Langven.com Forum

Full Version: Phải Chăng Quân Tây Sơn Có Bom ..na Pan
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > CLB Văn Hoá - Lịch sử
Phó Thường Nhân
Cách đây 1, 2 hôm đọc trên báo VN cái chuyện này cũng buồn cười, đó là việc báo mạng Vn nói về vũ khí « khủng » của quôc Tây sơn, nhân kỷ niệm hàng năm ngày mồng năm tết âm lịch chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa của vua Quang Trung.
Điều đáng chú ý là có giả thiết nói quân Tây sơn có vũ khí khủng kiểu tạc đạn với chất phốt pho trắng như kiểu bom Na pan của Mỹ, và cũng bởi vì có thứ vũ khí này mới « đánh nhanh thắng nhanh » được như thế. Số lượng quân nhà Thanh là 20 vạn, được nói lên tới 1 triệu, mà không hiểu cách tính toán ra làm sao.
Thú vị hơn nữa là có cả ý kiến của các quân nhân thật sự đã tham gia chống Mỹ cứu nước, theo báo nói là hàm thứ trưởng, để « bảo hộ » cho giả thiết giật gân này.
Đối với tôi, ngoại trừ có một dẫn chứng khảo cổ mới nào đáng tin cậy, ví dụ tìm được vũ khí của thời đó, và tìm thấy dấu vết của các thể loại phốt pho này, thì mới có thể nói được. Ngược lại thì nó chỉ là tin đồn nhảm, gây buzz để bán báo cho vui. Mua vui cũng được một vài trống canh, như thi hào Nguyễn Du đã viết vào cuối quyển truyện Kiều.
Một điều thú vị nữa là chỉ cần bằng các tài liệu lịch sử cũ đã được kiểm chứng, ta có thể giải thích chiến công rực rỡ này của vua Quang Trung một cách bình thường, không việc gì phải đưa ra những giả thiết giật gân cả.
Lý do đầu tiên mà ta có thể nói tới, đó là tính chất tinh nhuệ của quân Tây sơn và tinh thần của nó. Quân đội Tây sơn (Nguyễn Huệ) tránh nhầm nó với quân Tây sơn do hai anh em của ông chỉ huy, là một đội quân có kinh nghiệm chiến đấu cực kỳ phong phú. Nó đã tác chiến trên mọi địa hình, trong nhiều hoàn cảnh, với nhiều loại đối thủ : quân Trinh, quân Nguyễn, quân Xiêm, ..
Về tinh thần thì khỏi phải nói, nó là một đội quân cách mạng mà tinh thần của nó có thể so với quân Lam Sơn (thời Lê), hay quân đội nhân dân Vn lúc mới thành hình. Là một quân đội cách mạng, tổ chức của nó ít quan liêu hơn, ít cấp bậc, tướng sĩ đồng lòng, ..đây là những yếu tố mà quân Trịnh, Nguyễn, quân Thanh không có vì chúng được tổ chức theo hình thức quan liêu phong kiến.
Khi ra tới miền Bắc, trước khi mở mà cuộc chiến, vua Quang Trung có tổ chức tuyển quân ở Thanh-Nghệ, nhưng trong mọi trường hợp số lượng tân binh này không phải là đa số tuyệt đối, mà bộ máy chỉ huy vẫn là « hàng ngũ sĩ quan » (nói kiểu hiện đại) Tây sơn.
Cũng nên để ý, thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, đất Thanh- Nghệ là quê hương của chúa Trịnh, vì thế quân tinh nhuệ của chúa cũng được lấy ở đây (dẫn tới hiện tượng kiêu binh như trong Nho gia văn phái nói), nói cách khác đây là vùng đất có tính chất VÕ (so với Nam Hà, Nam Định được coi như đất VĂN, cũng nhu Bắc ninh là đất PHẬT). Tuyển quân ở đây thì đúng là « chuột xa chĩnh gạo ».
Đối diện với nó là quân Thanh. Đội quân này là một đội quân tân binh hoàn toàn, vì chúng chưa bao giờ chiến đấu. Như vậy quân Tây sơn hoàn toàn hiểu rõ quân Thanh, nhưng quân Thanh không biết gì về quân Tây sơn, từ vũ khí, cách chỉ huy, chiến thuật chiến lược. Không khác gì một thằng mù đánh một thằng có mắt sáng.
Có được câu chuyện kỳ lạ này là nhờ công của Ngô Thì Nhậm. Lúc quân Thanh xâm lược VN, thì quân Tây sơn do Ngô Văn Sở chỉ huy (ông này là một tướng giỏi) nhưng tham mưu là Ngô Thì Nhậm.
