Langven.com Forum

Full Version: Thế nào là thức ăn nóng và thức ăn mát?
Quán nước đầu làng Ven > Gặp Gỡ - Trao Đổi - Làm Quen > Sức Khỏe & Ẩm Thực
Milou
hế nào là thức ăn nóng và thức ăn mát?


Nên ăn uống một cách đa dạng, không kiêng khem.
Theo một quan điểm của Tây y, có thể hiểu thức ăn nóng là thực phẩm chứa nhiều năng lượng trong một đơn vị khối lượng nhất định. Chẳng hạn, dầu mỡ là thức ăn nóng vì 1 g đem lại những 9 calo; trong khi 1 g đường hay chất đạm chỉ mang lại 4 calo mà thôi.

Trong thức ăn còn có những thành phần rất quan trọng nhưng không đem lại chút năng lượng nào; đó là muối khoáng, vitamin và nước. Vậy theo quan điểm trên, rau hay trái cây tươi mọng nước là thức ăn mát vì ít calo; nhưng được phơi hay sấy khô thì chúng sẽ tăng năng lượng và hóa nóng. Ví dụ, chuối khô, nho khô... sẽ nóng hơn so với chuối hay nho tươi; thịt khô hay cá khô sẽ nóng hơn thịt hay cá tươi.

Một quan điểm khác cho rằng thức ăn mát là những thực phẩm đem lại ít năng lượng và nhiều nước, chất xơ, muối khoáng và vitamin. Việc một thức ăn được xem là nóng hay mát cũng chỉ có tính tương đối khi so sánh với những thực phẩm khác. Chẳng hạn, dưa hấu nóng hơn dưa chuột, nhưng lại mát hơn so với sầu riêng, mít, dứa...

Nhiều người cho rằng các loại thức ăn có tính nóng dễ gây mọc mụn. Tuy nhiên, điều này còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác như tình trạng hoóc môn của cơ thể), tính chất da. Những người đang dậy thì hoặc có hàm lượng hoóc môn trong máu gia tăng, da nhờn và có nhiều tuyến bã sẽ dễ mọc mụn hơn người khác khi ăn các thức ăn nóng.

Theo Đông y, khái niệm thức ăn nóng hay lạnh được hiểu theo nghĩa thức ăn đó có nhiều dương tính hay âm tính hơn. Thuyết dưỡng sinh Ohsawa xác định tính nóng, lạnh của các thức ăn có nguồn gốc thảo mộc theo 14 đặc điểm sau:

Đặc điểm.............. Thức ăn nóng (dương)...... Thức ăn lạnh (âm)
Miền sinh trưởng.......Thường là miền Nam.........Thường là miền Bắc
Mùa sinh trưởng....... Mùa nóng.................. Mùa lạnh
Hướng mọc............. Lên cao trên mặt đất.......Xuống thấp (bò trên đất)
Hướng lên trên mặt đất.Dọc, thẳng đứng........... Nằm ngang
Hướng mọc dưới đất ....Nằm ngang................. Nằm dọc
Nước ..................Nhiều .....................Ít
Thời gian nấu chín.....Nhanh .....................Chậm
Chiều cao............. Cao....................... Thấp
Biến đổi do nhiệt độ.. Mềm .......................Cứng lại
Màu sắc ...............Lục, xanh, trắng, lam, tím.Đỏ, da cam, nâu, vàng, đen
Tỷ lệ K/Na ............Trên 5 ....................Dưới 5
Vitamin C .............Nhiều .....................Ít
Bộ phận của cây....... Thân và lá................ Rễ, củ


Trong chế biến thức ăn, có thể điều hòa âm dương theo 2 hướng chính sau:

- Phối hợp những thức ăn mát với những thức ăn nóng: Ví dụ kho cá (sống dưới nước nên coi là âm hơn) với thịt (súc vật sống trên cạn nên coi là dương hơn); thịt hay cá (dương hơn) xào hoặc nấu canh với rau, củ (âm hơn).

- Trong một thức ăn, nên tận dụng hết mọi phần ăn được. Ví dụ, rau thì dùng cả thân, lá, rễ, hoa (Mướp dùng trái, hoa, lá non; khoai lang ăn cả củ lẫn lá vì phần lá bò ngang trên mặt đất thuộc dương, trong khi củ ăn sâu dưới đất được xem là âm...).

Còn nếu không am hiểu tường tận, tốt nhất nên dùng thức ăn đa dạng, mỗi thứ một tí, ắt sẽ tạo được sự cân đối giữa "nóng" và "mát" một cách tự nhiên.

