam Kỳ khởi nghĩa (1940) đồng thời lại nói rằng bác Hồ vẫn biết nhưng « bất lực ». Như vậy là nó « dìm hàng » được cả hai bên. Vừa nói Đảng sai, vừa nói Bác Hồ chẳng làm được gì. Đây cũng chính là kết luận mà cuốn sách muốn. Vì tác giả đã đánh giá bác Hồ chỉ là người giỏi ngoại giao (diplomate) vì không thể phủ nhận tài thu phục người của bác, đồng thời chiếm công người khác (imposteur), điều tôi phân tích ở trên. Tất nhiên là hai điều này đều sai. Nhưng vì bà ta đã có công sưu tập tài liệu, mà ta thì không có điều kiện để làm, nên có thể sử dụng tài liệu của quyển sách bù trừ vào những điều mà bản thân trong sách tiếng Việt cũng có, đồng thời tìm hiểu cách thức hoạt động của Quốc Tế Cộng Sản, các giai đoạn của nó, thì câu chuyện sẽ rõ ràng hơn nhiều.
Về mâu thuẫn của bác và Đảng, thì thực ra chỉ có một điều ghi nhận được là có thực, đó là việc phê bình của tổng bí thư Hà Huy Tập với bác. Ngay trên báo VN, khi nói về một cuộc triển lãm về lịch sử Đảng, sau năm 1954, khi Bác Hồ còn sống, khi đến thăm triển lãm, bác có chỉ vào ảnh TBT Hà Huy Tập, nói « chú này ngày xưa phê bình bác dữ lắm ». Trong quyển sách cũng nói tới vấn đề này, và còn nói rõ hơn là buộc tội bác không phải là cộng sản, cũng như buộc tôi bác sơ hở để cho Lâm Đức Thụ, là mật thám của Pháp xâm nhập Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Cả quyển sách sử này, thực ra là dựa vào các báo cáo của Lâm Đức Thụ.
Quyển sách cũng nói tới TBT Trần Phú, mà theo như nó, thì cương lĩnh của Đảng được viết lại vào tháng 10 năm 1930, ngược lại cương lĩnh của Đảng được ghi nhận vào lúc thành lập Đảng (tháng 2), tức là có sự đóng góp của Bác, được bỏ đi. Điều này nói lên mâu thuẫn của Bác và TBT Trần Phú.
Với tôi, ngoại trừ việc quy trách nhiệm cho bác về vấn đề Lâm Đức Thụ (nhưng điều khác cũng là dạng fake news), và điều này có thể dẫn tới việc trong giai đoạn 30-40, bác chỉ dậy học ở Nga trong các trường đào tạo cách mạng, nhưng rõ ràng việc « thất sủng » của Bác do vấn đề này không phải là khủng khiếp. Điều này không hoàn toàn là do bác khôn khéo tránh được các « phi vụ đàn áp », mà còn có những yếu tố khác mà tôi sẽ nói sau. Theo như cuốn sách, thì bác tránh được nhờ vào một cán bộ quốc tế cộng sản « đỡ đầu » cho bác. Nhưng với tôi nó chỉ là suy đoán vu vơ. Bởi vì bản thân nhân vật này cũng không phải là một nhân vật cực kỳ quan trọng của Quốc tế cộng sản. Điều chủ yếu, bác không bị sao, vì bác hoàn toàn nằm ngoài cuộc đấu tranh chính trị-tư tưởng ở Liên Xô và trong Quốc tế Cộng sản lúc này. Cái này tìm hiểu lịch sử quốc tế cộng sản thì ta sẽ thấy, và cũng thấy luôn nội dung của cái gọi là bất đồng giữa bác và các TBT Đảng.
Như vậy tốt nhất là tìm hiểu lịch sử Quốc Tế Cộng sản, mà tôi sẽ nói ngắn gọn ở đây, chủ yếu để chỉ ra cái lô gíc của nó, cái lô gíc này dẫn tới những mâu thuẫn của nó, và từ đó dẫn tới sách lược chiến lược của nó, và cái chiến lược sách lược này ảnh hưởng tới các đảng CS (ví dụ trực tiếp VN) ra sao.
Quốc Tế cộng sản thành lập năm 1919, giải tán năm 1941. Sự ra đời của nó là hệ quả của những hi vọng của phong trào công nhân châu Âu, sau khi cách mạng tháng mười thành công. Theo cái lô gíc này, thì cách mạng tháng mười là bước mở đầu cho một cuộc cách mạng trên toàn châu Âu. Và vì châu Âu thống trị thế giới, nó sẽ thay đổi cả thế giới. Nhưng Lê Nin cũng đưa một điều mới vào, đó là việc phong trào công nhân thế giới phải giúp các dân tộc thuộc địa, bán thuộc địa giành độc lập, và đây là một bộ phận của cách mạng thế giới. Như vậy là quốc tế cộng sản có 3 cấu thành :
1- Nhà nước Xô Viết, Liên Xô
2- Phong trào công nhân châu Âu
3- Phong trào giải phóng dân tộc
Trong đó điều thứ 3 chỉ là điều phụ, vì với nhận thức giai cấp đơn thuần, người ta không thể nhận thức được rằng có thể có cách mạng XHCN ở các nước thuộc địa, và nếu phong trào cách mạng châu Âu bùng nổ như dự tính, thì cũng không có vấn đề thứ 3 này.
(còn tiếp)
Pages: [<<], [<], 2, 3, 4, [5], 6, 7, 8, [>], [>>]
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > CLB Văn Hoá - Lịch sử
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.