Chính Ngô Thì Nhậm đã bầy mưu cho Ngô Văn Sở rút về trấn giữ Tam điệp, mà không lên tiếp chiến quân Thanh ở vùng Lạng sơn, Cao Bằng. Chính vì thế quân Thanh vào Thăng Long mà không phải đánh đấm gì cả. Điều này càng khiến tính chất « tân binh » của quân nhà Thanh cao hơn, lại càng chủ quan khinh địch. Cho đến lúc bị quân Tây sơn đánh ở Ngọc hồi, Đống Đa, quân Thanh chưa tiếp chiến bao giờ, và lại tác chiến ở xu thế bị động, chủ quan.
Chuyện gì xẩy ra nếu quân Tây sơn đánh quân Thanh ngay từ đầu ở biên giới. Trong trường hợp này thì quân Thanh có khả năng luyện tập, khả năng tác chiến sẽ cao hơn, và yếu tố số lượng nổi trội là 20 vạn sẽ có tác dụng.
Còn tại sao quân Tây !sơn lại không tác chiến mà lui về giữ Tam Điệp cũng có lý do của nó, và hơn ai hết Ngô Thì Nhậm hiểu rõ tình trạng xã hội Đàng Ngoài để đưa ra kế sách này. Ở Đàng Ngoài, cho tới lúc vua Quang Trung ra Bắc lần đầu là một xã hội có chính quyền kép : vua Lê – chúa Trịnh. Mặc du vua Quang Trung lấy công chúa Ngọc Hân, đưa ra vấn đề phù Lê, ở Bắc Hà, lòng người hướng về Tây Sơn không nhiều. Nhưng nhận thức của xã hội vùng Thanh-Nghệ là đất của nhà chúa, khác với ở đồng bằng Bắc bộ. Vì thế khi nhà Thanh theo lời Lê Chiêu Thống « phù Lê » thì không thể « câu khách » được ở vùng đất vốn trung thành với chúa Trịnh. Chiêu bài phù Lê không « câu khách » được ở đây. Hơn nữa khi vào miền Bắc, là một đạo quân chiếm đóng, ngôn ngữ, tập quán, thái độ, cung cách cướp bóc .. sẽ khiến bộ mặt xâm lược của nhà Thanh lộ ra rõ ràng hơn. Không phải ngẫu nhiên mà trong lời thề của quân Tây sơn ở Thanh- Nghệ là « đánh cho nó để dài tóc, đánh để cho nó nhuộm răng đen, đánh để cho biết VN có chủ ». Phải vào thời thực dân Pháp, thì ở VN mới không nhuộm răng đen nữa, và theo như nhà văn Nguyễn công Hoan, thì điều này được thực hiện đầu tiên bởi các « me tây », tức là phụ nữ VN lấy chồng Pháp. Còn để dài tóc, thì vì nhà Thanh bắt dân TQ cạo đầu trọc, chỉ để cái bím tóc đằng sau. Đây vốn là tập tục của người Mãn Châu. Vì thế đầu thế kỷ XX, khi có cách mạng Tân Hợi ở TQ, lật đổ nhà Thanh, điều đầu tiên người TQ làm là cắt đi cái bím tóc này.
Một điều kỳ lạ nữa cũng khó giải thích, đó là tại sao từ vị thế « chủ động chiến lược », quân nhà Thanh lại dừng lại ở Thăng long mà không truy kích quân Tây sơn. Theo như sách sử cũ thì vì Tôn Sĩ Nghị chủ quan, nhưng rất có thể đội quân đông đảo này cần dừng lại để thu gom lương thực. Với một đội quân đông đảo như vậy, lại không có phương tiện cơ giới như hiện nay, thì số đông chưa chắc phải là lợi thế trong một cuộc chiến tốc độ, đánh nhanh, thắng nhanh.
Cũng chính vì thế mà khi Trần Hưng Đạo mất (từ thời nhà Trần), ông đã căn dặn, nếu giặc cứ tiến ầm ầm thì không sợ, nó tiến như tằm ăn rỗi thì mới đáng ngại. Tức là nó tiến tới đâu, củng cố tới đấy. Điều này phù hợp với khả năng tiếp ứng lương thực, vũ khí thời phong kiến.