BS Nguyễn Lân Đính, Sức Khỏe & Đời Sống
VNEXPRESS
--------------------------

Ngày xưa ông nội cứ bảo thức ăn hàn và nhiệt không được ăn chung vì chúng đánh nhau trong bụng! Chẳng hiểu cái gì hàn, cái gì nhiệt cả.
Hưng
Công nhận cái này cũng quan trọng cho sức khoẻ. Ngày xưa em sống cẩu thả do hoàn cảnh ( giờ hơn một tẹo thôi ) nên thấp bé còi cọc yếu đuối thế này. Tiếc thật. ;D
nxt.ptc
Bác Milou có bài này hay thiệt nhưng cho em hỏi chút : Hôm rồi em có ngồi nhậu với đứa bạn và nó thấy bàn chân em hơi đỏ nó phán ngay :" Mày tâm hoả, cần phải hạ hoả!!!" ( Xin lỗi bác Miou chút xíu nghen vì ở VN bạn bè ngồi với nhau không quá câu nệ nên không cần có bàn ghế gì đâu,cứ ngồi tự nhiên trên sàn nên nó thấy chân em ). Vậy bác có thể giúp em biết muốn hạ hoả thì cần ăn thế nào không ? Cám ơn bác nhiều!!!
Milou
Tôi nghĩ rằng bàn chân màu đỏ thì mạch máu chân chú tốt chứ có gì đâu mà lo? Chỉ có người già chân tái, tức là các mạch máu bị xơ cứng, tê chân, thì mới đáng sợ chứ . Nếu trường hợp chú ngồi co chân lâu không duỗi thì chân có thể đỏ hơn một tẹo vì máu hơi bị nghẽn ở các mạch lớn, thì thỉnh thoảng chú duỗi nó ra một tẹo là đủ .
Phó Thường Nhân
Hì, Hì ... Bác Hưng bây gìơ còi cọc là do hồi bé ăn thiếu chất đạm, chứ đâu phải vì ăn nóng ăn mát nhẩy. :P Nóng/Mát(Nhiệt/Hàn) là quan niệm Đông Á, suy từ âm dương, Ngũ hành ra. Chứ còn Phương Tây không có quan niệm ấy. Còn nếu tính theo hàm lượng năng lượng thì hoá ra tất cả các loại thịt cá đều là Nhiệt trong khi đó các loại rau quả đều là Hàn hay sao.? Trong khi đó trong thực tế Thịt Bò,Lợn,Gà được coi là nhiệt, Cá được coi là Hàn. Mít,ổi là Nhiệt, dưa hấu là Hàn. Vậy thì cái quy tắc Hàn Nhiệt kia nó như thế nào ?
Thực ra đó là một quy luật hoàn toàn theo cảm tính và gu. Lâu dần thành quan niệm. Rồi người ta quy kết vào hệ thống Ngũ Hành. Nói vòng vo về ngũ hành tí nhé.
Trong khoa học tự nhiên, trong quan sát thực nghiệm, con người ta có nhu cầu hệ thống hoá các dữ liệu thành hệ thống, để tiện theo dõi, phân tích. Ở Phương Tây truyền thống này có từ thời Hi lap, và người đầu tiên nâng nó lên thành lý thuyết là Aristote. Phương Tây thường chia theo các tiêu chỉ về số lượng(Quantité), mà không phân theo tính chất(Qualité). Họ dùng số lượng để chỉ chất lượng.
Một ví dụ nhỏ. Ai dùng máy tính, khi mua máy cũng để ý đến sự phân giải của màn hình. Nếu độ phân giải càng cao tức là số lượng dòng và cột của màn hình càng lớn, cộng với phổ mầu càng nhiều, thì màn hinh càng đẹp. Nhìn đỡ nhức mắt. Như vậy sỗ lượng càng cao, càng phức tạp thì theo đó chất lượng cũng tăng lên, số lượng được dùng để đánh giá chất lượng. Còn để phân tích, giải trình những tiêu chỉ số lượng kia, thì đó chính là nội dung của toán học.
Ở Phương Đông cụ thể là TQ, thì lại hoàn toàn ngược lại. Người ta lại tìm cách hệ thống hoá theo chất lượng, từ đó mà sinh ra cái anh Ngũ Hành, mà thực chất là quy kết chất lượng về 5 tính chất sơ khai: Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả,Thổ. Còn để phân tích nó thì người ta dùng quy luật Âm/Dương rồi Tương sinh(có thể coi như cộng hưởng),Tương Khắc (có thể coi như triệt tiêu) của 5 tính chất trên. Như vậy lô gíc của nó là lô gíc trực giác, dựa vào cảm giác mà không có tiêu chỉ ký thuật nào cả.
Không những thế bất cứ một dữ liệu nào (Thời gian: ngày,giờ,tháng, năm,Thiên văn: Trăng, Sao, Y học: Lục phủ, Ngũ tạng của con người;Hiện tượng xã hội: cưới xin ... ) cũng đều được quy về Ngũ Hành cả.Ví dụ: Tim thì được coi là hành Kim, Gan là hành Thổ (tôi lấy ví dụ tượng trưng, vì không nhớ chính xác tim có phải là kim, gan có phải là thổ không). Một khi đã hệ thống các dữ liệu vào Ngũ hành rồi, thì cứ mặc sức mà vận dụng (tuỳ tiện,vì không có quy luật nhất định) cái phép tương sinh/tương khắc, rồi âm dương kia mà suy đoán.
Như vậy thì đã rõ, cái cách phân chia ngũ hành kia, trong thực tế đã cản trở khoa học thực nghiêm, vì nó không thể chính xác được. Nó giam hãm anh TQ trong cái vòng mù loà, không cải tiến được công nghệ kỹ thuật, nên đã bị phương Tây đuổi vượt.
Nhưng nếu xét về ẩm thực, thì đó lại là một điều thú vị. Này nhé, cái gi đã quyết định anh Cá là âm, Thịt là dương. Mít là dương, dưa hấu là âm. đấy chính là cảm giác.Vô hình chung Âm dương/Ngũ Hành lại là cách hệ thống hoá các gu. Ở đây nó không cần độ chính xác, mà lại trở thành nghệ thuật. Cho nên ông của Bác milou nói đúng, vì ăn hai món đối chọi nhau thì mất gu, mất ngon. Còn nếu dùng nó để nói rằng sức khoẻ bác nxt.ptc có vấn đề thì nó lại trở thành ...một chuyên ngớ ngẩn ;D
Milou
Ngũ vị và sức khỏe


