Trong chương trình thám hiểm không gian của Cơ Quan Quản Trị Không Gian Hoa Kỳ - tức NASA - chưa bao giờ có ai đem rượu bia theo các chuyến bay lên quỹ đạo. Nhưng nay một nghiên cứu sinh ở Đại học Colorado bên Mỹ đã tìm ra một lý do chính đáng để đưa Nàng Men lên chốn vô trọng lực. Lý do đó là gì, cô Kirsten Sterrett giải thích:
Sterrett: Ngay sau khi tốt nghiệp Đại học, tôi đi làm cho hãng bia Coors một thời gian trước khi tiếp tục cao học. Tôi vốn thích thú về quá trình dùng men để làm bia và ước ao có dịp thử nghiệm nó trong tình trạng vi trọng lực. Hồi còn học cử nhân, tôi đã từng nghiên cứu về sự phát triển của cây cỏ trong môi trường vi trọng lực, cho nên tôi nghĩ việc tìm hiểu về hiện tượngï lên men trong môi trường đó là chuyện tự nhiên.
Bảo Vũ: Hãng Coors có hổ trợ gì không cho dự án này?
S: Họ cung cấp cho tôi nhiều máy móc và một chất nền cho men bia. Còn men bia thì tôi phải dùng loại được bán cho công chúng vì Coors muốn giữ bí mật thương mãi của họ.
Bảo Vũ: Rồi men bia đó được đưa lên quỹ đạo bằng phi thuyền con thoi như thế nào?
S: Trước tiên, men bia phải được chứa trong những ống nghiệm đặc biệt để có thể được trộn trong tình trạng vi trọng lực. Các ống nghiệm đặc biệt này phải được thử nghiệm để bảo đảm an toàn cho phi thuyền con thoi, rồi tất cả đều phải được cất trong một dụng cụ xử lý sinh học do công ty BioServe Space Teachnologies cung cấp.
Bảo Vu: Men bia đó được bay trên quỹ đạo trong bao lâu ạ?
S: Tôi đã hai lần được theo phi thuyền con thoi lên quỹ đạo - lần đầu đi 7 ngày và lần thứ nhì đi 5 ngày. Tôi cho cơ hội để thực hiện cuộc thử nghiệm với men bia đó là một diễõm phúc.
Bảo Vũ: Các phi hành gia có năng nổ tình nguyện làm vật thử nghiệm cho cô để xem bia vi trọng lực có đáng đồng tiền bát gạo không ạ?
S: Họ đâu có dám. Nhưng họ đã quây video sự hình thành của bia không gian này. Anh có biết: trong tình trạng vi trọng lực, sự lên men có sinh bọt hẳn hoi - y hệt như trên Trái Đất.
Bảo Vũ: Giả dụ như các phi hành gia đã có thể uống bia đó, liệu họ có thể bị say trong tình trạng vô trọng lực hay không?
S: Ta nên biết là trong môi trường vi trọng lực, khoảng một lít máu trong cơ thể con người dồn về phía chân. Cho nên ta có thể xem phi hành gia là hơi bị chếnh choáng dù chưa bị Nàng Men áp đảo - tức là họ có thể say bí tỉ mà không cần phải uống rượu bia nhiều. Dù sao đi nữa, chẳng mấy ai thèm uống lượng bia mà tôi đã ‘nấu’ trên quỹ đạo - vì nó chỉ có 8 mililit mà thôi - tức là chưa đủ thấm chót lưỡi.
Bảo Vũ: Khi đem lượng bia đó về lại Trái Đất, cô đã thử nghiệm những gì?
S: Tôi làm một loạt các thử nghiệm cơ bản như đo tỷ trọng, thẩm định chất lượng sinh học của men bia còn lại - tức là xem bao nhiêu còn sống. Rồi tôi xem trong bia không gian có những chất đạm nào khác với bia Trái Đất hay không. Điều làm cho tôi ngạc nhiên là khi quá trình lên men kết thúc, tổng số tế bào men trong bia không gian thấp hơn so với bia Trái Đất. Tôi cứ nghĩ rằng trong tình trạng vi trọng lực và với nhiều chất nền, men bia sẽ sinh sản nhiều hơn.
Bảo Vũ: Như vậy trong trường kỳ, tác động của phát kiến đó là gì?
S: BioServe, công ty bảo trợ cho dự án của tôi đã thử nghiệm với quá trình lên men của các vi khuẩn như E. coli (icôlai) để chế tạo một số dược phẩm và họ thấy rằng trong tình trạng vi trọng lực, quá trình lên men đã gia tăng lượng dược chất. Cho nenâ họ sẽ tiếp tục cuộc nghiên cứu này vì họ cho đó là một kỹ thuật có thể sinh lợi rất nhiều về sau. Tuy nhiên, nếu ta khám phá được nguyên nhân cơ học làm gia tăng hiệu năng của quá trình lên men trong môi trường vi trọng lực, ta có thể xây dựng một môi trường có tác động tương tự trên Trái Đất vì phi thuyền con thoi là một phương tiện vô cùng tốn kém.
Bảo Vũ: Sau khi hoàn tất cuộc thử nghiệm về bia không gian, cô đã làm gì với mẫu bia đó?
S: Sau khi đã thẩm định không sót một tính chất nào, tôi nghĩ nếu vứt mẫu bia quý hóa này đi thì thật là phí phạm của Trời và có tội với nhân loại, cho nên tôi đành phải ngửa cổ mà nốc một hơi (both laughing). Thực tình mà nói, mùi vị nó chẳng ra gì . Mẫu bia không gian cuối cùng chỉ là 1 phần tư mililit - tức là khoảng 10 giọt. Lúc đó tôi quá lo lắng không biết nó có độc tính gì hay không nên miệng lưỡi đã chát hẳn đi - không nếm được cái gì cả. Dù sao thì tôi vẫn hãnh diện với danh hiệu là người đầu tiên được nếm bia không gian (giggling).
Bảo Vu: Xin cám ơn cô
Đó là nghiên cứu sinh Kirsten Sterrett thuộc Đại học Colorado xả thân vì đại nghĩa bia hơi.