Nhưng không chỉ có thế, mà quân Tây Sơn còn có lợi thế về chiến thuật chiến lược tấn công, cách tiến hành chiến tranh của vua Quang Trung rất hiện đại, và tốc độ di chuyển quân rất lớn so với thời bấy giờ. Bí quyết đó được coi là hành binh kiểu cáng võng (3 linh thay phiên nhau cáng nên không cần nghỉ). Hiện nay trong nghiên cứu sử học, người ta hay dùng phương thức thể nghiệm, tức là tìm cách lặp lại cách thức kỹ thuật vào thời điểm lịch sử để xác minh xem nó có khả thi hay không, nếu khả thi thì cần điều kiện gì, vì thế hi vọng là một lúc nào đó, VN cũng có thể tổ chức thử nghiệm hành quân kiểu này, thì sẽ rõ đâu là phần sự thật có thể, đâu là huyền thoại.
Một sai lầm nữa của quân Thanh, là đã đẩy tướng giỏi ra đóng ở vị trí xa, cô lập. Đây là trường hợp của viên tướng Sầm Nghi Đống đóng ở gò Đống Đa. Viên tướng này đã dám tự vẫn chết, quyết chiến, vì thế không phải quân Thanh không có tướng giỏi, nhưng họ lại không được dùng đúng lúc, đúng chỗ. Ngược lại về phía quân Tây Sơn, thì có cả một dàn tướng giỏi. Hiện tượng này ở VN chỉ có vào thời quân đội nhân dân VN chống Pháp, Mỹ, rồi khởi nghĩa Lam sơn chống nhà Minh. (tôi không để quân tướng Nhà Trần, nhà Lý vào đây, quân đội các thời này không có dạng quân đội cách mạng, khởi nghĩa nông dân, nên không so sánh với nhà Tây Sơn được).
Với việc đẩy tướng giỏi ra ngoài, ở vị thế cô lập, đã khiến quân Thanh ở tình trạng, « ngoài cứng, trong mềm ». Điều dở là cái phần cứng thì nhỏ, phần mềm thì to. Với cách tác chiến kiểu chúa Trịnh, chúa Nguyễn, thì chiến lược này phù hợp vì nó chậm chạp, nhưng nếu đối phương đã luồn lọt tác chiến nhiều hướng một lúc,trong ngoài lẫn lộn, thì khi vỡ trận không cứu được nhau.
Nội những điều này đã khiến quân Thanh thua, vì nó ở thế bị động chiến lược, bị bất ngờ, không biết đối phương. Như kiểu người mù cua gậy.Trong trường hợp này thì càng đông càng loạn, chứ không phải là lợi thế.
Nhưng không chỉ có thế. Trong cuộc chiến tranh này có cả yếu tố vũ khí ? cái yếu tố vũ khí ở đâu ??
(còn tiếp)
root
chuyện này bịa đặt lù lù ra, người có thần kinh bình thường là đủ biết. Việc điều chế được một lượng lớn phốt pho trắng trong điều kiện không có công nghiệp hóa chất là điều viễn tưởng. Bọn Vietnamnet là loại báo lá cải. Bác có thể tra từ khóa "nỏ thần" sẽ thấy chúng nó tung hô cái nỏ rởm rít của một ông tâm thần nào đó chế ra, rồi gán cho nỏ Thục Phán.

Nói chung tư tưởng chiến thắng nhờ vũ khí mạnh là kiểu của Mỹ. VN đánh nhau giỏi là vì nhờ chiến lược phù hợp với đất nước và con người VN, đơn giản là như vậy!
Phó Thường Nhân
@root,
Điều root nói ở trên là chuẩn không cần chỉnh, cái tin kiểu này là lá cải giật gân để bán báo, tạo buzz. Vì thế tôi mới nói nó là một dạng chuyện tiếu lâm. Nhưng nhân đấy, cũng lấy cớ ngày tết, « mồng năm thắng trận Đông Đa » để tán phét một chút về chiến thắng lịch sử này.
Cũng theo sử, vì viết gần ngay sau đó, nên độ chính xác sẽ cao hơn tin vũ khí bom na pan giật gân bây giờ, đó là trong quân đội Tây sơn có hỏa hổ, tạc đạn, và voi chiến. Hỏa hổ và tạc đạn thì không phải là phát minh gì mới, mà nó đã được nói tới trong sách « Hổ trướng khu cơ » của Đào Duy Từ, khi ông này vào đầu quân với chúa Nguyễn cách thời Tây sơn tới .. 200 năm. Vấn đề là các loại vũ khí này được dùng thế nào mà thôi, cũng như số lượng của nó.