Rau cải được xếp vào nhóm thức ăn có vị ngọt.
Theo Đông y, vị chua có tác dụng làm săn da, chống ra mồ hôi, cầm tiêu chảy, bảo vệ niêm mạc... Y học hiện đại cho thấy, vị chua có tác dụng giải độc, sát trùng, tạo cảm giác ngon miệng, nâng cao hiệu suất hấp thụ canxi, photpho và các nguyên tố vi lượng trong thức ăn.

Tuy nhiên, việc ăn quá nhiều của chua sẽ làm rối loạn chức năng hệ tiêu hóa và khiến cho các bệnh viêm loét đường tiêu hóa càng thêm trầm trọng.

Theo Đông y, các vị ngọt, chua, đắng, cay và mặn là những đặc tính cơ bản nhất quyết định vai trò dinh dưỡng và tác dụng chữa bệnh thức ăn. Sau đây là ảnh hưởng của các vị còn lại đối với sức khỏe:

- Vị ngọt: Đông y cho rằng các loại thức ăn như gạo tẻ, gạo nếp, ngô, khoai, đỗ, lạc, thịt gà, thịt bò, thịt lợn, rau cải, rau muống... đều có vị ngọt. Thức ăn vị ngọt có tác dụng nuôi dưỡng cơ thể, điều hòa chức năng tiêu hóa và chống co thắt, giảm đau.

Nghiên cứu hiện đại cho thấy, vị ngọt có tác dụng cung cấp năng lượng, bổ máu, chống co thắt, giải độc, giúp đầu óc tỉnh táo và thêm minh mẫn. Tuy nhiên, việc ăn quá nhiều đồ ngọt có thể làm tăng đường huyết và cholesterol, gây béo phì, bệnh tim mạch và tạo nên tình trạng thiếu canxi, vitamin B1 trong cơ thể, thậm chí còn ảnh hưởng xấu đến thị lực.

- Vị đắng: Thức ăn có vị đắng như rau cần, rau diếp, gan lợn, trà, cà phê... có tác dụng thanh nhiệt, tả hỏa và táo thấp (làm khô). Nghiên cứu hiện đại cho thấy, thức ăn vị đắng có tác dụng kích thích tiêu hóa, kháng khuẩn, nâng cao sức chống bệnh của cơ thể... Tuy nhiên, việc sử dụng quá nhiều những thứ đắng có thể gây mất ngủ, chán ăn và suy giảm chức năng hệ tiêu hóa.

- Vị cay: Những thức ăn có vị cay như tía tô, kinh giới, ớt, hành tỏi... có tác dụng làm ấm, giải cảm, hành khí và hành huyết... Nghiên cứu hiện đại cho thấy, vị cay có tác dụng kích thích nhu động ruột và dạ dày, tăng tiết dịch tiêu hóa, bài trừ tích trệ, thúc đẩy tuần hoàn huyết dịch và quá trình trao đổi chất, sát trùng...

Tuy nhiên, việc ăn quá nhiều chất cay không những có thể gây tổn hại cho niêm mạc dạ dày mà còn tạo nên trạng thái mất cân bằng mà Đông y gọi là “Phế khí quá thịnh”, dẫn đến các chứng bệnh thuộc hệ tiêu hóa. Những người bị viêm loét dạ dày, đại tiện táo bón, trĩ, suy nhược thần kinh... đều không nên ăn nhiều chất cay.

- Vị mặn: Những thức ăn mặn có tác dụng làm mềm chất rắn, làm tan các khối tích như hạch, u, bướu... và thông đại tiện.

Sức Khỏe & Đời Sống
vn exp
Quán nước đầu làng Ven > Gặp Gỡ - Trao Đổi - Làm Quen > Sức Khỏe & Ẩm Thực
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.