Về mặt số lượng thì ta không thể biết được, vì nó là những thông tin kiểu trong một cơ (kiểu như một tiểu đội, hay trung đội), quân Tây sơn được trang bị bao nhiêu hỏa hổ, mỗi người lính có bao nhiêu tạc đạn. Chúng có được tổ chức thành các cơ đặc biệt hay không.
Nhưng có điều có thể chúng được dùng từ trên lưng voi. Hỏa hổ thực ra là một loại ống phóng, giống như nguyên tắc của bắn pháo hoa. Còn tạc đạn cũng như là ta ném quả pháo đùng ngày tết.Thuốc nổ chính là thuốc pháo của ta hiện tại. Nếu được dùng từ trên lưng voi, thì có nghĩa là hỏa lực được cơ động hơn nhiều. Còn tại sao tôi lại đặt giả thiết là được bắn từ voi, vì trong sử đều nói Quang Trung cưỡi voi vào thành áo bào xạm đen khói súng,nếu đây không chỉ là hình tượng văn học, mà là một thực tế, thì hỏa hổ, tạc đạn được bắn, ném từ lưng voi xuống. Khác với ngựa, lưng voi có thể chở đươc ít nhất hai người, vì thế khả năng nó được sử dụng như « xe tăng sinh vật sống » là có thể. Không phải chỉ có vua mới dùng voi, mà các tướng Tây sơn cũng cưỡi voi, chứ không cưỡi ngựa. Voi cũng là một vấn đề với quân Thanh, vì thế trong sử cũng nói, Tôn Sĩ Nghị mới bầy ra chiến thuật đó là dùng bộ binh lấy giáo đâm vào chân voi. Vấn đề là chiến thuật này không có thực tế để thể nghiệm, vì chỉ tới mồng năm tết, thì quân Thanh mới được giáp trận với quân Tây Sơn, lúc đó mới biết mặt mũi voi chiến Tây Sơn thế nào, mà lại giáp trận trong tư thế bị động chiến lược, hỗn loạn.
Hỏa hổ, hay tạc đạn được bắn, ném từ lưng voi xuống sẽ có tầm xa lớn hơn, khiến bộ binh đối phương không tiếp cận được tới voi, mà đã bị « sử lý trước ». Ngay cả khi độ chính xác của các loại hỏa lực này không lớn, thì việc tập hợp quân dạng « biển người », khiến vấn đề này trở nên không quan trọng, và tác đông tinh thần cũng như khả năng sát thương vẫn lớn.
Tôi là người hay tìm hiểu về vấn đề thực dân phương Tây xâm lược thế nào trên thế giới. Có một điều đập vào mắt tôi, đó là trong các cuộc chiến này, phương Tây có một lực lượng rất hạn chế về người, so với các nước bị xâm lược. Hỏa lực của phương Tây mạnh hơn đã bù đắp vào số lượng binh lính. Điều đặc biệt hơn nữa, sự chênh lệch về kỹ thuật trong hỏa lực cũng không lớn, nhưng có điều đặc biệt là hỏa lực phương Tây cơ động hơn. Ví dụ súng thần công của VN (lấy trường hợp này làm ví dụ) bị gắn vào một chỗ, không thể bằng khẩu pháo cơ động của Pháp, ngay cả khi nó được nạp đạn từ miệng.
Một đặc điểm của quân Tây sơn là cơ động, so với quân Thanh, điều này là lợi thế bù trừ rất lớn vào số lượng. Đặc biệt nếu hỏa lực có sự cơ động lớn, ví dụ được sử dụng từ lưng voi chiến, thì tác động của sự cơ động này càng lớn.
Như vậy chỉ với những tin có trong lịch sử bình thường người ta cũng có thể giải thích được chiến thắng lịch sử này mà không cần bịa đặt thêm mắm thêm muối vào sự kiện.
Cũng nên để ý rằng, hiệu ứng số đông của Nhà Thanh không phải không có tác dụng. Nó tác dụng là ở chỗ, Vn và TQ là hai nước láng giềng, nên không thể lấy đánh nhau mãi mãi làm cơ sở quan hệ. Vì thế mỗi lần chiến tranh xong VN đều chủ động hòa giải với TQ. Sau chiến thắng của vua Quang Trung cũng vậy, Ngô Thì Nhậm cũng như Nguyễn Trãi khi xưa, lại tìm cách đặt lại quan hệ ngoại giao, thương mại với nhà Thanh. Điều đặc biệt, người hưởng lợi về mặt lịch sử với chiến thắng này chính là .. nhà Nguyễn.
Sau khi đánh bại nhà Tây sơn, thống nhất đất nước, vua Gia Long đưa biểu đặt quan hệ ngoại giao với nhà Thanh. Do đã thất bại thảm hại với nhà Tây Sơn hơn chục năm trước, nên Thanh triều không dám có ý đồ gì lợi dụng việc nhà Nguyễn lên để kiếm chuyện can thiệp nữa, nhưng một trong những kiến trúc sư của chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa này là Ngô Thì Nhậm, thì lại bị nhà Nguyễn đánh gậy chết. Đây cũng là điều oái oăm của lịch sử. Với tôi, Nguyễn Trãi, Ngô Thì Nhậm là những nhà chiến lược có cơ mưu lớn, những nhà Nho đại tài.
Chiến thắng Ngọc Hồi- Đống Đa cũng tiếp nối truyền thống giữ nước của người Việt nam, ta kỷ niệm nó trong cái tư duy ấy, chứ không phải kỷ niệm nó như một sự chiến thắng với TQ. Thời kháng chiến chống Mỹ, kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống đa cũng được tổ chức trong không khí chiến đấu chống quân xâm lược Mỹ. Tương tự như vậy, khi kỷ niệm Điện Biên Phủ trên không 1972, Tổng tấn công nổi dậy 1968, Trận Điện Biên Phủ 1954, thì nó cũng không nhằm vào Pháp, Mỹ mà các thể loại xâm lược nói chung.

langtubachkhoa
Bác Phó
1) Rút quân về Tam Điệp là chủ trương của Ngô Văn Sở. Ông ta cũng là người chỉ huy việc này, không phải Ngô Thì Nhậm. Sau chiến tranh, tên tuổi của ông ta vang đến tận tai vua Gia Long, ông ta còn hỏi về vị tướng này. Ngô Thì Nhậm lo việc nội chính, ngoại giao, không lo về quân sự, chả qua mấy quyển viết chương hồi theo phong cách Tam Quốc cứ gán cho Ngô Thì Nhậm phong cách kiểu Khổng Minh thôi.

2) Việc dùng võng là truyền kỳ thôi bác. Nguyễn Huệ đi nhanh được là do đã biết trước được việc quân Thanh sẽ sang (thông qua mạng lưới mật báo hay nhiều nguồn) và ông ta đã bí mật bố trí các lực lượng, phân nhỏ ra ở những vị trí cần thiết rồi, đợi khi Nguyễn Huệ đến là tất cả cùng phối hợp thôi.
Trong quân đội của Nguyễn Huệ còn có nhiều đội quân thuộc dạng biệt kích bí mật do những tướng lĩnh không có tên tuổi cụ thể và không xuất hiện làm quan khi Nguyễn Huệ lập chính quyền, mà chỉ là dưới dạng những cái tên như Đô Đốc Tuyết, Đô Đốc Bảo, Đô Đốc Lộc, Đô Đốc Long (có tin đồn đô đốc Long tên thật là Đặng Tiến Đông), etc. Đây có thể là những tướng cướp biển hoặc những lực lượng vũ trang và buôn bản trên biển tự do được Nguyễn Huệ thu dụng (vì thế nên hay gọi là đô đốc).
Chính những đội quân này tham gia góp công rất lớn vào chiến dịch đánh quân Thanh trong đó đồn Khương Thượng đã bị đánh bởi đội quân do đô đốc Long chỉ huy. Quân Thanh đã bị đánh ngang hông bất ngờ và tan vỡ, khi rút lui còn bị quân của Đô Đốc Bảo cho 1 trận nữa

Tóm lại tài năng của quân Nguyễn Huệ là cấp chiến lược, chứ k phải chiến thuật.
Còn vũ khí hoả hổ, rồng lửa thì là của quân Tây Sơn từ lâu. Voi của Tây Sơn dùng làm nhiều việc chứ không trực tiếp tham chiến. Thời quân Nguyên xâm lược VN lần đầu, vua Trần Thái Tông dùng voi đã bị quân Nguyên dùng cung tên làm voi bị thương quay lại dày xéo chính quân mình, nên Tây Sơn dùng voi làm công cụ khác. Vai trò của voi giống với xe tăng, quân Tây Sơn đặt súng lên đó rồi bắn vào kẻ địch, khiến cho hoả lực của quân Tây Sơn vừa lớn vừa cơ động


PS:
Bổ sung thêm: đô đốc Long là người đánh đồng Khương Thượng của Sầm Nghi Đống, nhưng ai là đô đốc Long đến nay vẫn chưa tìm được, ngày càng nhiều người không tin đô đốc Long là Đặng Tiến Đông
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > CLB Văn Hoá - Lịch sử
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.